Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

15/02/2024

Người trẻ cần được giải thích ý nghĩa của Tết thay vì chỉ thực hành

RFA tiếng Việt

Tết là một phong tục truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam nhưng để giới trẻ tiếp tục gìn giữ cho mai sau, các thế hệ đi trước cần thực hành nghiêm túc và giải thích cặn kẽ cho con cháu thay vì chỉ bắt làm theo một cách máy móc (*).

tet1

Mâm cơm cúng ngày Tết của gia đình chị Hà Nguyễn - Hà Nguyễn

Tết Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Đức đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, dù bận rộn với công việc mới nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian cùng bà ngoại và mẹ mang cây đào của gia đình trồng ở một nơi khác về trang trí trong ngôi nhà ở một làng cổ thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Đức cho biết nhiều năm trước không thích Tết nhưng gần đây anh cảm nhận được niềm vui của sự kiện đầu xuân ở Việt Nam. Anh tâm sự :

"Tết Nguyên Đán được tổ chức to quá nên cháu cảm thấy kể cả mình không muốn tham gia vẫn hưởng ứng các hoạt động như đi chúc Tết xong rồi thưởng thức các món ăn ngày Tết, có nhiều người làm cùng, thì cảm thấy vui hơn".

Tết đối với người trẻ

Khi còn nhỏ, Tết với anh chỉ là những phong bao lì xì được họ hàng và người thân mừng tuổi nhưng càng lớn anh cảm thấy trân trọng khoảng thời gian giao mùa hơn. Anh hào hứng với việc nói những lời chúc tốt đẹp cho năm mới và thưởng thức các món ăn chỉ có trong dịp đặc biệt này.

Năm nay là năm đầu tiên Đức mang tiền thưởng và giỏ quà Tết của công ty về cho mẹ, đồng thời anh cũng phụ lau dọn nhà cửa để chuẩn bị "đón ông bà tổ tiên" về chung vui mấy ngày Tết.

Theo anh, các hoạt động thờ cúng tổ tiên, trưng hoa và đi chùa là những tập tục hay, chúng làm con người sống chậm lại hơn.

Tuy nhiên, đối với thanh niên 23 tuổi này, giới trẻ ngày nay vẫn chưa cảm nhận được hết cái ý nghĩa của Tết, ngoài ra có những bạn tranh thủ làm việc luôn ba ngày Tết nên không thể dừng lại để tận hưởng Tết một cách trọn vẹn. Anh nói :

"Để giới trẻ trân trọng ngày Tết thì họ cần trải nghiệm tích cực về tết. Thế hệ ngày xưa phải cho thế hệ trẻ thấy được tết có những giá trị quan trọng nào.

Cái đó phải đi đôi với giải thích nữa chứ không phải chỉ thực hiện các phong tục của mình. Nhiều các hoạt động qua loa bề nổi quá. Giữa các thế hệ cần phải có phương tiện nào đó giao tiếp hiệu quả hơn".

tet2

Ông bà mừng tuổi cho con cháu dịp Tết Nguyên đán (Trần Thị Hương)

Còn đối với Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm hai của một trường đại học ở Hà Nội, Tết đối với tuổi thơ của cô là cảm giác háo hức khi sắp được nghỉ học dài ngày, được xem mọi người trong nhà gói bánh chưng, được đi chúc Tết cùng bố mẹ, được dẫn đi ngắm pháo hoa và đi lễ chùa cầu may. Theo cô, "Tết trong kí ức hồi nhỏ luôn nhộn nhịp, vui tươi nhất". Cô bày tỏ :

"Tôi thích không khí nhộn nhịp trước Tết khi được cùng bố mẹ ra đường mua cây đào, cây quất, sắm sửa đồ đạc, và trang hoàng nhà cửa đón Tết.

Khi Tết đến cũng là khoảng thời gian tôi cùng mọi người trong nhà quây quần, xem các chương trình hài Tết, xem pháo hoa mừng năm mới".

Ở một số gia đình ở Việt Nam, khi thời khắc giao thừa vừa qua, con cháu lại xếp hàng trước bố mẹ, ông bà và những người lớn tuổi trong nhà để chúc Tết và nhận lại những phong bao mừng tuổi.

Những lời chúc có thể đơn giản về một năm "làm ăn tốt đẹp", "sức khoẻ dồi dào" người lớn chúc lại con cháu "học hành tấn tới", hay "vạn sự như ý".

Việc mừng tuổi trong phong bao bỏ số tiền mệnh giá nhỏ với quan niệm đem lại sự may mắn, sức khoẻ, và tài lộc cho nhau.

Tuy nhiên, một số trẻ em hiện nay sau khi được mừng tuổi lại giở ra ngay để xem được lì xì bao nhiêu và khó chịu khi chỉ được những tờ tiền mệnh giá nhỏ, việc này vô hình trung làm mất ý nghĩa của phong tục tốt đẹp.

"Theo cảm nhận của tôi, hiện nay một số bạn trẻ đang dần làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của phong tục này. Các bạn đang coi trọng mệnh giá lì xì hơn là những ý nghĩa mà phong tục đã đem lại suốt bao nhiêu năm qua", Minh Anh chia sẻ.

Nữ sinh viên này ngoài giờ học còn có đi làm thêm, cho biết không khí Tết Giáp Thìn không còn nhộn nhịp như mọi năm vì tình trạng kinh tế khó khăn và các hộ gia đình phải thắt lưng buộc bụng hơn, cắt giảm chi tiêu cho những thứ không cần thiết.

Tết đơn giản của người Hà Nội

Bà Trần Thị Hương (mẹ của anh Đức), giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, cho biết trong quá khứ nhất là thời bao cấp, việc sắm sửa và mua thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán là một gánh nặng của nhiều gia đình.

Bà vẫn còn nhớ như in những lời than vãn "sợ Tết" của mẹ bởi vì phải sắm sửa, lo toan nhiều thứ cho gia đình.

Trong những năm khốn khó, người dân thường làm mâm cao cỗ đầy dịp Tết để bù lại cho những bữa cơm đạm bạc ngày thường. Tuy nhiên, theo bà Hương, nhiều năm gần đây, gia đình bà và nhiều gia đình khác ở Hà Nội không còn nặng nề trong việc mua sắm thực phẩm như ngày trước, mà hướng vào việc nghỉ ngơi và chỉ trang trí nhà cửa cho có không khí để đón khách dịp này. 

Bà cũng dành thời gian để đưa con trai mình tham gia các hoạt động như gói bánh chưng, thăm và chúc Tết họ hàng. Bà nói :

"Tết ngày nay thì càng ngày càng đơn giản hơn ngày xưa. Tết năm nay có thể là do con người có quá nhiều hoạt động vui chơi giải trí rồi và có rất là nhiều mối quan tâm khác.

Đặc biệt từ khi mạng xã hội phát triển, suy nghĩ của con người phân tán ra nhiều thứ cho nên là ảnh hưởng của Tết lên đời sống tinh thần không còn mạnh mẽ như ngày trước".

Bà Hương có nhà ở ngay đầu ngôi làng cổ có tuổi đời gần 1.000 năm ở Hà Nội. Bà quan sát được hết những chuyển động của ngôi làng trong dịp đặc biệt này, theo bà chỉ đến mùng hai, mùng ba là không còn thấy ai trong làng đi chúc tụng nhau nữa.

Dù vẫn còn cành đào, các câu liễn, và những vật trang trí ngày Tết nhưng dường như không khí Tết đã hết.

Theo bà, trong Tết xưa, các gia đình có xu hướng quây quần với nhau để ôn lại kỷ niệm, tâm sự để hiểu nhau hơn và tăng thêm tình thân. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển nên nhiều người thích những hoạt động khác hơn như đi du lịch nước ngoài, như một cách để "trốn Tết".

Chị Hà Nguyễn, một người làm việc văn phòng cho một toà đại sứ nước ngoài ở Hà Nội, cho biết năm nay không khí Tết có vẻ buồn hơn vì kinh tế khó khăn. Như tâm lý chung của nhiều người dân thủ đô, chị cũng chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua những gì thực sự cần thiết trong dịp Tết này.

Chị Hà đang sống cùng với mẹ đã già yếu và cô con gái đang là sinh viên năm thứ ba, hiện đi làm bán thời gian cho một công ty du lịch.

Vì là công việc dịch vụ nên con gái thường xuyên vắng nhà dịp Tết, chỉ được nghỉ vài ngày trước để giúp chị Hà dọn dẹp nhà cửa hay tự mua sắm cho bản thân, còn phần lớn việc chuẩn bị Tết là do chị thực hiện.

"Con gái có đưa tiền cho mẹ trước cho mẹ sắm Tết. Có mừng tuổi mẹ, bà và các cháu. Mình muốn để cho con gái biết là có trách nhiệm với gia đình và ai cũng có trách nhiệm đóng góp để có một tết ấm cúng", chị nói.

Cần gìn giữ Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán thường muộn hơn Tết tây khoảng một tháng, thường kéo dài một tuần cho đến một tháng.

Bắt đầu từ việc cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp, một số nơi sẽ thả cá chép ra sông, hồ để "đưa ông Táo về trời" thưa lại những việc của gia đình trong năm vừa qua.

Trong ba ngày Tết, người dân cũng sẽ cúng cơm cho linh hồn ông bà tổ tiên về chung vui với con cháu, và kết thúc bằng bữa cơm cúng hoá vàng tiễn ông bà đi, trước khi mọi người trở lại công sở, người nông dân ra đồng chuẩn bị vụ cấy mới.

Theo suy nghĩ của giảng viên đại học Trần Thị Hương, Tết Nguyên đán là phong tục có từ ngàn năm qua của người Việt. Đây là thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, một đặc điểm đặc trưng ở miền Bắc Việt Nam.

Theo bà, Việt Nam cần duy trì Tết Nguyên đán và hiện nay nhà nước cũng coi trọng dịp lễ này bằng việc cho cán bộ công chức viên chức nghỉ dài ngày, và chủ tịch nước có đọc thư chúc tết đúng thời điểm giao thừa.

"Các gia đình vẫn phải giữ truyền thống ngày Tết của mình, có một vài truyền thống mà mình cho là tốt đẹp thì nên duy trì và không thay đổi : cúng ông bà tổ tiên, chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, đi chúc Tết- đó là những hoạt động không thể thiếu. Phải có những thứ không thay đổi thì nó sẽ giống như sợi dây kết nối hiện tại và tương lai.

Đời sống vật chất và văn hóa-tinh thần thay đổi nên ý nghĩa của Tết có thể không còn đậm như ngày xưa nhưng mà Tết đối với người Việt vẫn là dấu mốc quan trọng. Mong muốn là người Việt vẫn giữ phong tục đón Tết. Nếu mà có Tết thì sẽ mang lại một chút bản sắc người Việt", bà Hương nói.

Còn đối với Đức, thanh niên tự lập năm đầu tiên :

"Cháu thích khía cạnh tâm linh (của Tết). Cháu có cảm giác thiếu những hoạt động đó trong xã hội thì sẽ buồn".

Nguồn : RFA, 15/02/2024

(*) Tên của một số nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu cá nhân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)