Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2021

Tự do dân chủ ở Việt Nam : bắt bớ và bịt miệng

Hoài Nguyễn - Huỳnh Liên - Lê Nguyễn

Bàn chuyện ‘tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’

Hoài Nguyễn, VNTB, 06/04/2021

‘Tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’ phục vụ mục đích nào đó trong từng thời gian cụ thể nào đó của đảng cầm quyền

tudo1

Hiến pháp nhấn mạnh sự bảo vệ quyền và tự do của các cá nhân và ràng buộc các nhà lãnh đạo.

‘Dân chủ tự do’ là một thể chế nhà nước. Đây là một hình thức dân chủ đại nghị, nơi mà thẩm quyền của các đại diện dân chủ được bầu ra thực thi quyền ra quyết định phụ thuộc vào nền pháp trị, và thường được hiến pháp tiết chế.

Hiến pháp nhấn mạnh sự bảo vệ quyền và tự do của các cá nhân và ràng buộc các nhà lãnh đạo.

Thông thường, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Bởi điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng, mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền.

Có thể nói, nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực.

Tự do và dân chủ thường được dùng thay thế cho nhau. Bởi thực ra hai khái niệm này không đồng nghĩa. Dân chủ không chỉ là một loạt ý tưởng và các nguyên tắc về tự do, mà còn bao hàm cả những thực tiễn và các tiến trình đã được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử vốn phức tạp. Dân chủ là sự thể chế hóa tự do.

Cuối cùng, người dân sống trong một xã hội dân chủ phải phục vụ với tư cách là người bảo vệ chính quyền tự do của họ, và hướng tới những lý tưởng được đưa ra trong lời nói đầu của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu của Liên Hợp Quốc, đó là "thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới".

Dân chủ không chỉ đơn thuần là một loạt thể chế quản lý cụ thể.

Dân chủ dựa trên nhóm giá trị, quan điểm và thực tiễn đã được nhận thức rõ. Tất cả các giá trị, quan điểm và thực tiễn đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau tùy theo nền văn hóa và các xã hội trên thế giới. Các nền dân chủ phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản chứ không phải những thực tiễn thống nhất.

Ở Việt Nam cách hiểu khác hẳn khi đặt ‘tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’ trong khuôn khổ của phục vụ mục – đích – nào – đó – trong – từng – thời – gian – cụ – thể – nào – đó  của đảng cầm quyền, tức Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuyên giáo Đảng có lập luận thế này trong cách hiểu về ‘tự do dân chủ’ khi viện dẫn cái gọi là huấn thị để lại của người sáng lập Đảng, nôm na với kiểu thức như sau : Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ  là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử : "Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng", "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" ; "Dân là gốc của nước, của cách mạng", "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân", "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên" ; "Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".

Với viện dẫn kiểu ‘tầm chương trích cú’ ở trên, cơ quan tố tụng ở Việt Nam sẽ căn cứ vào đó để bất kỳ ai cứ kiên trì phản ánh về những việc làm – nói theo lời của cố tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, "…hãy nhìn những gì cộng sản làm", khiến "giảm sút uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, kích động nhân dân gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc", thì coi như sẽ đối mặt với các án tù tội theo các điều luật quen thuộc đánh số 117 hay 331 của Bộ luật Hình sự.

Tạm kết bài viết này bằng viện dẫn chính lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình ngày 2 tháng 9, 1945, khi ông nhắc lại Tuyên ngôn Độc lập Mỹ của Thomas Jefferson năm 1776Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Như vậy, để đảm bảo những quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, cho thấy tiên quyết chính phủ của thủ tướng Phạm Minh Chính phải do cử tri ở kỳ bầu cử Quốc hội ngày 23 tháng 5 tới đây bầu ra, bởi quyền lực là quyền lực của nhân dân, chứ không thể có việc mới chỉ ngày 5 tháng tư thôi, khi Quốc hội đương nhiệm vẫn còn nhiệm kỳ, thì nội các chính phủ mới đã ra mắt, bất chấp lá phiếu cử tri sắp tới ra sao.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 06/04/2021

***********************

Buộc tội "lợi dụng tự do dân chủ" ra sao ?

Huỳnh Liên, VNTB, 05/04/2021

 Đối với "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Bộ luật Hình sự cũ, nay là Điều 331 Bộ luật Hình sự tu chính, thay đổi quy định tại Khoản 2 từ "Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm", thành "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".

tudo2

Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là "gây ảnh hưởng xấu ?"

Xin trích lược thuật tiếp theo đây về một vụ án xét xử tội danh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, bị cáo nhận bản án là 12 tháng tù giam.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau :

Vào đầu tháng 11/2019 đến đầu tháng 02/2020 Nguyễn Hữu M sử dụng tài khoản Facebook "Nguyễn Hữu M" do mình lập từ năm 2012 được đăng ký bằng gmail Q trên phương tiện điện thoại Iphon 6s thường xuyên đăng tải, chia sẻ phát tán tin bài sai sự thật.

Cụ thể : Nguyễn Hữu M đã đăng tải 86 bài viết có nội dung xâm phạm đến uy tín, danh dự của lực lượng công an và chính quyền thành phố Hà Nội, Bộ Y tế, một số bài viết cụ thể như sau : Đăng ảnh xe chống bạo động của Cảnh sát cơ động và chú thích "Bọn cướp đã tấn công, máu đã đổ ở V" (đăng lúc 07g09’ ngày 09/01/2020) ; Đăng ảnh xe lực lượng Công an thi hành công vụ ở V và chú thích "Thảm cảnh cướp đất chưa từng có trong lịch sử loài người" (đăng lúc 11g13’ ngày 09/01/2020) ;

Đăng nội dung "V đã đổ máu, đã có một người dân bị giết bởi bọn cướp đất" (đăng lúc 12g31’ ngày 09/01/2020) ; chính quyền, lực lượng công an "Cướp đất tấn công dân lành V" (đăng lúc 12g43’ ngày 09/01/2020), "Khủng bố giết dân" (đăng lúc 14g53’ ngày 12/01/2020), "Cuộc thảm sát cướp đất ở V", "Lịch sử sẽ ghi lại cuộc tàn sát đẫm máu, man rợ này" (đăng lúc 18g08’ ngày 10/01/2020), "Giết người, cướp của" (đăng lúc 18g42’ ngày 18/01/2020), miêu tả Lê Đình K "đã hy sinh tại nhà riêng sau nhiều phát đạn tấn công của lực lượng Cảnh sát Cơ động Hà Nội rạng sáng ngày 09 tháng 01 năm 2020" (đăng ngày 13/01/2020) ;

Đăng hình ảnh lực lượng công an đi làm nhiệm vụ ngày 09/01/2020 trở về, ví von như quân khủng bố IS là "Lấy được mạng Cụ K" (đăng lúc 20g33’ ngày 20/01/2020) ; Chia sẻ đơn tố giác tội phạm, tố giác hành vi giết "cụ K" (đăng tải lúc 16g57’ ngày 21/01/2020)…

Ngoài ra, còn xuyên tạc hình ảnh người công an nhân dân trong một số vụ việc như vụ Phó Trưởng Công an thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tử vong do hút mỡ bụng, xuyên tạc Bộ Công an quỵt tiền thuê máy bay của Slovakia… ; tôn vinh Lê Đình K như "anh hùng", cụ thể "Lê Đình K hy sinh trong cuộc chiến chống nội xâm cướp đất"…

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Hải Nam đã ‘nghị án’ như sau (trích băng, tóm lược) :

Hành vi của bị cáo đã xâm hại đến danh dự, uy tín chính quyền thành phố Hà Nội, Bộ y tế và lực lượng Công an nhân dân, mặc dù bị cáo khai nhận việc bị cáo đăng các thông tin trên khi chưa qua, do là bị cáo bức xúc việc gia đình bị cáo vào năm 2013 bị thiệt hại nặng do lũ lụt nhưng không được Ủy ban nhân dân xã H, huyện N kiểm đếm để được hỗ trợ, và việc chuyển ngạch giảng viên cho bị cáo tại Trường Đại học R không đúng quy định, nên bị cáo đăng các bài này chỉ cho "Bõ ghét" chứ bị cáo không có mục đích chống phá chính quyền nhân dân.

Hội đồng xét xử thấy hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến danh dự, uy tín của chính quyền thành phố Hà Nội, Bộ y tế và lực lượng Công an nhân dân nên cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để bị cáo tự giáo dục mình và nhằm răn đe đối với những người đang định có ý nghĩ như bị cáo M.

Tuy nhiên Hội đồng xét xử thấy cũng cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt vì bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo thành khẩn khai báo những tình tiết giảm nhẹ này được qui định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

***

Cho đến nay thì công dân trong vụ án trên cũng đã thi hành án xong, và vụ án Đồng Tâm trên báo chí quốc tế  vẫn còn nguyên vẹn đó về những nghi vấn tương tự như những gì mà công dân M – một giảng viên đại học trong vụ án kể trên từng đặt ra.

Huỳnh Liên

Nguồn : VNTB, 05/04/2021

*************************

"Tự do dân chủ" là gì mà người ta phải "lợi dụng" ?

Lê Nguyễn, VNTB, 05/04/2021

Nếu thực sự có tự do, thực sự có dân chủ, cầm chắc chẳng ai phải nhọc lòng ‘lợi dụng’ để phải đi tù…

Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định :

tudo3

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù 2 – 7 năm".

Điều luật ở trên, giới dễ bị cho là phạm tội nhất, đó là các nhà báo.

Hiểu theo nghĩa cách hành văn theo ngữ pháp tiếng Việt, nếu đã gọi là "tự do báo chí", thì không thể có chuyện tư nhân không được quyền thành lập các tòa báo tư nhân.

Nếu gọi là "tự do ngôn luận", có nghĩa người dân được quyền công khai chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng rằng trong Điều lệ Đảng hiện hành, có điều nào cho phép một đảng viên liên tiếp 3 nhiệm kỳ giữ ghế Tổng bí thư ?

Người dân cũng có quyền bày tỏ sự bất bình trước việc Luật tổ chức Quốc hội 2014, đang bị Quốc hội khóa 14 ngang nhiên vi phạm, qua việc chưa diễn ra bầu cử khóa 15, người dân chưa thể hiện quyền của lá phiếu cử tri, thế nhưng dàn lãnh đạo ở Quốc hội khóa 15 cùng Chính phủ nhiệm kỳ mới tương ứng đã xong xuôi, với cả thủ tục đặt tay lên Hiến pháp để tuyên thệ của tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước.

Nếu người dân được quyền tự do tôn giáo, vậy thì vì sao đến nay Đảng và Nhà nước vẫn buộc các tôn giáo phải đồng thuận dưới quyền lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ? Thay vì các tôn giáo chỉ cần hoạt động theo đúng pháp luật dân sự và hình sự.

Cụ thể hơn, hiện tại tổ chức tôn giáo có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập vào tháng 1 năm 1964, vì không đồng ý quy về một mối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập tháng 11 năm 1981 – là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , một tổ chức chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Chính trị, cho nên đến nay tổ chức này tạm gọi là vẫn "nằm ngoài vòng pháp luật".

Nếu có quyền tự do lập hội, đơn giản thôi, chắc hẳn sẽ không có chuyện các nhà báo như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Trương Minh Đức… đang phải ngồi tù.

Câu hỏi cần sòng phẳng trả lời ở đây, đó là các trường hợp đặt trong chữ "Nếu" ở trên, họ đã xâm phạm cụ thể những "lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" như thế nào ?

Ví dụ, thắc mắc chuyện đảng viên giữ ghế suốt 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư, vậy thì "lợi ích hợp pháp" nào bị xâm phạm ?

Ví dụ tiếp theo, tân Chủ tịch Quốc hội khóa 15 Vương Đình Huệ, trên thực tế có lá phiếu cử tri nào chọn ông ấy hay chưa, khi mà ngày Chủ nhật 23-5 tới đây mới là ngày cả nước đi bỏ phiếu ? Vậy thì "lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" nào bị xâm phạm ?

Tôn giáo là vấn đề mang tính quyền riêng tư công dân. Vậy thì vì sao lại buộc tổ chức tôn giáo phải nằm trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc, với việc "Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" như ghi tại Điều 4.4 "Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ?

Lằn ranh ở đây rất mong manh, vì trong hầu hết các trường hợp những nhà báo bị cáo buộc tội danh theo Điều 258 trước đây, nay là Điều 331 của Bộ luật Hình sự, cho thấy các quy kết từ công tố trái với Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Cộng hòa Pháp, và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966  mà Việt Nam là thành viên tham gia, công nhận.

Theo đó đã xác định rõ : "Người dân có quyền tự do ngôn luận được sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông mạng internet, các trang mạng xã hội không trái pháp luật".

"Tự do dân chủ" là gì mà người ta phải "lợi dụng" ? – Một thắc mắc xem ra khó thể có câu trả lời tử tế ở thời điểm hiện tại .

Lê Nguyễn

Nguồn : VNTB, 05/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Huỳnh Liên, Lê Nguyễn
Read 681 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)