Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Cận Bình, "Người cầm lái vĩ đại" phiên bản 2.0 (RFI, 30/09/2019)

Lên cầm quyền từ năm 2012, hôm nay, 30/09/2019, lần thứ hai, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm lăng Mao Trạch Đông, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 70.

70nam1

Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 70, Bắc Kinh, ngày 30/09/2019 Reuters/Thomas Peter

Cai trị Trung Quốc từ gần 7 năm qua không chia sẻ quyền lực và với bàn tay sắt, giới quan sát phương Tây nhận định hình ảnh của Tập Cận Bình, chẳng khác gì một "Người Cầm Lái Vĩ Đại" mới, phiên bản 2.0.

Tập Cận Bình, con trai của Tập Trọng Huấn, một quan chức cao cấp Trung Quốc từng bị đuổi ra khỏi quyền lực dưới thời Cách Mạng Văn Hóa giờ không còn gì để oán hờn Mao cả. Bảy mươi năm sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, xã hội Trung Quốc giờ chẳng mấy gì khá hơn, thoát được bẫy Mao Trạch Đông, giờ lại rơi vào chiếc lồng sắt "lộng lẫy" của Tập Cận Bình.

Với công nghệ mới, Tập Cận Bình có thể kiểm soát chặt chẽ các hoạt động, tư tưởng của người dân. Ông không thích và không dung thứ cho bất kỳ ai viết về ông và gia đình ông. Công nghệ cao không những giúp Tập Cận Bình kiểm soát cả những hình ảnh về ông mà còn là công cụ đắc lực để ông tô bóng hình ảnh của mình : Một vị lãnh đạo gần gũi với dân, lắng nghe dân. Một nhà tư tưởng lớn "ngang tầm" với Mao Trạch Đông.

Và những tư tưởng này phải được truyền bá, dạy dỗ cho các "thần dân" ngay từ còn tuổi thơ ấu. Những nhà lãnh đạo và trí thức tương lai phải thấm nhuần "tư tưởng Tập". Công nghệ cao đang biến Trung Quốc thành một "chế độ độc tài hoàn hảo", đến mức ông Stein Ringen, chuyên gia chính trị học nghĩ ra một thuật ngữ mới "giám sát kỹ trị". Bởi vì tư tưởng Tập không chỉ giới hạn trong "tập sách đỏ" giống như Mao, mà hiện diện cả trên các ứng dụng cho điện thoại thông minh.

Trong "tư tưởng Tập Cận Bình", "Nhà nước Pháp Quyền" chỉ chiếm vị trí thứ 5, "điều hành đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc" và "giấc mơ hồi sinh Trung Hoa" mới là điều cốt lõi.

Và để có thể thực hiện những điều này, đất nước cần có một lãnh đạo "có uy tín" và một bộ máy điều hành tài giỏi. Do vậy, phải đoạn tuyệt với cơ chế chuyển giao quyền lực do Đặng Tiểu Bình thiết lập, chấm dứt quy định giới hạn hai nhiệm kỳ cho vị trí chủ tịch nước.

Cũng giống như Mao, dù sẽ bị phản đối ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng Tập Cận Bình khó có thể nói là bị "suy yếu". Với chưa tới 10% đảng viên ủng hộ và trung thành, Tập Cận Bình đã "bóp nghẹt" thành công mọi tiếng nói đối lập từ các đối thủ để trở thành một "Mao Trạch Đông phiên bản 2.0" của Trung Quốc ngày nay.

Minh Anh

*****************

Tập Cận Bình viếng lăng Mao Trạch Đông trước ngày lễ Quốc khánh (RFI, 30/09/2019)

Hôm 30/09/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng lăng Mao Trạch Đông. Một cử chỉ mà hãng AFP đánh giá là "hiếm thấy".

70nam2

Chủ tịch Tập Cận Bình đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/09/2019. Reuters/Thomas Peter

Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến bày tỏ lòng thành kính trước "Người Cầm Lái Vĩ Đại", người gây ra cái chết của hàng triệu đồng bào bằng các chiến dịch chính trị gây tranh cãi thường hiếm khi có.

Đây là lần thứ hai, kể từ khi lên cầm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đến viếng lăng chủ tịch họ Mao, nằm tọa lạc ngay giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, tại quảng trường Thiên An Môn. Lần thứ nhất là vào năm 2013, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình đã kính cẩn nghiêng mình ba lần trước thi hài của Mao.

Ngày mai, thứ Ba, 01/10/2019, đích thân Tập Cận Bình chủ trì lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước ngay chính tại địa điểm Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 01 tháng 10 năm 1949, sau khi cuộc nội chiến kết thúc. Một cuộc diễu binh và diễu hành hoành tráng sẽ được tổ chức nhân dịp lễ này.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa đất nước đi theo một chính sách cải cách kinh tế trái ngược với chính sách tập thể hóa bị áp đặt trước đó. Đảng cộng sản Trung Quốc tổng kết thời kỳ Mao Trạch Đông : "Hai phần ba tích cực, một phần ba tiêu cực".

Minh Anh

Published in Châu Á