Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/02/2024

Lụa đũi Nam Cao

Lương Thanh Hạnh, Thùy Dương

Từ một làng nghề bị mai một thành di sản văn hóa phi vật thể

Theo báo điện tử chính phủ Việt Nam ngày 14/11/2023, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa thêm 36 di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt đũi, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

lua1

Ảnh chụp tại Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, tháng 08/2023. © Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

Nhắc đến làng lụa đũi Nam Cao thì không thể không nói tới tâm sức của Lương Thanh Hạnh, người sáng lập và điều hành công ty Hanhsilk, chủ nhiệm hợp tác xã lụa đũi Nam Cao. Lương Thanh Hạnh là người đã vực dậy làng nghề đang dần mai một, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thị trường, không chỉ trong nước mà đến cả những thị trường có tiếng là khó tính như châu Âu, cũng như đưa du khách phương xa tới với làng quê Thái Bình, để biết "quê hương 5 tấn" Thái Bình không chỉ nổi tiếng về lúa, mà còn có lụa, lụa đũi tơ tằm Nam Cao.

Để hiểu thêm về lụa đũi Nam Cao, về hành trình 10 năm vực dậy một làng nghề có tiếng, đã tồn tại 4 thế kỷ, nhưng từng có nguy cơ rơi vào quên lãng, ngày 22/12/2023, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn người sáng lập và điều hành công ty Hanhsilk, chủ nhiệm hợp tác xã lụa đũi Nam Cao.

RFI : Xin chào chị Lương Thanh Hạnh. Cơ duyên nào đưa chị đến với làng đũi Nam Cao để vực dậy làng nghề đang dần mai một ?

Lương Thanh Hạnh : Tôi thấy lụa đũi tơ tằm của Nam Cao có sự khác biệt, thô nhưng không ráp, mang một đẳng cấp và nét đẹp riêng. Đẳng cấp là ở chỗ có thể may được những bộ vest nam, cà vạt nam sang trọng và những tác phẩm nghệ thuật mang tính ứng dụng, có thể trang trí nội thất, sofa. Các sản phẩm từ lụa đũi Nam Cao là tinh chất và mang một truyền thống và giá trị văn hóa của Việt Nam là thủ công, làng nghề.

Đến với làng nghề, đến với truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là đũi Nam Cao, tôi thấy đó là nhân duyên và đam mê. Về nghệ nhân, khi mà tôi đến Nam Cao thì chỉ còn 3 hộ. Làng nghề gần như mai một, dù đã có hơn 400 năm tuổi, nhưng mà ở đâu đó tôi còn thấy niềm hy vọng ở các nghệ nhân, những người đang mong muốn vực dậy, cũng như muốn giữ nghề cho con cháu. Và nét lao động của người nghệ nhân kéo đũi, tay trong nước lạnh, dù một ngày chỉ kéo được 70 gram cho đến 100 gram, nhưng rất vui và hạnh phúc, là điều thôi thúc và nhân duyên đưa tôi đến.

Và tôi nghĩ rằng ở không những đũi Nam Cao, mà lụa tơ tằm Việt Nam rất đẹp và đa dạng, mang bản sắc của Việt Nam. Tại sao chúng ta không phát triển, mà chúng ta lại phải đi đâu đấy. Đó là di sản đấy, di sản văn hóa là những cái gì mà cha ông chúng ta để lại, làng nghề hơn 400 năm tuổi để lại cho con cháu và ra được những sản phẩm đặc sắc. Chính vì vậy mà sau 10 năm, từ 3 hộ, hiện tại làng đũi Nam Cao và hợp tác xã lụa đũi Nam Cao đã có hơn 200 hộ quay trở lại làm.

Để được thành di sản văn hóa vi vật thể, thì tôi nghĩ thứ nhất sản phẩm phải tinh chất, thứ hai đặc biệt có yếu tố con người và thứ ba là sản phẩm ra thị trường được sự đón nhận. Chúng tôi cũng rất là may mắn : sản phẩm của lụa đũi Nam Cao, những chiếc rèm, những bộ thời trang, những chiếc khăn hoặc quà tặng, được đông đảo các bạn ở năm châu rất thích. Từ thích thú và yêu mến như vậy mà chúng tôi cũng đón được rất là nhiều đoàn tour du lịch tới thăm làng đũi Nam Cao. Các khách du lịch đến từ Pháp, Ý, Mỹ, Úc, Hàn Quốc …

lua2

Chị Lương Thanh Hạnh (trái), ảnh chụp tại Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, tháng 08/2023. © Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

RFI : Vậy đối với chị, thì cái khó nhất để hồi sinh làng nghề là gì ?

Lương Thanh Hạnh : Cái khó nhất của làng đũi Nam Cao là về con người. Nếu không có con người, nhân sự, thì sẽ không có được sản phẩm. Và thứ hai là sự sáng tạo, thứ ba là về chất liệu. Phải cộng hưởng rất nhiều để làng nghề phát triển được, vì nếu chúng ta không làm 3 việc đó song song với nhau thì sẽ không thể phát triển được.

Theo tôi, cái khó khăn ở đũi Nam Cao là khi tôi đến thì làng nghề đang mai một. Thứ hai, tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê khác chứ không phải ở tỉnh Thái Bình, và gia đình tôi không làm nghề tơ lụa, tôi cũng không được học thêu dệt, không được định hướng. Đó là những khó khăn về cá nhân, nhưng mà đối với tôi, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với mọi khó khăn, thì sẽ có những trái ngọt đơm hoa kết trái, sau những mồ hôi nước mắt.

Nói đến lụa thì ai cũng biết, nhưng truyền thông về đũi thì rất là khó, thì mọi người không hiểu đũi là cái gì, đũi ra sao, nên chúng tôi cũng phải "người thực việc thực", đưa nghệ nhân đi khắp muôn nơi, đi khắp trong nước và quốc tế, tham dự những hội thảo, hội chợ để mọi người hiểu đũi là như thế nào, lụa tơ tằm sản xuất ra sao, và cần phải thời gian, chứ không phải ngay và luôn mà chúng ta có thể làm được.

RFI : Chị có thể giới thiệu thêm cho thính giả, độc giả của đài RFI tiếng Việt biết về hợp tác xã lụa đũi Nam Cao ? Làng nghề đã được khôi phục đến mức nào ?

Lương Thanh Hạnh : Làng nghề đũi Nam Cao đã hơn 400 năm, có 10 thôn và nghề xưa kia được 2 người phụ nữ ở một tỉnh khác đưa về. Thời xưa, sản phẩm đã xuất đi Pháp, đặc biệt là về may quần short nam.

Nhưng mà năm 2012, do sóng thần Phuket Thái Lan, làng nghề đã bị mai một, vì ngày đấy chỉ xuất khẩu sang Lào và Thái Lan. Sản phẩm thô, không phải sản phẩm tinh, mà không biết bán cho ai, sản phẩm để làm gì, chỉ dệt thành tấm thôi, và cũng không biết khách hàng là ai. Các cai chỉ biết mua và bán, chỉ cần lợi nhuận, vì vậy mà không có sự tồn tại và phát triển làng nghề.

Năm 2012, Hanhsilk đã về, cùng bà con phục dựng làng nghề, đến năm 2016 thì thành lập hợp tác xã lụa đũi Nam Cao tại Kiến Xương, Thái Bình. Làng nghề, hợp tác xã từ 3 hộ năm 2012, sau đấy lên khoảng 15 hộ năm 2016 và đến thời điểm hiện tại thì cả làng đã có đã có hơn 200 hộ, không những của hợp tác xã mà nhiều con em của làng nghề đi từ phương xa về. Năm 2023 cũng có 2-3 hộ kinh doanh cá thể đã quay trở lại làm. Chúng tôi thấy rất là vui, đấy là điều đặc biệt nhất.

Trong quá trình làm, không phải đơn giản để từ 3 hộ lên thành 200 hộ như vậy. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm ngày đấy chưa có đầu ra, không biết bán cho ai, thị trường là gì, thì chúng tôi phải đi tìm thị trường, chúng tôi phải ra mẫu mã thiết kế và đặc biệt, chúng tôi cũng phải trấn an và cùng bà con phát triển làng nghề. Có lúc thăng, lúc trầm. Người ta chỉ nói đến lụa chứ không ai nghe nói đến đũi, thì người ta chỉ biết đến linen. Chúng tôi cũng phải đi truyền thông và định hướng thị trường rất nhiều và đến nay đũi Nam Cao mới được mọi người biết đến nhiều hơn.

RFI : Khách hàng mua lụa đũi Nam Cao chủ yếu là khách quốc tế hay là khách trong nước, và hợp tác xã có xuất khẩu nhiều hàng sang Pháp hay không ?

Lương Thanh Hạnh : Từ năm 2012, 2016 đến nay, lượng sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi khá là lớn, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng khá là nhiều. Chính thì vẫn là xuất khẩu đi Pháp, đi Đức, Úc, Mỹ. Những thị trường châu Âu, châu Úc là những thị trường khá là khó tính, nhưng mà đổi lại với sản phẩm lụa đũi tơ tằm, đó là những giá trị và họ hiểu giá trị thủ công hơn. Sản phẩm của chúng tôi rất được đón nhận ở châu Âu.

Còn ở Việt Nam thì sau Covid, mọi người đã quay trở lại với sản phẩm tự nhiên, sản phẩm của chúng tôi cũng được đón nhận khá là nhiều, làm quà tặng cho chính phủ, làm quà tặng cho các doanh nghiệp, và cũng là một trong những sản phẩm được xuất ra nước ngoài. Chúng tôi cũng rất là may mắn khi năm 2023 đã đón khoảng 60 đoàn ở nước ngoài đến Việt Nam và đặc biệt là đến thăm hợp tác xã lụa đũi Nam Cao.

Tôi cũng nhớ nhất là hãng xe ô tô nổi tiếng Porsche đã đến Việt Nam và thăm hai nhà máy, thứ nhất là nhà máy ô tô của VinFast và thứ hai đã đến thăm xưởng sản xuất và nghe câu chuyện văn hóa của chúng tôi. Giám đốc điều hành của 30 quốc gia trên thế giới đã quy tụ về đây. Ngoài ra là những đoàn khách phụ nữ, các đoàn châu Âu, mọi người đến với mong muốn để học hỏi cái mà chúng tôi đã làm ra, giá trị văn hóa và cũng như là phát triển về xã hội cho những người phụ nữ thu nhập thấp, những người khôi phục làng nghề và phát triển cộng đồng, cũng như sản phẩm tự nhiên.

RFI : Không chỉ sản xuất, hợp tác xã của chị còn phát triển về du lịch làng nghề. Theo chị, đâu là điểm hấp dẫn nhất đối với du khách khi đến làng nghề Nam Cao ?

Lương Thanh Hạnh : Thật sự về chiến lược của tôi thì từ ngày từ đầu về làng lụa đũi Năm Cao, tôi cũng thấy rằng là tại sao chúng ta không phát triển nó trở thành du lịchbởi vì văn hóa gắn liền với du lịch, văn hóa càng lâu, làng nghề càng nhiều tuổi thì càng là nền tảng, giá trị về di sản phi vật thể.

Chúng tôi cũng rất là may mắn khi bạn bè ở nước ngoài đã giới thiệu các đoàn đi liên tiếp, chúng tôi đã đón được nhiều lượt khách khách quốc tế đến làng đũi Nam Cao. Thực sự làng đũi Nam Cao đã chạm được vào trái tim rất nhiều người. Người ta không nghĩ rằng tại một làng quê thanh bình, ở một nơi như Thái Bình chúng ta đang còn những làng nghề như vậy. Nhắc đến Thái Bình, người ta chỉ nhắc đến lúa và không nghĩ rằng Thái Bình còn có lụa.

Các nghệ nhân cảm thấy rất là vui và hạnh phúc vì làm nghề mấy trăm năm rồi mà chưa từng đón khách nước ngoài như vậy. Mọi người vui lắm. Trong khi đấy thì khách hàng, những người khác nước ngoài đi du lịch thì cảm thấy đây là một cuộc sống tự nhiên hàng ngày của các nghệ nhân và lần đầu tiên họ được nhìn thấy con tằm nhả tơ ra sao, lá dâu tằm để cho tằm ăn như thế nào, và để kéo ra một sản phẩm, một chiếc khăn, một chiếc áo hay một mảnh vải, thì rất là cầu kỳ và vất vả ra sao, tại sao lụa đũi tơ tằm lại đắt như vậy. Và họ hiểu giá trị nhân văn mang lại cho xã hội là rất nhiều.

Các khách hàng ăn tại làng nghề, do chính tay các nghệ nhân đã nấu, đó là tình yêu thực sự của những người nghệ nhân, những món ăn dân dã, như là bát canh cua, cái nem, nem cuốn, những món ăn cực kỳ đồng quê. Đối với người dân quê mình thì cảm thấy bình thường nhưng khách nước ngoài họ thấy rất là ngon. Có những khách đã phản hồi là chưa bao giờ ăn món ngon và hạnh phúc đến như vậy. Hành trình đi thăm làng quê rất thanh bình, và mọi người hiểu rằng là đó là những điều hạnh phúc. Có nhiều trải nghiệm cũng khá là vui cho du khách.

lua3

Ảnh chụp tại Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, tháng 08/2023. © Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

RFI : Vậy theo chị thì cái khó đối với làng đũi Nam Cao về du lịch là gì ?

Lương Thanh Hạnh : Tôi nghĩ cái khó của làng đũi Nam Cao hiện tại là công nghiệp, công nghệ càng phát triển, thì làng nghề cũng không còn được những nhà cổ như ngày xưa, vì đô thị hóa và tấc đất tấc vàng. Chính vì vậy, cần phải có một không gian để cho các nghệ nhân thực sự sống với nghề, phát triển nghề, và quan trọng nhất là làm sao để thúc đẩy được cái giá trị gia tăng, mang lại cái nguồn thu nhập cao để thế hệ trẻ quay trở lại làng nghề làm, nếu không thì làng nghề cũng sẽ mai một rất nhiều.

RFI : Đâu là những tác động xã hội đối với bà con khi mà chị khôi phục làng nghề, khi mà chị phát triển về du lịch như vậy ?

Lương Thanh Hạnh : Tôi nhìn thấy mọi người, các nghệ nhân và xã tin làng nghề sẽ quay trở lại. Thứ hai là mọi người cảm thấy rất tự hào. Có những cụ 70-80 tuổi, cái nghề kéo đũi, các cụ có thể làm hàng ngày, dù tiền cũng không phải là giá trị lớn, nhưng các cụ cảm thấy làng mình có giá trị, mình vẫn mang được nguồn tiền về, vẫn có tiền cho cuộc sống của mình. Và tiếp theo, khách đến thì người dân được nâng cao nhận thức văn hóa, được hiểu biết, biết khách Ý như thế nào, khách Pháp ra sao, rồi họ nói chuyện như thế nào.

Và đặc biệt là chúng tôi tạo được động lực : Nếu mà ngày xưa khi làng nghề mà chưa có khách du lịch đến tận nơi, thì các nghệ nhân bảo "đấy là cái nghề nghèo hèn, cái nghề bần tiện, cái nghề mà trong xã hội không ai làm nữa, chúng tôi không đi làm được ở công ty, không có sức khỏe, thì mới ngồi làm, chứ nếu mà có sức khỏe thì chúng tôi đã đi làm những việc kia hết rồi". Nhưng khi mà khách đến thì các bác các cụ tự hào là "chúng tôi mang lại công ăn việc làm, chúng tôi hạnh phúc hơn và đặc biệt, chúng tôi muốn gìn giữ cái văn hóa cho con cháu đời sau".

Và còn hạnh phúc hơn nữa khi các bà, các gia đình thay vì phải lên thành phố để đi mưu sinh, thì ngay tức khắc tại quê hương, họ không phải đi đâu xa cũng có một nghề và làm việc.

RFI : Chị đã thành công trong việc giúp cho làng nghề lụa đũi Nam Cao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Vậy chị có ý định, có những dự án tương tự phục dựng lại các làng nghề khác hay không ?

Lương Thanh Hạnh : Ngay từ lúc đầu tôi làm là bằng tâm huyết, bằng tình yêu từ con số 0. Và 10 năm đã có những trải nghiệm, những mất mát, những đau buồn, những mồ hôi, xương máu, nhưng đổi lại, tôi cảm thấy rất là hạnh phúc, và tôi cũng nhìn thấy dù chưa phải là thành công như mong đợi, như các ngành nghề khác, nhưng tôi cảm thấy đó là có những chuyển biến và chúng tôi học được nhiều bài học mà 10 năm tôi đã đúc kết.

Những cái mà tôi đã làm được ở làng đũi Nam Cao thì mong muốn là sẽ lan tỏa và đưa đi các vùng miền. Các làng nghề đang bị mai một, đang bị mất mát, và đang rất muốn khôi phục thì tôi cũng sẽ dùng sức để giúp, dùng những cái gì mà tôi đã được học, học từ đời, học từ những nghệ nhân, học từ thương trường, để sẽ làm một quy trình và trao cho các làng nghề khác của Việt Nam.

Và tôi muốn rằng đất nước chúng ta, không những làng đũi Nam Cao, mà có thể rất nhiều, hàng nghìn làng nghề của Việt Nam chúng ta sẽ sống lại, và chúng ta tự hào về văn hóa của Việt Nam mình, và chúng ta cũng đẩy mạnh để mang đi ra nước ngoài, mang ra thế giới, bán được sản phẩm, và đưa ngoại tệ về Việt Nam, cũng như chúng ta không phải đi làm lụng ở nước ngoài nữa, và chúng ta chỉ cần ở Việt Nam chúng ta cũng tạo ra sản phẩm. Đó là những giá trị tôi rất muốn trao đi, ngay lúc này và trong những năm tới.

RFI : RFI tiếng Việt chân thành cảm ơn chị Lương Thanh Hạnh đã tham gia chương trình !

Thùy Dương thực hiện

Nguồn : RFI, 07/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lương Thanh Hạnh, Thùy Dương
Read 111 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)