Google định mở văn phòng ở Việt Nam trong lúc Luật An ninh mạng sắp thực thi (RFA, 12/12/2018)
Các báo trong nước ngày 12/12 loan tin việc ông Kent Walker - Phó Chủ tịch của Goolge trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một ngày trước đó, cho hay công ty này đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện ở Việt Nam trên nguyên tắc phù hợp quy định của nước sở tại nhưng không trái cam kết quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Kent Walker, Phó Chủ tịch tập đoàn Google ở Hà Nội hôm 11/12/2018 - Courtesy of dangcongsan.vn
Động thái này diễn ra khi Luật An ninh mạng mới của Việt Nam sẽ có hiệu lực trong khoảng 18 ngày nữa, trong đó có quy định các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ qua mạng ở quốc gia này sẽ buộc phải đặt văn phòng, lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương.
Luật này được cho là nhắm đến các công ty lớn như Facebook, Google (YouTube)… hiện đang được rất nhiều người dùng Việt Nam sử dụng thường xuyên để đưa thông tin trái chiều.
Google chưa trả lời hãng tin Reuters về đề nghị bình luận trước thông tin mới trên báo chí nhà nước.
Hồi tháng 6 năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng với 86% số phiếu tán thành mặc dù vấp phải sự phản đối của người dân và giới chuyên gia.
Các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam cho rằng, luật này nhắm đến việc bịt miệng các tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ngày 4/12 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cũng đưa ra khuyến cáo, khẳng định "Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa".
"Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam - các quốc gia trong đó có Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này", EuroCham Vietnam nhận định.
**********************
Ngân hàng Thế giới : tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong 2 năm tới (RFA, 12/12/2018)
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 6.8% xuống còn 6,6% trong hai năm tới, theo dự báo mới được công bố hôm 11/12 của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Hình minh họa. Hình chụp hôm 21/2/2017 : những tòa nhà cao tầng đang xây ở bên bờ sông Sài Gòn - AFP
Báo cáo về tình hình xuất khẩu định kỳ hai lần một năm của World Bank cho biết nguyên nhân tăng trưởng kinh tế giảm của Việt Nam là vì Việt Nam phải đối mặt với rủi ro với thương mại mở vào khi kinh tế toàn cầu có những yếu tố kém thuận lợi.
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank ở Việt Nam, Sebastian Eckardt nói với báo chí tại buổi công bố báo cáo rằng việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và những căng thẳng trong thương mại đang tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn cho Việt Nam.
Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ ở mức từ 3% trong năm nay và 2,9% trong năm tới. Nguyên nhân là do thương mại và tăng trưởng đầu tư toàn cầu giảm đi vào lúc có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia của World Bank cho biết nhu cầu về hàng xuất khẩu toàn cầu kém đi cộng với luồng thương mại đầu tư vào Việt Nam giảm vì Ngân hàng dữ trữ Liên Bang Mỹ tăng lãi suất là những yếu tố rủi ro khác đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông khuyến cáo Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ thích hợp, linh hoạt trong tỷ giá hối đoái và duy trì mức thâm hụt tài chính thấp để hạn chế những ảnh hưởng của các rủi ro.
*********************
Tài xế phản đối BOT An Sương An Lạc thu phí "lố" 31 tháng (RFA, 12/12/2018)
Những ngày vừa qua, một số tài xế chứng minh rằng BOT An Sương - An Lạc nằm trên quốc lộ 1A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng. Các tài xế qua trạm đã từ chối mua vé vì cho rằng BOT không thực hiện thu phí theo đúng thời gian trên hợp đồng.
BOT An Sương - An Lạc được tài xế chứng minh cho biết đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng - rfa
Bắt đầu từ ngày 3/12, một số tài xế đã từ chối mua vé khi qua BOT An Sương - An Lạc vì cho rằng BOT này hoạt động thu phí quá thời hạn đến nay là 31 tháng. Video đăng tải trên facebook Huỳnh Long cho thấy các tài xế này đưa ra văn bản số 1423 ngày 6/6/2017 của Thanh Tra Chính Phủ. Trong đó, mục ‘3.1.2. Dự Án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc’ có chỉ rõ ‘thời gian hoàn thành dự án và bắt đầu thu phí là tháng 04/2004. Thời gian thu phí trong 145 tháng.’ Là những gì mà thanh tra chính phủ đã dựa theo hợp đồng mà chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO đã ký kết với Bộ Giao Thông Vận Tải.
Trước những thông tin và sự việc trên, các tài xế khác cũng tỏ ý không đồng tình :
- Làm kiểu đó là không đúng pháp luật rồi. Cái đó là không đồng ý. Cái đó là sai rồi.
- Phải xả cho người ta đi chớ đâu có thu lố như vậy được đâu. Mỗi năm đóng phí đường bộ hết trơn rồi. Mà năm nào cũng đóng triệu mấy hai ba triệu không. Công ty đây tới mười mấy xe lận, ra zô ra zô liên thường luôn.
Tài xế này cho biết thêm, hiện anh đang lái cho một công ty, sử dụng vé tháng nên đã lỡ mua rồi thì sử dụng. Nhưng nếu không có vé tháng, anh cũng sẽ phản đối bằng cách không mua vé qua trạm BOT này, anh cho rằng việc từ chối mua vé khi trạm BOT thu quá hạn là điều hợp lý :
-Hợp lý, cái đó cũng là giúp lại cho anh em tài xế thôi. Đây là chủ mua vé tháng, vé tháng đành phải qua thôi, chứ gặp tui là tui không mua vé tháng là tui cũng phải giúp đỡ anh em.
Một tài xế khác cho biết ông muốn sự việc được các bộ ngành liên quan giải thích rõ ràng.
- Thì mình cũng đi qua mình hỏi thử mấy anh trạm thu phí thử lý do như thế nào vẫn thu tiền.
- Mình phải nói với lại bên đường bộ như thế nào chứ đâu có phải thu phí zậy hoài, đâu có được.
Rạng sáng ngày 07/12, tiếp tục từ chối mua vé qua trạm BOT An Sương An Lạc thì các tài xế gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía lực lượng dân phòng. Video đăng tải từ facebook Trương Châu Hữu Danh cho thấy tài xế này đang bị bao vây và hứng chịu những lời lẽ mang tính đe dọa.
Thông tin từ facebook này cho biết thêm, rạng sáng cùng ngày có một người tên Lê Thái Hùng, khi ngồi trên xe tranh luận về việc BOT thu phí quá hạn thì anh bị những kẻ lạ mặt lôi ra khỏi xe và hành hung gây, dù có công an và lực lượng bảo vệ tại hiện trường nhưng không ai can thiệp kịp thời. Sau khi bị lôi đi thì không ai liên lạc được với anh Hùng. Hơn 12 tiếng đồng hồ sau đó thì bạn bè tìm thấy anh này trong đồn công an phường Bình Hưng Hòa B cùng với những vết thương trên mặt trên cơ thể và một biên bản vi phạm hành chính.
Xét cho đúng, thì sự việc giữa bên thu phí là BOT An Sương - An Lạc và các phương tiện trả phí là vấn đề tranh chấp dân sự giữa hai bên. Thế nhưng việc các lực lượng công quyền có thái độ phản ứng gay gắt và làm ngơ khi người dân bị côn đồ hành hung, nhận xét về sự việc này, một tài xế cho biết :
- Thấy công an cho quýnh người, quýnh tài xế cũng như là tụi em đúng không ? Cái đó công an xem xét lại. Quýnh người như đó là sai trái rồi. Tại vì bữa hổm hồi sáng em có coi cái clip có mấy anh xe benz là đòi đập xe trong nhóm bạn hữu của em. Cái đó là không được. Trong lúc đó là cũng có công an luôn. Mà công an không giải quyết.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng vẫn cứ trả phí khi qua trạm, cho đến khi nào có quyết định từ phía chính quyền yêu cầu BOT xả trạm.
- Bên tôi thì chừng nào nhà nước người ta ngưng thu thì mình mới ấy… chứ còn người ta đang thu bằng cách phản đối không mua vé được. Đó là quan điểm của tôi là như vậy.
Qua tuyến đường này thường xuyên, ông cho biết thêm BOT này gây ách tắc giao thông trong khu vực :
- Giờ mà cái gì nó được giải quyết sớm thì càng tốt. Cái trạm này nó cũng làm ách tắc giao thông nhiều lắm. Kẹt do cái trạm này nó thu không kịp á. Nhất là cái chiều về, đi về nó kẹt do cái trạm này không đó chứ.
Chiều ngày 04/12, trong một cuộc họp liên quan đến vấn đề của BOT An Sương An Lạc, báo giaothongvantai.vn trích lời ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông và vận tải TPHCM, ông này nói ‘Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đúng theo quy định pháp luật. Thời gian thu phí được tính toán dự kiến đến 2033. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu’.
Còn về phía chủ đầu tư IDICO thì nói rằng thời gian thu phí đã được điều chỉnh đến năm 2033 là hợp lý vì họ đã đầu tư xây dựng hai cầu vượt gần đó là cầu vượt Hương Lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Dù cho một loạt các sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận của thanh tra chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, BOT vẫn tiếp tục thu phí bình thường.
Ngoài BOT An Sương An Lạc, trước đây có BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa cũng bị một làn sóng phản ứng mạnh mẽ do vị trí đặt trạm và mức phí thu không hợp lý.
******************
Sân golf Tân Sơn Nhất bị đề nghị xóa bỏ (RFA, 12/12/2018)
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xóa bỏ sân golf Tân Sơn Nhất trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn thành phố trình Ủy Ban Nhân Dân Thành phố.
Sân Golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất. Courtesy Zing
Báo trong nước loan tin trên hôm 10/12, cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf tại Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất, Lâm Viên (Q9), An Phú (Q2) và Bình Chánh.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cho biết trong số 5 sân golf nói trên, hai sân golf đã bị quy hoạch và điều chỉnh chức năng là sân tại An Phú (Q2) và sân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo truyền thông trong nước, Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 8 năm nay đã có quyết định phê duyệt xóa bỏ sân golf trong khu vực đất phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến thay thế bằng khu vực nhà ga, khu hangar, hồ điều tiết và cây xanh.
Trước đó vào năm 2010, khu sân golf Tân Sơn Nhất được quy hoạch với diện tích gần 160 hecta bao gồm sân golf thể thao kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà ở cho thuê.
Nhiều ý kiến sau đó tranh cãi cho rằng việc xây dựng sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là bất hợp lý trước tình hình quá tải của sân bay, và chỉ trích chính quyền dùng đất quân đội để làm kinh tế.
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 đã phải chỉ đạo dừng tất cả công trình tại sân golf Tân Sơn Nhất để nghiên cứu mở rộng đường bay cho sân bay này.
Vào ngày 16/4/2018, Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận phương pháp mở rộng sân bay. Theo kết luận này, ngoài một nhà ga được xây mới ở khu phía Nam, khu phía sân golf ở phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay.
Sân golf này được Bộ Quốc phòng giao cho công LOBICO thuộc tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư từ năm 2007. Sân golf này cũng là chủ đề tranh cãi trong thời gian dài. Công luận cho rằng Bộ Quốc phòng nên trả lại đất cho sân bay để mở rộng sân bay.