Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/05/2019

Nhiệt điện Vân Phong, bồi thường Formosa, tăng giá xăng

Tổng hợp

Vân Phong, Khánh Hòa : Tranh cãi chuyện cho vay làm nhiệt điện (BBC, 02/05/2019)

Ngân hàng Nhật Bản Hợp tác Quốc tế (JBIC) hôm 19/4 đã ký thỏa thuận với Van Phong Power Company Limited, cho khoản vay trị giá 1,2 tỉ đôla để xây nhiệt điện Vân Phong 1.

vanphong1

Một nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc

Van Phong Power Company Limited là công ty có vốn đầu tư của Sumitomo Corporation.

Ngoài ra còn có thêm 799 triệu đôla là khoản cho vay của các tổ chức sau : Sumitomo Mitsui Banking Corporation, MUFG Bank, Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Trust Bank, Oversea Chinese Banking Corporation, DBS Bank và Bank of China.

Nhiệt điện Vân Phong 1 gồm hai tổ máy công suất 660MW, được xây dựng tại xã Ninh Phước thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 đã chính thức được cấp chứng nhận đầu tư.

Thái độ của các ngân hàng

Tổ chức vận động Market Forces chống dự án Vân Phong lên án JBIC, nói rằng Vân Phong 1 sẽ tạo ra ô nhiễm không khí cao gấp chín lần so với một nhà máy điện than bình thường của Nhật.

Còn Shin Furuno, từ 350.org East Asia, cũng chỉ trích các ngân hàng Nhật tham gia tài trợ.

"Ba ngân hàng thương mại lớn của Nhật - MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Mizuho Bank - đã chứng tỏ chính sách hoàn toàn không đủ về tài trợ cho than, và nhu cầu cập nhật chính sách tín dụng phù hợp với Thỏa thuận Paris".

Hôm 16/4, trả lời Bloomberg, Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) nói hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ là dự án cuối cùng mà OCBC tài trợ, vì OCBC sẽ tăng tiền cho dự án năng lượng tái tạo.

Theo báo chí, OCBC có tiền cho vay cho hai dự án, Vân Phong 1, và Nghi Sơn 2, ở Việt Nam.

Tổng giám đốc OCBC Samuel Tsien nói với Bloomberg : "Chúng tôi sẽ không làm các nhà máy nhiệt điện than mới nữa, ngoại trừ các dự án mà đã tham gia hoặc đã cam kết".

vanphong2

OCBC nói hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ là dự án nhiệt điện cuối cùng mà OCBC tài trợ

Các ngân hàng Á Châu thay đổi quan điểm ?

Theo ông Justin Guay, phụ trách chiến lược khí hậu toàn cầu ở nhóm Sunrise Project, trong bốn tháng đầu 2019, bốn ngân hàng ở Châu Á đã loan báo sẽ hạn chế tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới.

Cho tới gần đây, chỉ có các tổ chức tài chính phương Tây né điện than.

Hơn 100 tổ chức với ít nhất 10 tỉ đôla quản lý tài sản đã đồng ý hạn chế cho vay tiền cho các nhà máy nhiệt điện, theo Institute for Energy Economic and Financial Analysis.

Hồi tháng 3/2019, Công ty đầu tư phát triển quốc gia (State Development and Investment Corporation - SDIC) là tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc nói sẽ không tài trợ cho điện than.

Đến tháng Tư, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) sẽ ngừng cho tiền, theo báo chí Nhật.

DBS, ngân hàng to nhất của Singapore, dự kiến ngừng chi tiền cho điện than sau 2021.

Sau Trung Quốc, Nhật Bản hiện là nước tài trợ lớn thứ hai thế giới cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

********************

Việt Nam bắt đầu các dự án phục hồi biển miền Trung từ tiền bồi thường của Formosa (RFA, 02/05/2019)

Ba năm sau thảm họa biển Miền Trung Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 1/5/2019 chính thức có quyết định giao Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế chỉ đạo thực hiện đầu tư các dự án nhằm phục hồi biển từ khoản tiền bồi thường của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa.

vanphong3

Người dân biểu tình chống Formosa ngày 14/2/2017. RFA

Báo trong nước loan tin cùng ngày cho biết đây là các dự án "Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá" và "Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản".

Trọng tâm của các dự án được nói sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp các bến cảng cá, nạo vét luồng rạch, các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản. Bên cạnh đó là việc tái tạo hệ sinh thái rạn san hô cho các loài thủy sản cư trú và phục hồi.

Tổng mức đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được giới hạn không quá 400 tỷ đồng cho mỗi tỉnh và không được điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, tổng kinh phí dành cho 2 dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh tại Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế được khẳng định tối đa không quá 340 tỷ đồng.

Tin cho hay thời hạn thực hiện các dự án trên đến hết ngày 31/12/2020.

Tháng 4/2019 đánh dấu 3 năm sau thảm họa môi trường biển do Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh với vốn đầu tư của Đài Loan gây ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Thảm họa môi trường này có tác động nghiêm trọng và lâu dài, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm ngàn người dân và hủy ngoại môi trường biển tại các tỉnh Miền Trung Việt Nam nêu trên.

Vụ việc xảy ra khiến người dân tại các tỉnh bị thiệt hại cũng như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc biểu tình lớn phản đối Công ty Formosa.

Tháng 6/2016, Lãnh đạo Formosa chính thức thừa nhận công ty này là thủ phạm trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.

Hãng tin Reuters hôm 23/12/2016 đánh giá khu vực biển bị ô nhiễm có thể sẽ phải mất hàng chục thập kỷ để phục hồi.

********************

Giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 3 trong vòng 1 tháng (RFA, 02/05/2019)

Giá xăng tại Việt Nam tiếp tục tăng thêm gần 1 ngàn đồng một lít kể từ 4 giờ chiều ngày 2 tháng 5.

vanphong4

Giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 3 trong vòng 1 tháng - Ảnh minh họa - RFA EDITED

Thông báo chính thức về giá xăng mới được đưa ra đúng như nhận định mà giới chuyên gia đưa ra trong những ngày qua.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 1tháng qua giá xăng tại Việt Nam tăng mạnh. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là gần 21 ngàn đồng, và xăng RON 95 vượt mức 22 ngàn đồng. Mức giá bán lẻ này là cao nhất tại Việt Nam từ kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành 8 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trong 8 lần đó, có 3 kỳ tăng giá, 1 lần giảm giá và 4 lần giữ nguyên.

Theo Bộ Công thương, hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng ở Việt Nam vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn so với giá cơ sở, trong khi 15 ngày vừa qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn liên tục tăng.

Gần đây, phó thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Điều hành giá, có yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)