Duy Ngô Nhĩ - cả một dân tộc bị bắt làm nô lệ, báo cáo khoa học của Nga về vac-xin Sputnik-V bị nghi ngụy tạo kết quả, Covid-19 tấn công ngày càng mạnh tại Châu Âu là những chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay.
Trước hết, tin hãng chế tạo vỏ bánh xe Bridgestone ở thành phố Bethune (tây bắc nước Pháp) đóng cửa, 863 việc làm bị đe dọa, "phần nổi của tảng băng sơn", được báo Pháp bình luận với rất nhiều âu lo. Chính phủ bị bất ngờ, quyết định của tập đoàn công nghệ Nhật Bản báo hiệu một chuỗi tin xấu trong tương lai, Les Echos báo động. Việc Bridgestone đóng cửa gây ra một làn sóng phản đối chính trị và đánh dấu một giai đoạn xuống dốc của kỹ nghệ Châu Âu trước sự cạnh tranh của Châu Á, Le Figaro khẳng định.
Trong bài xã luận "Những năm dài lầm lỗi", nhật báo thiên hữu chỉ trích Châu Âu thả lỏng cho Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Thảm họa này chẳng phải vì Covid-19. Từ bao nhiêu năm nay, vỏ xe Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới và làm khuynh đảo công nghệ xe hơi. Theo Le Figaro, sau những năm dài lạc lối, Châu Âu đã mở mắt. Tuy nhiên, con đường khắc phục lầm lỗi này còn dài.
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde đăng một loạt bài bắt đầu bằng hàng tựa đậm trên trang nhất : "Duy Ngô Nhĩ : Bắc Kinh theo dõi đến tận trong nhà". Bắc Kinh tiến thêm một bước trong chính sách kiểm soát và trấn áp có hệ thống cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương.
Le Monde điều tra về chiến dịch đưa hàng trăm ngàn cán bộ sống chung với từng gia đình, để theo dõi, báo cáo nhất cử nhất động của người Duy Ngô Nhĩ, kể cả trẻ em. Theo các nhân chứng, "điệp viên" của Trung Quốc "ăn và ngủ" ngay trong phòng ngủ của vợ chồng người chủ nhà. Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống trong nỗi sợ bị sách nhiễu và cưỡng dâm, nhất là khi chồng bị đi cải tạo.
Tân Cương là thí điểm của chính sách "năm cùng" nhằm nô lệ hóa cả một dân tộc, bắt đầu từ năm 2016 và tăng cường từ năm 2017, là năm mà Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại hội 19, và chính sách này được thực hiện đại trà kể từ 2019. Hơn một triệu đảng viên người Hán được huy động để thực hiện chính sách được mệnh danh là "thống nhất các sắc tộc vào một gia đình". Trên hiện trường, hơn 100.000 cán bộ Đảng được phân chia vào từng gia đình người Duy Ngô Nhĩ ở thủ phủ Urumqi, nhưng nhất là ở miền nam Tân Cương nơi được xem là có nhiều thành phần chống đối.
Lúc đầu, cán bộ làm như khách mời, mang đến ít quà như hộp sữa. Nhưng sau đó, vai trò đảo lộn, gia đình chủ nhân biến thành nô lệ phục vụ cho cán bộ ăn dầm nằm dề, đến cái bàn chải đánh răng cũng phải cung cấp. Theo lệnh, mỗi gia đình Duy Ngô Nhĩ phải "sống chung" với một cán bộ trong vòng một tuần mỗi tháng theo tiêu chuẩn "5 cùng : cùng ăn, cùng nấu ăn, cùng sống chung, cùng học và ngủ chung một phòng".
Nhiều công nhân viên Nhà nước cũng bị theo dõi. Họ bị nghi ngờ sống hai mặt, giả vờ trung thành với Đảng, nhưng sau lưng thì có tư tưởng hay phát biểu khác. Họ cũng bị buộc phải sống chung với một cán bộ do cơ quan chỉ định. Qelbinur Sidik, một giáo viên ở Urumqi, có ba con, thoát qua được Hà Lan, cho biết bà bị "sốc" khi đọc các điều lệ. Bà nói : Lúc đầu gia đình tôi nghĩ là phải sống với một "anh bà con" một tuần mỗi ba tháng một lần, nhưng sau đó là mỗi tháng một tuần. Nhưng tại sao phải cho cán bộ ngủ trong phòng của vợ chồng tôi ? Rồi báo cáo mỗi lời ăn tiếng nói của chúng tôi ? Xem đài Nhà nước hay xem video ? Con cái cũng có cán bộ theo dõi kềm sát và báo cáo, Zumret Dawut, một phụ nữ khác cho biết như trên. Rồi phải gửi ảnh cho thấy mọi người vui vẻ ăn chung sống chung với cán bộ Hán.
Phải có đủ 90 điểm thì mới gọi là "tốt". Gia đình ở gần trại cải tạo thì phải đủ 100 điểm hạnh kiểm tốt, nếu không muốn bị đi cải tạo.
Khi chính sách bắt đầu, tổ dân phố chỉ thị cho bà Zumret Dawut phải chuẩn bị chậu nước rửa chân cho cán bộ và bàn chải đánh răng mới. Tóm lại, dân bị kiểm soát mà còn phải phục vụ người làm công việc kiểm soát mình.
Các nhân chứng cung cấp cho Le Monde ba bức ảnh : một cán bộ ngồi trước bàn bánh trái, giữa ba đứa bé và người mẹ không vui cũng không buồn. Một bức ảnh chụp một nữ cán bộ đang lật một trang báo tiếng Hoa với một em bé học sinh và tấm ảnh chụp trang bìa quyển ghi chép tham gia chào cờ Trung Quốc. Bài phóng sự còn tiếp nối với đoạn "sách nhiễu và cưỡng dâm".
Theo nhà chính trị học Timothy Rose, một chuyên gia về các sắc dân thiểu số tại Trung Quốc, đây là một hình thức "nới rộng trại cải tạo, vươn ra ngoài hàng rào kẽm gai".
Chính sách đồng hóa thô bạo của Trung Quốc được Le Monde phân tích trong bài xã luận "Bắt cả dân tộc Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ". Trong trang thời luận, Le Monde giải thích vì sao các nước Hồi giáo ở Trung Đông để mặc cho đồng đạo ở Tân Cương bị đàn áp.
Theo phân tích của nhật báo độc lập, chính sách nô lệ hóa người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh thực hiện từ 2016, nhân danh chống khủng bố và tạo đồng cảm quốc gia, được che giấu sau lớp son tuyên truyền.
Trên thực tế, Bắc Kinh đã chà đạp lên chính bản Hiến pháp của chế độ, công nhận quyền tự trị của mỗi dân tộc. Bên cạnh chính sách Hán hóa là chế độ cải tạo nhồi sọ thô bạo. Trái với những tuyên bố của giới lãnh đạo Hoa lục khi công du nước ngoài, chưa bao giờ phóng viên hay chuyên gia Tây phương được quyền đến tận nơi điều tra, nghiên cứu. Chỉ có Hoa Kỳ là ban hành một số biện pháp trừng phạt đích danh quan chức Tân Cương và công ty xây dựng nhà tù Bingtuan và công ty xây dựng và sản xuất Tân Cương, một tổ chức bán quân sự đặc trách chiếm đất và khuyến khích người Hán định cư.
Lãnh đạo Liên Âu, trong đó có tổng thống Pháp đôi khi lên án công khai chính sách trấn áp này. Theo Le Monde, đã đến lúc phải phối hợp hành động đi đôi với lời nói trước khi quá trễ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các chế độ Hồi giáo ở Trung Đông cũng không một lời bênh vực người Hồi giáo cũng như chỉ trích Trung Quốc ?
Theo nhà báo Alain Frachon, Trung Quốc đã ngự trị ở Trung Đông : không những nhờ tài chính mà còn cả chính trị. Bắc Kinh không bao giờ nói đến nhân quyền, hoàn toàn không quan tâm đến các vụ tử hình, chặt đầu ở Saudi Arabia. Trung Quốc ủng hộ các chế độ độc tài, chỉ quan tâm đến việc mua và bán. Đổi lại, thế giới Hồi giáo, từ Ryadh, Ankara cho đến Tehran, không một ai quan tâm đến số phận người Duy Ngô Nhĩ.
Một nhóm chuyên gia Ý và Mỹ yêu cầu các đồng nghiệp Nga cung cấp kết quả thử nghiệm gốc và tạp chí khoa học The Lancet làm sáng tỏ một số nghi vấn ngụy tạo. Le Figaro cho biết đầu đuôi câu chuyện.
Nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi thấy số liệu và đồ thị trình bày kết quả thử nghiệm vac-xin của Nga trong giai đoạn 1 và 2 công bố trên tạp chí The Lancet có quá nhiều "mô-típ" lặp đi lặp lại. Phải chăng người Nga "sáng chế" ra kết quả thử nghiệm lâm sàng để chứng minh là cả 76 người tình nguyện đều có kháng thể, sau khi nhận liều thuốc chủng Sputnik ? Khoa học gia Steven Salzberg của đại học Johns Hopskins, Hoa Kỳ và Enrico Bucci, giáo sư sinh hóa, đại học Temple, ở bang Philadelphia đều nghi ngờ có ngụy tạo. Tuy nhiên, Enrico Bucci và nhóm 14 khoa học gia đồng ký thư ngỏ, rất thận trọng, chỉ yêu cầu các đồng nghiệp Nga và tạp chí The Lancet "công bố kết quả gốc và phân tích của họ để mọi người có thể biết số liệu đo đạc".
Tại Pháp, giáo sư miễn dịch học Jean-Daniel Lelièvre, đại học Y khoa Paris, cùng nhận định : câu chuyện này rất lạ lùng, trước khi loan tin về vắc-xin Covid-19, không một nhà khoa học Nga nào công bố kết quả nghiên cứu của họ về hai "vec-tơ" mà họ chọn sử dụng là adenovirus 5 và 26, vốn đã được nghiên cứu rất sâu rộng trong các phòng thí nghiệm Tây phương.
Phải chăng Nga đã đánh cắp được tài liệu của nước ngoài ? Hồi tháng 7, tình báo Anh và Mỹ báo động tin tặc Nga tìm cách đánh cắp thông tin về vac-xin Covid-19 của Tây phương.
Covid-19 : 270 triệu người sẽ thiếu ăn
Châu Âu nhức óc với vận tốc lây lan của đại dịch, nguy cơ hàng trăm triệu người trên thế giới thiếu ăn là hai chủ đề trên Le Figaro và La Croix.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran báo động về tình hình dịch bệnh tại Lyon và Nice, hai thành phố lớn của Pháp, tiếp theo báo động đỏ ở Bordeaux và Marseille. Chính quyền địa phương được kêu gọi ban hành các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế vận tốc lây lan của siêu vi. La Croix chú ý đến tình hình Marseille nơi mà giới bác sĩ, y tá bị lây nhiễm nhiều khiến nỗ lực chống dịch thêm phức tạp.
Les Echos lưu ý các biện pháp vệ sinh dịch tễ ở học đường sẽ được nới lỏng, chỉ có thầy cô phải đeo khẩu trang còn học sinh sẽ không bị bắt buộc, vì theo một kết quả nghiên cứu "trẻ em ít lây cho trẻ em".
Trên thế giới, nhật báo công giáo lo ngại nạn đói sẽ bùng nổ. Báo cáo của Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (PAM) lo ngại Covid sẽ làm 120 triệu người trên thế giới "gia nhập đội binh 150 triệu người" thiếu ăn, tựa của bài báo bên cạnh bức ảnh một hàng người ở Calcutta, Ấn Độ, chờ được một tổ chức thiện nguyện phát bữa ăn miễn phí.
Tại Pháp, liệu có phải tái lập biện pháp cách ly trên diện rộng hay không ? Cho đến giờ này, cho dù số ca lây nhiễm lên đến 10.000 mỗi ngày, nhưng vì để tránh tác hại cho kinh tế, chưa một vị bộ trưởng nào nói đến biện pháp này. Nhìn sang Tây Ban Nha, theo Les Echos, chính quyền thủ đô Madrid dự kiến sẽ "phong tỏa từng khu phố". Vùng nam thủ đô Madrid biến thành bom nổ chậm từ khi vào hè.
Libération số báo hôm nay đặc biệt nói về thời trang và đặt câu hỏi thế nào là y phục chỉnh tề cho nữ sinh trung học ? La Croix dành hai trang phỏng vấn cầu thủ bóng đá Pháp Olivier Giroud, 34 tuổi, người góp công đem lại cho Pháp chiếc cúp vô địch thế giới 2018. Olivier Giroud cho biết "Chúa Jesus luôn có mặt cùng tôi trên sân cỏ".
Tú Anh