Theo tài khoản South China Sea News trên Twitter chuyên theo dõi tin tức Biển Đông, hôm nay 05/09/2019 lần đầu tiên các tàu hải cảnh Trung Quốc theo dõi được bằng tín hiệu AIS đều đã rời khỏi lô dầu 06.1 và bãi Tư Chính của Việt Nam. Trang này thận trọng cho biết cần phải quan sát tiếp.
Chụp màn hình Twitter của South China Sea News, ngày 05/09/2019(Capture d'image @SCS-News)
Cách đây hai ngày, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với bốn tàu hải cảnh hộ tống đã rời bãi Tư Chính đến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), nhưng tàu hải cảnh 46301 vẫn quanh quẩn gần lô 06.1. Đến sáng nay (theo giờ Việt Nam), tàu này đã rời đi, cũng hướng về Đá Chữ Thập, theo dữ liệu từ Marine Traffic.
Như vậy, với giả thiết tất cả các tàu Trung Quốc đều bật tín hiệu AIS để theo dõi, thì hôm nay không còn tàu hải cảnh nào ở bãi Tư Chính.
Các nhà quan sát đều thận trọng chưa thể khẳng định nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, vì trước đây chiếc tàu khảo sát đã từng rời đi ngày 7/9 và quay lại ngày 13/9, cho thấy việc đến Đá Chữ Thập có lẽ chỉ để tiếp tế nhiên liệu và lương thực.
Theo tài khoản Đại sự ký Biển Đông trên Facebook, các tàu cảnh sát biển Việt Nam hôm nay vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Ngoài hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 ở lô dầu 06.1 thì mới đây, Việt Nam cũng đã đặt chân đế giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng ở mỏ dầu Sao Vàng - Đại Nguyệt nằm sâu trong bờ biển Việt Nam.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm vào đầu năm 1988 sau khi dùng bốn tàu chiến chặn các tàu công binh của Việt Nam tiến vào, và hiện nay Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Về tàu cẩu khổng lồ Lam Kình (Lanjing) của Trung Quốc, một nguồn tin độc lập chưa được kiểm chứng cho biết hôm nay chiếc tàu này đã ra khỏi lãnh hải Việt Nam, hướng về Quảng Đông.
Thụy My
******************
Phát biểu lần đầu tiên tối 04/09/2019 về cuộc nói chuyện giữa ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tranh chấp Biển Đông nhân chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, tổng thống Philippines đã công khai thừa nhận rằng ông hoàn toàn không còn cách nào khác để ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ở giữa bên T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, 29/08/2019.@ How Hwee Young/Pool via Reuters
Trong một cuộc họp báo truyền hình, tổng thống Rodrigo Duterte đã nhắc lại rằng khi ông đề cập đến phán quyết trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói thẳng : "Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường".
Theo tường thuật của hãng tin Mỹ AP, khi được hỏi là ông sẽ làm gì tiếp theo, tổng thống Philippines đã bắt đầu bằng cách giải thích như sau : "Họ (Trung Quốc) đã tuyên bố rằng đó (Biển Đông) là của họ, và điều tệ hại là họ tuyên bố đó là quyền lịch sử của họ và họ đang nắm quyền kiểm soát trên tài sản của họ".
Và sau đó ông hỏi ngược lại các nhà báo : "Nếu muốn giúp đỡ bằng cách gợi ý, quý vị có gợi ý nào khác không ? Hoặc là có nghe nói hay không về một giải pháp lành mạnh nào mà không cần lao vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, nước đã nói rằng "Chúng tôi sẽ không nhúc nhích" ?
Từ lúc lên cầm quyền tại Philippines cho đến nay, ông Duterte đã bị một phần dư luận Philippines chỉ trích vì tạm gác việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài ở La Haye (Hà Lan) phủ nhận tính chất hợp pháp các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển.
Phán quyết quốc tế đó còn xác nhận quyền chủ quyền của Philippines trên một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, nơi mà kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí dưới đáy biển của Manila đã bị trì hoãn dưới áp lực của Bắc Kinh cho rằng các vùng này là của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế : Vì sao Việt Nam do dự ?
Ngọc Lễ, VOA, 04/09/2019
Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi phán quyết và phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc là những lý do Việt Nam nên cân nhắc kỹ nếu muốn đưa hành động Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra tòa quốc tế, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với VOA.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã kéo dài gần hai tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Hà Nội nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội chiến thắng Trung Quốc ở tòa án nếu chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng giống như Philippines đã làm hồi năm 2016 với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
'Không thực thi được'
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định rằng nếu như Việt Nam cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ Phụ lục 7 của UNCLOS thì Việt Nam ‘sẽ có chiến thắng vang dội’.
"Mỹ, Australia, Nhật toàn bộ sẽ ủng hộ phán quyết (cho Việt Nam thắng) nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tuân thủ", ông nói.
Theo ông phân tích, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu làm như Philippines là yêu cầu tòa phân định đâu là quyền của Việt Nam trên Biển Đông, họ có được quyền khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình không, và trưng ra bằng chứng là Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền này.
Ông nói những bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đang ‘đứng trên luật pháp quốc tế’ và rõ ràng là Bắc Kinh tự diễn giải luật quốc tế theo ý mình
Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là ‘không có cơ chế thực thi’.
"Nếu anh nhìn trên khắp khu vực, không có ai đề cập đến phán quyết này (kể cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Trong ASEAN, họ gọi đó là quá trình ngoại giao và pháp lý", ông cho biết.
"Ngay cả tuyên bố chung của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nói rằng cần tôn trọng tiến trình pháp lý nhưng lại không đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài sau ba năm họ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines", ông nói thêm.
Mặc dù một chiến thắng pháp lý như vậy sẽ ‘làm tổn thương uy tín của Trung Quốc’ và khiến cho Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật, Australia mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, nhưng vào thời điểm này ‘không có dấu hiệu gì cho thấy ít nhất những quốc gia này sẽ hỗ trợ bằng cách gây áp lực đủ đối với Trung Quốc để họ chấp nhận phán quyết’, theo ông Thayer.
Ông chỉ ra là bản thân của Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan.
"Do đó cần phải có câu trả lời đạo lý và câu trả lời thực tiễn", ông Thayer nói.
Trả lời câu hỏi Bắc Kinh sẽ trừng phạt Hà Nội như thế nào nếu Hà Nội kiện họ ra tòa, vị giáo sư này nói rằng ‘chắc chắn sẽ có hậu quả’.
"Việt Nam có thể giành chiến thắng về đạo lý nhưng Trung Quốc sẽ trừng phạt Việt Nam trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa trọng tài", ông nói.
"Liệu việc chiến thắng ở tòa có đáng để chịu cái giá mà Việt Nam phải trả hay không bởi gì sẽ không có gì thay đổi trên thực địa cả (do không có cơ chế thực thi) ?" ông đặt vấn đề. "Cho nên (các lãnh đạo Việt Nam) cần phải tính toán lợi ích quốc gia : chúng ta sẽ được gì nếu có hành động pháp lý, chiến thắng đạo lý hay chiến thắng chính trị nhưng với cái giá như thế nào ?"
Vào thời điểm này, ông Thayer cho biết cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là ‘kháng cự âm thầm’ trong khi ‘kiểm soát truyền thông’ và Việt Nam đã ‘tận dụng tất cả các kênh từ đảng, lãnh đạo và quân đội’ để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải rút đi.
Việt Nam có thể làm gì ?
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Việt Nam đang có trong tay những lựa chọn nào để đối phó với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng trước hết Việt Nam ‘phải tiếp tục phản đối Trung Quốc’ bởi vì nếu Việt Nam có đưa vụ việc ra tòa thì điều đầu tiên họ phải chứng minh với ban trọng tài là họ đã tìm mọi cách nói chuyện với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút đi trên thực địa nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hà Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông nói thêm.
"Hiện dự luật này đang gặp khó khăn được thông qua trong phạm vị hẹp của ủy ban đối ngoại cho nên các nhà ngoại giao (của các nước bị ảnh hưởng trên Biển Đông) cần phải trình bày trước ủy ban về những gì đang xảy ra ở vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam", ông giải thích.
"Và các phái đoàn của Việt Nam ở cấp đủ cao đến Mỹ cần phải gặp các thành viên của ủy ban đó để thông báo cho họ tình hình", ông nói thêm và cho rằng chuyến thăm dự kiến vào tháng 10 của Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘là cơ hội tốt’.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự ‘với mục đích huấn luyện’ ở những vùng biển mà Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hoạt động và tăng cường sự hiện diện, ông Thayer khuyến nghị.
Cuối cùng, Hà Nội nên tìm cách tận dụng truyền thông quốc tế để đưa tin về vụ việc Bãi Tư Chính như nước này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014, ông nói thêm.
"Việt Nam có thể đưa các phóng viên quốc tế lên tàu cảnh sát biển, lên máy bay để họ ghi hình lại những gì Trung Quốc đang làm theo thời gian thực cho thế giới thấy", ông nói. "Và những hoạt động này nên được duy trì liên tục để gây sức ép lên Trung Quốc".
Ông cũng đề xuất là Việt Nam nên phối hợp với Malaysia vốn mới đây cũng bị Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò trong vùng biển của họ.
"Malaysia luôn xử lý mọi việc (với Trung Quốc) rất, rất âm thầm… Chúng ta sẽ chờ xem liệu việc hãng Petronas bị Trung Quốc thách thức ngoài khơi bờ biển Surawak có dẫn đến mặt trận chung giữa Malaysia và Việt Nam mà nếu có sẽ trở thành một nhóm vận động hùng mạnh hơn để lôi kéo cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc", ông nói và nhắc đến chuyến công du Hà Nội mới đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Theo lời ông Thayer thì nếu Hà Nội quốc tế hóa vấn đề sẽ ‘đi ngược lại điều Trung Quốc muốn’.
"Trung Quốc muốn đẩy tất cả các nước bên ngoài ra để họ có thể tự mình đối phó với các nước Đông Nam Á,’ ông giải thích và cho rằng nếu Việt Nam có thể tập trận với các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Úc hết lần này đến lần khác thì Trung Quốc ‘sẽ thấy rằng con đường mà họ đang đi có tác dụng ngược’.
"Mỹ hay Úc không có lợi ích gì để làm tất cả mọi thứ giúp Việt Nam. Việt Nam trước hết phải đề ra là họ sẽ cho phép sự hiện diện quân sự nước ngoài tạm thời như thế nào để diễn tập quân sự và để đánh đi tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền", ông nói.
Ông Thayer cũng cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Mỹ là cơ hội đến hai nước ‘mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện’ để hướng đến nâng cấp lên thành ‘đối tác chiến lược’.
Ông nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho phép hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ cập cảng Việt Nam hàng năm và vấn đề này ‘đang được thảo luận’.
"Việt Nam rất cẩn trọng thăm dò xem Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào", ông nói.
Bên cạnh đó, theo Carl Thayer, uy tín của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng lên với việc Hà Nội phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay – tất cả những điều này đều quan trọng đối với Mỹ. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và sắp đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam ‘vẫn còn dè dặt trong việc nâng cấp hợp tác quân sự với Mỹ’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 04/09/2019
Viễn Đông, VOA, 04/09/2019
Một chuyên gia nghiên cứu về chiến lược nhận định rằng việc Trung Quốc đưa tàu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhiều tuần qua nhằm mục đích "bào mòn quyết tâm" của Hà Nội, trong bối cảnh xuất hiện tin nói rằng tàu được trang bị cần cẩu thuộc loại lớn nhất thế giới "hiện diện trong vùng lãnh hải của Việt Nam".
Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam "không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc".
"Bài học chính cho Việt Nam là phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ vì mục tiêu của Trung Quốc là bào mòn quyết tâm của Việt Nam thông qua việc gây áp lực từ nhiều hướng", ông Chellaney nói, khi được hỏi về điều Hà Nội có thể học được từ kinh nghiệm đương đầu với Bắc Kinh của chính quyền New Delhi.
Nhận định của chuyên gia Ấn Độ được đưa ra trong khi có tin nói hôm 3/9 rằng tàu được trang bị cần cẩu của Trung Quốc là Lam Kình xuất hiện trong vùng EEZ của Việt Nam, trong khi tàu thăm dò Hải Dương 8 đã rời khu vực gần Bãi Tư Chính và tới thả neo ở Đá Chữ Thập. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận, và VOA cũng không thể kiểm chứng độc lập các thông tin này.
Ông Chellaney cho rằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc "rốt cuộc sẽ buộc Việt Nam phải thay đổi ‘chính sách ba không’" một cách "từ từ và tinh tế". Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố "không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia".
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tháng trước đã cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, cam kết "tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không" cũng như "đối phó với các thách thức" trên Biển Đông. Còn phía Mỹ nói rằng Washington "phối hợp đa phương", nhất là với Việt Nam, trong khi đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã lên tiếng về vụ "đối đầu" giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc nhiều ngày qua, nói rằng New Delhi "kiên quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải và bay ngang" ở Biển Đông.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của Việt Nam trong các chiến lược ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, ông Chellaney nói rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và New Delhi "đang phát triển nhanh chóng".
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu từng xuất bản sách về sự trỗi dậy của Trung Quốc này nói rằng hai nước "cần thêm nội dung chiến lược" trong khi củng cố quan hệ song phương.
Ấn Độ năm 2016 từng có ý định trang bị tên lửa BrahMos cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, khiến Bắc Kinh phản ứng. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng từng lệnh cho công ty liên doanh với[VHN1] Nga, vốn sản xuất tên lửa tối tân này, tăng cường bán BrahMos sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Hindustan Times hôm 3/9 đưa tin rằng Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ có ý định xin gia hạn thêm hai năm thăm dò Lô 128 của Việt Nam ở Biển Đông. "Việt Nam muốn một công ty Ấn Độ để đương đầu với sự can thiệp của Trung Quốc ở các vùng lãnh hải tranh chấp", tờ báo nhận định.
Mới đây, một chuyên gia của Mỹ nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ "đối đầu" giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã "gây phức tạp" cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 04/09/2019
******************
Thường Sơn, VNTB, 04/09/2019
Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn mất dạng, toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.
Họa đồ di chuyển của Hải Dương 8
Chỉ trong vòng khoảng một tuần, nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam và chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic vào sáng sớm ngày 1/9.
Trước đó vào ngày 24/8, Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Phan Thiết của Việt Nam khoảng 185 km.
Vụ tàu Trung Quốc lấn dần từng chục hải lý như thế đã gián tiếp tiết lộ một sự thật bi thảm : trong suốt thời gian từ đầu tháng 6 năm 2019 khi tàu Trung Quốc bắt đầu xâm nhập bãi Tư Chính, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam đã đối phó tệ hại đến mức Trung Quốc hoàn toàn coi thường những hành động đối phó này.
Chiến thuật Việt Nam dùng một số tàu chiến và tàu hải cảnh bao vây tàu Trung Quốc, hoặc bám chặt tàu Trung Quốc đã tỏ ra vô ích và vô tích sự, bởi về số lượng thì tàu Trung Quốc luôn vượt gấp ít ra vài ba lần số tàu Việt Nam, còn việc bị bám đuôi thì Trung Quốc chẳng coi ra gì.
Cho tới nay, phía Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng nào, dù chỉ để cảnh cáo tàu Trung Quốc.
Vì sao lực lượng hải quân Việt Nam lại phủ phục đến thế ? Nếu nổ ra chiến tranh thật sự với Trung Quốc thì lực lượng này sẽ đánh chác ra sao ?
Nếu ai đó cho rằng hải quân Việt Nam còn đang ‘giấu mình’, vẫn nêu cao tinh thần yêu nước và sẽ ra đòn quyết địnbh vào một thời điểm thuận lợi, là thế nào để giải thích việc một đô đốc của quân chủng này - Nguyễn Văn Hiến - cách đây không lâu đã bị tống vào ‘lò’ của ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vì tội ‘ăn đất’ ?
Trung Quốc muốn ép Trọng ?
Việc tàu Hải Dương 8, vừa trở lại khu vực Bãi Tư Chính sau 5 ngày quay lại đảo Đá Chữ Thập để tiếp liệu, lại rời Bãi Tư Chính để ‘tham quan’ vùng biển gần Phan Thiết, xảy ra trong bối cảnh một tin tức đang ngày càng cận kề : sau một thời gian khá dài được Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương tận tình cứu chữa, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã gần như hồi phục khỏi cơn bạo bệnh và chuẩn bị cho chuyến thăm Washington - một chuyến đi đặc biệt quan trọng - không chỉ về danh thể của Nguyễn Phú Trọng mà còn do tính chất đối đầu đã tới lúc không thể khoan nhượng giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà theo đó Việt Nam đang rất cần đến lực lượng hải quân và không quân của Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông - để bảo vệ Việt Nam khai thác dầu khí nuôi đảng.
Chẳng khó để hình dung ra rằng Tập Cận Bình chẳng thích thú gì với chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, và muốn gây sức ép buộc Trọng phải hủy bỏ chuyến đi đó. Hoặc nếu không hủy bỏ thì buộc Nguyễn Phú Trọng phải đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ, như một biểu hiện ‘triều kiến’.
Thời điểm dự kiến cho chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đang lùi sang tháng 10 năm 2019.
Đã hầu như chắc chắn là sau giai đoạn đầu cho tàu Hải Dương 8 vào quấy phá tại Bãi Tư Chính, Trung Quốc sẽ còn ra những đòn mới và lắm chiêu trò hơn nhằm hành hạ tinh thần ảo não của giới chóp bu Việt Nam.
Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật nuốt từng hải lý biển Việt Nam. Có thể vào một ngày đẹp trời không lâu nữa, người dân và các lực lượng quân đội lẫn cảnh sát ở Phan Thiết hoặc ở một thành phố duyên hải nào đó của Việt Nam sẽ trố mắt trước những chiếc tàu giương cờ Trung Quốc lừng lững ngự ngay trước mắt họ ở vùng biển sát bờ.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 04/09/2019
*******************
Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về ‘vi phạm chủ quyền’ trên Biển Đông
VOA, 04/09/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/9 nói Việt Nam đã"đấu tranh bằng mọi biện pháp"để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động "bất hợp pháp" trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại một cuộc họp Chính phủ hôm 4/9, nói rằng Việt Nam đãđấu tranh bằng mọi biện pháp để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra thông tin trên trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 4/9, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam có phát ngôn liên quan đến tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói là vi phạm vùng biển của mình từ ngày 3/7.
Ông Phúc không nhắc tới Trung Quốc hay một sự việc cụ thể nào nhưng nói rằng : "Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta".
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã 3 lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc "vi phạm" quyền chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vài lần phản bác những cáo buộc của Hà Nội và cho rằng tài Hải Dương 8 của họ luôn hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam đã tìm kiếm sựủng hộ của quốc tế trong vụ Bãi Tư Chính khi Thủ tướng Phúc cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu lên "quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông" trong một cuộc họp báo chung sau khi gặp mặt nhau tại Hà Nội hôm 23/8.
Trước đó vài tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã"bày tỏ quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương 8 trong một cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1/8.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào lên tiếng trước công chúng về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai tháng qua trên Biển Đông.
Tại cuộc họp hôm 4/9, Thủ tướng Phúc còn được truyền thông trong nước trích lời nói rằng : "Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ".
Vào thời điểm này, theo Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA hồi tuần trước, cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là"kháng cựâm thầm" trong khi "kiểm soát truyền thông" và Việt Nam đã"tận dụng tất cả các kênh từĐảng, lãnh đạo và quân đội"để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc nhằm khiến Trung Quốc phải rút đi.
Các chuyên gia nước ngoài và người dân Việt Nam trong 2 tháng qua đã kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tếđể ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài như Philippines làm vàđã thắng tại vụ kiện ở tòa La Haye cách đây hơn 3 năm.
Thường Sơn, VNTB, 30/08/2019
Lần đầu tiên Mỹ biểu lộ quan điểm cứng rắn nhằm bảo vệ Tập đoàn dầu khí ExxonMobil - liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - để khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
"Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông" và Mỹ "mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ" - Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Bãi Tư Chính là vùng có trữ lượng dầu và khí đốt màu mỡ nhất Việt Nam, với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng - nơi được liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Nhưng những năm gần đây, Bắc Kinh đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã ‘liếm’ đến 67 lô dầu khí - một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông.
Cả hai Tập đoàn Repsol và Rosneft đều đã phải chịu sức ép lớn của Trung Quốc. Sau hai vụ Trung Quốc cho tàu vây bọc và đe dọa Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Tập đoàn Repsol đã phải ‘bỏ của chạy lấy người’, còn phía Việt Nam thì phải gánh số tiền bồi thường cho hoạt động thăm dò mà Repsol đã ứng trước, lên đến 300 - 400 triệu USD.
Tuy nhiên, số phận của ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh đã may mắn hơn nhiều so với Repsol và Rosneft.
Vì đơn giản ExxonMobil là một trong số ‘các công ty Mỹ’ mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra mặt bảo vệ.
Vào năm 2017, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Suýt chút nữa thì dự án này phải hoãn lại.
Nhưng sau đó, Mỹ đã ra tay. Một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ - Việt thống nhất cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 - như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không".
Vào ngày 20/8/2019, ông John Bolton viết trên Twitter : "Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại" và "Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó".
Những động thái công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.
Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối - mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần 60 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là là khoảng 20 tỷ USD. Mỏ dầu khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm trên bàn nghị sự Donald Trump - Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì.
Thường Sơn
*********************
Thụy My, RFI, 30/08/2019
Sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson.Ryan Martinson/Twitter
Pháp, Đức, Anh "kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực". Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh "nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước". Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS, và khuyến khích các bên sớm hoàn tất quá trình này.
Cũng trong ngày 29/08, Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trên vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Trả lời câu hỏi về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam từ tháng Bảy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar bày tỏ sự tin tưởng là những bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý và Ngoại giao, không dùng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Trên thực địa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục khảo sát tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có ít nhất hai tàu Việt Nam luôn theo sát chiếc tàu Trung Quốc.
Thụy My
******************
Ấn Độ lên tiếng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc lởn vởn gần các lô dầu ở Biển Đông
Khánh An, VOA, 30/08/2019
New Delhi chính thức phản ứng đối với sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nơi đang là địa điểm hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga.
Giàn khoan Hakuryu-5 hoạt động trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam hợp tác với các nước để khai thác dầu khí.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Ấn Độ vào ngày 29/8, người phát ngôn Raveesh Kumar nói "Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu", vì vậy nước này "kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", theo truyền thông Ấn Độ ngày 30/8.
Phản ứng chính thức của New Delhi diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phản đối hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông bằng hành động đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hải cảnh đi vào hoạt động trong khu vực gần Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ và tập đoàn Rosneft của Nga đang có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar.
Trước đó, một chuyên gia khẳng định với VOA rằng việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính diễn ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội dừng các dự án dầu khí mà Việt Nam đang hợp tác với các nước để khai thác trong khu vực này. Tuy nhiên, Hà Nội đã khước từ yêu cầu của Bắc Kinh và sau đó tiếp tục gia hạn hoạt động khoan của công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của Công ty Rosneft của Nga) tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính.
Cho đến nay, ngoài "lời cảm ơn" mà Tổng thống Putin gửi đến Giám đốc lô khai thác của công ty Rosneft Việt Nam vào ngày 18/7 (hai tuần sau khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính), phía Nga chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về những diễn tiến có liên quan đến hoạt động của tập đoàn dầu khí, mà phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, trên Biển Đông.
Hoạt động khoan giếng sản xuất ở mỏ Lan Đỏ của Rosneft Việt Nam bắt đầu kể từ tháng 5/2018 trong khuôn khổ chương trình phát triển Lô 06.1 trên thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực này có ba mỏ khí ngưng tụ là mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại. Ước tính dự trữ khí ban đầu trong các mỏ này vào khoảng 69 tỷ mét khối.
Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Raveesh cho rằng các bên nên giải quyết khác biệt một cách ôn hòa, tôn trọng các quy trình pháp lý và Ngoại giao và không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.
Theo truyền thông Ấn Độ, hai trong số các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị phát hiện lảng vảng gần lô dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ vào ngày 13/8. Đây là lần quay lại thứ 2 của tàu hải cảnh Trung Quốc trong khu vực, sau khi bắt đầu đến hoạt động trong khu vực vào ngày 3/7 và rời đi hôm 7/8.
Trong lần trở lại này, có 6 tàu hải cảnh, 10 tàu đánh cá, 2 tàu dịch vụ cùng với máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu đã được phát hiện trong khu vực.
Sự kiện tàu Hải Dương 8 hoạt động trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội liên tục lên tiếng phản đối nhiều lần và gửi công hàm chính thức tới Bắc Kinh.
Khánh An
Biển Đông : Việt Nam tìm ngoại lực để đối phó với Trung Quốc
Alexander Vuving, RFI, 27/09/201
Tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 07 đến nay, sau khoảng một tuần gián đoạn (07-13/08/2019. Ngày 24/08, tầu Hải Dương Địa Chất 8 còn ngang nhiên tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185 km.
Một vài người phản đối tầu khảo sát của Trung Quốc thâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 06/08/2019. Reuters/Kham
Sau thời gian đầu im lặng, Việt Nam phản đối ngày càng kịch liệt và huy động lực lượng hải cảnh bám sát hoạt động của đội tầu Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, Việt Nam tìm cách vận động công luận quốc tế thông qua những tuyên bố quan ngại tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa.
Trung Quốc có ý đồ gì khi đưa tàu khảo sát quay lại vùng biển Việt Nam ? Việt Nam có khả năng chống trả như thế nào ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Center for Security Studies, APCSS), Hawai.
RFI : Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hai lần thâm nhập khu vực bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hiện vẫn đang hoạt động trong khu vực này. Trung Quốc có ý đồ gì với sự kiện gây hấn mới nhất này ?
Alexander Vuving : Tôi nghĩ ý đồ lớn nhất của Trung Quốc là họ muốn tiếp tục hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" của họ ở Biển Đông. Yêu sách đó đương nhiên là bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ năm 2016. Nhưng Trung Quốc thấy rằng họ gần như muốn làm gì cũng được nên họ tiếp tục hiện thực hóa. Tôi nghĩ là những hành động vi phạm hiện nay của Trung Quốc cũng có ý đồ thiết lập một hiện thực mới ở khu vực Biển Đông. Điều này thể hiện cán cân sức mạnh nghiêng về Trung Quốc.
Thứ hai là họ cũng muốn gây áp lực để Việt Nam và các nước ASEAN phải chấp nhận lập trường của họ về bản Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Như chúng ta biết là Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn đang thương thảo về bản Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Và mới đây, năm 2018, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra đề nghị là phải ký kết bản quy tắc này trong vòng 3 năm tới, có nghĩa là đến năm 2021. Thời gian đó chính là thời gian mà Trung Quốc, có thể nói là "vừa đánh vừa đàm", đặc biệt là sẽ gây áp lực rất mạnh trên thực địa để buộc các nước chấp nhận lập trường của Trung Quốc.
Điều thứ ba mà theo tôi nghĩ, đó cũng là một hình thức Trung Quốc muốn gây áp lực với Việt Nam để Việt Nam lo ngại và không dám nâng cao mối quan hệ với Mỹ lên mức "đối tác chiến lược", hiện mới chỉ là "đối tác toàn diện". Có dự định là Việt Nam và Mỹ sẽ nâng quan hệ lên thành "đối tác chiến lược" khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ vào cuối năm nay (2019).
Những hành động này của Trung Quốc cũng có ý là làm cho lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại, suy nghĩ lại, xem là có nên tiếp tục như thế nữa không.
RFI : Trường hợp bãi Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm năm 2012 và trường hợp bãi Tư Chính hiện nay của Việt Nam có gì giống và khác nhau ? Philippines có Mỹ là đồng minh vào thời điểm đó, mà vẫn bị mất.
Alexander Vuving : Trường hợp mà hiện nay chúng ta gọi là "bãi Tư Chính", trên thực tế là không có gì xảy ra ở bãi Tư Chính cả. Hiện nay, cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra ở hai nơi : một là khu vực Block 06-01, nằm ở phía cao hơn Tư Chính rất là nhiều ; khu vực thứ hai là phía gần đảo Đá Tây của Việt Nam, nơi mà tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đang khảo sát, cũng không dính líu gì đến bãi Tư Chính. Chỉ có điều là ta cứ tạm gọi như thế. Trước hết, phải nói rõ như thế !
Còn khu vực mà mọi người hay gọi là bãi Tư Chính, trên thực tế là có rất nhiều bãi ngầm, trong đó bãi Tư Chính nằm ở phía cực nam, ngoài ra còn có nhiều bãi khác như Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, bãi Huyền Trân… Tất cả những bãi này đều nằm chìm dưới mặt biển, từ khoảng 6-7 mét cho đến hơn 20 mét.
Bãi này khác với Scarborough của Philippines có những mỏm đá nhoi lên và thậm chí là có những lúc có một hồ bên trong. Đối với bãi Scarborough, sự chiếm đoạt cũng tương đối dễ dàng hơn rất nhiều so với những bãi, gọi là bãi nhưng thực ra hoàn toàn chìm dưới biển. Nếu muốn chiếm những bãi đó, cũng rất là khó.
Trên thực tế hiện nay, Việt Nam đã xây dựng mười mấy nhà giàn ở khu vực như bãi Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân và về phía xa hơn là ngoài bãi Ba Kè. Bây giờ Trung Quốc muốn chiếm những khu vực này, có lẽ cũng phải mang cấu trúc tương tự như nhà giàn của Việt Nam đến và lắp đặt vào đấy. Những công việc này cũng không phải là đơn giản.
Điểm khác biệt thứ hai trong trường hợp Scarborough và "trường hợp tạm gọi làTư Chính", vấn đề chủ quyền Scarborough vẫn có sự tranh chấp. Đứng về phía trung lập của quốc tế, người ta không rõ ai có chủ quyền. Vào thời điểm năm 2012, chưa có phán quyết của Tòa Trọng Tài vào năm 2016 cho nên bên ngoài vẫn chưa rõ là khu vực này như thế nào.
Nhưng hiện nay, chúng ta đã có phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016, và vấn đề vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được xác định rất rõ ràng, bởi vì Tòa Trọng Tài nói rằng là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Từ đó suy ra là vùng biển hiện nay, nơi đang có đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà tạm gọi là bãi Tư Chính, là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Và về mặt luật pháp quốc tế, không thể gọi là vùng tranh chấp được.
Đối với những nước thứ ba bên ngoài trung lập, chấp nhận chiểu theo luật pháp quốc tế, họ sẽ phải thừa nhận rằng những vùng này là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc không có lý do gì để đòi hỏi chủ quyền bởi vì "đường lưỡi bò" - yêu sách của Trung Quốc - đã bị bác bỏ bởi Tòa Trọng Tài năm 2016.
Một điểm khác biệt nữa là Philippines có Mỹ là đồng minh, còn Việt Nam không có nước nào là đồng minh cả. Thế nhưng, thời điểm đó, tuy rằng Mỹ là đồng minh của Philippines nhưng chính quyền Obama lại quá ngây thơ về ý đồ và hành vi của Trung Quốc. Do đó, thay vì đứng về phía Philippines để bảo vệ đồng minh, họ lại đóng vai trò trung gian hòa giải. Điều đó dồn Philippines, là một nước nhỏ, vào thế yếu hơn nữa và cuối cùng dẫn đến việc Philippines bị mất bãi Scarborough vào tay Trung Quốc.
RFI : Vậy Việt Nam có nên tin vào hứa hẹn ủng hộ, giúp đỡ của Mỹ không ? Trong khi chính quyền tổng thống Trump hiện nay bắt đầu phàn nàn về nhập siêu trong lĩnh vực thương mại từ Việt Nam.
Alexander Vuving : Tôi nghĩ chính quyền Trump hiện nay không đến nỗi ngây thơ về những ý đồ và hành vi của Trung Quốc như chính quyền Obama. Họ đã lên tiếng, nói rõ rằng họ chống lại việc Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở vùng biển của mình. Và về vấn đề pháp lý, họ thấy rõ rằng vùng đó là thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
Chỉ có điều là Mỹ không có quan hệ đồng minh, cũng chẳng có quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ với Việt Nam, như đối với Philippines. Cho nên tôi không nghĩ là Mỹ có hứa hẹn ủng hộ gì Việt Nam hay không ngoài việc tuyên bố. Nhưng việc nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược" là việc lâu dài, không nên bị ảnh hưởng bởi chính quyền hiện nay là thế nào.
Bản thân Việt Nam cũng nhận thức được thực tế là họ phải cân bằng mối quan hệ với các nước khi mà họ đã có một mối quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc. Đương nhiên là họ phải có một mối quan hệ đối tác chiến lược khá toàn diện với Mỹ để cân bằng. Nhưng hiện nay, quan hệ với Mỹ lại bị đặt ở cấp thấp, chỉ là "quan hệ toàn diện". Rõ ràng là có độ vênh mà Việt Nam sẽ cần phải lấp vào.
RFI : Việt Nam có những tiềm lực gì về ngoại giao, quân sự để phản đối và đối phó những hoạt động trên, cũng như chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc ?
Alexander Vuving : Với những mối quan hệ ngoại giao và khả năng quân sự của Việt Nam hiện tại, thì hoàn toàn cán cân sức mạnh, kể cả ngoại giao lẫn quân sự, đều nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Lực lượng của Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể thực sự cản phá được những hoạt động của Trung Quốc. Việt Nam, kể cả về ngoại giao lẫn quân sự, đều thiếu khả năng răn đe Trung Quốc. Có thể nói thẳng là như vậy !
Cho nên những gì Việt Nam cố gắng làm ở Biển Đông chỉ là giữ những gì mình đang làm, chẳng hạn những giàn khoan dầu, đã khoan rồi thì tiếp tục giữ. Còn bây giờ, đặt thêm giàn khoan mới cũng không phải dễ dàng. Chúng ta đã biết trong hai năm vừa qua, 2017 và 2018, Việt Nam cũng muốn đưa một số giàn khoan ra để khoan thăm dò, cuối cùng là phải rút về, thậm chí là phải hủy. Lần này đưa ra thì tiếp tục giữ được, nhưng khi tầu Trung Quốc xuống và khảo sát cả một vùng biển lớn như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì Việt Nam cũng không ngăn chặn được.
Hy vọng là những sự kiện như này sẽ có tác dụng như những cú hích, giống thời kỳ giàn khoan năm 2014, để Việt Nam thực sự đầu tư, phát triển, tăng cường khả năng chống tiếp cận và cản phá sự lấn lướt của Trung Quốc trên thực địa, cũng như là mở rộng quan hệ ngoại giao.
Nhìn về vấn đề ngoại giao, thì thấy rằng tiềm năng là đủ để Việt Nam có thể cản phá được Trung Quốc vì các nước lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều có chung lợi ích chiến lược là không để cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Vấn đề là những tiềm năng này vẫn chưa được khai phá một cách tương ứng với áp lực và cách thức từ phía Trung Quốc.
RFI : Vậy phải chăng ưu tiên hiện nay là cần tập trung tố cáo Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế, qua đó mới lôi kéo được các nước, như giáo sư vừa nêu, tham gia tích cực hơn để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ?
Alexander Vuving : Vâng. Tôi nghĩ là trước mắt, Việt Nam vẫn chưa làm đủ mạnh bằng năm 2014. Năm 2014, Việt Nam đưa nhà báo quốc tế ra tận thực địa để quay phim, chụp ảnh, để đưa những bằng chứng về sự ăn hiếp của Trung Quốc ra quốc tế. Và chính điều đó, theo tôi, có tác dụng không nhỏ đến việc buộc Trung Quốc rút giàn khoan sau hai tháng rưỡi.
Bây giờ, rõ ràng là về mặt luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn sai, Việt Nam là đúng. Tại sao lại không đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi ? Tại sao không công bố những hành động của Trung Quốc ở ngoài biển để làm "mất mặt" Trung Quốc trên trường quốc tế ? Tôi thấy rằng những hành động hiện nay của Việt Nam chưa đủ để Trung Quốc buộc phải trả giá.
Chưa nói đến chuyện tăng cường mối quan hệ với những nước lớn (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ) có thể giúp được Việt Nam và gây áp lực đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề không thể giải quyết được ngay bây giờ, nhưng phải làm và đẩy mạnh lên để khi cần thì vận động được các nước đó có hành động giúp mình, chẳng hạn như một chương trình đưa tầu cảnh sát biển của một số nước vào giúp Việt Nam thực thi quyền chủ quyền của mình trong khu vực EEZ của Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đã có rất nhiều tiền lệ trên thế giới.
Nhưng để làm điều đó thì phải bắt đầu, vào một thời điểm nào đó, nhưng tôi chưa thấy Việt Nam bắt đầu những công việc như này. Có thể nói là tiềm năng thì có rất nhiều nhưng chưa được khai thác đầy đủ.
RFI : Vào đầu tháng 8/2019, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu bàn về hợp tác quốc phòng, hướng tới một thỏa thuận khung nhân chuyến thăm Hà Nội của lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Mogherini. Gần đây, hai tướng Không quân Mỹ sang thăm Việt Nam, ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam. Phải chăng Việt Nam công khai mở rộng hợp tác quân sự, mà mục tiêu trước mắt là đối phó với sức mạnh của Trung Quốc ?
Alexander Vuving : Thực ra Việt Nam đã đi nhiều bước để mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước, gồm cả Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Pháp từ nhiều năm nay. Việc này nằm trong sách lược mà Việt Nam gọi là "giữ nước từ xa", tức là một cách để cân bằng các mối đe dọa, đồng thời san sẻ rủi ro, tránh bị phụ thuộc vào một đối tác nhất định.
Chỉ có điều những bước đi đó vẫn còn rất rụt rè, những bước đi vẫn còn rất ngắn, chưa đủ để tạo những hợp tác sâu và mạnh đến mức độ có thể thực sự nâng cao được khả năng của Việt Nam, cũng như là tạo được sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 27/09/2019
******************
Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc), Washington DC. Getty Images/UIG/Hoberman Collection
Trong một thông cáo công bố dưới hình thức "phát hành lập tức", Lầu Năm Góc đã lên án việc "Trung Quốc leo thang áp bức nhắm vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông - China Escalates Coercion Against Vietnam’s Longstanding Oil and Gas Activity in the South China Sea".
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trước hết bày tỏ thái độ "cực kỳ quan ngại trước các nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", mà mới đây là việc nối tiếp "hành vi can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông".
Các hành vi này, theo Lầu Năm Góc, đã đi ngược lại cam kết của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6 vừa qua, khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ "theo đuổi con đường phát triển hòa bình".
Hành động của Trung Quốc, theo bản thông cáo, cũng trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, nơi mà "tất cả quốc gia lớn hay nhỏ đều có chủ quyền được bảo đảm, không bị bức hiếp và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được công nhận".
Lầu Năm Góc Mỹ cho rằng "Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các láng giềng và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì các "sách lược bắt nạt". Các hành động của Trung Quốc nhằm bức hiếp các nước ASEAN, bố trí hệ thống quân sự tấn công và áp đặt yêu sách hàng hải bất hợp pháp làm tăng những mối nghi ngờ nghiêm trọng về tính đáng tin cậy của Trung Quốc".
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh và đối tác trong việc bảo đảm tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Lời tố cáo Bắc Kinh bức hiếp Việt Nam được Lầu Năm Góc Mỹ đưa ra vào lúc chiếc tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8, được nhiều tàu Hải cảnh bảo vệ, đang thăm dò dầu khí sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, gần quần đảo Trường Sa.
Chỉ có Mỹ lên tiếng phản đối mạnh !
Ngoài Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, đòi Trung Quốc phải rút ngay tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, Hoa Kỳ là nước đả kích Trung Quốc mạnh nhất.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/08 đã nối tiếp theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/08, cũng đả kích việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho thấy rõ thái độ coi thường của Trung Quốc đối với luật lệ quốc tế.
Trung Quốc tố Mỹ thổi phồng tình hình
Sau khi Lầu Năm Góc Hoa Kỳ ra thông cáo lên án Trung Quốc, Bắc Kinh vào hôm nay 27/08/2019 đã lên tiếng tố cáo Mỹ là cố tình "thổi phồng với ác ý" tình hình Biển Đông và đưa ra những lời chỉ trích vô căn cứ.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cáo buộc Mỹ là đã nhiều lần "đưa ra những nhận xét thiếu suy nghĩ, những lời chỉ trích vô căn cứ chống lại Trung Quốc, bóp méo hoàn toàn thực tế và gây lầm lẫn giữa cái đúng và cái sai". Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ chấm dứt "kiểu thổi phồng có ác ý đó" và đóng vai trò tích cực và xây dựng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trọng Nghĩa
*******************
Trung Quốc phản bác Bộ Quốc phòng Mỹ bênh vực Việt Nam trên Biển Đông
VOA, 27/08/2019
Ngay sau khi Bộ Quốc phòng ở Washington phản đối Bắc Kinh uy hiếp hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc hôm 27/8 yêu cầu Mỹ "ngừng cường điệu hóa mang tính dã tâm" và cần "đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế".
Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó cáo buộc Bắc Kinh "uy hiếp" các hoạt động dầu khí của Việt Nam.
Trong một động thái hiếm hoi khi đưa ra thông cáo hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh dùng "các thủ đoạn bắt nạt" khi trở lại "can thiệp mang tính uy hiếp" nhắm vào các hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam, tạo ra tình trạng đối đầu giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam suốt gần 2 tháng qua.
Đề cập đến sự việc giữa Việt Nam và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng được Xinhua trích lời nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 27/8 rằng "đúng hay sai của sự việc này là khá rõ ràng".
Ông Cảnh nói rằng "Mỹ đã phát ngôn thiếu trách nhiệm hết lần này đến lần khác, coi thường sự thật và đổi trắng thay đen", theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó", người phát ngôn của Bắc Kinh nói.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hôm 13/8 quay trở lại hoạt động tại vùng biển mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế của họ sau khi rời khỏi đó gần 1 tuần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng đã vài lần đưa ra phản đối việc Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tút tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống "ra khỏi vùng biển Việt Nam".
Theo dữ liệu theo dõi tàu biển được Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8 hôm 23/8 đã mở rộng hoạt động tới một khu vực gần bờ biển Việt Nam sau khi Mỹ và Úc bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Trước đó, trong một lần trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên hôm 19/8 về thông tin tàu Hải Dương 8 quay trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Cảnh nói rằng "con tàu có liên quan của Trung Quốc đã luôn hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán" của nước họ.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 tố cáo hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, mà qua đó các nước lớn nhỏ được đảm bảo an toàn chủ quyền, không bị uy hiếp, và khuyến cáo Trung Quốc sẽ không đạt được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì các chiến thuật hiếp đáp.
Người phát ngôn của Bắc Kinh hôm 27/8 nói Trung Quốc "kiên quyết bảo vệ trật tự thế giới và tuân thủ luật pháp quốc tế, luôn thực thi các quyền hợp pháp của mình trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế" và yêu cầu Mỹ "đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực".
Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua đã vướng vào tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển có tiềm năng năng lượng và là một tuyến đường vận tải nhộn nhịp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền bằng một "đường chín đoạn" rộng lớn hình chữ U ở Biển Đông, chồng lên một phần lớn thềm lục địa Việt Nam nơi mà Việt Nam đã cấp phép khai thác dầu mỏ.
Nguồn : VOA, 27/08/2019
Tàu Trung Quốc vào gần bờ biển Việt Nam, cách Phan Thiết 185 km (VOA, 24/08/2019)
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc ngày thứ Bảy mở rộng hoạt động tới một khu vực gần bờ biển Việt Nam, theo dữ liệu theo dõi tàu biển, sau khi Mỹ và Úc bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh : China Geological Survey)
Tàu khảo sát này lần đầu tiên vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào đầu tháng trước, nơi nó bắt đầu một cuộc khảo sát địa chấn kéo dài nhiều tuần, gây ra đối đầu căng thẳng giữa các tàu quân sự và tàu hải cảnh từ Việt Nam và Trung Quốc.
Con tàu Trung Quốc tiếp tục tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày thứ Bảy và được hộ tống bởi ít nhất bốn tàu ở vị trí cách đảo Phú Quý ở đông nam Việt Nam khoảng 102 km và cách các bãi biển của thành phố Phan Thiết 185 km, Reuters đưa tin, dẫn ra dữ liệu từ Marine Traffic - một website chuyên theo dõi chuyển động của tàu biển.
Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc được theo sát bởi ít nhất hai tàu hải quân Việt Nam, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về diễn biến này.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm về việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn của bộ Lê Thị Thu Hằng gọi đó là "hành vi xâm phạm nghiêm trọng" và cho biết các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam "tiếp tục thực thi vào bảo vệ chủ quyền".
Vùng đặc quyền kinh tế của một nước thường mở rộng lên đến 200 hải lí (370 km) từ bờ biển của nước đó, theo một hiệp ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Nước đó có quyền chủ quyền khai thác bất kì tài nguyên thiên nhiên nào trong khu vực đó, theo thỏa thuận này.
Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua đã vướng vào tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển có tiềm năng năng lượng và là một tuyến đường vận tải nhộn nhịp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền bằng một "đường chín đoạn" rộng lớn hình chữ U ở Biển Đông, chồng lên một phần lớn thềm lục địa Việt Nam nơi mà Việt Nam đã cấp phép khai thác dầu mỏ.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó trong tuần này, Mỹ nói họ rất lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và việc điều động các tàu này là "một sự leo thang của Bắc Kinh trong những nỗ lực hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền ngừng phát triển tài nguyên ở Biển Nam Trung Hoa" (tên quốc tế của Biển Đông).
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Washington đang "gieo sự chia rẽ và có động cơ mờ ám".
"Mục đích là để gây hỗn loạn cho tình hình ở Biển Đông và làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này", ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Sáu.
Chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hôm nay, 24/08/2019, đã mở rộng hoạt động đến một khu vực gần bờ biển Việt Nam hơn, theo các dữ liệu của trang web Marine Traffic, chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu.
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS)
Theo hãng tin Reuters, các dữ liệu này cho thấy là tàu Hải Dương 8 hôm nay tiếp tục khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với sự hộ tống của ít nhất 4 tàu và hiện đang ở một địa điểm chỉ cách đảo Phú Quý (thuộc tỉnh Bình Thuận) 102 km và chỉ cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Cũng theo các dữ liệu của Marine Traffic, có ít nhất 2 tàu của Việt Nam đang bám sát tàu khảo sát của Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện chưa trả lời khi Reuters đề nghị cho biết phản ứng về hành động mới này của tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc, vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia được tính trong phạm vi 200 hải lý (370 km) từ bờ biển của quốc gia này. Như vậy là chiếc Hải Dương Địa Chất 8 đang tiến ngày càng sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu khảo sát Trung Quốc tiến gần hơn đến bờ biển Việt Nam ngay sau khi hôm qua, tại Hà Nội, hai thủ tướng Việt Nam và Úc vừa bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Phát biểu với các phóng viên hôm qua tại thủ đô Việt Nam, thủ tướng Úc Scott Morrison còn kêu gọi các quốc gia Châu Á đứng dậy bảo vệ "độc lập và chủ quyền" trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc Biển Đông.
Trước đó, hôm thứ năm 22/08, phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, xem việc Bắc Kinh đưa tàu khảo sát xâm nhập vùng biển Việt Nam là một hành động "leo thang".
Thanh Phương
Hôm 23/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, theo Reuters.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông ; nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc họp báo với người đồng cấp Úc ở Hà Nội.
Thủ tướng Úc Morrison nói rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế nên được duy trì trong khu vực.
"Các nguyên tắc đó là tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi cơ hội phát triển hiện có trong vùng biển của họ và quản lý việc kinh doanh theo cách mà luật pháp cho phép", Thủ tướng Australia nói.
Truyền thông Việt Nam hôm 23/8 trích thông cáo của Bộ Ngoại giao nói hai thủ tướng Việt Nam và Úc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa và bồi đắp các cấu trúc đang tranh chấp cũng như cản trở các dự án dầu khí.
"Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông", tuyên bố chung viết.
Vẫn tuyên bố chung có đoạn : "Hai nước sẽ mở rộng hợp tác an ninh song phương, bao gồm trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng, và phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm thông qua tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh biên giới và thực thi pháp luật".
Hãng tin ABC trích lời ông Morrison nói : "Úc và Việt Nam là bạn".
Theo Reuters, đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm hợp tác chiến lược.
TTXVN trích lời ông Morrison trước chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam, nói : "Việt Nam rất quan trọng đối với Australia. Chúng tôi bày tỏ sự cam kết đối với mối quan hệ quan trọng này và mong muốn phát huy hết tiềm năng của mối quan hệ này. Trọng tâm của tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Australia và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn tương tự nhau đối với khu vực và thế giới. Cả hai nước đều muốn có thương mại mở và tự do trên biển".
Trong diễn biến liên quan, hôm 22/8, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tình trạng này gây ngờ vực về những cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông, và về giải pháp ôn hòa cho các tranh chấp trên biển.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông.
Mỹ : Trung Quốc leo thang o ép hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông (VOA, 23/08/2019)
Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8. Bộ nói tnh trạng này gây ngờ vực về những cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông, và về giải pháp ôn hòa cho các tranh chấp trên biển.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Thông cáo của Bộ nêu rõ việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông.
Vẫn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong những tuần gần đây, Trung Quốc thực hiện một loạt các bước hung hăng can thiệp vào hoạt động kinh tế lâu nay của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhằm cưỡng ép các nước này bác bỏ cộng tác với các công ty dầu khí nước ngoài mà chỉ làm việc với các công ty quốc doanh Trung Quốc mà thôi.
Trong trường hợp Bãi Tư Chính, thông cáo nhấn mạnh, Trung Quốc đang áp lực Việt Nam về sự hợp tác giữa Hà Nội với một công ty năng lượng Nga và những đối tác quốc tế khác.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc phá hại hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế lên các quốc gia Đông Nam Á khi ngăn các nước này tiếp cận trữ lượng hydrocarbon chưa khai thác trị giá khoảng 2.500 tỉ đô la, và chứng tỏ rằng Trung Quốc bất chấp quyền của các quốc gia thực thi những hoạt động kinh tế trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của họ theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn vào năm 1996.
Thông cáo nói các công ty Mỹ đứng đầu trên thế giới trong việc thăm dò và khai thác các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông. Do đó Hoa Kỳ mạnh mẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc đe dọa hay cưỡng bách các quốc gia đối tác rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.
Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ cam kết đẩy mạnh an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đảm bảo việc sản xuất dầu khí cho thị trường toàn cầu không bị gián đoạn.
(Nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ)
Cứ mỗi năm ở Biển Đông, mỗi tháng ở Hoàng Sa và mỗi ngày ở bãi Tư Chính trôi qua, cơ hội của "đảng em" Việt Nam để kiện "đảng anh" Trung Quốc ra tòa án quốc tế lại càng thêm ít ỏi và khó thắng.
Một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông. (Hình : Getty Images)
Mưu tính nào sau cáo buộc Việt Nam ?
Sau ba lần lên tiếp xâm phạm bãi Tư Chính vào tháng Bảy 2017, tháng Ba 2018 và tháng Bảy 2019, rõ ràng là giới chóp bu Bắc Kinh có mối lo ngại về việc chính quyền Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về "đường lưỡi bò 9 đoạn" và vụ tàu Hải Dương 8, chứ không phải như một số tờ báo của Bắc Kinh luôn cho rằng Trung Quốc không hề sợ Việt Nam hay một quốc gia nào đó kiện cáo.
Vào cuối tháng Bảy 2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ tháng Năm", "Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam" và "Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc".
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã "trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam", một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với "thiên triều".
Cách thức tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là rất tương đồng với chiến thuật lấn dần từng bước vào Biển Đông và biến các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là những vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn mà Việt Nam đang tự khai thác hoặc liên doanh với những đối tác nước ngoài để khai thác, thành vùng "tranh chấp chủ quyền" giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong "đường lưỡi bò 9 đoạn", tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế "thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" vào năm 2019.
Tuyên bố về "chủ quyền bãi Tư Chính" của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho thấy một ý định quá đáng sợ của Bắc Kinh mà khiến "đảng em" Việt Nam mất ngủ : Trung Quốc chưa hề có ý định rút tàu khỏi khu vực bãi Tư Chính.
Thậm chí Trung Quốc còn có thể điều động thêm những tàu thăm dò địa chất và kể cả điều động một giàn khoan khồng lồ như cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014, vào khu vực bãi Tư Chính để khoan dầu, như một cách ăn cướp cực kỳ trắng trợn tài sản ngay trong nhà của người khác.
Việt Nam "thế nước đang lên…"
Vào năm 2014, Hải Dương 981 đã chỉ rút khỏi Biển Đông sau hơn 2 tháng ngự trị và đã "làm tình làm tội" giới chóp bu Việt Nam chưa đánh đã sợ đến mức "đái ra quần".
Nhưng đến năm 2019, quy mô chiến dịch gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông còn được đẩy lên một mức cao hơn so với vụ giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời với việc tung ra một số lượng lớn từ 35-80 tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu thương mại dân sự bên cạnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, Trung Quốc đang cấp tốc triển khai cấp tốc thiết lập một căn cứ quân sự hải quân lớn tại Campuchia, nằm sát lãnh thổ Việt Nam.
Những thông tin trên, tất nhiên không được cho biết bởi chế độ "chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động", mà từ giáo sư người Úc (Carlyle Alan Thayer) công bố trên trang Twitter của ông.
Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ có khoảng một chục tàu. "Thế nước đang lên" của Việt Nam – như bài ca tự sướng của giới tuyên giáo đảng – so với Trung Quốc là hoàn toàn chổng ngược…
Đã có thể khớp nối thông tin về căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Campuchia với một phát ngôn công khai gần đây của quan chức bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là Ngô Xuân Lịch về "chủ động đánh giá đúng tình hình biên giới Tây Nam". Theo đó, giới quân sự Việt Nam đang phải cấp tốc điều quân đội và khí tài quân sự nhằm đối phó với "mặt trận thứ hai" của Trung Quốc tại vùng biên giới Campuchia-Việt Nam.
Một dự luật về tình trạng tổng động viên cũng đang được Quốc hội Việt Nam gấp rút xem xét. Tiêu chí đầu tiên của hành động này là tình trạng chiến tranh và tình trạng nguy cấp về quốc phòng.
Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hồi tháng Ba, 2018. (Hình : Getty Images)
Nhưng vẫn là thói ươn hèn mãn tính ?
Vào năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 rốt cuộc chỉ là cú răn đe của Bắc Kinh đối với Bộ Chính Trị Việt Nam, nhằm mục đích tranh cướp các lô dầu khí ở Biển Đông.
Khi đó, Trung Quốc cũng cho nhiều tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu thương mại dân sự chạy vòng quanh giàn khoan Hải Dương 981, cùng xịt vòi rồng và đâm va ở mức độ nhẹ với tàu Việt Nam.
Khoảng hơn hai tháng sau, trong lúc giới chóp bu Việt Nam vẫn hoàn toàn bất lực về đối sách với Trung Quốc và cũng chẳng dám có hành động mạnh mẽ nào trước Trung Quốc, Bắc Kinh chợt tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước vì "đã hoàn thành nhiệm vụ".
Nhưng vụ bãi Tư Chính năm 2019 có vẻ không chỉ là dọa dẫm như năm 2014. Cho tới nay, tàu Hải Dương 8 và một số tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn "khiêu vũ" ngay trước mũi Bộ Chính Trị Việt Nam và trước một quân chủng hải quân có đến 6 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, nhưng giờ chẳng biết bỏ đâu (có ý kiến cho rằng chắc các tàu ngầm này còn phải lo chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn).
Tình trạng vuốt mặt không thèm nể mũi trên đã kéo dài hơn một tháng, nếu không muốn nói là đã hơn hai tháng kể từ khi Trung Quốc điều tàu gây hấn tại mỏ Lan Đỏ – dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga.
Cũng cho tới nay và rất tương đồng với tinh thần "hèn với giặc, ác với dân" của năm 2014 và tại nhiều thời điểm khác, chính quyền và giới quân sự Việt Nam vẫn "rúc mặt" mà không dám hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc. Vào lần này, kịch bản mà có lẽ được giới chóp bu Việt Nam kỳ vọng nhất là đành chấp nhận một phần hải phận cho tàu Trung Quốc khai triển và thực thi chiến thuật" vờn tàu", chờ cho đến khi "bạn vàng" phải tự động rút tàu, chủ yếu do gánh nặng chi phí.
Nhưng đó chỉ là tính toán chủ quan của những kẻ bất lực, trong khi chẳng có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ rút hết tàu sau 2 tháng, thậm chí sau 3 tháng ngự trị ở khu vực bãi Tư Chính.
Và thậm chí cho tới thời điểm này, Trung Quốc còn tạm thời giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế : Hội nghị các bộ trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019 đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Trong khi đó, Hoa Kỳ, đối trọng duy nhất của Trung Quốc trên thế giới, cũng là quốc gia đầu tiên và có lẽ duy nhất lên tiếng gián tiếp ủng hộ chính quyền Việt Nam phản đối Trung Quốc can thiệp vào bãi Tư Chính, đã trở nên dè dặt hẳn về những phát ngôn và hành động tiếp theo, sau khi chứng kiến giới chóp bu Việt Nam vẫn như bị vẹo xương sống trước "người đồng chí tốt".
Chưa có gì rõ ràng về triển vọng hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ, đang tiến hành tuần tiễu ở Biển Đông, sẽ can thiệp trực tiếp vào vụ bãi Tư Chính.
Nếu khả năng tàu Trung Quốc kéo dài vụ xâm nhập bãi Tư Chính xảy ra, mà xác suất của khả năng này đang được giới phân tích chính trị cho là ngày càng lớn, Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao ? Tiếp tục phát cờ cho ngư dân để "thuyền ra biển lớn" và làm rộ lên câu vè dân gian "Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động" ? Hay tiếp tục kêu gọi quốc tế mau chóng can thiệp ? Liệu Hải Quân Việt Nam có dám nổ súng nếu tàu Trung Quốc gây hấn ? Và nếu nổ súng, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chuẩn bị ra sao cho những kịch bản đen tối không thể tránh khỏi cho một cuộc xung đột quân sự ở quy mô nhỏ hoặc vừa, hay thậm chí là chiến tranh thực sự với Trung Quốc ?
Thói ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt lãnh thổ. Ngay cả lúc bị kẻ cướp xông vào nhà mà còn không dám kiện thì làm sao tránh khỏi thân phận Trần Ích Tắc !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 18/08/2019
Những đám mây đen tiếp tục đè nặng lên chân trời Biển Đông, do những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại các địa điểm khai thác dầu khí. Cùng với việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông gần đây, nhiều nhà quan sát đã phải thốt lên câu dự báo thời tiết vốn dành cho người đi biển : "Ráng đỏ vào lúc bình minh, cần cảnh giác !"
Ảnh minh họa : Một chiến đấu cơ F/A-18 chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan tại Biển Đông, ngày 30/09/2017. Reuters/Bobby Yip/File Photo
Tháng trước, trong hội nghị về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức, một số đại biểu đã gây chú ý khi nhấn mạnh vì sao cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, cần phải lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm khu vực khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia Bonnie Glaser, giám đốc chương trình China Power, tuyên bố : "Nếu không đáp trả đối với các vụ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), thì điều này chứng tỏ Bắc Kinh có thể vi phạm luật quốc tế mà không hề bị trừng phạt".
Nhà báo độc lập James Borton trên trang Geopoliticalmonitor.com nhận định, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS, làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye cách đây ba năm. Bắc Kinh còn xây lên các đảo nhân tạo với tốc độ điên cuồng, chưa nói đến việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa, ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá, liên tục hủy hoại sinh thái nơi các rạn san hô. Rõ ràng có một thực tế đau lòng : hồi kết của trò chơi này là Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát Biển Đông.
Trên bề mặt, các nhà hoạch định chính sách Mỹ chứng kiến một trận cuồng phong địa chính trị, giống như một cơn bão tố di chuyển rất nhanh, trải dài trên khắp Biển Đông. Các biện pháp ngoại giao mềm dẻo do Việt Nam và Trung Quốc cùng thực hiện hồi đầu năm, trong đó có việc tuần duyên của đôi bên cùng tuần tra chung trên Vịnh Bắc bộ, hay hai chiến hạm của Việt Nam tham gia một cuộc biểu dương lực lượng trên biển nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, nay đã bị lu mờ trước tham vọng của Bắc Kinh và yêu sách về nguồn lợi dầu khí ở Biển Đông, đi kèm với vũ lực.
Tác giả phàn nàn, trong khi Trung Quốc tiếp tục phản đối các hoạt động hợp pháp của Hải quân Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, thì Nhà Trắng lại có quan điểm ôn hòa trước các hành động quấy nhiễu của Bắc Kinh.
Bất kể có bao nhiêu ngư dân Việt Nam hay Philippines đã thiệt mạng trên biển khơi, do dân quân biển Trung Quốc tấn công vào những chiếc tàu đánh cá truyền thống của họ, Washington chừng như vẫn không quan tâm, một khi không đụng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thế nên đương nhiên là dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa Đông do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa) và Ben Cardin (Dân chủ) chủ trì, đã không được thông qua ở Ủy ban Đối ngoại và hiện nay vẫn còn nằm tại Thượng Viện. Dự luật lưỡng đảng này nhằm trừng phạt chế độ Bắc Kinh do những hành động phi pháp của họ, khi yêu sách chủ quyền ở vùng biển xa tắp so với đất liền của Trung Quốc.
Chắc chắn là Trung Quốc cần phải là một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực tranh chấp, nhưng Mỹ cũng thế. Một chiếc tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra cuộc đối đầu kéo dài cả tháng qua, đã rời đi vào ngày 7/8, nhưng nay lại tái xuất hiện trong vùng biển Việt Nam.
Lời đáp của Mỹ trên Biển Đông
Nhà báo James Borton đặt vấn đề, Biển Đông không phải là nhân tố trung tâm mang tính chiến lược trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung, mà xung đột nằm ở chỗ mất cân bằng thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nhưng còn liên minh quốc phòng với Philippines và việc hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa thì sao ?
Kori Schake, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, viết trên tạp chí Foreign Affairs : "Hoa Kỳ né tránh thách thức bằng cách đặt lại vấn đề quan hệ liên minh".
Về sự kiện tại bãi Tư Chính, cho dù không đứng về phía một quốc gia ven biển nào, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng : "Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc khai thác dầu khí trên biển đe dọa an ninh năng lượng của khu vực, làm phương hại đến thị trường năng lượng của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Việt Nam, một đối tác của Mỹ, cần nhắc nhở Washington là áp lực của Bắc Kinh đã khiến Hà Nội phải ngưng một dự án khí đốt hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay việc Trung Quốc hà hiếp Việt Nam và các nước đòi hỏi chủ quyền khác vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt.
Khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, có lẽ các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nghĩ đến việc thành lập một đội ngũ về chính sách khai thác đại dương cùng với ASEAN và Trung Quốc, để lập ra một khu vực chung (JDA) tại quần đảo Trường Sa nhằm khai thác tài nguyên.
Trong khi Hải quân Mỹ đưa chiến hạm tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP), chính quyền Trump vẫn duy trì sự trung lập trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ. Theo tác giả bài viết, Washington cần đóng vai trò giúp ổn định Biển Đông, do Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt độc quyền kiểm soát tại khu vực và xa hơn nữa. Một số thành viên của Ủy ban Đối ngoại nhìn nhận là nếu không hành động gì, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc thống trị về quân sự và chính trị trong khu vực.
Ông Anders Corr, thuộc Corr Analytics tin rằng tình hình hiện nay trên Biển Đông là cơ hội tuyệt vời cho Washington để bảo vệ nguyên tắc liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, kéo Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ hơn, từ chối cho Trung Quốc tiếp cận nguồn dầu khí.
Các mỏ dầu khí rất quan trọng đối với Việt Nam vì cung cấp đến 10% nhu cầu năng lượng, và Hà Nội nhận ra rằng nếu Rosneft rút lui, thì Exxon cũng có thể hành động tương tự đối với dự án Cá Voi Xanh.
Theo nhà sinh thái Garrett Hardin, khi các quốc gia khai thác nguồn lợi chung một cách thái quá khiến cung vượt cầu, làm cho một số hay tất cả những nước khác không còn có thể thụ hưởng nguồn lợi thiên nhiên này, thì đó sẽ là bi kịch. Kịch bản này có thể sắp diễn ra ở Bắc Cực, và đó là lý do vì sao Hoa Kỳ được thúc giục phê chuẩn UNCLOS càng sớm càng tốt, dù muộn còn hơn không.
Trước việc vùng Bắc Cực ngày càng được mở rộng cho phát triển kinh tế và quân sự, theo ông Joe Courtney, chủ tịch tiểu ban Hải lực và Lực lượng can thiệp trực, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ Viện, "Hoa Kỳ không còn nhiều thì giờ để mất, nếu muốn đề cập đến các thảo luận trong tương lai một cách danh chính ngôn thuận, trên cơ sở đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Trong lúc Nhà Trắng hiện nay còn vô số vấn đề phải giải quyết, đây là cơ hội để đào sâu mối quan hệ Mỹ-Trung. Thời gian qua chính quyền Trump có những tuyên bố rất cứng rắn, nhưng hành động thì lại không tương xứng. Các chuyên gia về chính trị chỉ trích Washington, cho rằng không nên loan báo các chính sách có ảnh hưởng đến uy tín, mà lại không sẵn sàng đảm bảo.
Tác giả James Borton kết luận, động thái khởi đầu tốt nhất là Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn UNCLOS, và thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông.
Thụy My
Nguồn : RFI, 16/08/2019
Một bài báo trên tạp chí Forbes hôm 7/8 cho rằng Việt Nam có một chiến lược "thông minh" để ngăn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông, khi hợp tác với Nga khai thác dầu khí trong Biển Đông, bởi vì Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh không thể làm phật lòng tại thời điểm này. Nhưng liệu Việt Nam có thể trông cậy vào Nga để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ?
Một nhà phân tích các vấn đề Việt Nam đồng ý rằng Hà Nội đã ‘đi đúng nước cờ’ khi chọn Nga, một cường quốc ‘nặng ký hơn’ làm đối tác khai thác dầu khí trong Biển Đông, nhưng ông cảnh giác Việt Nam phải hết sức thận trọng. Một nhà quan sát khác nói nếu đụng độ quân sự diễn ra ở bãi Tư Chính hay nơi nào khác trên Biển Đông thì không có gì bảo đảm là Nga, hoặc Mỹ, sẽ can thiệp để giúp Việt Nam và như vậy sẽ làm phật lòng Trung Quốc, nếu Việt Nam không có thái độ dứt khoát.
Hoài Hương phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy ở đại học Harvard, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, từng dạy học ở đại học Paris 7.
Theo bài báo trên tạp chí Forbes thì cho tới nay, Việt Nam đã tỏ ra can đảm khi cho triển khai các lực lượng của mình ra đối đầu với các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trước đó Hà Nội đã hối thúc để có được một thỏa thuận nhằm bất hợp hóa một số hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông kể cả xây đảo nhân tạo, phong tỏa sự đi lại của tàu bè các nước, triển khai vũ khí, phi đạn vv.., Việt Nam cũng vận động để đưa ra một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.
Hà Nội còn thách thức Trung Quốc bằng cách dò tìm dẩu khí trên Biển Đông trong khu vực gọi là "đường 9 đoạn" – dân thường gọi là đường lưỡi bò- mà Trung Quốc vẽ ra để giành chủ quyền các vùng biển có trữ lượng tài nguyên phong phú trong khu vực.
Bài báo viết rằng trong quá khứ, Việt Nam đã chọn những đối tác được cho là không mấy có trọng lượng, như Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC), và tập đoàn khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha. Cả hai tập đoàn này cuối cùng đã phải bỏ dự án khai thác dầu khí liên doanh với Việt Nam vì áp lực từ Bắc Kinh.
Tạp chí Forbes dẫn một tài liệu của nhà nghiên cứu Bennett Murray đăng trên tạp chí Foreign Policy, nhận định :
"Lần này, một đối tác đáng gờm hơn đã vào cuộc : đó là tập đoàn Rosneft mà cổ đông chính là chính phủ Nga".
Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, nói ông đồng ý với nhà nghiên cứu rằng Việt Nam nên chọn những đối tác nặng ký hơn, có khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình.
"Tôi thấy câu nói của ông (Murray) trong tạp chí Foreign Policy là đúng bởi vì Nga là một cường quốc đang có quyền lợi tại bãi Tư Chính, thì chính phủ Nga đời nào lại rút lui ? Thế nào Nga cũng phải bảo vệ quyền lợi dầu khí của họ ở Tư Chính, thế nào cũng nói những câu có lợi cho Việt Nam. Sau khi tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha phải rút lui vào năm 2017, 2018, tôi đã khuyên Việt Nam tại sao không giao du với những cường quốc có lực lượng hải quân bảo vệ được các giàn khoan của họ ? Tây Ban Nha làm sao bảo vệ được ? Thì phải chơi với những cường quốc ‘ngáo ộp’, tôi đã dùng chữ đó !"
Giáo sư Tạ Văn Tài nói tuy vậy Việt Nam phải cẩn thận bởi vì Nga cũng bang giao hữu nghị với Trung Quốc, và trong các điều kiện không bán được dầu sang các nước Tây Âu vì các nước này trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina nên phải bán dầu cho Trung Quốc, nước có nhu cần năng lượng cao.
Giáo sư Tạ Văn Tài :
"Muốn bán dầu cho Tàu cho nên Nga có thể có thái độ ôn hòa hơn tại vùng Tư Chính và ở Biển Đông. Phản đối ông Tàu đi quanh trên Biển Đông ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Nga sẽ không nói gì mấy đâu. Gần đây Nga cũng chẳng tuyên bố gì. Chỉ khi nào Tàu bắt đầu đục, khoen một điểm nào đó trong thềm lục địa Việt Nam gần bãi Tư Chính thì Việt Nam nên phản đối quyết liệt, lúc đó Nga vì quyền lợi, mới có thể nói mạnh hơn".
Theo Giáo sư Tạ Văn Tài thì Nga có thể tuyên bố Trung Quốc có quyền qua lại trên Biển Đông, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bởi vì đó là quyền tự do hàng hải được công nhận cho tất cả các nước, nhưng Nga sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc bắt đầu ‘đục khoét xuống thềm lục địa Việt Nam’, nơi mà Việt Nam và Nga đang hợp tác khai thác dầu khí.
Giáo sư Tạ Văn Tài nói Việt Nam không nên bỏ qua giải pháp kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế bởi vì theo lời ông, các cường quốc sẽ không muốn xen vào chuyện của nước khác, nếu chính nước đó không lên tiếng, hoặc không có hành động nào để tự cứu lấy mình.
Ông nói : "Khi Việt Nam lên tiếng phản đối, cầu cứu các cường quốc, và nếu an ninh quốc tế bị đe dọa, thì cầu cứu Hội đồng Bảo an, thì các cường quốc mới lên tiếng mạnh mẽ được".
Tuy nhiên nếu chọn giải pháp kiện Trung Quốc, Việt Nam "phải kiện sao cho đúng cách", Giáo sư Tạ Văn Tài :
"Phải kiện dúng lúc khi họ bắt đầu ngăn cản hoạt động khai thác của liên doanh của Việt Nam với Nga tại khu Tư Chính hay là khi họ bắt đầu khoan trong thềm lục địa Việt Nam thì phải nộp đơn kiện liền. Phải chuẩn bị hồ sơ ngay bây giờ".
Bài báo trên tạp chí Forbes nói sự hiện diện của Nga tại Biển Đông có thể giúp Việt Nam xoay chuyển tình thế, dựa trên lập luận là Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu đối đầu với hải quân Nga, trong khi nước này sẵn sàng bảo vệ các quyền lợi của Moscow trong khu vực. Và như vậy, Trung Quốc buộc lòng phải kiềm hãm bớt các cao vọng trên Biển Đông để có thể duy trì hòa bình khu vực.
Từ Paris, Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, từng giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận định về các lợi ích của Nga ở Châu Á :
"Đây là một khu vực chiến lược mà Nga không thể vắng mặt. Việt Nam chỉ là một lý cớ để sự hiện diện của Nga cụ thể hơn qua hình thức là liên doanh, giúp Việt Nam khai thác dầu hỏa ở khu vực Bãi Tư Chính hoặc quanh các lô dầu khí thuộc chủ quyền của Việt Nam".
Theo Tiến sĩ Huy thì Trung Quốc sẽ tránh, không đụng độ với Nga, nhưng ngược lại, nếu xảy ra đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Nga, theo ông, sẽ chỉ đóng vai trò trung gian :
"Nếu xảy ra đụng độ quân sự thật sự thì Nga sẽ không giúp gì Việt Nam đâu. Nga chỉ khuyên can và làm sao để hai bên bớt căng thẳng. Thành ra bây giờ tranh chấp ở bãi Tư Chính chỉ là vấn đề của người Việt Nam, nếu người Việt Nam quyết tâm thì Trung Quốc sẽ dừng lại".
Giáo sư Nguyễn Văn Huy nói muốn các cường quốc can thiệp, dù là Nga hay Mỹ, Việt Nam phải có lập trường rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.
"Nếu Việt Nam cứ đi dây, hàng hai hàng ba, thì người ta không biết thái độ của Việt Nam thế nào, nhất là Nga với Mỹ hiện nay cần Việt Nam phải có một thái độ dứt khoát. Tôi nghĩ cái thế cò cưa trong vụ tranh chấp ở bãi Tư Chính sẽ còn kéo dài. Sự can thiệp của Nga hoặc Mỹ vào Biển Đông để giúp Việt Nam chỉ là một ảo tưởng của những người ngoài đảng cộng sản mà thôi. Không một nước nào có thể giúp Việt Nam, nếu Việt Nam không có một thái độ rõ ràng".
Trung Quốc lại sẽ tập trận tại Biển Đông (RFA, 14/08/2019)
Cục Hải sự Trung Quốc vào ngày 12 tháng 8 ra thông báo việc quân đội Hoa Lục tiến hành hoạt động ‘huấn luyện quân sự’ tại khu vực phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 18 tháng 8 cho đến 24 giờ ngày 20 tháng 8, theo giờ Bắc Kinh.
Ảnh minh họa : Biểu tình ở Manila ngày 25/2/2016 phản đối Trung Quốc bố trí tên lửa tại đảo Phú Lâm - AFP
Cơ quan này cảnh báo tàu bè trong thời gian diễn ra huấn luyện quân sự như thế không được đi vào khu vực diễn tập.
Vừa qua, trong hai ngày 6 và 7 tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động tương tự tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, sau đó ra thông cáo với nội dung cho rằng việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa thuộc Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết vào ngày 7 tháng 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối sự vi phạm đó của Trung Quốc.
Cũng tin liên quan, vào ngày 9 tháng 8, Cục Hải Sự Trung Quốc cũng có thông báo hoạt động ‘diễn tập bắn đạn thật’ mỗi ngày theo khung giờ nhất định từ 12 đến 14 tháng 8 tại khu vực gần bờ phía đông đảo Hải Nam.
Tin Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự tại Biển Đông được đưa ra vào khi Bắc Kinh cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào khu vực Bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam lúc đầu không thông tin rõ ràng về vấn đề này, mãi nhiều tuần lễ sau Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng và cuối cùng phản đối đích danh Trung Quốc về sự xâm phạm này được nêu ra từ phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
******************
Tổng thống Philippines bị coi là "bán rẻ" đất nước cho Bắc Kinh (RFI, 13/08/2019)
Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông Mỹ Bloomberg vào hôm nay 13/08/2019, phó tổng thống Philippines cho biết rằng công dân nước bà đang lo lắng trước việc tổng thống Duterte đã "bán đổ bán tháo" đất nước cho Bắc Kinh và kêu gọi ông có lập trường mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền của đất nước ở vùng Biển Đông.
Phó tổng thống Philippines Leni Robredo. Ảnh chụp ngày 05/12/2016.@Reuters>
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Bloomberg TV ở Manila, phó tổng thống Leni Robredo cho rằng tổng thống Duterte đã không biết tận dụng lợi thế của một phán quyết quốc tế khẳng định các quyền kinh tế của Philippines trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Phó tổng thống Philippines giải thích :
"Tôi hiểu vì sao chính quyền mới của chúng tôi lại thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng cần có một đường lối rõ ràng trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước chúng tôi… Tổng thống (Duterte) đã đưa ra rất nhiều tuyên bố khiến mọi người có cảm giác là Philippines đang chấp nhận mọi đòi hỏi của Trung Quốc".
Bà Robredo khẳng định là công luận Philippines đang lo sợ là "một ngày nào đó mở mắt thức dậy thì thấy nhiều vùng lãnh thổ của mình không còn là của mình nữa".
Luật lệ tại Philippines quy định tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng rẽ, vì vậy, bà Robredo hiện đang ở trong một tư thế bất bình thường : là lãnh đạo đối lập, nhưng lại làm phó tổng thống. Chính vì là chính khách đối lập nên bà liên tục bị tổng thống Duterte tấn công. Từ khi lên cầm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã tìm cách bỏ tù hoặc loại trừ những người chỉ trích ông ra khỏi guồng máy chính quyền.
Trong bối cảnh đó, Robredo cho biết bà sẵn sàng ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới đây, nhưng chưa quyết định xem là có nên trở thành ứng cử viên chính của đảng Tự Do đối lập hay không. Ba năm nữa cử tri Philippines sẽ bầu người kế nhiệm ông Duterte.
Bà Robredo đã đắc cử phó tổng thống nhờ một chương trình tranh cử chủ trương thúc đẩy việc chống đói nghèo, hứa hẹn sẽ giúp đỡ những người sống bên lề xã hội. Tuy nhiên, trong những cuộc thăm dò gần đây, chỉ số được lòng dân của bà dưới mức 50%, trong lúc tỷ lệ tín nhiệm của ông Duterte mới đây đã tăng cao lên trên 68%.
Mai Vân
********************
Philippines cấm tất cả những tàu thăm dò ngoại quốc vào vùng biển nước này (RFA, 13/08/2019)
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin ban hành lệnh cấm những tàu thăm dò nước ngoài vào vùng biển Philippines.
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Philippines tại cuộc họp ở Manila ngày 1/3/2019 - AFP
Mạng báo Philstar loan tin ngày 13 tháng 8 dẫn ý kiến trên Twitter của ông Teodora Locsin rằng bộ trưởng ngoại giao Philippines cấm những tàu khảo sát biển, bổ sung thêm Trung Quốc vào lệnh giới hạn đối với Pháp và Nhật Bản.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, thì nếu cấp ngoại lệ cho một quốc gia sẽ ngay lập tức khiến cho lệnh cấm bị bãi bỏ hoàn toàn.
Ý kiến của bộ trưởng ngoại giao Philippines được đưa ra sau khi có tin phát hiện hai tàu thăm dò của Trung Quốc hoạt động trong vùng Đặc Quyền Kinh tế của Philippines vào tuần qua. Đó là tàu thăm dò hải dương Zhanjian và Dong Fang Hong.
Mạng báo Inquirer vào ngày 13 tháng 8 cũng loan tin Phủ tổng thống Philippines ủng hộ biện pháp của Bộ Ngoại giao đưa Trung Quốc vào danh sách những quốc gia mà tàu thăm dò không được phép hoạt động tại vùng biển của Philippines.
Vụ bãi Tư Chính : Chưa kiện thì chưa tin
Phạm Phú Khải, VOA, 14/08/2019
Sự kiện Bãi Tư Chính trong những tuần qua cho thấy ba điều quan yếu.
Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019.
Một, Bắc Kinh mạnh mẽ chứng tỏ uy thế và toàn bộ chủ quyền của họ trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Hà Nội, hay của Washington, hay ngay cả phán quyết trước đây của Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration- PCA) có lợi cho Phi Luật Tân năm 2016.
Hai, Trung Quốc chủ động dùng cơ hội này để lên án Việt Nam vi phạm chủ quyền của họ, chứ không phải họ là kẻ xâm phạm. Tức không còn là tranh chấp mà đổi sang thành bảo vệ chủ quyền. Nếu họ tiếp tục sử dụng chiêu bài này và lập đi lập lại từ ngày này qua tháng nọ thì một ngày nào đó rất có thể họ thành công mưu kế tằm ăn dâu này.
Ba, Hà Nội tuy phản ứng mạnh mẽ, có lẽ là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, qua phát ngôn nhân hay qua các diễn đàn quốc tế, tòa đại sứ tại Canberra hay Washington v.v… nhưng vẫn chưa đủ dứt khoát. Hà Nội vẫn chưa dám đi đến quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực, hay đi xa hơn nữa, nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ thành đồng minh chiến lược mà hiện tại chỉ dừng lại ở mức quan hệ đối tác toàn diện.
Hà Nội hiện đang đứng ở thế khó xử. Thế đu dây của họ, tuy phần nào hiệu quả từ trước đến nay, giờ đây rõ ràng cần xét lại, nhất là trong bối cảnh chính trị quyền lực leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là bề mặt và chiến thuật, kiềm chế sự trổi dậy của Trung Quốc hiện nay và sắp tới để họ không trở thành bá quyền khu vực, thách thức trật tự thế giới, gây quan ngại về an ninh cho khu vực, mới là chiến lược lâu dài. Đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều nhất quán tiến hành chiến lược hành động như thế. Hà Nội hiển nhiên thừa hiểu điều này. Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 8 và 80 chiếc tàu khác để tiến hành các hoạt động khảo sát trong khu vực, vừa dò xét thái độ của Hà Nội, vừa tạo áp lực để Hà Nội chọn phe, thay vì tiếp tục đu dây. Washington có lẽ cũng không muốn Hà Nội tiếp tục đu dây như xưa nay nữa.
Tóm lại, chính trị quyền lực trong vùng và thế giới bắt buộc Hà Nội phải có quyết định dứt khoát. Thời gian không đứng về phía họ.
Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ họ không thể trông đợi vào tổ chức ASEAN để lên tiếng hay bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của mình trên Biển Đông. Về mặt pháp lý thì chỉ có quyết định của PCA mới giúp Hà Nội. Còn về mặt thực tiễn thì chỉ có Washington, và sức mạnh của người dân, mới giúp được.
Địa chính trị tại Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương không chỉ ảnh hưởng riêng đến Hà Nội, Bắc Kinh và Washington mà còn bao nhiêu quốc gia trong vùng cũng như thế giới. Úc cũng đang đứng ở thế khó xử, chẳng đặng đừng này. Trung Quốc là nước giao thương lớn nhất của Úc, chiếm gần một phần ba xuất khẩu và nhập khẩu tại đây. Nghĩa là nền kinh tế của Úc phụ thuộc rất nặng nề vào mối giao thương này. Nhưng về mặt an ninh thì Úc luôn là đồng minh của Mỹ, nhất là từ sau Thế Chiến II, đặc biệt khi Anh không còn khả năng đỡ đầu cho Úc và chính sách ngoại giao của Úc không còn phụ thuộc vào Anh nữa. Nhưng cân bằng giữa hai quan hệ này không hề dễ đối với Canberra.
Phần lớn các chiến lược gia của Úc hiểu rằng an ninh và chủ quyền quốc gia luôn là chiến lược ưu tiên, đứng trên thương mại và kinh tế. Cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper tại Úc vào đầu tuần này, trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông và thương chiến leo thang, đã gửi tín hiệu đến Bắc Kinh là phải cẩn thận trong hành động. Ông Esper cho biết ý định của Washington là thiết lập các hệ thống hỏa tiễn có tầm 500km đến 5.500 km trên đất liền ở khắp vùng, và thẳng thừng cảnh báo "hành vi hung hăng một cách lập đi lập lại đáng quan ngại", và "hành vi gây bất ổn định" của Bắc Kinh. Vào thứ Ba 6 tháng 8 vừa qua, Hoa Kỳ đã gửi chiến hạm USS Ronald Reagan qua vùng biển này để bảo đảm "hòa bình qua sức mạnh".
Trong bối cảnh chính trị quyền lực leo thang như thế, Hà Nội khó thể nào mà không chọn, nhất là khi Bắc Kinh đã tăng cường áp lực tại Bãi Tư Chính. Chọn Bắc Kinh thì có thể Hà Nội giữ được ghế và quyền, nhưng sẽ mất mát quyền lợi quốc gia và chưa chắc sẽ được lòng dân. Chọn Washington thì Hà Nội vẫn có thể tiếp tục giữ ghế giữ quyền, và bảo đảm quyền lợi quốc gia, bởi vì Washington sẽ không đòi hỏi cải thiện nhân quyền hay thay đổi thể chế vào lúc này, và cũng có thể được lòng dân ; nhưng nguy cơ leo thang tại Biển Đông cũng rất cao. Thật ra nguy cơ đó sẽ luôn còn đó bởi vì, như đã trình bày trên, Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ của họ tại Biển Đông qua động thái của họ tại Bãi Tư Chính và bao nhiêu đảo lớn nhỏ khác trong vùng.
Đứng trước sự kiện này, người dân Việt Nam quan tâm đến vận nước nên làm gì ?
Theo tôi, nên áp dụng tối đa các chiến thuật đấu tranh bất tuân dân sự (civil disobedience). Nghĩa là không làm bất cứ điều gì mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn người dân làm, và làm những gì đảng không muốn người dân làm.
Chiến lược là phải đặt trách nhiệm về phía đảng, phía lãnh đạo, đặt vấn đề với mọi lời nói hay không nói, mọi hành động hay không hành động, của họ.
Nếu đã biểu tình thì tập trung vào việc kêu gọi Hà Nội phải có thái độ mạnh mẽ và dứt khoát với Bắc Kinh, tập trung khẩu hiệu kêu gọi đưa Trung Quốc ra tòa PCA, chẳng hạn.
Còn nếu tiếp tục làm theo những lời kêu gọi của Đảng cộng sản Việt Nam thì chẳng khác gì giúp cho họ có thêm chính nghĩa và sức mạnh.
Bất tuân dân sự đối với chế độ này là chiến lược cần thiết cho cuộc đấu tranh hiện nay.
Bắc Kinh có thể tạo áp lực tại Bãi Tư Chính, nhưng họ sẽ không xâm chiếm Việt Nam trên đất liền, ít nhất là trong một hai thập niên tới. Chủ trương của Bắc Kinh là ủng hộ và ảnh hưởng lên các chế độ mà quan điểm chính trị có lợi cho họ, phục vụ cho các mục tiêu chiến lược lâu dài để trở thành bá chủ thiên hạ trong ba thập niên tới.
Do đó người Việt quan tâm không nên để cái sợ mất nước vào tay Trung Quốc chiếm hết đầu óc của mình, mà nên tìm cách làm sao cho đại đa số người dân thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam không còn khả năng lãnh đạo, không còn chính nghĩa, và không còn được sự hậu thuẫn của người dân nữa. Nghĩa là họ hoàn toàn bất tài, bất đức và bất lực.
Chỉ khi nào người dân Việt Nam có tiếng nói, trí thức tinh hoa Việt Nam có chỗ đứng và có phần quyết định vào vận mệnh đất nước, và quyền lực cũng như quyền lợi thuộc về toàn dân tộc Việt Nam, thì đất nước này mới thực sự có đủ sức mạnh để chống lại nạn ngoại xâm và để xây dựng lại nền tảng căn bản của quốc gia mà từ đó vươn lên.
Những người hiểu biết không nên để Đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng cơ hội này để tiếp tục tuyên truyền hay kích động lòng yêu nước. Đảng cộng sản Việt Nam đã phản bội bao nhiêu lần những lời hứa hẹn, nào là độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, công bằng, bình đẳng v.v…
Đủ rồi, đừng nên để họ lừa phỉnh nữa !
Phạm Khú Khải
Úc Châu, 08/08/2019
*******************
Tàu Hải Dương 8 và bài học từ dàn khoan HY-981
Lê Thu Hương, VNTB, 14/08/2019
Bế tắc hiện tại chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực và tiến trình COC không tạo ra sự khác biệt nào trong các kế hoạch làm chủ Biển Đông của Bắc Kinh cả. Đây có thể là một cuộc khủng hoảng với riêng Việt Nam, nhưng cũng có thể là cơ hội cho cộng đồng quốc tế - ngoài Mỹ ra - phản ứng thích đáng với các vi phạm UNCLOS và xâm nhập thềm lục địa của Trung Quốc.
Biểu tình chống Trung Quốc năm 2014
Thách thức
Việc Trung quốc xâm nhập vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hoàn toàn không lạ. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra gần đây vào năm 2014, khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan dầu HY-981 vào cùng EEZ của Việt Nam và đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, việc công khai cho tàu Hải Dương 8 khảo sát khu vực đáy biển phía đông bắc của Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam lại đặt ra những thách thức nghiêm trọng hơn ở nhiều mức độ.
Thách thức pháp lý : Trung Quốc kiên trì theo đuổi việc kiểm soát hành chính trong phạm vi đường lưỡi bò dù có mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc cho tàu khảo sát ở vùng biển này lần đầu tiên sau khi tòa Trọng tài La Haye ra phán quyết năm 2016 thể hiện sự chống đối công khai của họ đối với tính hợp pháp của chủ quyền thềm lục địa theo UNCLOS và họ đang tạo ra tranh chấp ở vùng biển trước giờ chưa bao giờ có tranh chấp.
Thách thức ngoại giao : Bắc Kinh đang thử thách không chỉ Việt Nam mà cả Mỹ và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đang công khai xúc phạm việc theo đuổi giải quyết tranh chấp ôn hòa thông qua đàm phán theo các quy tắc ứng xử (COC) của các quốc gia ASEAN. Trung Quốc đã chứng tỏ rằng tiến trình đàm phán chỉ là dự thảo trên giấy và rằng bất kỳ COC nào cũng chẳng có mấy ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp hay hành vi của Trung Quốc.
Thách thức kinh tế : Trung Quốc liên tục tạo sức ép lên các quốc gia khác là nhằm buộc các quốc gia có tranh chấp này phải tham gia kế hoạch thăm dò tài nguyên thiên nhiên với Trung Quốc ngay cả ở những vùng không có tranh chấp.
Tại thời điểm này Hà Nội bận rộn chuẩn bị nhận chức Chủ tịch ASEAN, tham gia Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thêm vào đó là đại hội đảng 13 sắp tới. Và Bắc Kinh đang gây sức ép tâm lý cho Hà Nội ngay trước khi nhận chức chủ tịch ASEAN.
Bài học từ HYSY-981
Chiến thuật mà Việt Nam áp dụng vào năm 2014 để đối phó với HY-981 (Hai Yang Shi YouYou - 981) sẽ không có hiệu quả tương tự cho tình hình hiện nay khi Bắc Kinh hiện gia tăng áp lực ở Biển Đông không chỉ với Việt Nam mà cả với Malaysia và Philippines. Trung Quốc theo đuổi các hoạt động này trong khi biết rõ cái giá uy tín phải trả.
Nỗ lực ngoại giao : bất kỳ nỗ lực ngoại giao megaphone (nỗ lực ngoại giao thông qua họp báo, công hàm...) trong lần này sẽ phải được phối hợp nhiều hơn và phải có cả Hoa Kỳ khi họ tham gia ủng hộ trật tự quốc tế dựa vào luật pháp. Nhưng chỉ có ngoại giao như vậy thì không có khả năng đưa đến một giải pháp bền vững. Do đó, Việt Nam đã tránh theo đuổi các mối quan hệ quân sự chặt chẽ với các cường quốc hoặc các biện pháp pháp lý khác đối với Trung Quốc vì họ sẽ trở thành đối kháng với Bắc Kinh, nhưng đó vẫn là những sự lựa chọn nếu Hà Nội xác định họ cần bảo vệ chủ quyền của mình.
Kiểm soát tinh thần chống Trung Quốc : So với vụ dàn khoan HYSY-981, các hoạt động khảo sát và quấy rối hiện tại của Hải Dương 8 ít được truyền thông đưa tin cũng như ít cả về trao đổi ngoại giao. Nguyên do chủ yếu là Hà Nội muốn kiểm soát tinh thần chống Trung Quốc tại Việt Nam và muốn ngăn chặn khả năng nổ ra biểu tình hoặc tạo bất ổn.
Năm 2014, Việt Nam đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội dẫn tới việc dân chúng hủy hoại tài sản ở các nhà máy thuộc sở hữu các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí của Việt Nam. Các cuộc bạo động đã gây ra thiệt hại cho uy tín môi trường đầu tư an toàn của Việt Nam. Chính phủ e ngại sẽ có điều tương tự xảy ra và họ cũng không muốn phải đối phó với xu hướng dân tộc chủ nghĩa biến thành bạo lực không thể kiểm soát được.
Sự phát triển tích cực : năm 2014, vụ HYSY-981 góp phần kích thích thêm tư duy chiến lược và các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, cũng như tạo nên một cuộc tranh luận hiếm hoi trong nước về việc liệu Việt Nam có thể thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để nói kết quả sẽ ra sao trong thời gian này, nhưng hy vọng sẽ góp phần vào sự phát triển chính sách Biển Đông và quốc phòng của Việt Nam hơn nữa một khi Sách trắng Quốc phòng sẽ được công bố gần đây.
Sự kiện tàu Hải Dương 8 có thể sẽ dẫn đến sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa Việt Nam và các đối tác trong khu vực Ấn Độ - Dương-Thái Bình Dương hoặc cũng có thể góp phần tạo nên sự thay đổi nhằm khuyến khích các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông trong ASEAN hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong vấn đề này.
Tác động rộng hơn
Không giống như năm 2014, Bắc Kinh đang đồng thời gây áp lực lên không chỉ một mà nhiều quốc gia có tranh chấp ở Đông Nam Á và đây là thử nghiệm thực sự cho sự sẵn sàng của cả ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ các quốc gia quyền chủ quyền và kinh tế theo luật pháp.
Nếu các nước trong khu vực không sẵn sàng nhìn xa hơn lợi ích quốc gia riêng và lên tiếng ủng hộ các quốc gia khác, thì việc vi phạm quy tắc hàng hải đang trở thành một điều bình thường mới và sẽ không còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ. Tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm các quyền được UNCLOS bảo đảm, phải được tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia không có tranh chấp hỗ trợ và bảo vệ. Cho đến nay, chỉ có Hoa Kỳ có lập trường công khai và rõ ràng về các hoạt động của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính.
Dù các cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao ASEAN diễn ra trong giai đoạn này tránh nêu đích danh các vấn đề này trong các tuyên bố chung, nhưng đã có tranh luận về vấn đề này trong các cuộc họp.
Tại Đối thoại chiến lược ba bên gần đây giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc bên lề các cuộc họp ASEAN, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono và Marise Payne đã bày tỏ quan ngại về các báo cáo đáng tin cậy về các hoạt động gây rối liên quan đến các dự án dầu khí ở Biển Đông.
Các cuộc tham vấn Bộ trưởng Úc-Hoa Kỳ (AUSMIN) tại Sydney cuối tuần trước đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ chính quyền của UNCLOS, hiệu lực của phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 và tầm quan trọng của tự do hàng hải. Trong khi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động đơn phương vi phạm của bất kỳ quốc gia có tranh chấp nào cũng có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng, một lần nữa tuyên bố chung lại cũng tránh nêu tên bất kỳ quốc gia hoặc sự cố nào là nguồn gốc gây căng thẳng.
Bế tắc hiện tại chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực và tiến trình COC không tạo ra sự khác biệt nào trong các kế hoạch làm chủ Biển Đông của Bắc Kinh cả. Đây có thể là một cuộc khủng hoảng với riêng Việt Nam, nhưng cũng có thể là cơ hội cho cộng đồng quốc tế - ngoài Mỹ ra - phản ứng thích đáng với các vi phạm UNCLOS và xâm nhập thềm lục địa của Trung Quốc.
Lê Thu Hương
Nguyên tác : China's Incursion into Vietnam's EEZ and Lessons from the Past, AMTI/CSIS, 08/058/2019
Khánh Anh dịch
Nguồn : VNTB, 14/08/2019
******************
Trung Quốc sẽ quần nát bãi Tư Chính và kéo giàn khoan vào
C.Lynh, Người Việt, 13/08/2019
Sau một tuần lễ tạm rút đi, tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) đã quay lại hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. (Hình : Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc)
Trên trang Twitter của ông Ryan Martinson, giáo sư của trường Cao Đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ, có những hình ảnh vệ tinh cho thấy vị trí tàu Hải Dương 8 đang có mặt trong vùng chủ quyền kinh tế của Việt Nam. Đi cùng tàu HD08 có ít nhất hai tàu hải cảnh hộ tống 33111 và 31302.
Hai tàu hải giám này có trang bị súng pháo 76 mm, theo tin từ ông Ryan.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Twitter của ông Ryan, Trung Quốc thay thế tàu hải giám 35111 bằng tàu 45111 đến khu vực gần Lô 06.1, bể Nam Côn Sơn, phía Tây Bắc bãi Tư Chính, nơi hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 Nhật và công ty Rosneft Việt Nam B.V. (công ty con của công ty Rosneft của Nga.) Rosneft vừa gia hạn hoạt động cho giàn khoan Hakuryu 5 đến hết ngày 15 tháng Chín, bất chấp yêu cầu của Bắc Kinh là phải dừng hoạt động.
Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông
Động thái mới nhất này của Trung Quốc thật ra đã được các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông dự đoán trước. Trả lời nhật báo Người Việt hồi đầu tháng Bảy, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, từng nói tàu Hải Dương 8 có thể sẽ rút lui, nhưng chỉ là tạm thời, vì nó cần tiếp ứng nhiên liệu, lương thực và cả nhân sự.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) có trụ sở tại Sài Gòn, hôm 9 tháng Tám trả lời BBC Việt Ngữ với quan điểm tương đồng. Ông nói rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ quay lại. Và nếu quay lại, Trung Quốc được dự đoán sẽ mang theo tàu như Hải Dương 981, nghĩa là sẽ trở lại với các giàn khoan di động. Bởi vì Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm khu vực Biển Đông.
Sáng thứ Ba, 13 tháng Tám, từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định với nhật báo Người Việt về động thái mới nhất của Trung Quốc. Ông nói : "Cái chính sách của Bắc Kinh là nó muốn khẳng định vùng đó là vùng tranh chấp, nó có quyền. Nhưng thật ra vùng đó không phải là vùng tranh chấp. Nó nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 200 hải lý. Vùng ở ngoài của nó cũng nằm lọt trong vùng thềm lục địa của Việt Nam tức là 350 hải lý tính từ đường cơ sở bờ biển".
Tiến sĩ Hợp khẳng định về mặt pháp lý quốc tế thì Trung Quốc không có gì ở đây cả. Nhưng Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền vì đã ngang nhiên vẽ ra đường lưỡi bò.
Nói về đường lưỡi bò, Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, người có hơn 10 năm nghiên cứu về Biển Đông, hiện sống tại Đà Nẵng, từng phân tích rất chi tiết. Ông đưa ra những dẫn chứng lịch sử trong buổi phỏng vấn với nhật báo Người Việt : "Họ dựa trên một bản đồ, được Bạch Mi Sơ là một quan chức của chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc, lúc chưa tách khỏi Trung Hoa đại lục, lập ra. Ông này lập ra một bản đồ dựa trên bản đồ của người Anh và dịch tên gọi của các đảo trong Biển Đông chủ yếu do người phương Tây đặt tên, và chuyển các tên đó thành tiếng Trung Quốc".
"Trên bản đồ này, ông ta xác định một vùng nằm giữa Biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và vạch một đường hình lưỡi bò, gồm 11 đoạn, rồi cho rằng những gì hiện diện bên trong đường 11 đoạn này là thuộc về Trung Hoa Dân Quốc. Sau đó các học trò của ông này tiếp tục cũng cố bản đồ đó, trình lên chính phủ Trung Hoa Dân Quốc năm 1947", ông nói.
"Khi cuộc chiến tranh giữa Quốc Dân Đảng với phe cộng sản Trung Quốc kết thúc năm 1949, Đảng cộng sản Trung Quốc thắng lợi, nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, họ tiếp tục kế thừa những kiến thức này của Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên họ cũng không quan tâm lắm bởi vì lúc đó Trung Quốc là một nước có thủy quân rất yếu. Trong lịch sử họ đã có khoảng 400 năm từ thời cận đại đến thời hiện đại thực hiện chính sách ‘quay lưng lại với biển.’ Họ là tránh biển, chủ yếu tập trung vào lục địa", ông dẫn chứng.
Ông nhấn mạnh : "Cho đến năm 1953, thủ tướng Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến đường 11 đoạn. Có lẽ vì tình hữu nghị với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cùng hệ thống tư tưởng cộng sản nên ông ta đã bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, biến bản đồ 11 đoạn thành bản đồ 9 đoạn".
Hai tàu hải giám của Trung Quốc vẫn ở Bãi Tư Chính. (Hình : Ryan Martinson)
Yêu sách của Bắc Kinh
Như thế, việc Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 8 quay trở lại bãi Tư Chính, bất chấp lên án của quốc tế, phản đối của Việt Nam đang nói lên điều gì ?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích : "Hai năm nay Trung Quốc có đề nghị với ASEAN đàm phán để đưa ra Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc pháp lý. COC họ đưa ra gần đây nhất gồm có ba đòi hỏi cực kỳ vô lý".
Theo ông, đòi hỏi thứ nhất là không được đưa công ước về luật biển 1962 của Liên Hiệp Quốc vào trong COC đó.
Đòi hỏi thứ hai là tất cả các nước ASEAN không được để cho một nước khác, tức là nước bên ngoài khối vào tập trận hay làm gì khác. Tất cả những việc như tập trận hay hoạt động chung về quân sự ở trong Biển Đông thì phải được sự đồng ý của tất cả các bên.
Đòi hỏi thứ ba là không có một nước nào để cho một nước ngoài khu vực đó được phép khai thác hay hoạt động khai thác trong vùng nếu không được sự cho phép của các nước còn lại.
"Ba đòi hỏi này hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, tức là nó bất chấp tất cả những quyền của các nước ASEAN, đặc biệt là bốn nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông", ông nhấn mạnh.
Có một sự kiện cần phải nhắc lại, vào tháng Bảy vừa qua, Bắc Kinh đã yêu cầu Việt Nam phải rút giàn khoan Hakuryu 5 Nhật Bản đang thăm dò dầu khí ở gần lô 06.1, bể Nam Côn Sơn.
Tiến sĩ Hợp cho biết khi đó, Bắc Kinh đã từng đe dọa là nếu giàn khoan Hakuryu 5 không ngưng hoạt động thì "sẽ có chuyện" nhưng không nói là chuyện gì. Và lúc đó, tàu thăm dò của Trung Quốc đã vào bãi Tư Chính cùng với một nhóm tàu hải cảnh.
"Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền trên thực địa mà Trung Quốc sẽ không bao giờ có. thứ hai, nó vào để thăm dò sau đó nó tiến hành khai thác. Tàu này không phải chỉ ra lấy dầu đâu, mà nó thay nhân sự, bổ sung thêm máy móc, lấy lương thực, nước ngọt và quay vào. Không chắc nó ở đây lâu, sẽ có một tàu to hơn sẽ đến. Tàu đấy sẽ cùng với Hải Dương 8 quần nát khu vực Bãi Tư Chính. Và cuối cùng là nó sẽ kéo giàn khoan vào để khai thác", ông khẳng định.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết, theo dự đoán của ông, nếu tiếp tục những diễn biến này, thì phần nhiều sẽ xảy ra trận hải chiến, mà Trung Quốc sẽ là bên nổ súng trước.
Một nhận định rất ngắn gọn nhưng không kém phần sắc bén của ông Ryan Martinson khi đưa lên Twitter ngày 12 tháng Tám cho biết, gần đây có rất nhiều quan tâm đến các hoạt động khảo sát biển của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Điều quan trọng chúng ta cần phải nhớ là tham vọng hàng hải của Bắc Kinh là "toàn cầu". Điều này đang xảy ra ngay tại Biển Đông.
C.Lynh
Nguồn : Người Việt, 13/08/2019