Đúng 50 năm trước đây, vào Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản Bắc Việt đã đồng loạt mở cuộc tấn công vào các đô thi Miền Nam, vi phạm trắng trợn lệnh hưu chiến, phá tan bầu không khí vui xuân đón Tết thiêng liêng cổ truyền của người dân Việt, gây tàn phá, chết chóc tang thương cho toàn Miền Nam.
Đêm mồng một Tết Mậu Thân 1968, quân cộng sản bất ngờ tràn vào tiến chiếm Đại Nội Huế - Hình minh họa.
Một trong những tội ác tày trời không thể biện minh đối Việt Cộng và không thể nào quên trong lòng người dân Miền Nam xảy ra trong cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam (1954-1975) cộng sản hóa toàn cõi đất nước. Đó là những mồ chôn tập thể ở Huế nằm rải rác ở nhiều nơi tổng cộng lên tới khoảng 6000 người mà Việt Cộng đã gây ra trong cái gọi là cuộc "Tổng tiến công và nổi dạy mùa xuân 68". Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể này là những quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa nghỉ phép ăn Tết với gia đình, nhưng phần đông là những thanh niên, sinh viên học sinh và dân thường bị kết tội cộng tác với chính quyền quốc gia, hay không chịu hợp tác hoặc "chống lại cách mạng". Sau khoảng 28 ngày đêm chiếm đóng, trước khi rút chạy, Việt Cộng đã xử bắn hay chôn sống những nạn nhân này và chôn trong những ngôi mồ tập thể ở nhiều địa điểm khác nhau.
Nhiều hố chốn tập thể đã được phát hiện sau khi bị quân cộng sản thảm sát Tết Mậu Thân Huế
Câu truyện "người thoát chết trở về từ mồ chôn tập thể" mà chúng tôi viết lại ở đây là chuyện người thật, việc thật, do lời kể của em vợ một người bạn hàng xóm ở sát vách, có Mẹ ruột bị giết và chôn tại một trong 9 ngôi mồ tập thể trong khuôn viên trường Tiểu học Gia Hội ở nội thành Huế. Người kể truyện tên N. G. H. hiện cùng nhiều người thân trong gia đình định cư tại Tân Tây Lan (New Zeland) trong đó có gia đình anh bạn hàng xóm tên T. H. H, nguyên là một Thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa từng bị tù nhiều năm trong cái gọi là "Trại lao động học tập cải tạo" của Việt Cộng . Em H. đã kể cho tôi nghe trong một đêm cùng ngồi ở lan can chờ đón Giao thừa Tết năm nào sau 30/4/1975, ngày cộng sản Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris ngày 27/1/1973 do họ bí mật hợp soạn với "đế quốc Mỹ" để rồi sau đó chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bị ép buộc phải ký vào như bản án tử hình được tuyên và thi hành án vào ngày 30/4/1975.
Theo H. kể lại, thì trước 30/4/1975 Cha Mẹ anh là một nhà buôn giàu có buôn bán trầm hương nổi tiếng ở Huế, nhà có người ăn kẻ ở. Đúng đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công vào thành phố Huế. Sau khi Việt Cộng chiếm đóng ít ngày, mọi người trong nhà đều sửng sốt khi thấy một chị giúp việc mặc đồ đen, đội nón tai bèo mang súng AK đi cùng hai người khác đến nhà yêu cầu đưa người yêu của chị gái anh, lúc đó là một sinh viên trường võ bị quốc gia Đà Lạt về nghỉ Tết (sau là Thiếu tá T.H.H là chồng của chị anh), phải ra trình diện. Sau khi lục soát nhà không thấy anh H. (đang trốn trên trần nhà), chị người làm yêu cầu Mẹ anh đi theo làm con tin, nói là khi nào anh H. ra trình diện sẽ thả mẹ anh về.
Tất nhiên là anh sinh viên sĩ quan Đà Lạt tên H. bạn hàng xóm của tôi, không dại gì ra trình diện để bị giết và bà Mẹ bị bắt đi sau đó cũng không thấy trở về nhà, ngay cả sau khi Việt Cộng đã rút hết khỏi Huế cả tuần lễ sau. Mọi người trong gia đình anh H. vô cùng lo lắng vì nghe nói nhiều gia đình có người thân cũng bị bắt đi và bị giết chôn trong những mồ chôn tập thể. Những thân nhân họ đang đi đào bới các ngôi mồ tập thể để tìm xác người thân. Mọi người chia nhau đi hỏi tin tức và thầm cầu nguyện cho người thân trốn thoát đấu đó bình an trở về.
Trong khi mọi người đang hoang mang, lo lắng không biết số phận người Mẹ ra sao, thì một hôm có một anh thanh niên quen biết đến nhà báo tin cho hay người Mẹ đã bị nhốt chung với anh này tại Trường Tiểu học Gia Hội và cùng bị Việt Cộng xử bắn chôn chung trong một mồ tập thể trong khuôn viên nhà trường ; nhưng anh đã may mắn sống sót trở về.
Theo thuật lại của anh thanh niên thì đêm hôm đó, Việt Cộng trói chung 10 người một dây, đưa ra trước các hố đã đào sẵn, rồi ria một tràng AK, xác người đổ xuống, khi dầy thì lấp đất lên một cách sơ sài, vội vã. Riêng anh thanh niên thì may mắn thoát chết vì không trúng đạn mà chỉ đổ theo những người cùng dây trói. Khi tỉnh lại, anh thanh niên nói là ngửi thấy nồng nặc mùi máu tanh ướt đẫm quần áo và mặt. Nhờ bóng đêm anh thanh niên được thần chết bỏ quên đã tìm cách thoát chạy về nhà. Anh thanh niên về đến nhà trời còn tối, gõ cửa và lên tiếng gọi. Nghe tiếng em trai gọi nhỏ thều thào người chị gái vội ra mở cửa. Nhưng vừa nhìn thấy mặt và toàn thân em trai mình đầy máu me thì sợ hãi đóng sập cửa lại khi người em chưa kịp bước vào nhà. Phải đợi người em năn nỉ, nói là mình còn sống thật, hãy mở cửa mau cho anh vào nhà. Người chị như hoàn hồn mở cửa lại cho em vào nhà. Nhưng vẫn chưa tin là sự thật, chị đưa tay sờ mặt em như để biết chắc là em mình thật chứ không phải hồn ma bóng quế về báo mộng cho biết.
Sau khi nghe anh thanh niên thoát chết trở về từ mồ chôn tập thể thuật lại, thế là cả nhà của bà Mẹ nạn nhân theo chỉ dẫn của người thanh niên này đi đào bới ngôi mồ tập thể cùng nhiều người khác đi tìm xác người thân. Nhờ quần áo, trang sức và những dấu vết đặc biệt của người chết, họ đã nhận ra xác của người vợ, người Mẹ xấu số của các con đem về mai táng.
Câu truyện vừa viết lại trên đây là một thảm cảnh tiêu biểu của hàng ngàn gia đình có nạn nhân bị Việt Cộng xử bắn hay chôn sống trong các mồ chôn tập thể ở Huế trong biến cố Tết Mậu thân 1968.
Riêng đối với gia đình anh H. người em vợ của người bạn hàng xóm, thì thảm cảnh còn tái diễn sau ngày 30/4/1975. Vì vẫn theo lời kể của anh H. trong đêm cùng ngồi đón Giao Thừa năm đó, thì sau ngày "Giải phóng", Cha anh bị đánh tư sản. Vì quá uất ức đã dùng dao chém vào đầu tự sát, con cháu kịp đưa vào nhà thương nên cứu kịp. Nhưng sau khi hồi tỉnh, lợi dụng lúc anh H có bổn phận chăm sóc và canh chừng người Cha, xuống sân ngồi ghế đá hút thuốc lá, Cha anh đã nhảy lầu tự tử. Anh nói, cái chết của người Cha đã chấn động mạnh khiến anh như bị bệnh thần kinh một thời gian vì mang mặc cảm do mình lơ là để Cha tự tử chết thảm thương.
Tôi viết lại câu truyện có thật này theo lời kể của H. một trong những người con của một Bà Mẹ nạn nhân trong hàng ngàn nạn nhân bị Việt Cộng sát hại hay chôn sống trong các ngôn mồ tập thể ở Huế trong biến cố Tết Mậu Thân 1968. Nếu tất cả những câu truyện thật này được phơi bày, chắc phải in thành hàng ngàn trang sách. Ðó là một tội ác tầy trời mà ngày nay thế giới văn minh gọi là "Tội ác chiến tranh" hay "Tội ác chống nhân loại", với những thủ phạm phải bị đem ra xét xử và trừng phạt. Những phim ảnh tài liệu đã ghi lại tội ác vô tiền khoáng hậu này đã đủ bằng chứng và hội đủ yếu tố cấu thành các tội ác vừa nêu.
Thế nhưng 50 năm đã qua, cá nhân những kẻ chủ mưu, thủ ác trực tiếp hay đồng lõa gián tiếp thì hầu hết đã đi vào lòng đất. Nhưng kế thừa những kẻ chủ mưu, thủ ác đã gây ra cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 68 ở Huế nay là đảng và nhà cầm quyền công sản Việt Nam ; đúng ra phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự. Hay ít ra phải có lời công khai tạ lỗi với các nạn nhân và thân nhân họ. Thế nhưng thật đáng tiếc là hàng năm đảng và nhà cầm quyền cộng sản hiện nay vẫn tổ chức ăn mừng "Tổng tiến công và nội dạy mùa xuân 68" như một thắng lợi, gây phẫn nộ cho người dân Miền Nam, nhất là những thân nhân các nạn nhân đã chết trong cuộc tắm máu này. Vì hành động ăn mừng này làm người ta liên tưởng đến các cuộc uống máu, nhảy múa bên xác quân thù của các bộ lạc xa xưa còn man rợ khi chiến thắng một bộ lạc yếu kém hơn mình.
Trên diễn đàn này, hơn một lần chúng tôi đã lên tiếng kêu gọi đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy chấm dứt ngay việc ăn mừng các biến cố quan trọng trong cuộc chiến tranh vừa qua ; như biến cố Mậu Thân 1968 và 30/4/1975… Vì những biến cố ấy và tất cả các biến cố dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh "nồi da sáo thịt" vào ngày 30/4/1975, chẳng phải là thắng lợi của phe này (Việt Cộng) với phe kia (Việt quốc). Tất cả đều là sự thất bại và nỗi ô nhục chung của người Việt Nam, thuộc các bên tham chiến, vì đã tri tình (Việt Cộng ) hay ngay tình (Việt Quốc) phải làm công cụ chiến lược một thời (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu) cho ngoại bang.
Thiết tưởng, đúng ra Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền 43 năm qua, phải sớm nhìn ra thực chất cuộc chiến tranh "Cốt nhục tương tàn" này, để có hành động khác hơn hầu cải sửa lại những sai lầm quá khứ ; khi mù quáng tin theo chủ nghĩa cộng sản không tưởng ; phát động cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam với cái giá núi xương, sống máu dân Việt ; đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thất bại, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc và đất nước. Chúng tôi ước mong những người lãnh đạo đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay cần suy nghĩ lại để có hành động thức thời có lợi cho dân cho nước, cho các thế hệ Việt Nam hiện tại cũng như mai sau.
Houston, ngày 4/2/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 04/02/2018