Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2017

Vụ Đông Tâm : "dân và nhà nước có thể thảo luận với nhau" ?

Trương Nhân Tuấn

Dân và Nhà nước có thể thảo luận với nhau không ?

Có người quan sát vụ Đông Tâm rồi nói rằng "dân và nhà nước có thể thảo luận với nhau". Thật vậy không ?

thaoluan1

Dân và nhà nước có thể thảo luận với nhau không ? - Ảnh VOV

Thử xét hai câu : "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" trong Bình Ngô Đại Cáo.

Nếu khi xưa quân thần Lê Lợi chỉ chủ về "đại nghĩa" và "chí nhân", bỏ qua việc binh bị, trui rèn vũ khí, huấn luyện quân sĩ... thì nước Việt đã không thoát khỏi ách thống trị của nhà Minh. Lời Khổng tử dù hay đến bao nhiêu, thuyết khách dù nói quyến rũ đến bao nhiêu, cũng không thể cản bước tiến quân thù.

Làm gì có chuyện "dân và nhà nước có thể thảo luận", nếu dân Đồng Tâm không có mớ cán bộ, công an làm con tin trong tay.

Kinh nghiệm đau thương "dân và nhà nước có thể thảo luận" là vụ Thái Bình.

Biến cố Thái Bình 1997 mức độ tranh chấp to lớn hơn Đồng Tâm nhiều lần. Theo các tài liệu còn lưu lại, nhà nước phải huy động 2.000 công an để trấn áp biểu tình. Qua các đợt trấn áp, 23 công an và cán bộ bị dân huyện Quỳnh Phụ bắt làm con tin. Nhưng các con tin này đã được dân thả ra không điều kiện.

Cuối cùng Phạm Thế Duyệt được cử làm "sứ giả" để "điều đình". Người dân nghe lời dụ ngọt, rốt cục nhận được kết quả thê lương : hàng trăm người được cho là cầm đầu đã bị bắt giam.

Theo lời kể của bà Dương Thu Hương năm 2006 thì những người bị bắt phần lớn đã bị giết trong trại giam.

Điều này đến nay không thấy ai kiểm chứng lại. Nhưng lời của bà Dương Thu Hương nhiều xác suất là đúng. Chưa thấy "nhân chứng", những người bị tù vụ Thái Bình 1997, lên tiếng để chứng tỏ rằng mình còn sống.

Nếu dân Đồng Tâm không giữ số con tin kia thì sẽ không có vụ chủ tịch Hà nội xuống tiếp xúc với dân. Và nếu không có dư luận trên mạng ủng hộ sau lưng dân Đồng Tâm, thì chủ tịch Hà Nội sẽ không bao giờ ký giấy cam kết với dân như đã thấy. Và trong tương lai, nếu không có dư luận trên mạng canh phòng, thì không có gì bảo đảm rằng nhà nước sẽ tuân thủ những gì họ đã ký kết.

Nhưng điều mà tôi nghĩ chắc chắn sẽ tới, là tất cả những người đứng sau vụ Đồng Tâm sẽ có cùng số phận với những người lãnh đạo Thái Bình 1997.

Hy vọng những người lãnh đạo cuộc "nổi dậy" ở Đồng Tâm hiểu được bản chất tàn bạo của đảng đối với những người bị xem là "phản đảng". Và họ cũng phải hiểu tính "quyền biến" của cái gọi là "pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

"Pháp quyền" là con đẻ của "bắc kỳ biết lý luận", nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Nó không hề có nội hàm của "pháp trị - rule of law", theo kiểu "pháp trị xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc hay "Etat de droit" của các quốc gia tư bản Tây phương. Luật của Việt Nam là "luật rừng", họ muốn áp dụng thế nào cũng được. Cam kết, hợp đồng đối với họ đều là "phương tiện trong giai đoạn".

Vụ Đồng Tâm chưa chấm dứt

Vấn đề Đồng Tâm theo tôi là chưa chấm dứt. Không phải là tôi bi quan, nhưng với bản chất lưu manh, tráo trở của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, tôi e ngại rằng nay mai chính những "con tin" sẽ đi kiện lại dân Đồng Tâm vì các tội như "bắt con tin", "giam giữ người trái phép". Không phải vì bất bình, vì "bức xúc" mà họ đi kiện. Bởi vì người dân đối xử họ trong thời gian họ ở lại còn hơn là "thượng khách". Dân ở đây chịu đói dành phần ba bữa đầy đủ cho "khách mời". Mà vì bọn lãnh đạo, tướng tá thuộc đảng cộng sản Việt Nam thúc giục họ đi kiện. Đất Đồng Tâm là đất vàng. Họ phải lấy "cục vàng" này lại.

Lãnh đạo cộng sản Việt Nam, ai cũng có gốc bần nông. Tâm lý này bàng bạc không chỉ ở cá nhân lãnh đạo, mà còn ở ngay trong các chính sách quốc gia. Vừa tủn mủn, vừa thiển cận, vừa ích kỷ vừa ác độc, vừa bủn xỉn nhưng tham lam vô độ. Cái cách gục đầu đánh vần từng chữ bài diễn văn của Nguyễn Xuân Phúc là một thí dụ. Điều này sẽ trở lại bàn tiếp nay mai.

Giấy cam kết của ông Chung có hiệu lực pháp lý rồi. Ông Chung đại diện nhà nước, không lẽ mới ký đó lại sổ toẹt đó ? Trước mặt quốc dân, những thế lực đen muốn lấy đất Đồng Tâm sẽ không dám làm áp lực với chủ tịch Hà Nội. Nhưng họ sẽ giật dây để những công an, cán bộ bị bắt làm con tin nộp đơn đi kiện.

Từ nam ra bắc, biết bao nhiêu vụ cưỡng chế đất, mỗi vụ nhà nước "qui hoạch" thành công thì mỗi lần người dân mất nhà mất đất, gia đình tan rã, chồng đi tù, vợ đi làm đỉ nuôi con.

Tôi e ngại rằng, nếu dân Đồng Tâm không lo liệu sớm, nguy cơ đất mất, nhà tan, thân tù tội sẽ sớm đến cho mọi người.

"Tâm lý bần nông", lãnh đạo chỉ có lòng căm thù mà không có chỗ cho lòng trắc ẩn nhân ái. Nhưng nhờ tâm lý này mà cán bộ nào cũng giàu vượt lên trên.

Họ làm giàu bằng bất kỳ phương cách nào. Họ rút ruột công trình nhà nước. Họ "đội giá", mua đồ cũ nhưng tính giá đồ mới. Họ rước voi (Formosa) về dày mả tổ. Họ bán nước, họ buôn dân. Họ cướp đất của dân nghèo rồi giao cho bọn tài phiệt địa ốc để chia chác với nhau... Họ sẵn sàng vì cái lợi (rất) nhỏ cho cá nhân để hy sinh cái lợi ích cực lớn của nhân dân, của đất nước.

Đồng tiền của họ có là máu, là ước mắt, là mồ hôi của dân nghèo. Đồng tiền họ có là tài nguyên quốc gia bán rẻ. Đồng tiền họ có là những món nợ công chất chồng trên đầu mỗi người dân...

Thử nhìn ra thế giới, ở bất kỳ nước nào, thành phần "nghèo" nhứt trong xã hội luôn là thành phần "quân đội". Ở đâu cũng vậy, thành phần nàu trên răng dưới dế, tài sản chỉ có cây súng cầm tay. Chỉ có nước Việt Nam là "đi ngược" lại. Các tướng lãnh ông nào cũng béo phì. Ông nào nắm trong tay các xí nghiệp quốc phòng, kiểu Viettel, thì giàu không tưởng tượng nỗi. Những tài phiệt chỉ "dựa hơi" mấy ông tướng này cũng đã là tỉ phú, triệu phú đô la.

Đất vàng Đồng Tâm làm sao thoát khỏi những tên tướng béo ị này ?

Tại sao Nhà nước nhượng bô ?

Tóm lại, nếu không có vụ APEC tháng 11 sắp tới thì còn lâu mới có chuyện nhà nước "nhượng bộ" Đồng Tâm.

Vụ Cồn Dầu cũng vậy. Tranh chấp ở đây kéo dài từ nhiều năm nay. Tuần rồi lãnh đạo Đà Nẵng "sang số de" đề nghị đền bồi, trao đổi đất đai thỏa đáng hơn. Vấn đề là người dân ở đây không còn ai tin tưởng vào cộng sản hết cả. Lãnh đạo Đà Nẵng gởi giấy mời 87 gia đình rốt cục chỉ có 3 người đến họp. Điều này hợp lý. Lãnh đạo Đà Nẵng đã gian dối từ cái bằng "tiến sĩ" để tiến thân. Thì thử hỏi, vịn vào điều gì để người dân tin tưởng ?

Vụ "giải phóng vỉa hè" ở Sài Gòn (hay ở các tỉnh) cũng đến từ APEC 2017.

Hội nghị APEC kỳ này tổ chức vào tháng 11 tại Đà Nẵng, nghe nói có Trump tham dự. Dĩ nhiên lãnh đạo cộng sản Việt Nam cố gắng từ đây cho tới tháng 11 chỉnh trang đô thị cho ra vẻ là một "quốc gia giàu có", kiểu Singapore. Mục đích "câu" tài phiệt nước ngoài vào đầu tư.

Đã có đề nghị cấm xe gắn máy trong thành phố. Lại còn thêm luận điệu "đừng đem cái nghèo ra đe dọa nhau"... Cho thấy lãnh đạo cộng sản Việt Nam muốn cởi bỏ cái áo ăn mày "cái bang chín túi". Nhưng chuyện này coi bộ khó vì đi đâu lãnh đạo cũng còn thói quen ngữa nón xin tiền. Mới đây lãnh đạo cộng sản còn năn nỉ các định chế tài chánh quốc tế rằng Việt Nam nằm trong thứ hạng "các nước kém phát triển", mục đích được vay nợ lãi suất thấp.

Vấn đề là đám tài phiệt quốc tế họ đâu có ngu. Nhà băng mà nghe ai nói bùi tai đều cho mượn tiền hết thì phá sản sớm.

Nhớ mang mán cách đây không lâu, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng thế giới hỏi Việt Nam rằng mượn tiền rồi lấy gì trả ?

Tài phiệt quốc tế thấy rõ Việt Nam chỉ còn lại cái khố rách.

Vì vậy các việc dọn dẹp vĩa hè, ổn định trị an... chỉ là hành vi sơn lớp sơn lòe lọet lên một chế độ thúi nát sắp mục rã.

Nhưng đây sẽ là "thời cơ vàng" để những tranh chấp dằn co giữa người dân và nhà nước, về đất đai hay vấn đề Formosa, được nhà nước chú tâm tới.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb/nhantuan.truong, 21-25/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 852 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)