Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2017

Đề xuất cấm đưa tố cáo lên FB : Sao phải cấm ?

Thành Luân

Quan trọng nhất là phải có mối liên hệ giữa trách nhiệm của người tố cáo với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bị tố cáo và cơ quan hữu quan.  

Quyền chính đáng

Khi bàn về dự thảo Luật Tố cáo (Sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, với mục đích hạ thấp uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân.

Ông Chiến cũng đề nghị trên trang mạng cá nhân chỉ có thể nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, bày tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cơ quan, đơn vị.

Trước đề xuất này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình.

fb1

Ảnh minh họa : NLĐ

Theo đó, ông cho rằng, không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội. Nhờ có mạng xã hội mà rất nhiều sự việc sai phạm được phát hiện và cũng nhờ mạng xã hội mà người dân theo dõi được sự việc sát sao.

Ngay như báo chí hàng ngày cũng coi mạng xã hội là một nguồn tin khổng lồ, một kênh tương tác tuyệt vời, dĩ nhiên phải có kiểm chứng trước khi sử dụng. Vụ nổ thiết bị lọc bụi của lò vôi Formosa Hà Tĩnh là một ví dụ. Khi đó, mạng xã hội lan truyền thông tin rất nhanh và đa dạng, sự kiện được đặc biệt quan tâm khi người đứng đầu Chính phủ từng tuyên bố sẽ đóng cửa Formosa nếu lặp lại ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, tố cáo là một quyền chính đáng của người dân và phải có nơi để người dân tố cáo. Khi người dân gửi đơn tố cáo đến đúng đơn vị, tổ chức, cá nhân nhưng trong trường hợp đơn vị, cá nhân đó không chịu trả lời thì người dân có quyền đưa lên mạng.

"Như vậy, trên trang mạng cá nhân, người dân muốn viết gì thì viết, còn đối với đơn thư tố cáo cũng không thể cấm người dân đưa lên mạng nhưng cần có điều kiện để làm hàng rào.

Chẳng hạn, khi người dân đưa đơn, có một cơ quan chức năng nhận rồi hồi âm ngay, ví dụ chúng tôi đã nhận được đơn của ông/bà và đang điều tra, trong vòng bao nhiêu ngày thì sẽ trả lời kết quả. Nói cách khác, thư trả lời phải cụ thể, chứ không thể là một cái thư chung chung.

Trong một thời hạn nhất định, nếu cơ quan chức năng không trả lời thì người dân có quyền đưa đơn lên mạng", Luật sư Trần Quốc Thuận nói.

Ông cũng lưu ý, không phải bất cứ cái gì từ nhỏ tới lớn người dân cũng đưa lên mạng xã hội để tố cáo mà sự việc phải có trọng tâm, trọng điểm.

"Trọng tâm, trọng điểm ở đây là sự việc đó có quan trọng không, không phải là ông lớn, bà lớn nào đó đụng chuyện. Khi lựa chọn sự việc có trọng tâm, trọng điểm, đưa lên mạng là cách truyền đạt nhanh nhất, hay nhất. Tất nhiên trong trường hợp này người đưa lên mạng phải chịu trách nhiệm với nội dung thông tin mình đưa ra, cái nào có chứng cứ đến đâu thì nói đến đấy, đừng suy diễn", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Ai kiểm tra, giám sát ?

Một vấn đề đặt ra khi xuất hiện đơn tố cáo lên mạng xã hội, đó là ai sẽ là người kiểm tra, giám sát thông tin ? Bàn về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng đây là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu quốc hội...

"Nếu các vị nói trên đọc trên mạng và thấy có vấn đề thì đó cũng là nguồn cung cấp thông tin cho họ. Họ có quyền trích ra và chất vấn. Theo luật, những người này hỏi thì người ta sẽ trả lời ngay, còn người dân hỏi thì lúc trả lời lúc không.

Câu chuyện đặt ra ở đây là phải có mối liên hệ, sự phối hợp giữa trách nhiệm của người tố cáo với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo và trách nhiệm của cơ quan giải quyết đơn thư tố cáo. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo mà "bịt miệng" là không được", ông lưu ý.

Luật sư Trần Quốc Thuận đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người tố cáo. Theo đó, dù việc tố cáo được thực hiện dưới hình thức nào thì người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra.

"Không có luật nào hạn chế việc tố cáo, nhưng người tố cáo phải xác định mình vì lợi ích chung của cộng đồng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức hay lòng tự trọng của bản thân, "ra đường gặp chuyện bất bình chẳng tha" mà gửi đơn tố cáo. Còn nếu theo kiểu khi có đụng chạm thì nhào vô khuấy cho lên bùn, bôi nhọ thì không nên.  

Khi ấy cơ quan tổ chức, cá nhân bị tố cáo và cơ quan hữu quan có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư và hồi âm nếu có địa chỉ", ông Thuận chỉ rõ. 

Ông cũng lưu ý, nên mở ra nhiều hình thức tố cáo và Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý.

"Chẳng hạn, hầu hết các cá nhân, cơ quan đơn vị làm việc đều có email, tại sao không cho họ gửi qua đường đó ? Đó là phương tiện nhanh nhất, hay nhất, rẻ tiền nhất, chỉ cần có địa chỉ, số điện thoại, tôi cho rằng người tố cáo cũng sẽ sẵn sàng gặp nếu cần...

Đừng e ngại người ta có thể lợi dụng các hình thức tố cáo bởi luật đã có quy định về tội làm nhục. Thậm chí, nếu cho rằng thông tin bôi xấu hình ảnh, uy tín của mình thì người bị tố cáo có thể chứng minh, làm đơn phản kháng. 

Đừng để người dân có cảm giác khi ông lớn/bà lớn nào đó bị tố cáo, khơi ra những chuyện không hay thì run lẩy bẩy rồi đòi cấm ngay. Không phải ai muốn bôi nhọ ai cũng được", Luật sư Thuận nói.

Thành Luân

Nguồn  : Đất Việt, 02/06/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thành Luân
Read 1312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)