Chưa bao giờ chính trường Việt Nam lại có nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra liên tiếp như hiện nay.
Bộ chính trị có còn nguyên vẹn như sau Đại hội đảng lần thứ 12 ?
Bắt đầu từ vụ ‘kỷ luật’ vô tiền khoáng hậu đối với một đương kim ủy viên Bộ chính trị, bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng. Trước đó là cách chức ‘cựu bộ trưởng’ Bộ công thương Vũ Huy Hoàng và mới nhất là vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí.
Sau khi nhà tài phiệt ngân hàng Trầm Bê và 15 cộng sự bị bắt thì dư luận đồn đoán rằng người tiếp theo sẽ là cựu thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và mọi con đường cuối cùng sẽ dẫn đến con hổ to nhất : Nguyễn Tấn Dũng.
Nhân vật thứ 5 trong đảng, tức thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh, người có thể kế nhiệm chức tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, đã chính thức bị thay thế bởi Trần Quốc Vượng (trưởng ban kiểm tra trung ương) vì lý do sức khỏe. Trần Đại Quang lẫn Hoàng Trung Hải đều bặt âm vô tín.
Nội bộ đảng cộng sản đang lục đục và chia rẽ trầm trọng hơn bao giờ hết. Đỉnh điểm của nó là khi Bộ chính trị bỏ phiếu kín về việc tiếp tục hay dừng lại việc tìm kiếm và khai thác dầu khí tại mỏ Rồng Đỏ thuộc bãi Tư Chính, một khu vực hoàn toàn nằm trong thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc. Theo một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Carl Thayer, Bill Hayton thì Bộ chính trị đã họp và có hai người yêu cầu dừng thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính là ông Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch.
Lý do mà hai ông này đưa ra là Việt Nam không đủ sức chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc lên các đảo ở Trường Sa và nhất là tổng thống Mỹ Trump không còn quan tâm đến Biển Đông và không có ý định hậu thuẫn Việt Nam. Lý do này không thuyết phục dân chúng Việt Nam vì không phải bây giờ Trung Quốc mới có ý định xâm chiếm các đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Đảng cộng sản Việt Nam phải tiên liệu, chuẩn bị và có kế sách thích hợp kể cả nâng cấp quan hệ với Mỹ và tìm sự ủng hộ của dư luận thế giới. Mặt khác, Trung Quốc hù dọa và mua chuộc là chính, việc tấn công xâm lược một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ bị trả giá nặng nề. Trường hợp nước Nga xâm chiếm Ukraine bị cả thế giới cấm vận suốt 3 năm qua là một ví dụ.
Mối đe dọa từ Trung Quốc luôn còn đó, đối sách thích hợp đối với Việt Nam là phải từ bỏ đường lối đối ngoại và quốc phòng ‘ba không’ (1) nhanh chóng thiết lập và ký kết các hiệp ước liên minh về quân sự-kinh tế với các cường quốc có chung lợi ích tại Biển Đông như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc… Và nhất là phải nhanh chóng dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có thể phát triển và hội nhập được với dòng chảy văn minh của nhân loại. Việt Nam chỉ có thể tự bảo vệ được mình khi đất nước phát triển và có các liên minh quân sự vững chắc như trường hợp Đài Loan.
Bỏ qua mọi hy vọng và trông chờ của người dân Việt Nam, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chọn cách thần phục ngoại bang, loại bỏ các phe nhóm không ăn cánh trong nội bộ đảng và đàn áp người dân.
Một vụ bắt giữ qui mô và rộng lớn chưa từng có đối với những người hoạt động dân sự và bất đồng chính kiến xảy ra tiếp ngay sau khi chính quyền vừa kết án rất nặng hai người phụ nữ là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga với bản án 9-10 năm tù giam, đó là các ông : Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và mới nhất là Nguyễn Trung Trực, 5 nhà hoạt động ôn hòa thuộc ‘Hội Anh em dân chủ’.
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày càng đúng : "Sẽ không thể có lối thoát cho đất nước dưới chế độ cộng sản này. Trong suốt quá trình tồn tại và cầm quyền nó đã chứng tỏ chỉ có ưu tư duy nhất là duy trì ách thống trị trên dân tộc bằng mọi giá, kể cả tàn phá đất nước, hy sinh lợi ích dân tộc và thần phục ngoại bang. Nó cũng là một chế độ cực kỳ tham nhũng, và lịch sử mọi dân tộc đều đã chứng tỏ rằng chỉ có thể thay thế chứ không thể cải thiện một chính quyền tham nhũng".
Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ mà đảng cộng sản đang tiến hành với đỉnh điểm là việc cho an ninh sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Hình ảnh và uy tín của Việt Nam bị tổn thương nặng và nhất là cuộc sống bình yên của cộng đồng người Việt tại Đức sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ việc này. Báo chí và các đảng đối lập sẽ gây áp lực mạnh lên chính quyền trước cuộc bầu cử vào tháng 9 năm nay. Các chính sách đối với cộng đồng người Việt tại Đức cũng như đối với Việt Nam sẽ bị chính quyền Đức xem xét lại một cách gay gắt. Tóm lại, trong cơn điên loạn nhân danh ‘chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm’ để đấu đá nội nộ, tranh giành quyền lực và sát phạt lẫn nhau một cách không khoan nhượng, các phe cánh trong chính quyền cộng sản Việt Nam sẵn sàng hành động bất chấp hậu quả.
"Đảng Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân" (trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Đất nước đang lâm nguy. Vậy người dân Việt Nam đặt biệt là tầng lớp trí thức phải làm gì ? Không lẽ cứ để hiện tại tiếp tục trôi dạt một cách bất định về tương lai ?
Không còn con đường nào khác ngoài việc trí thức Việt Nam trong và ngoài đảng nhanh chóng nhận thức rõ sự chia rẽ trầm trọng và sự bất lực đã hết thuốc chữa của ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ đang nắm giữ vận mệnh đất nước và của hơn 90 triệu người Việt trong đó có cả 4 triệu đảng viên.
Trí thức Việt Nam hãy thức tỉnh và đứng về phía nhân dân, hãy đoàn kết, cùng bày tỏ và xác quyết thái độ của mình trước hiện tình của đất nước. Hãy ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn và có viễn kiến để cùng tạo ra một lực lượng chính trị mới, dân chủ và văn minh để làm giải pháp thay thế cho chế độ cộng sản già nua và lạc hậu. Tương lai của chúng ta, của 90 triệu người Việt phải do chính chúng ta quyết định thay vì để một nhóm người bất lực định đoạt hộ.
Những cá nhân và các tổ chức đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ cho dù vẫn còn khác biệt nhưng phải đạt đến một tầm cao mới là tranh đấu có tổ chức. Phải xem việc kết nối và xây dựng tổ chức là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Phải có nhiều tổ chức có tầm vóc mới tạo thành một liên minh dân chủ rộng lớn và chỉ khi đó mới có thể động viên được quần chúng để gây sức ép buộc chính quyền cộng sản thay đổi về phía dân chủ.
Lực lượng trí thức đang còn ở trong bộ máy nhà nước, quân đội, công an sẽ đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Thay vì ngồi chờ để rồi có thể sẽ là nạn nhân của lịch sử thì hãy cùng ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ một cách hòa bình nhưng dứt khoát về hướng dân chủ. Cùng với các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến, chúng ta sẽ thay đổi được vận mệnh đất nước trong hòa bình và ít đổ vỡ nhất. Một đất nước Việt Nam Dân chủ Đa nguyên được xây dựng trên tinh thần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một ‘dự án chính trị’ vĩ đại mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đến toàn thể đồng bào Việt Nam.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ luôn sát cánh cùng các bạn dân chủ và luôn đồng hành cùng đất nước.
Việt Hoàng
(07/08/2017)
(1) Chính sách "ba không" là "không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia".