Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2021

Chiến lược "zero covid" của Trung Quốc

Chi Phương

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan về chính trị lẫn y tế

Tại Trung Quốc, 13 triệu người dân thành phố Tây An đã bị phong tỏa hoàn toàn vì số ca nhiễm mới gia tăng, một minh họa mới về chiến lược "zero covid" của Bắc Kinh. Nhưng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, dễ lây lan hơn, chính sách này ngày càng khó thực thi. Thách thức về cả y tế và chính trị đang được đặt ra cho Trung Quốc trước thềm Thế Vận Hội Mùa đông 2022 và Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 20. 

zero1

Chiến lược zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến Thượng Hải phải hủy hàng trăm chuyến bay và đóng cửa một số trường học.  STR AFP

Năm tuần trước khi Thế Vận Hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc, Trung Quốc phải đối phó với một đợt dịch bùng phát mạnh đo tác động của biến thể Omicron. Báo l’Opinion, số ra ngày 28/12/2021, nhận định : "Giới chức Trung Quốc không chỉ đau đầu vì số ca nhiễm gia tăng, mà còn lo ngại về khả năng duy trì chiến lược zero covid" được thực hiện từ đầu dịch vào tháng 01/2020.

Chiến lược "không khoan nhượng" 

Trong hai năm qua, và nhất là những tháng cuối năm, với sự xuất hiện của các biến thể mới, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay can thiệp nhằm ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh, không ngần ngại xét nghiệm toàn dân, cô lập các vùng có ca nhiễm, ngay cả khi cái giá của việc này là làm tê liệt nhiều hoạt động của quốc gia.

Không vùng nào "thoát khỏi" chiến lược này, gần đây nhất là thành phố Tây An, ở phía tây bắc của Trung Quốc : 13 triệu dân đã bị phong toả. Ca nhiễm đầu tiên được báo cáo vào ngày 9/12, ngay sau đó số ca nhiễm liên tục gia tăng và lây lan trong cộng đồng. Đến ngày thứ tư 29/12, Tây An ghi nhận thêm hơn 150 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1100. (Trong cùng một ngày, tại Pháp, số ca nhiễm mới lên đến 200 000). Các biện pháp được thực hiện ở Tây An được cho là quyết liệt nhất kể từ khi thành phố Vũ Hán bị cô lập hoàn toàn từ đầu dịch. Không ai có thể ra vào thành phố, mỗi hộ chỉ một người được phép rời khỏi nhà đi mua nhu yếu phẩm cứ ba ngày một lần. Tất cả các cửa hàng không thiết yếu đã bị đóng cửa và hàng chục nghìn cư dân được yêu cầu xét nghiệm. Hôm thứ Hai, 27/12, chính quyền thông báo việc áp dụng các biện pháp mới, nghiêm ngặt hơn, nhưng chưa nêu cụ thể những biện pháp nào.

Niềm an nủi nhỏ nhoi 

Bắc Kinh cũng đã xử phạt 6 quan chức địa phương, bị buộc tội xử lý chậm trễ, gây bùng phát dịch, liên quan đến 6 ca nhiễm mới ở Tây An bắt nguồn từ hành khách đến từ Pakistan. Chính quyền địa phương nhanh chóng nói rằng không ai trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính ở Tây An mang biến thể Omicron. Nhưng theo nhà virus học Jon Dong Yan, được báo South China Morning Post trích dẫn, đây chỉ là một "niềm an ủi nhỏ nhoi" cho Bắc Kinh, vì đợt bùng phát này, trên tất cả, chứng minh rằng "ngay cả khi việc phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc rất tốt, những sơ hở trong kiểm soát biên giới vẫn cho phép virus lây lan". 

Pháo đài bất khả xâm phạm bị rạn nứt 

Kênh truyền hình Pháp France 24 nhận xét, cách đây một tháng, Trung Quốc vẫn còn tự "vỗ ngực dương oai" về chiến lược "zero covid" này, được thực hiện trên cả nước và có thể ngăn chặn dịch lây lan trong vòng một tháng. Đối với Bắc Kinh, đây là bằng chứng cho thấy chiến lược "không khoan nhượng" là biện pháp đúng đắn khi đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm. Kênh truyền hình quốc gia, thời điểm đó, đã mô tả Trung Quốc như một "pháo đài bất khả xâm phạm". Tờ báo Hoàn Cầu Thời Báo nhận định rằng "mọi người phải tự hỏi rằng liệu chiến lược zero covid của Trung Quốc có kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn không, vì các quốc gia khác cũng đang bắt đầu đối mặt với các làn sóng dịch mới, áp đặt lại các hạn chế do số ca nhiễm với biến thể Omicron gia tăng". 

Thế nhưng, kể từ giữa tháng 12, "pháo đài" Trung Quốc dường như bị rạn nứt. Ngày 13/12, Bắc Kinh thông báo đã phát hiện ra hai ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trên chuyến bay trở về từ Canada. Gần 10 ngày sau đó, 9 ca nhiễm biến thể mới, có độ lây can cao đã chính thức được xác định trên lãnh thổ Trung Quốc. Con số này không có gì đáng nói so với các nước phải đối mặt với hàng chục, trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng đối với quốc gia không "khoan dung" đối với bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào, thì con số này là rất lớn.

Quản lý nhiều lỗ hổng trước thềm Thế Vận Hội 

Theo South China Morning Post, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát Omicron lớn hơn, mặc dù chiến lược "zero covid" vẫn có thể có hiệu quả chống lại biến thể mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải xử lý các lỗ hổng và phân bổ nguồn lực để ứng phó với thách thức lớn hơn. Thế Vận Hội Mùa đông cận kề đồng nghĩa với việc một số biện pháp kiểm soát tại các cửa khẩu sẽ bị nới lỏng. Hàng nghìn vận động viên và đại biểu có thể vào Trung Quốc mà không cần qua kiểm dịch và cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Liều tăng cường được khuyến khích, nhưng không bắt buộc. 

Vac-xin Trung Quốc khó chống lại biến thể mới

Vấn đề tiêm chủng cũng là một vết nứt khác của "tường thành" Trung Quốc. Khoảng 80% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin, ngay cả với trẻ dưới 3 tuổi. Theo South China Morning Post, trích dẫn nghiên cứu chung của đại học Hồng Kông và đại học Hồng Kông Trung Quốc, hai liều vac-xin, chủ yếu được sử dụng trong chương trình tiêm chủng của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, tạo ra rất ít kháng thể, "nếu không muốn nói là gần như không cung cấp kháng thể chống lại biến thể Omicron". Ngay cả với ba liều vắc-xin Sinovac cũng không mang lại "khả năng bảo vệ đầy đủ" đối với biến thể mới. 

Trên mạng Twitter, nhà virus học Tulio de Olivera, đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi, một trong những người đã phát hiện ra biến thể mới nhất của Covid-19, nghi ngờ rằng "Trung Quốc sẽ khó có thể duy trì chiến lược zero covid". 

Trung Quốc có nên từ bỏ "zero covid", sống chung với virus ? 

Đối với biến thể Omicron, số lượng ca nhiễm "thường tăng gấp đôi cứ sau hai hoặc ba ngày, điều này khiến việc truy tìm ca bệnh - cần thiết nếu chúng ta muốn áp dụng chính sách 'zero covid' - rất khó khăn", theo Kwok Kin-on, nhà dịch tễ học từ Đại học Hồng Kông Trung Quốc, trả lời trên báo South China Morning Post. Và để đạt được điều này, chính phủ Trung Quốc "sẽ buộc phải phân bổ nhiều nguồn lực tài chính hơn nữa để chống lại sự lây lan của virus, có thể làm chậm nghiêm trọng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc", theo nhận định của Financial Times. 

Theo Lawrence Gostin, chuyên gia về các vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Đại học Georgetown ở Washington, trả lời trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), đây là lý do tại sao Bắc Kinh "sẽ phải tự liên kết với các nước khác và áp dụng chính sách sống chung với virus hơn là diệt trừ nó". 

"Nếu từ bỏ, đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại" 

Theo ông Lee Poon, nhà virus học Hồng Kông, được Financial Times trích dẫn, lựa chọn đầu tiên mà chính phủ Trung Quốc từ chối xem xét, đó là lý do chính trị. Trước thềm Thế Vận Hội Mùa đông, Đảng cộng sản Trung Quốc muốn duy trì hình ảnh của chiến lược "zero covid", hiện vẫn đang được thi hành. Chanel News Asia thì lại cho rằng không có chuyện Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách y tế vào năm sẽ diễn ra đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản - được cho là sẽ tán thành nhiệm kỳ thứ ba của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên thực tế, vị lãnh tụ tối cao của quốc gia này chính là người đã thúc đẩy chính sách zero covid, và "từ bỏ chính sách thì chẳng khác gì thừa nhận thất bại". 

Hệ thống y tế chưa sẵn sàng 

Theo các chuyên gia y tế được France 24 trích dẫn, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc "chưa sẵn sàng" cho chính sách "sống chung với virus" theo kiểu phương Tây. Vào cuối tháng 11/2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu dự đoán "sự bùng nổ thảm khốc" các ca nhiễm mới, nếu nước này từ bỏ đường lối cứng rắn để hạn chế sự lây lan của virus corona. Nghiên cứu chỉ ra việc phải đối mặt với hàng trăm nghìn ca mới mỗi ngày và sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống y tế. Theo chuyên gia về chính sách y tế, thuộc đại học Yale, được Voice of America trích dẫn, "Trung Quốc không đủ khả năngxử lý một lượng lớn bệnh nhân". Ví dụ cụ thể là số y tá trên 1000 dân ở Hoa Kỳ cao gấp bảy lần so với Trung Quốc. 

Vì lý do trên, mà theo Capital Economics, công ty phân tích kinh tế của Anh, được Washington Post trích dẫn, việc duy trì chiến lược "zero covid" không chỉ là một lựa chọn chính trị để chứng minh rằng Trung Quốc đang làm tốt hơn hầu hết các quốc gia khác. Điều này cũng thể hiện "sự cấp thiết y tế trong khi chờ đợi chiến dịch tiêm chủng - cho phép dân số đạt được miễn dịch cộng đồng". 

Do đó, Bắc Kinh dường như bị mắc kẹt giữa chiến lược "zero covid" có vẻ không phù hợp với các biến thể rất dễ lây lan và sự chuyển hướng sang cách tiếp cận "phương Tây" trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh có thể dẫn đến "thảm họa y tế" ở Trung Quốc. France 24 kết luận rằng, những thách thức đó đang được đặt ra với Bắc Kinh vào lúc sắp chuyển qua một năm mới rất nhạy cảm về mặt chính trị đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 30/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)