Muốn Sơn Trà là 'dạ dày' : Ăn của thiên nhiên không chừa một thứ gì !
Trung Bảo, Một Thế Giới, 07/06/2017
Một bài báo trên Dân Trí, kêu gọi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nên nhìn nhận Sơn Trà là cái "dạ dày", với hàm ý là cần khai thác để "no bụng" cư dân và đóng góp ngân sách quốc gia. Thế nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy.
Dự án du lịch nghỉ dưỡng đào xới Sơn Trà
Khi đứng trước một quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp tươi chúng ta sẽ nghĩ gì ? Có phải chúng ta sẽ thấy lòng mình thơ thới an bình hay cảm thấy mình là một sinh linh bé nhỏ trước tự nhiên ! Nếu ai đó lại có suy nghĩ, làm sao phân lô bán nền hay chặt cây lấy gỗ, thì suy nghĩ ấy có phải kỳ cục không ?
Câu chuyện về ngọn núi Sơn Trà ở Đà Nẵng khiến chúng ta trở lại với một câu hỏi mà từ thuở hồng hoang con người vẫn hỏi nhau : "Làm sao để sống với thiên nhiên cho hài hoà ?". Ngọn núi, dòng sông hay cánh rừng sinh ra từ khi tổ tiên con người chưa đặt chân trên mặt đất và chắc chắn sẽ còn đó nếu mai đây loài người tuyệt diệt. Lý lẽ trời đất là bao trùm và con người chỉ là một giống loài ký sinh trên "cơ thể" thiên nhiên ấy xuất hiện trong tất cả các nền văn hoá Đông Tây.
Điển hình nhất là người da đỏ Châu Mỹ gọi thiên nhiên bằng Mẹ. Tương đồng như vậy là người Việt gọi đất là Mẹ, trời là Cha. Với ngọn núi hay dòng sông cũng vậy, tất cả đều được tôn thành Thần trong tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Người ta khi vào rừng đều lập một mâm cúng để xin được khai thác sản vật. "Ăn của rừng rưng nước mắt" là câu thành ngữ có lẽ nhiều người đã được ông bà mình truyền dạy.
Vậy đó, mà có một bài viết trên Dân Trí ví ngọn núi Sơn Trà là cái "dạ dày". Hàm ý người ta phải lấy Sơn Trà ra tiêu hoá đặng kiếm tiền, đặng mà làm giàu. Tác giả bài viết nói trên muốn kêu gọi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải cân nhắc đem Sơn Trà ra khai thác, nếu không thì đó là "tội lỗi".
Người dân Đà Nẵng từ khi lọt lòng đến lúc xuôi tay ai cũng hằng ngày ngóng vọng về ngọn núi Sơn Trà ấy, không dám ngoa ngôn nói rằng người dân nơi này xem Sơn Trà như bàn thờ của mình, nhưng dám khẳng định chẳng ai nghĩ đến việc cố đem "bán" Sơn Trà để kiếm ăn. Coi Sơn Trà là cái "dạ dày" để kiếm ăn vậy ăn xong rồi "chất thải" ấy sẽ xả ở chỗ nào đây ? Có phải thiên nhiên được tạo hóa để cho con người kiếm tiền mà bất chấp sự tồn vong của vạn vật ?
Câu trả lời cương quyết là "Không". Đừng dại mà động vào chốn thiêng ấy. "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" - câu thành ngữ này, ai chưa đọc thì nay đọc cũng chưa muộn. Không chỉ là một phần máu thịt của người Đà Nẵng, Sơn Trà còn là tài sản của nhân loại. Kiếm đâu ra một cánh rừng nguyên sinh vĩ đại như vậy liền kề với thành phố, nhất là khi cánh rừng ấy còn là nơi sinh sống của loài Vọoc Chà vá Chân nâu quý hiếm đặc hữu.
Không chỉ như vậy, theo Tổ chức Nghiên cứu đa dạng sinh học Green Viet thì Sơn Trà còn là nơi dừng chân của những bầy chim di trú. Nói tài sản của nhân loại là vì vậy. Hãy nhìn mỗi ngọn núi và dòng sông hay cánh rừng như là ngôi nhà từ đường của tổ tiên để lại cho con cháu. Có ai lại đòi xem nhà từ đường là mặt bằng cho thuê, là "bao tử" để kiếm ăn ?
Cách đây ít lâu, một nữ biên tập viên truyền hình khi lên nghỉ ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng trên Sơn Trà đã chụp hình bầy khỉ vào xin ăn rồi đưa lên Facebook cá nhân để làm minh chứng cho "du lịch bền vững", "khỉ voọc không kêu cứu"... để rồi nhận lại sự phê phán gay gắt từ cộng đồng đến nỗi phải âm thầm xoá ngay những hình ảnh kia. Nói như vậy để thấy chạm đến Sơn Trà là chạm đến trái tim của rất nhiều người. Ngọn núi ấy là tài sản chung, đừng nghĩ đến việc xẻ nó để kiếm tiền.
Trước tiên, Sơn Trà là ngọn núi, là thiên nhiên chứ không là lá phổi, cũng chẳng phải bao tử. Con người là cái gì mà lại dám xem tự nhiên là một bộ phận cơ thể rồi bắt nó phục vụ mình ?
Đừng nấp dưới sự nguỵ biện "đánh thức" Sơn Trà. Ngọn núi ấy chẳng cần ai đánh thức mà chính những đầu óc coi đồng tiền là trên hết mới phải cần được đánh thức. Mượn lời của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng : "Nếu phải chọn thì chúng tôi chọn Sơn Trà". Tôi tin sẽ rất nhiều người có lương tri cùng lựa chọn như vậy và sẽ làm hết khả năng để bảo vệ cho bằng được Sơn Trà.
Trung Bảo
Nguồn : Một Thế Giới, 07/06/2017
**********************
Bán đảo Sơn Trà và bài học Kiên Giang : Tội với thiên nhiên là thiên thu !
Đoàn Đạt, Một Thế Giới, 04/06/201
Bán đảo Sơn Trà còn rất nhiều động vật, thực vật quý hiếm
Dù không phải là "nhà tiên tri", nhưng nhiều người có thể đoán trước được rằng số phận của bán đảo Sơn Trà, quê hương của loài linh trưởng voọc chà vá, rồi cũng sẽ như những cánh đồng cỏ bàng, cỏ năn của Kiên Lương, Kiên Giang, quê hương của loài linh vật sếu đầu đỏ.
Bởi vì "kịch bản" của việc thu hẹp môi trường sống của hai loài "linh vật" thuộc hàng nổi tiếng thế giới này giống hệt như nhau, cũng xuất phát từ "lòng tham" của con người dưới vỏ bọc của những mỹ từ như "phát triển kinh tế"...
Trở lại bài học của Kiên Giang, từ những cánh đồng cỏ bàng, cỏ năn bạt ngàn lên đến hàng chục ngàn héc ta, nơi đón hàng trăm con sếu đầu đỏ hàng năm về di trú trong mùa khô, giờ chỉ còn lại một khu bảo tồn "bỏ túi" rộng chưa tới 1.000 ha ở Phú Mỹ, chỉ như một mô hình hay tiêu bản. Sếu thì ngày trước mỗi mùa có đến khoảng 300 con về, giờ thì lác đác chỉ còn hơn mươi con.
Ngay cả những nhà khoa học thiết tha nhất với việc bảo tồn loài sếu nổi tiếng này như tiến sĩ Trần Triết, nguyên trưởng khoa môi sinh trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, giờ cũng chán nản bỏ đi định cư và dạy học bên Mỹ, có lẽ vì chẳng còn gì để bảo tồn, bảo vệ. Anh là người gần 20 năm trước đã từng đề xuất giữ 20.000 ha đồng cỏ bàng Phú Mỹ và 3.000 ha đồng cỏ năn Hòn Chông làm nơi di trú tự nhiên cho sếu, nhưng giờ thì hầu như tất cả những cánh đồng đó đã trở thành vườn tràm, hồ nuôi tôm hoang phế, hoặc bị lấn chiếm làm ruộng. Ngay cả những mỏ đất sét nơi trú ngụ của sếu, thì các nhà máy sản xuất xi măng cũng chiếm giữ để chế biến xi măng.
Có lần, trong một chuyến đi khảo sát nơi sếu làm tổ ngày trước ở Giang Thành, anh gặp một lão nông, người khẳng định rằng việc sếu về làm tổ ở vùng đất ngập nước ở đây ngày xưa là có thật. Người lão nông chân chất này có thốt lên một câu mà nhà khoa học này rất thấm thía : "Tội với thiên nhiên là thiên thu !". Vâng, những tội lỗi khác có thể còn sửa chữa, khắc phục, nhưng tội lỗi với thiên nhiên là ngàn đời không thể khắc phục.
Anh dẫn chứng bài học Thái Lan, là quốc gia cũng có những đàn sếu di trú tương tự như nước ta. Họ cũng phát triển một cách nôn nóng, vội vã, thiếu cân nhắc, cũng phá bỏ những vùng đất ngập nước nơi sếu về tụ hội vào mùa hè. Những năm qua, chính phủ nước này đã tốn hàng chục triệu đô la để khôi phục đàn sếu, nhưng kết quả thì gần như vô vọng. Ngay cả đất nước tương đối kém phát triển ngay cạnh nước ta là Campuchia, giờ cũng đã có nhiều khu bảo tồn sếu khá bài bản và giờ đàn sếu đang chọn về cư trú đông hơn cả. Ấn Độ thì người dân đón mùa sếu về như đón những thiên sứ, họ rải thóc cho ăn đông như gia cầm…
Điều mỉa mai là sếu đầu đỏ một thời là biểu tượng của Kiên Giang…
Với bán đảo Sơn Trà, loài "linh vật" biểu tượng là loài voọc chà vá chân nâu, "nữ hoàng của các loài linh trưởng". "Kịch bản" có nguy cơ rồi cũng sẽ tương tự khi "chiến thuật" quy hoạch – lấn chiếm dần dần sẽ đẩy lùi loài linh trưởng đẹp nhất thế giới này về một khu safari nhỏ hẹp nào đó. Và đâu chỉ có loài voọc chà vá, Sơn Trà còn có những cánh rừng tuyệt đẹp và hàng trăm loài động vật quý hiếm khác nữa.
Cứ nhìn vào "dòng thời gian" của chuyện bảo tồn thiên nhiên nước ta, ta sẽ thấy một nghịch lý : càng ở thời kinh tế kém phát triển thì diện tích bảo tồn càng lớn, càng phát triển kinh tế thì diện tích bảo tồn càng thu hẹp. Như bán đảo Sơn Trà, quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà năm 1992 lên tới 4.439ha, đến năm 2016 chỉ còn 1.826,5ha theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao càng phát triển ta lại càng "ăn lạm" vào "mẹ thiên nhiên" mà không phục hồi, mở rộng bảo tồn những kho báu này như các nước khác ? Đà Nẵng, "thành phố đáng sống nhất Việt nam" có thiếu gì những khu resort "sang trọng bậc nhất thế giới", sao lại nhăm nhe cắt cả ngàn héc ta rừng cho những việc ấy ? Mai này, khi những cánh rừng của Sơn Trà không còn nguyên vẹn, khi loài voọc chà vá tuyệt đẹp bị mai một, con cháu của chúng ta lên Sơn Trà để chiêm ngưỡng, nhìn ngắm loài gì, giống gì, những du khách "sộp" của thế giới chăng ?
Đừng để bán đảo Sơn Trà rồi cũng sẽ trở thành những mô hình sinh thái thu nhỏ như Tràm Chim, Phú Mỹ. Và việc bảo tồn nguyên sơ hiện trạng của bán đảo tươi đẹp này có lẽ chính là việc hiện thực hoá hùng hồn lời hứa "phát triển nhưng không hy sinh môi trường" của chính phủ…
Đoàn Đạt
Nguồn : Một Thế Giới, 04/06/2017