Trong một diễn biến bất thường, ngày 18/5 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết là Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Sự kiện trên đây đã trở thành đề tài bàn tán khá rôm rả trên không gian mạng suốt vài tuần nay. Ai cũng biết đối thoại thì tốt hơn đối đầu. Vấn đề đối thoại đã được những người bất đồng chính kiến nêu lên với nhà cầm quyền Việt Nam từ lâu, nhưng chưa bao giờ họ nhận được câu trả lời từ phía giới chức hữu trách. Theo nhà báo Lê Phú Khải, ông đã nghe hai chữ "đối thoại" do một nhà lãnh đạo đảng phát ra từ hơn 20 năm trước.
Câu hỏi cần đặt ra ở đây là : Tại sao vấn đề đối thoại lại được một người nắm trọng trách trong bộ máy nêu lên vào lúc này ? Thời điểm này đã thích hợp cho việc đối thoại chưa ? Và giới bất đồng chính kiến cần ứng xử trước thông điệp này như thế nào ?
Bối cảnh đất nước
Việt Nam vẫn đang ở trong cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Nếu mọi chuyện vẫn như hiện nay thì cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc và nặng nề. Để đưa nước nhà thoát khỏi khủng hoảng và bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững, giải pháp duy nhất và triệt để nhất là cải cách thể chế. Và bước đi đầu tiên của một cuộc cải cách thể chế sâu rộng và triệt để chính là việc tổ chức đối thoại giữa Đảng cộng sản Việt Nam với những người bất đồng chính kiến và các đảng phái chính trị đối lập.
Những gì trên đây cho thấy việc đối thoại lẽ ra đã phải diễn ra từ lâu. Việc nó chưa diễn ra trong thực tế xuất phát từ một lý do rất đơn giản : không một thế lực độc tài nào tự nguyện trao trả quyền lực cho nhân dân. Họ chỉ chịu đối thoại với lực lượng đối lập trong các trường hợp sau : (i) lực lượng đối lập, với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng, đã lớn mạnh và đủ sức đe doạ sự an nguy của chế độ bằng các cuộc biểu tình trên diện rộng (trước khi tiến tới lật đổ chế độ bằng cuộc tổng biểu tình cuối cùng) ; (ii) chế độ đứng trước bờ vực sụp đổ và giải pháp duy nhất là cải cách thể chế toàn diện và triệt để ; và (iii) thành phần cấp tiến trong bộ máy chiếm ưu thế và trước những hiểm hoạ mà nước nhà phải đối mặt, họ thực sự muốn cải cách thể chế.
Xét tình hình Việt Nam hiện nay thì rõ ràng trong ba tiêu chí trên chưa có tiêu chí nào đạt. Lực lượng đối lập ở Việt Nam còn mỏng, phân tán và chưa kết nối được nhiều với quần chúng. Việt Nam ngày càng chìm vào cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội toàn diện, nhưng nếu nói là chế độ đang đứng trước bờ vực sụp đổ như thời điểm trước thềm Đại hội VI (tháng 12/1986), hay như các quốc gia cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980- đầu thập niên 1990, thì e là hơi quá cường điệu. Cuối cùng, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn đang nằm dưới sự lãnh đạo của một ông trùm bảo thủ, một giáo sư - tiến sỹ chuyên ngành "Xây dựng đảng", còn trong Bộ Chính trị thì chưa thấy ai nổi lên như một nhân vật đủ tâm và tầm để dẫn dắt lực lượng cấp tiến trong hệ thống, hầu thúc đẩy tiến trình "thoát Trung" và dân chủ hóa đất nước.
Động cơ đằng sau thông điệp đối thoại ?
Lực lượng cấp tiến trong đảng chưa chiếm ưu thế và chế độ thì chưa rơi vào hoàn cảnh thúc bách buộc phải đối thoại với lực lượng đối lập – vậy động cơ nào khiến ông Võ Văn Thưởng tuyên bố là đảng không sợ đối thoại vào thời điểm này ?
Theo chúng tôi, có hai lý do chính đằng sau tuyên bố bất ngờ của ông Võ Văn Thưởng. Thứ nhất, lời tuyên bố đó được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ diễn ra vào ngày 23/5 và chuyến công du Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 - 31/5. So với Đảng Dân chủ thì chính quyền của Đảng Cộng hoà thường tỏ thái độ cứng rắn hơn trước hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong bối cảnh chính quyền vẫn gia tăng đàn áp nhằm vào những tiếng nói đấu tranh đòi nhân quyền và dân quyền cho nhân dân Việt Nam, tuyên bố của một nhân vật được coi là đại diện cho ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam rõ ràng sẽ có tác dụng xoa dịu tình hình, giúp cải thiện hình ảnh Việt Nam trước hai sự kiện chính trị quan trọng nêu trên.
Thứ hai, bất chấp thái độ nghi ngờ cố hữu mà người ta dành cho nhà cầm quyền cộng sản, câu phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng vẫn được bàn luận khá rôm rả và đem đến cho công chúng vài tia hy vọng. Từ ngày 20 đến 31/5, chỉ riêng trên Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức phản tỉnh trong nước, đã có đến 29 bài liên quan đến chủ đề "đối thoại". Trong bức thư ngỏ gửi nhân vật đứng đầu bộ máy tuyên truyền và giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một trí thức Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước, đã viết : "Chắc anh đã thấy trong mấy ngày qua, sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, nhất là giới trí thức phản biện về những đề đạt của anh".
Thoạt tiên, đây tưởng chừng là một dấu hiệu tích cực khi thông điệp đối thoại của nhà cầm quyền được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, và điều này cũng tạo ra đôi chút phấn chấn cho công chúng Việt Nam nói chung và giới bất đồng chính kiến nói riêng. Tuy nhiên, thông điệp này lại "lợi bất cập hại" ở chỗ, nó dễ khiến giới đấu tranh bị "ru ngủ".
Và ứng xử của chúng ta
Chúng tôi nằm trong số những người ủng hộ giải pháp đối thoại. Đơn giản, nếu cứ đà này, việc chế độ cộng sản sụp đổ trong cơn cuồng loạn bạo lực là kết cục không tránh khỏi. Khi điều đó thực sự xẩy ra, Trung Quốc sẽ lợi dụng cơ hội lúc Việt Nam rơi vào khoảng trống quyền lực để đánh chiếm Trường Sa và thậm chí đưa quân vào Việt Nam hầu đảm bảo chí ít là chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ không đi theo quỹ đạo của Mỹ. Vì vậy, việc nhà cầm quyền và lực lượng đối lập đối thoại để đưa nước nhà chuyển tiếp sang chế độ dân chủ một cách êm thấm như Myanmar là giải pháp lý tưởng, cho đất nước nói chung lẫn Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng.
"Tiên thủ hạ vi cường". Nếu ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam chờ cho đến khi hai tiêu chí (i) và (ii) trên đây chín muồi mới chịu đối thoại với lực lượng đối lập thì e rằng lúc đó đã quá muộn với họ. Vì thế, thông điệp đối thoại do ông Võ Văn Thưởng phát ra không phải là không có chút thực tế nào. Dù vậy, nếu giới bất đồng chính kiến cứ bàn cãi về thời điểm đảng đối thoại, đối thoại với ai và đối thoại về cái gì thì sẽ rơi vào cái bẫy "tự ru ngủ" của nhà cầm quyền.
Cách ứng xử đúng đắn của giới bất đồng chính kiến, như chúng tôi đã nêu trong bài "Cách mạng dân chủ ở Việt Nam : từ dưới lên hay từ trên xuống", là không một phút giây sao nhãng nhiệm vụ phát triển phong trào dân chủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chế độ trong tầng lớp công nhân và nông dân.
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của luật sư Lê Công Định trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây về chủ đề này : "Từ vụ Đồng Tâm cho thấy, người dân phải có sức mạnh mới có thể đối thoại bình đẳng với cộng sản".
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 03/06/2017