Không thể nói tiền của tôi, tôi muốn làm thế nào thì làm. Bảo vệ đồng tiền, coi trọng giá trị đồng tiền là trách nhiệm của mọi công dân, bất kể giàu nghèo.
Đám đông lượm tiền tại sân vận động Tự Do (Thành phố Huế) - Ảnh : VOV
Mới sáng sớm, một chị bạn đồng nghiệp đã gọi điện cho tôi giọng bức xúc lắm. Cứ tưởng chuyện gì, hóa ra chị ấy bày tỏ sự khó chịu về vụ tác giả cuốn sách trong buổi ra mắt sách của ông ta đã thượng lên khinh khí cầu và rải tiền xuống để lấy lòng độc giả. Chị bảo như thế thì quá thể, quá thể.
Vâng, tôi cũng đã biết chuyện đó, cũng đồng ý với chị. Rất quá đáng, phản cảm, vô văn hóa. Lại chợt so với hôm trước tôi được đi dự buổi ra mắt sách của một nhà thơ nổi tiếng, sao mà ấn tượng sâu sắc, dễ chịu và khó quên đến vậy. Nhưng đến vụ ra mắt sách kiểu "khí cầu rải tiền" này thì quả thật hết biết.
Tới chiều nay (17/6), chính tác giả cuốn sách dạy làm giàu mang tên Dám làm giàu Phạm Tuấn Sơn đã gửi thư đến các nhà báo để phân trần, rằng là thế này, rằng là thế nọ, chủ ý thế kia, không ngờ sự việc ngoài vòng kiểm soát, v.v. Thôi thì cứ cho là có trục trặc kỹ thuật đi nhưng cái sai ấy chỉ cần một lần thôi cũng đủ thành tai tiếng khó gột rửa rồi.
Điều đáng nói nhất, sự vi phạm nghiêm trọng này liên quan đến nhiều khía cạnh, cả về mặt luật pháp, đạo đức, văn hóa. Một người viết sách, có học, từng trải, từng đăng đàn diễn thuyết dạy người khác mà vi phạm chồng chất như thế thì liệu có đáng tin cậy nữa không.
Trước hết, xét về mặt luật pháp. Đồng tiền Việt Nam đang được lưu hành là một thứ sản phẩm đặc biệt do nhà nước ban hành và quản lý chặt chẽ. Đó là đồng tiền pháp định, mọi hành vi sử dụng đều phải theo quy định của pháp luật. Hồi xưa người ta hay kể lại với ý thán phục một vị công tử Bạc Liêu bật diêm đốt tiền giấy để khoe sự giàu có của mình. Đúng ra, theo pháp luật về tiền tệ, hành vi hủy hoại tiền như vậy là vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố. Trong đám tang, theo một vài phong tục cũ, tang quyến có thể rải tiền nhưng chỉ có thể tiền vàng mã, nếu dùng tiền thật sẽ bị ngăn cấm tuyệt đối. Ai đó có thể đem tiền cho người này người khác, tuy nhiên cho bằng cách rải tiền cũng không được xã hội và pháp luật chấp nhận. Không phải cứ có nhiều tiền thì muốn đối xử với nó thế nào cũng được. Không thể nói tiền của tôi, tôi muốn làm thế nào thì làm. Bảo vệ đồng tiền, coi trọng giá trị đồng tiền là trách nhiệm của mọi công dân, bất kể giàu nghèo.
Về mặt văn hóa và đạo đức, hành vi của "tác giả viết sách dạy làm giàu" kia có vấn đề. Viết ra một cuốn sách là cả một quá trình hoạt động văn hóa. Tác giả thường mặc nhiên được coi là người có văn hóa. Đáng nhẽ phải có cách nào đó thật văn hóa để phổ biến cuốn sách tới bạn đọc thì tác giả lại dùng hình thức phản văn hóa. Nói chính xác, đó là thói ngông nghênh, cao ngạo, coi thường độc giả, tưởng rằng cái gì cũng phải có mùi tiền. Hay là ông ấy nghĩ có tiền là xong tất, ai mà chẳng ham tiền, việc gì không giải quyết được bằng tiền thì sẽ bằng rất nhiều tiền. Có tiền mua tiên cũng được, huống chi người bình thường ? Đừng nói tôi chỉ rải loại mệnh giá 5 ngàn, 10 ngàn cho vui. Đừng biện bạch tôi chỉ đóng phim với diễn viên quần chúng. Đừng quấy quá rằng chỉ định rải trong sân vận động, không may nó bay ra ngoài phố… Xin nhớ rằng bao nhiêu, ở đâu, với ai cũng là rải tiền câu khách, là hành vi coi thường người khác. Chả hay ho gì cái cảnh thấy người khác chạy đuổi theo nhặt những đồng tiền do mình cao hứng bốc đồng tung ra. Chỉ là trọc phú thôi. Làm văn hóa mà công khai phản văn hóa như vậy, ai mà chấp nhận được.
Có người bảo cũng nên thông cảm, con người ta, dù là trí thức vẫn có lúc này lúc khác. Đành vậy, nhưng với những việc đáng lẽ phải bóp trán suy nghĩ đường hay dở, lợi hại, tốt xấu, nên hay không… mà cứ "vô tư" nhẹ bỗng như thế, gây hậu quả, tai tiếng thế, thì chỉ nên tự trách mình. Gom củi 10 năm đốt 1 giờ là vậy.
Nguyễn Thông
Nguồn : Một Thế Giới, 18/06/2017