Đứa con hỏi cha rằng :
- Đất nước mình đã có chính phủ rồi, vì sao lại có thêm đảng, mà đảng lại có quyền hơn chính phủ ? Quốc gia đã có một người đứng đầu là Chủ tịch nước rồi, vì sao lại có thêm một ông Tổng Bí thư đảng, mà Tổng Bí thư đảng lại quyền lực hơn ông Chủ tịch nước ? Một tỉnh đã có ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh rồi, vì sao trên ông Chủ tịch này có ông Bí thư Tỉnh ủy ? Trong quân đội sao cấp chỉ huy không có quyền hành mà phải thống thuộc Đảng ủy, chỉ huy chỉ biết thi hành mệnh lệnh, nhận chỉ thị, kế hoạch để điều hành đơn vị thực hiện ; Đảng ủy lãnh đạo về mọi mặt, người chỉ huy chỉ có nhiệm vụ thi hành ?
Cờ Nước và cờ Đảng trên đường phố Hà Nội.
Về quân đội, tức là các lực lượng võ trang, để nắm chắc và giữ quyền độc tôn lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội ngay từ những tổ chức vũ trang đầu tiên : Tự vệ đỏ (xích vệ) trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), các đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941), Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (1944), Du kích Ba Tơ và Việt Nam Giải Phóng Quân (1945).
Tư Lệnh không có quyền, tiến thoái, đánh hay không đánh là do đảng ủy đơn vị quyết định ! Cấp Sư đoàn có đảng bộ Sư đoàn gồm 15 đến 17 người chỉ huy bởi một Chính ủy.
Như vậy, để điều hành một đất nước, thay vì tiền thuế dân nuôi một công chức, nay lại phải nuôi thêm một quan chức nữa, nghĩa là cơ chế nặng gấp đôi và tốn phí cũng tăng gấp đôi. Dân nuôi đảng để đảng chỉ huy dân.
Người cha trả lời theo Hồ Chí Minh trong sách vở rằng : "Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (Đầy tớ thì ở nhà lầu- cha con ông chủ gầm cầu sống chui).
Theo lời Hồ Chí Minh thì "sau hàng chục năm lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chiến đấu vô cùng gian khổ, Đảng ta mới giành được chính quyền, mới trở thành Đảng cầm quyền".
Theo lý luận ở đoạn trên thì "đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân', như vậy đảng và dân là hai cá thể khác nhau, chiến đấu vô cùng gian khổ, nhân dân được chết, còn đảng thì cướp được chính quyền.
Tuy vậy, đảng cộng sản có chủ trương lúc nào cũng đề cao dân, như "đảng là đầy tớ của nhân dân", "nhân dân làm chủ', "dễ trăm lần không dân cũng chịu- khó vạn lần dân liệu cũng xong !".
Sách vở ghi lại lời Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định dân là trên hết : "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".
Nhưng chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương chưa bao giờ do dân bầu ra. Chính phủ do Quốc Hội bầu ra, nhưng ứng cử viên Quốc hội là do "đảng cử dân bầu". Tổng cộng danh sách chính thức ra tranh cử Đại biểu Quốc hội năm nay gồm 870 ứng viên, trong đó chỉ có 11 người tự ứng cử, không có người nào thuộc thành phần bất đồng chính kiến. Trong số 496 đại biểu được bầu, chỉ có 21 đại biểu là người ngoài đảng (chiếm 4,2%). Quốc hội khóa 14 có tỷ lệ đảng viên cao nhất từ trước đến nay.
18 ghế Ủy viên Bộ Chính trị và 200 ghế Ủy viên Trung ương đảng được chia cho các chức vụ quan trọng : Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng và một số Phó Trưởng ban các Ban của đảng, Bộ trưởng các bộ và chức vụ tương đương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Công an…
Đến nay, Đảng bộ khối các cơ quan trung ương có 63 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 34 đảng bộ cấp trên cơ sở, 29 đảng bộ cơ sở, với gần 5.500 chi bộ và hơn 6,5 vạn đảng viên, chưa kể con số 4,5 triệu đảng viên hiện có tại Việt Nam.
Điều 4 của Hiến pháp là "giấy phép độc quyền" cho Đảng cầm quyền lãnh đạo, không có một đảng phái nào khác được tồn tại. Ở Việt Nam, đảng cộng sản đứng trên cả chính phủ và Quốc hội. Lập pháp, hành pháp, tư pháp là một. Quốc hội, chính phủ, tòa án đều là công cụ của đảng. Quốc hội làm theo chỉ thị của đảng, chính phủ thi hành triệt để chính sách của đảng, tòa án xét xử người theo bản án có sẵn của đảng.
Đảng là tất cả, cấu kết với nhau thành ra một băng đảng nên đảng mới có câu : "Còn đảng, còn mình !" Quốc gia, đất nước là thứ yếu, nên thà mất nước nhưng không chịu để mất đảng !
Nguyên tắc của cộng sản là "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và dân làm chủ !" Đảng lãnh đạo tức là người chỉ đường, rẽ phải rẽ trái, đi lên, chạy xuống là do đảng. Dân chỉ đi theo như con ngựa thồ kéo xe, bị bịt mắt, chỉ cho nhìn ra đằng trước. Mọi sự, tất cả vật chất, tài sản, tiền bạc đều do nhà nước quản lý, mà nhà nước là con sinh ra của đảng, Thủ tướng, Bộ trưởng, công an, quân đội… cũng là tay chân do đảng sinh ra. Chỉ còn một cái bánh vẽ nghìn đời sót lại dứ vào mồm dân, đó là cái quyền làm chủ…trên khẩu hiệu, diễn văn.
Đảng là ông Thủ trưởng chỉ đạo mọi thứ, có quyền hành. Nhà nước là anh thủ kho ôm trong tay của cải. Còn thằng dân trên danh nghĩa là chủ nhân của đất nước, không có tiền mà cũng không có quyền, lại bị bóc lột tận cùng. Ngân sách nhà nước đảng nắm. Nợ nần nhà nước dân lo, đời này trả không hết thì đến đời sau. Nếu dân phản kháng là phá hoại, là do thế lực thù địch phá hoại "thành quả" của đảng, sẽ có công bộc của dân (tức là cán bộ, công an) lập tức có mặt để đàn áp, vì công bộc của dân do đảng đẻ ra, có còng, có roi, có nhà tù, có quyền giết hay cho phép người dân ‘tự tử’ ngay trong đồn trại của mình.
Đã có trường hợp công an bắt dân xuống xe, quỳ xuống giữa đường và đánh đập, cũng như tài xế taxi bị đòn, phải quỳ gối giữa đường lạy vái công an. Nhìn lại thời nô lệ Pháp thuộc cũng chưa bao giờ có cảnh tượng như thế.
Bản báo cáo của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ghi nhận sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp cộng sản Việt Nam và sinh hoạt chính trị ở trong nước : "Hiến pháp nhà nước Việt Nam sau khi được sửa đổi, bổ sung có qui định rằng người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước qua bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và biểu tình. Tuy nhiên, cũng chính Điều 4 của Hiến Pháp lại khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam trong mọi sinh hoạt của đất nước".
Chính ở sự mâu thuẫn này và ý đồ duy trì độc quyền chính trị bằng mọi giá mà tất cả những quy định về quyền chính trị được công nhận nơi Điều 20, Điều 21 trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Điều 21, Điều 22 trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam cam kết tôn trọng đã bị triệt tiêu.
Xin hãy xem bảng vận động công dân đóng thuế treo đầy đường : "Nộp thuế để xây dựng và bảo vệ đảng !" À ra thế ! Tóm lại đảng lãnh đạo, và đảng phải bám vào dân mới có cơm ăn. Dân hì hục đóng thuế để "vỗ béo" đảng. Tình đảng với dân như cá với nước. Cá không có nước thì cá chết. Nước không có cá, thì nước… khoẻ re !
Xin cầu nguyện cho một ngày Việt Nam không có đảng, như khẩu hiệu của dân oan biểu tình : "đảng cộng sản, chết đi !"
Huy Phương
Nguồn : VOA, 03/06/2017