Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/07/2019

"Bảo vệ môi trường biển là bảo vệ sự sống còn"

RFA tiếng Việt

Thực trạng rác thải biển

Theo quan sát và đánh giá của các chuyên gia về môi trường, hiện nay, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà tại một số quốc gia trên thế giới, các sản phẩm nhựa và nilon vẫn được sử dụng như những vật dụng thường ngày trong đời sống sinh hoạt của mọi người. Tuy nhiên, sự tiện ích của nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe của con người. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến vùng biển và sinh vật biển khi nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường biển : lạm dụng sử dụng đồ nhựa đang là một trong những vấn đề nóng của xã hội.

moitruong1

Ảnh minh họa. AFP

Theo bảng xếp hạng do Nhật Bản công bố cũng như các chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc cho thấy, Việt Nam được xếp vị trí thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa ra môi trường biển nhiều nhất trên thế giới với 0,28 – 0,73 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và chiếm 6% lượng rác thải nhựa toàn thế giới trong đó có 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền và trôi ra đại dương thông qua 112 cửa biển.

Rác thải nhựa trôi ra biển không thể phân hủy và là nguyên nhân khiến các sinh vật biển chết vì ăn nhầm rác thải nhựa. Vấn đề cho thấy, hiểm họa đại dương vì rác thải nhựa là điều không thể tránh khỏi.

Trong một thống kê gần đây của Bộ Tài nguyên Môi trường, mỗi gia đình tại Việt Nam thải ra hơn 1 túi nilong mỗi ngày và hàng triệu túi nilong được sử dụng thải ra môi trường hàng ngày.

Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ cho chúng tôi biết, đây là vấn đề rất nghiêm trọng tại Việt Nam.

"Thứ nhất hầu hết tất cả người Việt Nam sống ở những vùng gần sông nước và vùng ven biển và đa số người dân sống tại khu vực đó, với mực độ nhiều như vậy, mà hệ thống thu gom và xử lý rác thải của mình thì nó lại không tốt. Thứ hai là nhận thức con người chưa lưu ý nhiều về vấn đề môi trường và ô nhiễm nữa".

Còn đối với tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, phó chủ tịch hội khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng, vấn nạn rác thải ở biển không chỉ riêng của Việt Nam hay của ASEAN mà là của toàn thế giới do đó để giải quyết được vấn đề này thì phải có sự chia sẻ lẫn nhau.

Ngoài ra, tiến sĩ An còn cho hay tiềm lực kinh tế cũng như trình độ phát triển tại Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong nhiều vấn đề liên quan đến môi trường nhất là xử lý rác thải. Do đó các nhà khoa học và nhà quản lý cần sự chung tay tìm ra những giải pháp khả thi hơn. Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Tác An điều khó khăn nhất vẫn là ý thức của người dân.

"Hiện nay VN khó khăn nhất là nhận thức của người Việt ta đối với vấn đề này chưa cao, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức vì sự phát triển cộng đồng là chưa cao vì cơ bản VN xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp hàng nghìn năm nay. Do đó nhận thức chưa phát triển như các nước phát triển. Do đó, ngoài những chiến lược, chiến dịch dọn rác rầm rộ…cố gắng làm cho xã hội nhận thức đây là vấn đề chung và chúng ta phải dốc tay ra làm. Những vấn đề dọn rác mà có phong trào như vậy thì nó cũng chỉ mang hình thức thôi nhưng quan trọng nhất là thức tỉnh được mọi người nhận thức của mình đối với vấn đề môi trường".

Nâng cao nhận thức về môi trường

moitruong2

Ảnh minh họa. AFP

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm 25/7/2019, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng còn khẳng định rằng, Việt Nam coi rác thải biển là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sẵn sàng cùng cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng các cơ chế, quy định nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề rác thải biển.

Theo bà Hằng, Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cả cộng đồng trong vấn đề môi trường. Nhiều chương trình hành động cấp quốc gia và khu vực nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý tình trạng rác thải biển đã và đang được phát động, triển khai.

Với tinh thần sẵn sàng hợp tác cùng với các quốc gia trong khu vực để khắc phục triệt để vấn nạn rác thải nhựa đại dương như vừa nêu, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trước mắt vào năm 2025 không, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho hay : bất cứ chính phủ nào cũng nói về việc ô nhiễm cả, tuy nhiên cần phải có chính sách rõ ràng, cụ thể thì mới giải quyết được vấn đề.

"Thứ nhất phải giải quyết được vấn đề là thu gom thì đó là vấn đề lớn, còn vấn đề rác đi ra mà bắt đầu gom thì đó cũng chỉ là gọn thôi chứ không phải tận gốc. Tôi cho rằng cần giải quyết đồng bộ tất cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng cho đến lúc nó được thải ra phải có chính sách làm sao người dân bớt sử dụng nhựa hay chất dẻo, hàng hóa nào sử dụng các loại rác thải nhiều thì phải đánh thuế mạnh cái đó và đối với các công tác sản xuất thì phải có trách nhiệm thu gom lại thì đó phải nằm trong những chính sách chứ không phải lâu lâu mới tổ chức thì nó không phải là vấn đề".

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết thêm : "Việt Nam hay có câu nâng cao nhận thức cộng đồng làm sao cho cộng đồng phải có tính tự giác, có tính tương đồng trong nhiều vấn đề môi trường nhất là môi trường biển, phải cho họ thấy đây chính là sự sống của họ".

Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng như : Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới.

Nhiều giải pháp, nhiều cuộc vận động hạn chế rác thải nhựa, nilong sử dụng một lần đã diễn ra ở nhiều địa phương nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập…ở phía trước. Đặc biệt, chính quyền Việt Nam phải mạnh tay siết chặt nhập khẩu rác thải nhựa, kể cả kiên quyết tái xuất rác thải nhựa như một số quốc gia khác đã áp dụng thì mục tiêu hướng đến năm 2025 mới có khả năng thành hiện thực…

Quay lại trang chủ
Read 421 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)