Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/09/2019

Nạn nhân của tự do phát biểu : Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn hóa, Lê Văn Sinh

RFA tiếng Việt

Phạm Đoan Trang nói gì về bài công kích giải RSF trên báo Công an Nhân dân ? (RFA, 16/09/2019)

Hôm 16/9, báo Công an nhân dân online đăng bài "Tổ chức Phóng viên không biên giới lại diễn trò hề".

tudo1

Hình minh họa. Nhà báo Phạm Đoan Trang và các cuốn sách của mình - Courtesy of FB Pham Doan Trang

Bài báo có đoạn : "Phạm Đoan Trang, đối tượng từng có nhiều hành động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền vu cáo, xuyên tạc tình hình Việt Nam. Vậy đâu là sự thật về tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) và vì sao lại dựng Phạm Đoan Trang để trao giải ?"

"Trong nhiều bài viết, nhiều cuốn sách như "Chính trị bình dân", "Cẩm nang nuôi tù"... (đều xuất bản chui), Phạm Đoan Trang xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam, kích động những người nhẹ dạ cả tin tham gia biểu tình, chống phá chính quyền, nhà nước, làm mất an ninh trật tự, phá hoại môi trường hòa bình, ổn định chính trị ở Việt Nam".

"Trong phát ngôn cũng như hoạt động của mình, Phạm Đoan Trang bất chấp đạo lý, luôn thể hiện cái gọi là tinh thần "dấn thân", đã liên kết với một số blogger chống phá dưới các trướng "dân chủ", "xã hội dân sự", hô hào mang lại "tự do, dân chủ, nhân quyền" cho Việt Nam ! Nguy hiểm hơn, đối tượng này được cho là thành viên, phối hợp tích cực với Tổ chức Việt Tân (tổ chức đã được Bộ Công an xếp vào tổ chức khủng bố), "ngưu lai, mã khứ tầm quy" cùng với Phạm Chí Dũng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải... "nội công, ngoại kích", không từ âm mưu, thủ đoạn nào nói xấu đất nước, chế độ, lên án xã hội, vu cáo chính quyền đến thực hiện âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước", theo báo Công an nhân dân online.

Tờ báo cũng đưa cáo buộc nhắm vào RSF : "Những cái gọi là "xếp hạng tự do báo chí" hằng năm đối với các quốc gia hay giải "nhân quyền", "tự do báo chí" mà RSF thực chất chỉ giống như "mồi câu", nhử các cá nhân có hành vi chống đối nhà nước sở tại cố gắng "lập thành tích" bằng các trò quấy phá, chống đối để lĩnh thưởng ! "Ăn cây nào rào cây đấy", RSF chủ yếu phục vụ mục đích chính trị của các thế lực núp sau cái bóng gọi là tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền".

Hôm 16/9, trả lời RFA, Phạm Đoan Trang nói : "Ở giác độ báo chí, cụ thể là về kỹ thuật viết, thông tin, lập luận, bằng chứng, cơ sở lý luận... thì tôi thấy bài viết của tác giả trên báo Công an nhân dân rất yếu, chưa đạt tiêu chuẩn một bài báo".

"Ở giác độ nhận thức, kiến thức chính trị thì tác giả có lẽ không hiểu mấy về nhân quyền, chính trị, và cơ chế hoạt động của các tổ chức quốc tế".

"Còn các nhận định của tác giả về tôi thì tôi nghĩ là cũng nhẹ nhàng, so với các "sản phẩm" của lực lượng dư luận viên lâu nay nhằm vào chúng tôi. Điều đó khiến tôi có cảm giác tác giả chỉ viết cho tròn nhiệm vụ chứ không có ý nào khác. Vì vậy nên tôi thông cảm và sẽ không có hồi đáp".

Tác giả "Chính trị bình dân" cũng nói thêm : "Các báo ở Việt Nam, khi đưa tin, bình luận về các sự kiện, vấn đề mà "trên" coi là nhạy cảm, thì luôn phải chờ chỉ đạo của "trên" (tức là ban Tuyên giáo, Bộ Công an, hay các cơ quan có thẩm quyền liên quan khác). Chỉ đạo của "trên" cho từng vụ việc sẽ khác nhau, ví dụ có những vụ việc, sẽ chỉ báo này đăng tải tin bài mà các báo kia lại không".

"Do đó, trong sự kiện RSF trao giải Tự do Báo chí cho một nhà báo Việt Nam, có thể mới có báo Công an Nhân dân được chỉ đạo viết bài "đấu tranh, phản bác" ngay, còn các cơ quan báo chí khác thì chưa hoặc không nhận được chỉ đạo viết".

"Về cách nhà nước chỉ đạo bộ máy tuyên truyền tấn công các blogger, nhà báo tự do, tôi nghĩ không có gì khó hiểu và cũng không có gì mới. Lâu nay, thường là nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ yếu sử dụng "truyền thông đen", tức mạng xã hội, để tấn công, mạ lỵ, vu khống và khủng bố những người hoạt động dân chủ-nhân quyền, người bất đồng chính kiến. Báo chí chính thống thật ra không phải là lực lượng chủ lực trong công việc này". "Tuy nhiên, gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đã "ra quân" bằng chương trình "Nhận diện" với nội dung hoàn toàn không phải là báo chí mà là một sản phẩm tuyên truyền nhằm nhào nặn tư duy, định hướng người xem hiểu sai lệch về các giá trị dân chủ-tự do-quyền con người. Tôi nghĩ như vậy là đã đến lúc nhà nước Việt Nam thấy rõ tính chính danh của họ đang lung lay nên họ phải làm đủ trò để giữ lấy nó, cũng là giữ lấy độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản".

"Bài công kích RSF và giải thưởng Tự do Báo chí 2019 của RSF trên Công an Nhân dân hôm nay cũng vậy ; nó là một trong số vô vàn những "sản phẩm tuyên truyền" phục vụ động cơ đó : góp phần sống chết giữ tính chính danh và giữ ghế của Đảng cộng sản", Nhà báo Phạm Đoan Trang nói với RFA.

Trong một diễn biến khác, Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Pháp loan báo tổ chức buổi nói chuyện giới thiệu sách của nhà báo, blogger Phạm Đoan Trang vào trưa ngày 24/9/2019 tại phòng 4.05, Institut National des Langues et Civilisations Orientales, 65 rue des Grands Moulins, 75013 Paris.

Hôm 12/9, RSF công bố nhà báo Phạm Đoan Trang là người được giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục tầm ảnh hưởng.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, 41 tuổi, không thể có mặt tại buổi trao giải ở Berlin, nhưng cô đã gửi video của mình đến ban tổ chức. Nhà báo Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập và sáng lập viên của Luật khoa tạp chí đã đến nhận giải thay mặt Phạm Đoan Trang.

*****************

Tù nhân Nguyễn Văn Hóa hết bị kỷ luật biệt giam (RFA, 16/09/2019)

Tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa hết bị kỷ luật và biệt giam kể từ ngày 14 tháng 9.

tudo2

Nhà báo Nguyễn Văn Hóa - Photo : RFA

Anh Hoàng Nguyên, em trai của tù chính trị Hoàng Văn Bình cũng đang bị giam ở Trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam, thông báo tin vừa nêu sau chuyến thăm vào ngày 14 tháng 9.

"Hôm nay em Nguyễn Văn Hóa cũng đã trở về trại sau hơn 4 tháng bị kỷ luật và biệt giam. Hôm tôi vào thăm Hoàng Bình thì đúng thời điểm đó em Hóa vừa về nên anh Bình cũng chưa có thời gian nói chuyện với em Hóa, nhưng nhìn qua thì thấy Hóa cũng ốm".

Vừa qua vào ngày 28 tháng 5, thân nhân của tù chính trị Nguyễn Văn Hóa có chuyến đến thăm anh tại trại An Điềm. Chuyến đi được thực hiện sau khi nghe tin Nguyễn Văn Hóa bị hành hung và bị biệt giam mà những tù nhân khác cùng trại An Điềm không được biết.

Bà Nguyễn Thị Huệ lúc đó cho biết người em trai tiếp tục bị biệt giam tại khu giam riêng phòng số 4, Phân trại 1, Trại giam An Điềm. Lệnh giam riêng này có hiệu lực 6 tháng.

Phía Trại giam An Điềm thông báo với bà Nguyễn Thị Huệ là đến tháng sau sẽ hạn chế không cho gặp anh Nguyễn Văn Hóa trong nhà tù.

Vừa qua, sau khi biết được anh Nguyễn Văn Hóa bị cán bộ trại giam hành hung, rồi đưa đi mà không cho các tù nhân khác trong cùng trại biết thông tin ; một số tù chính trị gồm ông Nguyễn Bắc Truyển, anh Hoàng Đức Bình… tiến hảnh tuyệt thực.

Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người dùng flycam để quay lại các thước phim trên cao liên quan đến các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân miền Trung trong thảm họa Formosa.

Anh bị bắt hồi đầu năm 2017 khi đang quay phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong một bức thư gửi cho gia đình ông nói mình bị công an "bắt cóc" 9 ngày và giam giữ trong một khách sạn sau đó mới có lệnh bắt chính thức.

Đến ngày 27/11 cùng năm anh bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

*****************

Facebooker bị tuyên án 5 năm tù vì nói xấu chế độ (RFA, 13/09/2019)

Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình hôm 5 tháng 9 đã tuyên án tù 5 năm đối với ông Lê Văn Sinh (sinh năm 1965) về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 52 và điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

tudo3

Ông Lê Văn Sinh tại Tòa án Nhân dân Tỉnh Ninh Bình hôm 5/9/2019 - Courtesy of NBTV

Báo Ninh Bình trích cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2019, ông Lê Văn Sinh đã sử dụng 2 tài khoản Facebook mang tên Sinh Lê và Sinh Levansinh (Sinhle) để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các nội dung nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Cáo trạng cho biết ông Sinh đã viết 16 bài có nội dung nói xấu chế độ, xuyên tạc, chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.

Cáo trạng cũng cáo buộc ông Sinh đã chia sẻ 25 bài có nội dung bịa đặt, nói xấu, áp đặt, quy chụp sai phạm đối với 14 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư và lãnh đạo các phòng, ban khác của huyện Hoa Lư.

Ông Lê Văn Sinh bị bắt giữ hôm 15/2/2019.

Việt Nam là một trong những quốc gia xếp cuối bảng về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, tính đến tháng 6 năm 2019, có ít nhất 133 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì thực hành các quyền tự do cơ bản.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, EU và Hoa Kỳ đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về Luật An ninh mạng vừa đi vào hiệu lực từ hồi đầu năm nay vì cho rằng luật này nhằm mục đích hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.

Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 40 người với các cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí và khủng bố.

Quay lại trang chủ
Read 394 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)