Việt Nam phát hiện thêm 58 hang động mới tại Phong Nha (VOA, 13/12/2017)
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vừa phát hiện thêm 58 hang động mới tại các xã vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa. Số hang động này được tìm thấy trong một cuộc khảo sát dựa trên thông tin do người dân địa phương cung cấp.
Hang Thiên Đường, một trong số hàng trăm hang động ở tỉnh Quảng Bình.
Trong số 58 hang động mới phát hiện, có nhiều hang lớn và có giá trị. Một số hang phải đi đường rừng từ 2-3 ngày mới tới được. Một số hang có thể đã được bộ đội sử dụng trong thời chiến vì các nhân viên khảo sát phát hiện những hộp mực trong các hang này. Hiện vẫn còn một số hang mới chưa được khảo sát.
Danh sách các hang động mới phát hiện sẽ được chuyển cho Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh để có thêm các cuộc khảo sát chuyên môn khác.
Năm ngoái, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã công bố 57 hang động mới tại Quảng Bình.
Đây được xem là "vương quốc" của các hang động, trong đó có hang Sơn Đoòng được khám phá vào năm 2009 và trở thành hang động lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 5 km, cao 200m và rộng 150m.
Năm ngoái, hang Sơn Đoòng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Hollywood "King : Skull Island" (Đảo đầu lâu), giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế tới đây.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã là nơi giữ nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có sông ngầm dài nhất thế giới và cụm hang động có lối đi lớn nhất thế giới.
*******************
Việt Nam đối diện nguy cơ tụt hậu (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam có thể bị tụt hậu nếu không thay đổi hô hình phát triển hiện nay.
Đó là nhận xét của các chuyên gia tại Diễn Đàn phát triển Việt Nam 2017 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cùng tổ chức với Ngân hàng Thế giới, diễn ra vào sáng nay 13 tháng 12, tại Hà Nội.
Hình chụp hôm 16/6/2017 : các container hàng tại cảng Đà Nẵng - AFP
Theo những người tham dự diễn đàn, trong đó có Bộ trường Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, thì những năm qua Việt Nam phát triển dựa trên vốn đầu tư, giá công nhân rẻ, và khai thác tài nguyên thiên nhiên,…
Mô hình này được nhận định là không còn phù hợp nữa.
Các con số thống kê được đưa ra cho thấy tốc độ tăng trường của Việt Nam dù năm nay vẫn còn cao ở mức 6,7%, nhưng đã giảm khá nhiều nếu so với trước đây là 7,3% trong những năm 1990-2000.
Theo ông Ousmane Dione thì cần phải cải cách để tạo nên một cơ chế thị trường có hiệu quả, tăng năng suất lao động, trong đó có việc đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo rằng nguồn vốn vay với những điều kiện ưu đãi sẽ ít dần trong những năm tới.
Tham gia Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 còn có Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc, đến dự phiên họp thứ hai và đọc diễn văn bế mạc.
Thủ tướng Phúc đã đưa ra năm giải pháp để làm tăng năng suất lao động nói riêng và giúp Việt Nam phát triển nói chung trong những năm tới đây, đó là cải cách hệ thống để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đầu tư cho giáo dục, cải cách thể chế pháp luật, hội nhập toàn diện vào các tổ chức kinh tế quốc tế, và cuối cùng là phải giữ vững ổn định chính trị xã hội.
********************
Ngân hàng Thế giới nói kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% trong năm nay.
Đó là thông tin trong một báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm qua. Báo cáo này cũng dự báo rằng về trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 6,5% mỗi năm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (bên phải) và bà Kristalina Georgieva, Gám đốc Ngân hàng Thế giới, tại một buổi họp bao ở Hà Nội, tháng Ba, 2017. AFP
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra những lý do sau đây để giải thích cho mức độ tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong năm nay :
Thứ nhất là thu nhập của người dân tăng lên, tỉ lệ nghèo giảm xuống. Điều đó làm cho tiêu dùng tăng lên.
Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu đã làm cho Việt Nam có thêm nhiều việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm mới trong ngành chế tạo trong ba năm qua, và 700 ngàn việc làm mới trong các nhành xây dựng, bán lẻ, và dịch vụ.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2016, mức lương của công nhân Việt Nam đã tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên báo cáo cũng cảnh báo rằng nợ xấu vẫn còn cao, mặc dù đã có những cố gắng để giải quyết.
Về mặt chi tiêu công, báo cáo nói rằng đã được cắt giảm trong năm 2017, làm cho bội chi ngân sách được giảm. Tuy vậy báo cáo nói rằng tình hình này chưa chắc đã kéo dài vì Việt Nam còn cần đầu tư nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra lời khuyên là Việt Nam nên cải cách cơ cấu kinh tế nhanh hơn, với trọng tâm là kỹ năng của lực lượng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách môi trường kinh doanh, ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế vì sắp tới đây tốc độ đầu tư sẽ giảm.