Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/04/2017

Sự nổi lên của tân chủ nghĩa chống tự do tại Pháp

Lê Thiên Hương

Thời gian gần đây, trong giới trí thức Pháp xuất hiện một trào lưu mới, mà nhiều người gọi là là tân chủ nghĩa chống tự do (néoantilibéralisme).

neo1

Tháp Eiffel - biểu tượng của Pháp. (Ảnh : Carlos R Photography)

Những người theo trào lưu này không chỉ chống lại tư tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản (hạn chế sự điều tiết của nhà nước), mà họ còn chỉ trích giới "bobo" (từ chỉ những người trung lưu, thượng lưu, tách rời thực tế khó khăn của xã hội, và theo đuổi những giá trị chung như tự do cá nhân, bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng văn hóa... thay vì quan tâm đến lợi ích của dân lao động), đồng thời chỉ trích giới tinh hoa xã hội ủng hộ việc giữ nguyên các thể chế sẵn có.
Điểm chung của những người theo tân chủ nghĩa này là họ đều cho rằng nước Pháp đang ở trong tình trạng suy yếu nghiêm trọng, nguyên nhân chính do giai cấp cầm quyền quên lợi ích dân tộc, thiếu bảo vệ người dân lao động, dẫn đến cuộc sống khó khăn của họ cũng như không kiểm soát nổi vấn đề nhập cư.

Marcel Gauchet, một người theo đảng cánh tả Pháp, tác giả cuốn Hiểu sự bất hạnh của người Pháp (2016), cho rằng toàn cầu hóa đã dẫn đến một thế giới "không biên giới" dẫn đầu bởi nước Mỹ, ảnh hưởng vô cùng xấu tới lợi ích của Pháp, biến nước này từ một quốc gia "soi sáng" các dân tộc khác bằng các tư tưởng triết học thành một nước yếu ớt, không còn ảnh hưởng gì nhiều.

Eric Zemmour là một nhà báo khá tai tiếng. Cuốn Sự tự tử của nước Pháp (2014) của ông gây ra những tranh cãi kịch liệt khi cho rằng nhiều thập kỷ gần đây, giới cánh tả Pháp cùng giới tư bản đã liên kết với nhau để sở hữu mọi quyền lực trong xã hội, dẫn đến sự "tự vẫn" của một nước Pháp đáng tự hào trong quá khứ. 

Malika Sorel-Sutter - cựu thành viên của Cao ủy Pháp về vấn đề hòa nhập, có bố mẹ là người Algeria nhập cư, trong cuốn Sự phân hủy của nước Pháp (2015), chỉ trích chính phủ đã bất lực trong việc bảo vệ dân tộc và duy trì bản sắc Pháp tới mức "phân hủy" ; hay Christophe Guilluy trong Hoàng hôn nước Pháp từ trên cao (2016) ủng hộ mạnh mẽ việc đưa "bản sắc dân tộc" vào phân tích các chính sách chung của đất nước – trong khi đối với nhiều người khác, điều này có thể gây ra chia rẽ trong xã hội. Tác giả Jean-Pierre le Goff trong Sự mệt mỏi của nền dân chủ (2016) cảnh báo nước Pháp đang mất đi những giá trị xưa của giai cấp lao động.

Nhìn chung, những người theo trào lưu mới này không hẳn ủng hộ các khuynh hướng cực đoan, phần nhiều đều chỉ trích ông Trump hay bà Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng, nếu các đảng cực hữu có giành chiến thắng thì cũng không khó hiểu. Có thể thấy, đây là một nhánh của chủ nghĩa dân túy, theo nghĩa họ đại diện cho lợi ích của "dân thường", và chỉ trích chính sách bảo vệ lợi ích của "tầng lớp tinh hoa". Tuy nhiên, những người theo trào lưu lại là những trí thức – tinh hoa của xã hội. Một mặt, trào lưu này chỉ đích danh các vấn đề "khó nói" của xã hội Pháp, nhưng lại có nguy cơ chia rẽ xã hội, gây bất ổn, thậm chí đảo lộn các thể chế hiện có.

Trong bối cảnh nước Pháp hiện nay - đất nước của các tư tưởng tiến bộ nhưng đang mất đi sức ảnh hưởng do toàn cầu hóa và tự do hóa khó kiếm soát, sự nổi lên của tân chủ nghĩa chống tự do ở Pháp là điều tất yếu. Nó thể hiện những thất vọng to lớn của người Pháp đối với chính phủ từ nhiều năm nay, do không kiểm soát nổi vấn đề thất nghiệp và nhập cư, do các bê bối đáng xấu hổ trong giới lãnh đạo, do sự mất dần bản sắc nước Pháp. Chính vì thế, trong thời gian tới, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ chứa đựng rất nhiều bất ngờ khó lường trước.

Lê Thiên Hương (Thế giới và Việt Nam) 

Nguồn : Một Thế Giới, 22/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Thiên Hương
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)