Mọi mô hình đối thoại đã biết đều 'khó có thể áp dụng' vào trường hợp của Việt Nam, nếu cuộc 'đối thoại' mà ông Võ Văn Thưởng nói 'diễn ra thật', theo một luật sư bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị của Việt Nam nói với BBC từ Sài Gòn.
Luật sư Lê Công Định cho rằng động thái về đề nghị 'đối thoái' của ông Võ Văn Thưởng chỉ nhằm đối phó với 'Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ' dự kiến vào hạ tuần tháng 5/2017.
Bình luận về ý tưởng của đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, tuần này đề xuất việc đề nghị ban lãnh đạo Đảng xem xét tổ chức 'đối thoại' với những người có ý kiến khác biệt với Đảng, Luật sư Lê Công Định cho rằng việc này 'khó' là vì Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ 'quen đối thoại thẳng thắn' và 'thật lòng'.
Mời quý vị theo dõi toàn văn sau đây cuộc phỏng vấn qua bút đàm cuối tuần này của BBC Việt ngữ với Luật sư Lê Công Định.
Vì đối thoại nhân quyền ?
BBC : Ông bình luận thế nào về ý kiến vừa rồi của ông Võ Văn Thưởng về vấn đề đề nghị Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét 'tổ chức đối thoại' với các ý kiến khác biệt với Đảng ?
Lê Công Định : Đó là dấu hiệu tốt về khả năng đối thoại giữa đảng cầm quyền và người dân nói chung và những người bất đồng chính kiến nói riêng. Xưa nay Đảng Cộng sản chỉ muốn nghe tiếng nói thuận và tung hô mình. Ai nói trái ngược thì dù đúng họ vẫn chụp mũ là 'thế lực thù địch'.
BBC : Theo ông, đâu là động cơ của ông Võ Văn Thưởng khi ông đưa ra đề nghị xem xét mở đối thoại nói trên ?
Ông Võ Văn Thưởng (phải) được truyền thông Việt Nam nói : 'chúng ta không sợ đối thoại, tranh luận'.
Lê Công Định : Tôi ngờ rằng đây không phải là chủ trương mới của Đảng Cộng sản. Tuần sau sẽ diễn ra Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ tại Hà Nội. Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng dường như gửi một tín hiệu cho chính quyền Mỹ rằng Việt Nam cũng 'sẵn lòng lắng nghe' đối lập.
Nhưng thông điệp đó cũng chỉ nhắm đến cuộc đối thoại nhân quyền mà thôi. Đó không phải là chính sách lâu dài. Hơn 70 năm qua, người cộng sản chưa từng lắng nghe và đối thoại, ngoại trừ trường hợp các Hiệp định Geneva và Paris. Tuy nhiên chúng ta đã thấy họ lật lọng thế nào !
Vụ Đồng Tâm mới đây có thể được xem là lần đầu tiên chính quyền chấp nhận ngồi xuống đối thoại với dân. Thoạt tiên họ dùng sức mạnh để trấn áp, nhưng khi vấp phải sự kháng cự mạnh của người dân, họ mới chấp nhận lui bước và ngồi xuống đối thoại.
Giả sử lời ông Thưởng nói là đúng và cuộc đối thoại diễn ra, tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn người dễ bảo và dễ đồng ý những gì họ áp đặt, chứ không phải sẽ đối thoại với ai mà phía bất đồng chính kiến muốn.
Nói cách khác, họ sẽ đặt ra thể lệ đối thoại, chọn người đối thoại, nêu ra đề tài đối thoại và chỉ đưa lên truyền thông nội dung đối thoại nào có lợi và họ muốn. Đây là một chiến dịch PR (tuyên truyền, quảng cáo) không hơn không kém nếu nó diễn ra. Tuy nhiên, tôi không tin nó sẽ diễn ra.
Bởi như tôi đã nói, phát biểu của ông Thưởng nhằm mục đích duy nhất là cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào tuần sau.
Có cần đến trung gian ?
BBC : Nếu đối thoại thì cần tổ chức như thế nào, thưa Luật sư ? Có cần trung gian không ? Nếu trực tiếp thì làm thế nào cho bình đẳng, hiệu quả và thực chất ?
Mô hình đối thoại thay vì sử dụng bạo lực đã được chính quyền Hà Nội và người dân lựa chọn trong diễn biến ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cuối tháng 4/2017.
Lê Công Định : Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại.
BBC : Nếu đối thoại bình đẳng, đâu là chủ đề cần ưu tiên ? Làm gì để người đối thoại với Đảng được an toàn, không bị ảnh hưởng tới an ninh ?
Lê Công Định : Chủ đề ưu tiên nên là quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Tôi tin nếu có đối thoại, nhà nước sẽ bảo đảm an toàn cho người đối thoại, vì họ đang làm PR nên cần giữ hình ảnh.
BBC : Các mô hình đối thoại hiệu quả và chuẩn mực thường có đặc điểm chính và chung nào, nó có dễ áp dụng với Việt Nam hay không ?
Lê Công Định : Mọi mô hình đối thoại đều khó có thể áp dụng vào trường hợp này nếu cuộc đối thoại mà ông Võ Văn Thưởng nói diễn ra thật. Khó là vì Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ quen đối thoại thẳng thắn và thật lòng. Đối với ai yếu hơn, họ luôn tìm cách áp đặt ý kiến chứ chưa bao giờ muốn đối thoại. Đối với ai ngang bằng sức mạnh, đối thoại chỉ là giải pháp tình thế và luôn kết thúc bằng lật lọng.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chủ trương bác bỏ mọi cơ hội đối thoại, vì dù sao đây sẽ là vận may của đất nước nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thật tâm. Chữ "nếu" này rất quan trọng. Tôi luôn dè dặt và chờ xem cách họ làm thế nào, rồi đặt niềm tin sau vẫn chưa muộn. Tôi từng tin họ nhiều lần, nhưng lần nào cũng thất vọng. Đó là vấn đề thuộc về bản chất của người cộng sản.
Chỉ là một phép thử ?
BBC : Cuối cùng theo ông quan điểm của ông Võ Văn Thưởng có phản ánh gì về tư duy hay tư tưởng của nội bộ ban lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay ở Việt Nam ? Nó là thiểu số hay đa số hay đơn thuần là một phép thử ?
Nhà cầm quyền Việt Nam mới đây không ch tiến hành bắt nhà hoạt động Hoàng Bình (phải), truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái) mà còn 'bôi nhọ' các linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục, theo Luật sư Lê Công Định.
Lê Công Định : Như tôi đã nói, đề xuất đối thoại của ông Võ Văn Thưởng chỉ nhằm mục đích gửi tín hiệu cho phía Mỹ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nay sẵn lòng mở cánh cửa đối thoại với phía bất đồng chính kiến.
Tôi nghe nói cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào tuần sau không suôn sẻ đối với Hà Nội, vì Bộ ngoại giao Mỹ muốn Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị trước khi tính đến khả năng đàm phán một hiệp định thương mại thay thế cho TPP, điều mà Việt Nam rất cần trước sự sa sút hiện nay của nền kinh tế.
Nhà cầm quyền Việt Nam chưa muốn trả tự do cho các tù nhân chính trị lúc này, nên họ đề xuất đối thoại với giới bất đồng chính kiến như một giải pháp thay thế để thương lượng với phía Mỹ. Cách tung tin để thăm dò này tôi không thấy lạ, vì họ dùng nhiều lần rồi. Chỉ là "same shit, different day" (tạm dịch : 'bổn cũ soạn lại') thôi.
Đầu óc của giới lãnh đạo Việt Nam chỉ nghĩ đến trấn áp bằng sức mạnh hoặc lừa dối bằng tuyên truyền, chứ chưa bao giờ muốn đối thoại thật tâm. Hãy nhìn vào vụ Formosa như một bài học gần nhất từ hơn một năm qua. Khi xảy ra thảm họa, thay vì thừa nhận sự việc, họ chọn dối trá và bao che. Khi người dân phản ứng, họ chọn trấn áp thay vì lắng nghe nguyện vọng của nạn nhân.
Mới đây nhất, họ bắt nhà hoạt động Hoàng Bình, truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền và dùng truyền thông bôi nhọ hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Đã có tín hiệu nào về sự sẵn lòng đối thoại trong trường hợp đó hay chưa ? Cần lưu ý, nạn nhân Formosa không phải là bất đồng chính kiến gì cả, mà nhà cầm quyền còn chưa muốn đối thoại, thì nói chi đến giới bất đồng chính kiến.
Bắt giam và bôi nhọ vẫn là hai phương thức truyền thống mà toàn bộ giới lãnh đạo cộng sản hiện nay vẫn tiếp tục dùng đối với giới bất đồng chính kiến. Vì vậy, đối thoại ư ? Hãy chờ xem.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 21/05/2017
Luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động dân chủ hóa và nhân quyền, cựu tù nhân chính trị, từng là thành viên của một số tổ chức như Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, hội đồng đại diện cho Việt Nam - Hiệp hội Luật sư châu Á - Thái Bình Dương và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
******************
Đối thoại 'tín hiệu mới rất đáng khích lệ' (BBC, 21/05/2017)
Dự định đề nghị xem xét mở 'đối thoại' với bất đồng chính kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, là tín hiệu mới, đáng khích lệ và là 'lời mời rất quý báu', một 'cơ hội' cần được 'chớp lấy', theo một số ý kiến bình luận, quan sát của khách mời tại Tọa đàm cuối tuần của BBC Việt ngữ.
Đề nghị xem xét mở 'đối thoại' với bất đồng chính kiến của quan chức cao cấp trong lãnh đạo Đảng là tín hiệu mới, đáng khích lệ, theo Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Hôm thứ Bảy, 21/5/2017, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị của Việt Nam từ Hoa Kỳ nói với BBC ông ủng hộ động thái mà ông gọi là sự 'ngỏ lời' này của đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, ông nói :
"Ngỏ lời đối thoại với những người bất đồng chính kiến Việt Nam từ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ở đây là thông qua phát biểu của ông Võ Văn Thưởng... là một tín hiệu mới và rất đáng khích lệ.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự là những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, những người bất đồng chính kiến mà có kinh nghiệm, đồng thời bản lĩnh, thì không đời nào chúng ta lại đòi hỏi nhà cầm quyền tự nhiên lại có cuộc đối thoại sòng phẳng với những người bất đồng chính kiến được.
"Tôi nói như vậy để nói rằng cứ mở ra đối thoại đi đã, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể mời những người có quan điểm khác biệt theo mức độ của Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đi đã.
"Để mà khơi mào, để mở đầu, người ta gọi là 'vạn sự khởi đầu nan', mọi cái chưa xảy ra, mà mình có quan điểm bi quan, thậm chí quan điểm bác bỏ, bảo là Đảng Cộng sản Việt Nam lừa đấy, thì bản thân chúng ta trong cuộc sống mà lúc nào chúng ta cũng không nhìn hướng về cái tốt, kể cả trong tình huống xấu nhất..".
'Đối thoại phải trực tiếp'
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa đưa ra 'tín hiệu' đối thoại có thể xem như một 'cơ hội', theo ý kiến bình luận với BBC.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ làm rõ thêm quan điểm của mình từ kinh nghiệm và niềm tin cá nhân cho đến cách hiểu về lý thuyết đối thoại, và cho rằng đối thoại phải là 'trực tiếp', ông nói với Tọa đàm cuối tuần của BBC :
"Tôi cũng xin nói ngay, tôi bị tù, trong khi đang bị cầm tù rất khắc nghiệt như thế, nhưng tôi luôn có một niềm tin rằng cuộc đấu tranh của bản thân tôi cũng như bao nhiêu người bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam là chính nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau và thậm chí trong một thời gian ngắn, rồi cũng phải nghe...
"Bởi không phải Đảng Cộng sản Việt Nam sống một mình ở trên cõi đời này, còn có thế giới, còn có các nước công nghiệp phát triển mà Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, để mà phát triển kinh tế, có Mỹ mà Việt Nam rất cần để có thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
"Thành ra sự thay đổi phải đến, cho nên tôi khẳng định lại là việc Đảng Cộng sản Việt Nam ngỏ lời đối thoại như thế là chúng ta phải ủng hộ, còn chúng ta... từ cá nhân, cho đến nhóm người, chúng ta đừng tự xếp mình là 'tôi mới là bất đồng chính kiến', 'tôi mới là nhân vật quan trọng nhất' để đảng cộng sản đối thoại, nhưng vì tôi có quan điểm quá ngược với đảng cộng sản đi, tôi cần phải có người trung gian.
"Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như thế vừa không khoa học theo con đường phát triển của xã hội, đặc biệt lý thuyết về đối thoại, nó phải đi từ ít đến nhiều. Thứ hai, tôi nghĩ đối thoại là trực tiếp giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và những người có quan điểm chính trị khác biệt với Đảng Cộng sản Việt Nam, thì phải là đối thoại trực tiếp.
"Phải đối thoại trực tiếp cho dù những người ban đầu mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngỏ ý muốn đối thoại không phải bao hàm tất cả những người bất đồng chính kiến, ví dụ như tôi từ năm 2010, tôi yêu cầu phải hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) quy định độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để thiết lập một chế đọ dân chủ, đa đảng, rồi một nhà nước tam quyền phân lập, tức là nhà nước pháp quyền...
Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng dường như gửi một tín hiệu cho chính quyền Mỹ rằng Việt Nam cũng 'sẵn lòng lắng nghe' đối lập, theo Luật sư Lê Công Định.
"Quan điểm của tôi có thể nói là đi đến tận cùng để Việt Nam có được một chế độ dân chủ đa đảng, tuy nhiên để đi đến chỗ mà đất nước Việt Nam có được một chế độ... như thế, thì chúng ta phải tiến hành đối thoại".
'Tránh quan điểm cực đoan'
Nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam từ Mỹ nhân dịp này cũng nhấn mạnh việc tránh mọi quan điểm cực đoan có thể gây ra xung đột nghiêm trọng, để hướng đến một cuộc đối thoại mà ông kỳ vọng, ông Cù Huy Hà Vũ nói :
"Chúng ta phải loại bỏ mọi quan điểm, tư tưởng cực đoan để có thể dẫn đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam co cụm lại, bảo thủ và quyết chí giữ quyền lợi của mình, đến cùng, bằng mọi phương tiện kể cả bằng máu lửa, cái đấy tôi thấy hoàn toàn có hại cho dân tộc Việt Nam.
"Chúng ta đã có cuộc chiến tranh, cuộc nội chiến trong giai đoạn trước năm 1975 rồi, chúng ta phải rút kinh nghiệm chuyện đấy, không để Việt Nam rơi vào vòng nội chiến, những người Việt đánh nhau nữa, mà chúng ta phải hướng đến làm thế nào giải quyết những bất đồng, cho dù sự bất đồng ấy gần như có thể gọi là 'nước với lửa'...
"Nhưng tôi nghĩ rằng, với thời gian, mọi bất đồng và với một tâm muốn vì dân vì nước, chứ đừng vì cá nhân mình, đừng vì gia đình mình, đừng vì lợi ích cục bộ của bè nhóm mình, thì mọi cái đều có thể đặt lên trên bàn đối thoại và đều có thể giải quyết được", ông Hà Vũ nói với BBC.
Cũng tại Bàn tròn hôm thứ Bảy, Luật sư Lê Công Định, một nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị chia sẻ với BBC quan điểm của mình qua bút đàm, về ý tưởng của ông Võ Văn Thưởng đề nghị Ban bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét 'tổ chức đối thoại', đề cập khía cạnh hình thức và nội dung 'của đối thoại' nếu có, ông Định viết :
"Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại.
"Chủ đề ưu tiên nên là quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Tôi tin nếu có đối thoại, nhà nước sẽ bảo đảm an toàn cho người đối thoại, vì họ đang làm PR (tuyên truyền, quảng cáo) nên cần giữ hình ảnh".
Luật sư Định cũng bày tỏ quan điểm cho rằng ông không tin sẽ diễn ra 'đối thoại' thực sự, ông viết : "Giả sử lời ông Thưởng nói là đúng và cuộc đối thoại diễn ra, tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn người dễ bảo và dễ đồng ý những gì họ áp đặt, chứ không phải sẽ đối thoại với ai mà phía bất đồng chính kiến muốn.
"Nói cách khác, họ sẽ đặt ra thể lệ đối thoại, chọn người đối thoại, nêu ra đề tài đối thoại và chỉ đưa lên truyền thông nội dung đối thoại nào có lợi và họ muốn. Đây là một chiến dịch PR không hơn không kém nếu nó diễn ra. Tuy nhiên, tôi không tin nó sẽ diễn ra. Bởi như tôi đã nói, phát biểu của ông Thưởng nhằm mục đích duy nhất là cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào tuần sau".
'Cơ hội cần được chớp'
Ngay tại Bàn tròn, một khách mời khác, nhà báo Lương Đình Cường, Tổng Biên tập báo điện tử Nguoiviet.de từ Cộng hòa Liên bang Đức đưa ra quan điểm của mình, ông nói :
"Cá nhân tôi không chia sẻ và không nhất trí với một đề nghị hay dự kiến của ông Lê Công Định nói rằng trong cuộc đối thoại này cần phải có trung gian, theo tôi toàn là người Việt Nam cả, chúng ta tại sao lại phải cần có trung gian ? Tôi cho rằng sẽ không cần và không nên có trung gian.
"Thứ hai là chúng ta phải như thế này, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay nắm trong tay toàn bộ lực lượng công an, quân đội, tòa án, (kiểm) sát... nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, còn chúng ta là những người lực lượng dân chủ, xã hội dân sự v.v... Chúng ta tuy là lực lượng mạnh mẽ, nhưng chúng ta đừng đòi hỏi một sự bình đẳng, từ tín hiệu như ông Cù Huy Hà Vũ đã phân tích là lời mời rất là quý báu, là một chuyển biến rất lớn, thì chúng ta cần phải chớp lấy cơ hội dù cho rằng trong quá trình đối thoại ấy lãnh đạo Việt Nam chọn những đối tượng đối thoại theo họ muốn.
"Tức là trong số mấy chục tổ chức xã hội dân sự, họ không mời tất, mà họ lựa chọn một số nào đó. Tôi cho rằng cũng là tốt thôi. Những người chưa được đối thoại thì cứ chờ đó, những người được đối thoại trước cũng không nên vì quyền lợi của riêng tổ chức của mình mà khi vào đối thoại cũng nên nói lên tiếng nói của chung, của dân tộc, của các hội đoàn khác. Chứ không nên chúng ta đòi hỏi là phải được đông đảo, hoặc phải được ra điều kiện phải những hội đoàn này được vào đối thoại, theo tôi là không cần thiết, mà chúng ta thấy rằng đấy là một tiến bộ".
Về chủ đề đối thoại, nhà báo Lương Đình Cường nêu quan điểm :
"Chủ đề đối thoại cũng vậy, theo tôi chúng ta cũng không thể nào sòng phẳng quá mà đòi hỏi một sự bình đẳng quá mà chúng ta cứ đối thoại đi, chọn một số đề tài nào đó, mà có thể lãnh đạo Việt Nam chọn trước đi, chúng ta cứ đối thoại đi và dần dần chúng ta sẽ thêm những đề tài khác và những điều kiện khác.
Chính quyền Hà Nội và người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã lựa chọn 'đối thoại' trong một diễn biến tranh chấp nóng bỏng cuối tháng 4/2017.
"Chứ không nên nghi ngờ quá và đòi hỏi nhiều quá và lại làm khó khăn cho đối thoại, vạn sự khởi đầu nan, chúng ta cứ đối thoại và... trong quá trình đối thoại đó, thành công lớn nhất tôi cho là lãnh đạo Việt Nam sẽ bỏ chuyện ngăn cản, cấm đoán các nhà hoạt động dân chủ ra khỏi nhà mình (nơi cư trú) để đi hoạt động ở nơi này, nơi khác.
"Nhưng bây giờ, các nhà hoạt động dân chủ, cứ có một sự kiện gì là bị công an, an ninh canh cửa, gác cổng, rồi cấm đoán, theo tôi, nếu xảy ra đối thoại, hiện tượng đó đương nhiên sẽ được giảm bớt hoặc là hoàn toàn gỡ bỏ, sẽ là thành công lớn nhất. (Thêm) nữa là việc đối thoại sẽ còn là khởi đầu cho cả một quá trình giải quyết những bức xúc của xã hội, như tôi nói... sẽ là một sự kiện rất lớn mà đây là chúng ta phải chớp cơ hội, chứ không nên nghi ngờ quá, dè dặt quá, rồi đòi hỏi bình đẳng quá mà nó mất cơ hội này đi...
"Bởi vì tương quan lãnh đạo ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam (hiện nay), (nên cần) chớp cơ hội để đối thoại, mà cứ dùng dằng, nêu điều kiện nọ kia mà bỏ lỡ, thì đến một lúc nào đó tương quan lực lượng nó khác đi, có thể cơ hội đối thoại không còn nữa, sẽ là một cơ hội rất uổng phí", nhà báo Lương Đình Cường từ CHLB Đức nói với Bàn tròn Cuối tuần của BBC Việt ngữ.
Ngay sau Tọa đàm, khi được hỏi liệu có muốn phản hồi ý kiến của các khách mời khác tại Bàn tròn hay không, Luật sư Lê Công Định chia sẻ bằng bút đàm với BBC, ông viết : "Tôi không bình luận gì về nhận định của hai vị khách mời đối với quan điểm của tôi, vì tôi nghĩ hai vị đã nói hết suy nghĩ của mình một cách rất rõ ràng".
Khi được hỏi liệu các ý kiến khách mời khác có lạc quan quá hay không hay là có sự 'ngây thơ chính trị' nào đó, hoặc có thể các ý kiến này đang có tính toán nào đó khi coi đây là một cơ hội thật sự, ông Định trả lời :
"Mỗi người đều đứng ở góc độ riêng để tiếp nhận và phản hồi lại thông tin về việc Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị đối thoại với người có ý kiến khác với họ. Ai cũng có những kinh nghiệm và lý do riêng để đưa ra quan điểm của mình. Tôi rất tôn trọng điều này", ông trả lời BBC.