Bắt Phó chủ tịch Huawei, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Tổng hợp
Trump lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc (VOA, 08/12/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong khi hai cố vấn kinh tế hàng đầu của ông hạ giảm tầm quan trọng của xích mích xuất phát từ vụ bắt giữ một giám đốc điều hành cao cấp của hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, Huawei Technologies.
Tổng thống Donald Trump nói chuyện với các nhà báo trên Bãi cỏ Nam của Nhà Trắng, ngày 7 tháng 12, 2018, ở Washington.
"Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn tiến rất tốt", ông Trump nói trên Twitter, mà không cung cấp bất cứ chi tiết nào.
Các công ty lớn đã bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ở Canada theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ sẽảnh hưởng ra sao đến quan hệ Mỹ-Trung, hoặc rằng việc này có thể gây ra phản ứng dữ dội đối với các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc.
Bà Mạnh, 46 tuổi, con gái của người sáng lập Huawei, đã xuất hiện tại một tòa án ở thành phố Vancouver trong một phiên tòa về bảo lãnh tại ngoại trong khi bà đối diện với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ trong cuộc điều tra liệu Huawei có vi phạm các chế tài của Mỹ nhắm vào Iran hay không.
Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, nói với đài CNBC rằng ông không tin vụ bắt giữ bà Mạnh sẽ "lấn" sang các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm mục tiêu hối thúc Bắc Kinh mua thêm nông phẩm và năng lượng của Mỹ, giảm thuế quan của Trung Quốc và thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với chính sách của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Ông Kudlow nói cuộc điều tra liệu Huawei có vi phạm các chế tài của Mỹ nhắm vào Iran hay không nằm ở một "tuyến riêng" không liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại và là một vấn đề an ninh quốc gia và luật pháp của Mỹ.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói với đài CNN rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và vụ bắt giữ Huawei "là hai sự kiện riêng rẽ", gọi thời điểm vụ bắt giữ bà Mạnh và cuộc họp Trump-Tập là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ông Navarro nói vụ bắt giữ này là kết quả của "những hành động sai trái của Huawei", nói thêm rằng có một nguy cơ "đáng sợ" là chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của công ty để do thám.
Những lo ngại không dứt về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây nên tình trạng bán tháo cổ phiếu vào ngày thứ Sáu, với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu về mức sụt giảm.
******************
Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu vừa bị bắt tại Canada là ai ? (VOA, 07/12/2018)
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của công ty thiết bị viễn thông Huawei, đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu từ chính quyền Mỹ, trong bối cảnh về cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung đang có chiều hướng căng thẳng dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Công ty Huawei của Trung Quốc.
Công ty Huawei của Trung Quốc được cho là một trong những công ty trực tiếp phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump ký luật cấm chính phủ Mỹ dùng sản phẩm của công ty này vì lý do an quốc gia.
Nhưng bà Mạnh Vãn Chu là ai và công ty của bà có ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh của Hoa Kỳ ?
Ái nữ của đảng viên cộng sản thâm niên
Theo Reuters, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), năm nay 46 tuổi, là con gái của nhà sáng lập và bà hiện là phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Bà là người được dự đoán sẽ "kế vị" vị trí của cha mình trong tương lai.
Cha bà là Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên Cộng sản từ 1958. Trong thời gian ở quân đội, ông được bầu là đại biểu của quân đội tham dự Đại hội Đảng Toàn quốc. Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei vào năm 1987, và vào năm 2005, ông được tạp chí Times coi là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bà Mạnh hiện sử dụng họ của mẹ nên không mang họ Nhậm (Ren) của cha bà.
Bà Mạnh Vãn Chu.
Bà Mạnh Vãn Chu có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. Bà Mạnh bắt đầu làm việc cho công ty của cha vào năm 1993, một năm sau khi bà làm việc cho Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank).
Các vai trò từng trải qua của Mạnh Vãn Chu là trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kế toán.
Vào năm 2003, bà Mạnh đã thành lập tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu của Huawei với những cấu trúc chuẩn, những quy trình, hệ thống tài chính và những nền tảng công nghệ thông tin.
Từ năm 2005, bà Mạnh đã đảm nhận vai trò điều hành việc thành lập năm trung tâm dịch vụ trên toàn cầu, bà cũng là người đã hoàn thành trung tâm thanh toán toàn cầu đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Những trung tâm này đã trở thành động lực thúc đẩy hiệu quả của việc kế toán và quản lí chất lượng, góp phần mở rộng hệ thống kế toán để có thể đáp ứng đủ với tốc độ phát triển và mở rộng của Huawei trên thị trường toàn cầu.
Từ năm 2005, bà Mạnh đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc thành lập 5 trung tâm dịch vụ được chia sẻ trên khắp thế giới. Các trung tâm này đã giúp nâng cao hiệu quả kế toán và giám sát chất lượng của Huawei, góp phần mở rộng nhanh chóng quy mô hoạt động của Huawei ở nước ngoài.
Từ năm 2007, bà Mạnh đã phụ trách Chương trình Chuyển đổi Dịch vụ tài chính tích hợp trong một dự án chung tám năm với IBM để giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, cải thiện hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa quá trình kiểm soát nội bộ.
Bà làm Giám đốc tài chính của Huawei cho đến lúc bị bắt ở Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ khi Huawei bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hỗ trợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Trang tin Đông Phương ngày 6/12 cho biết bà Mạnh Vãn Chu là người sẽ thay cha trở thành Chủ tịch Huawei sau khi ông nghỉ giữ chức vào cuối năm nay.
Công ty Huawei làm gián điệp ?
Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm của Huawei gây lo ngại rằng có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn cầu và doanh thu đạt 47,4 tỷ đôla trong nửa đầu năm 2018, dự kiến đạt doanh thu 92 tỷ đôla trong năm nay.
Hiện Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ hai trên thế giới về mặt doanh số, vượt qua cả Apple. Huawei đặt ra mục tiêu sẽ chi ra số tiền 20 tỷ đôla cho nghiên cứu và phát triển trong năm nay, sau khi đã chi ra số tiền 13,8 tỷ đôla (tương đương 15% tổng doanh thu) cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2017. Điều này cho thấy tham vọng của Huawei trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Huawei có tham vọng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho tới sản xuất con chip, và thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những bước tiến mạnh của Huawei trong lĩnh vực liên lạc di động tương lai đã khiến Mỹ lo ngại và trở thành một lý do cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ.
Ngoài ra, Mỹ luôn cáo buộc Huawei là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khiến các sản phẩm Huawei hầu như không thể đặt chân vào thị trường Mỹ.
Vào năm 2016, nhà chức trách Mỹ bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng Huawei và một số nhà cung cấp khác có thể lắp đặt "cửa sau" trong thiết bị để có thể theo dõi người dùng ở Mỹ. Huawei bác bỏ những cáo buộc này.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh dừng cung cấp thiết bị Huawei tại các căn cứ quân sự Mỹ với lý do an ninh. Best Buy, một trong những nhà bán lẻ hàng điện tử lớn nhất ở Mỹ, cũng đã dừng bán sản phẩm Huawei.