Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Hiệp Quốc : Trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Bangladesh quá nguy hiểm (RFI, 08/10/2017)

Ngày 07/10/2017, một quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc phát biểu về kế hoạch của Bangladesh xây dựng trại tị nạn lớn nhất thế giới cho hơn 800.000 người Hồi Giáo Rohingya là rất nguy hiểm vì tình trạng quá tải có thể làm tăng nguy cơ các bệnh chết người lây lan nhanh chóng.

rohingya1

Người Rohingya tại trại tị nạn Balukhali sau cơn mưa ở Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 06/10/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Theo AFP, việc hơn một nửa triệu người tị nạn Rohingya tràn sang Banglasdesh để tránh cuộc đàn áp của quân đội ở bang Rakhine, Miến Điện từ ngày 25/08 đã khiến các trại tạm cư ở Bangladesh bị quá tải.

Chính quyền Bangladesh đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch mở rộng một trại tị nạn tại Kutupalong, gần thị trấn biên giới Cox's Bazar để tiếp nhận người Rohingya. Theo tổ chức Di Cư Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (IOM), đây sẽ là trại tị nạn lớn nhất trên thế giới, vượt xa hai trại Bidi Bidi ở Uganda và Dadaab ở Kenya - cả hai trại này đều có khoảng 300.000 người tị nạn.

Nhà chức trách Bangladesh cho biết khu trại mới sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các hoạt động cứu trợ và đảm bảo an toàn cho người Rohingya. Hiện chính quyền Bangladesh đang lo sợ là việc các trại tị nạn nằm rải rác ở nhiều nơi có thể dẫn tới nguy cơ trở thành những nơi tuyển mộ cho các chiến binh Hồi Giáo cực đoan.

Khoảng 1.200 hecta đất bên cạnh trại Kutupalong hiện tại đã được dành cho dự án xây trại tị nạn lớn nhất thế giới. Và theo yêu cầu của chính phủ Bangladesh, Tổ chức Di Cư Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc đã đồng ý điều phối hoạt động của các cơ quan viện trợ và giúp xây dựng chỗ ở tại khu trại mới.

Tuy nhiên, ông Robert Watkins, điều phối viên thường trực của Liên Hiệp Quốc tại Dhaka, nói với AFP rằng Bangladesh nên tìm các địa điểm mới để xây dựng thêm nhiều khu trại khác, bởi vì "tập trung quá nhiều người vào một khu vực quá nhỏ, nhất là những người sức khỏe yếu dễ bị bệnh, là rất nguy hiểm… Nếu có bệnh truyền nhiễm nào đó xuất hiện, nó lây lan rất nhanh. Nguy cơ này rất dễ xảy ra".

Điều phối viên Robert Watkins cũng nhấn mạnh tới nguy cơ trại tị nạn bị hỏa hoạn. Theo ông Robert Watkins, công tác quản lý người tị nạn, chăm sóc sức khoẻ cho họ và đảm bảo an ninh sẽ dễ hơn nếu họ được phân bổ sinh sống ở các trại nhỏ thay vì sống trong tại một trại tập trung quá lớn.

Thùy Dương

**********************

Miến Điện : Phiến quân Rohingya chấp nhận mọi cử chỉ xoa dịu của chính phủ (RFI, 07/10/2017)

Hai ngày trước khi hết hạn hưu chiến tự tuyên bố cách đây một tháng, ngày 07/10/2017, nhóm nổi dậy chính thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya Hồi Giáo xác định sẵn sàng đáp ứng mọi cử chỉ xoa dịu từ phía chính phủ Miến Điện.

rohingya2

Một cụ bà 75 tuổi người Rohingya được người thân khiêng đi tị nạn sang Bangladesh. Reuters/Damir Sagolj

Lực lượng Cứu Nguy Arakan Rohingya (ARSA) vẫn chưa cho biết đường lối hành động sau khi lệnh ngừng bắn mà nhóm nổi dậy này đơn phương tuyên bố ngày 10/09/2017 sẽ kết thúc vào đêm thứ Hai 09/10. Tuy nhiên, nhóm này từng tuyên bố "kiên quyết chấm dứt tình trạng bạo ngược và ức hiếp" nhắm vào dân tộc Rohingya của họ.

Trong bản thông cáo được Reuters trích dẫn, nhóm ARSA tuyên bố : "Nếu bất kỳ lúc nào, chính phủ Miến Điện thiên về hòa bình, ARSA sẽ làm tương tự". Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Trước đó, khi phe nổi dậy đơn phương tuyên bố ngừng bắn, chính quyền Naypyidaw từng khẳng định "không có chính sách đàm phán với quân khủng bố".

LHQ kêu gọi Miến Điện mở cửa bang Rakhine cho cứu trợ nhân đạo

Trên lĩnh vực nhân đạo, ông Mark Lowcock, phụ trách hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, đánh giá "không thể chấp nhận được" vì hàng cứu trợ không thể vào được bang Rakhine vì chính quyền Miến Điện chặn mọi ngả đường dẫn vào miền bắc bang này sau loạt tấn công của phe nổi dậy Rohingyas nhắm vào khoảng 20 trạm biên phòng.

Một nhóm nhỏ nhân viên quốc tế có mặt tại chỗ, nhưng không thể tiến hành công việc theo đúng nghĩa. Vì vậy, ông Mark Lowcock "kêu gọi chính quyền Miến Điện làm cách nào đó, để các nhà hoạt động nhân đạo, không chỉ của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, có thể được làm việc trong điều kiện bình thường".

Theo ông Mark Lowcock, cần khẩn cấp hỗ trợ ngay tại bang Rakhine vì hàng ngày vẫn có khoảng 2.000 người Rohingya tiếp tục đến các trại tạm cư ở Bangladesh, đang trong tình trạng quá tải. Từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra ngày 25/08/2017, Bangladesh đã phải đón hơn 515.000 người Rohingya.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Miến Điện : Quân nổi dậy Rohingya tuyên bố ngừng bắn (RFI, 10/09/2017)

Theo AFP, hôm nay 10/09/2017, lực lượng nổi dậy người Rohingya đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn trong 1 tháng. Lực lượng vũ trang Hồi Giáo này đã tiến hành các cuộc tấn công đồn cảnh sát Miến Điện, dẫn đến chiến dịch trấn áp của quân đội Miến Điện dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn đang có cơ lan rộng trong cộng đồng người thiểu số Rohingya.

rohingya1

Người Rohingya trên đường vượt biên qua Bangladesh lánh nạn tại điểm biên giới Cox Bazar bên Bangladesh ngày 08/09/2017. Reuters/Danish Siddiqui

Trong một thông cáo đăng trên Twitter, nhóm nổi dậy mang tên Quân Đội cứu nguy người Rohingya của Arakan (ARSA) , "tuyên bố tạm ngừng các chiến dịch tấn công quân sự" trong vòng 1 tháng.

Các cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya từ cuối tháng 8 đã dẫn đến những vụ trấn áp bạo lực của quân đội Miến Điện nhằm vào cả thường dân trong sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo.Tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Các nước trong khu vực liên tục kêu gọi chính phủ Miến Điện chấm dứt các vụ bạo lực nhằm vào thường dân khiến những người Rohingya đang ồ ạt chạy lánh nạn sang Bangladesh trong những điều kiện hết sức khó khăn. Các tổ chức quốc tế lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng biên giới Miến Điện –Bangladesh.

Thảm cảnh tị nạn

Ít nhất đã có 290 nghìn người tị nạn Rohingya từ hai tuần nay đã bỏ chạy sang Bangladesh. Tại đó họ sống chen chúc trong những chiếc lều tạm. Cộng thêm với số người tị nạn đã tới vào năm trước, hiện đã có gần nửa triệu người Rohingya đang sống trong các trại tị nạn ở vùng biên giới.

Một vài tổ chức nhân đạo có mặt tại chỗ không thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực,nước sạch và y tế cho họ. Những người tị nạn Rohingya đang phải sống trong những điều kiện vệ sinh cực kỳ tồi tệ. Người ta đang lo ngại bệnh dịch bùng phát.

Ghi nhận của đặc phái viên RFI, Sébastien Farcis, tại trại tị nạn Balou Khali :

Trong căn lều tạm của trại tị nạn Balou Khali, em bé mới một tuổi rưỡi chân cuốn kín băng y tế. Chân của em bé bị bỏng độ 2. Mẹ em, đầu choàng khăn đang chăm chú theo dõi. Bà cho biết : "Binh lính Miến Điện đã đổ nước sôi vào cháu khi chúng tôi đang bỏ trốn".

Bác sĩ Karmaker làm việc cho hiệp hội Bangladesh Gonoshashtrya Kenda cho biết đã đón nhận rất nhiều trường hợp bị thương tương tự. Ông nói : "Tôi thường xuyên gặp nhưng trường hợp bị bỏng như em bé này hoặc bị thương vì đạn bắn".

Trên 700 bệnh nhân mà bệnh viện dã chiến này tiếp nhận hôm trước, đa số đều bị rối loạn tiêu hóa. Điều đó cho thấy có vấn đề vệ sinh nghiêm trọng trong thành phố ngoại ô tồi tàn hơn 20 nghìn dân.

"Rất nhiều người đến đây bị mắc chứng tiêu chảy, kiết lỵ. Trong một trại khác, tình trạng còn tồi tệ hơn. Có một con sông chảy qua, mọi người phóng uế và dùng nước ngay cùng một nơi. Nếu vấn đề vệ sinh không được cải thiện và nước sạch không được cung cấp, họ sẽ bị mắc hết bệnh tả".

Một vài chiếc xe tải chạy dọc tuyến đường để phân phát nước sạch, nhưng quá ít. Trợ giúp nhân đạo vẫn thiếu trầm trọng để có thể cung cấp thực phẩm cho gần một nửa triệu người tị nạn Rohingya ở đây.

RFI tiếng Việt

**********************

Myanmar : Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn (BBC, 10/09/2017)

Nhóm Hồi giáo nổi dậy Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong vòng một tháng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân quyền tại khu vực Rakhine.

rohingya2

Người Rohingya cáo buộc quân đội đã đốt bỏ những ngôi làng của họ - nhưng Myanmar cho rằng họ đang chiến đấu chống "khủng bố"

Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) cho biết sẽ ngừng bắn từ Chủ nhật 10/9/2017, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar buông vũ khí.

Việc Arsa tấn công cảnh sát hôm 25/8 đã dẫn tới phản ứng mạnh tay 'tàn bạo' của quân đội.

Từ đó tới nay, khoảng 290 ngàn người Rohingya được cho là đã bỏ trốn khỏi Rakhine và trú ẩn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi cứu trợ khẩn cấp với trị giá khoảng 77 triệu USD bao gồm lương lực, nước và dịch vụ y tế cho những người Rohingya đã rời Myanmar.

Người dân Rohingya, nhóm thiểu số Hồi giáo tại một đất nước đa số theo đạo Phật, cho biết quân đội và những người theo đạo Phật tại Rakhine đã có những chiến dịch chống lại họ một cách tàn nhẫn, thậm chí đốt bỏ những ngôi làng họ sinh sống.

Myanmar phản bác ý kiến này, cho rằng quân đội đang chống lại "quân khủng bố" Rohingya.

Các tổ chức cứu trợ cho biết số người bỏ trốn khỏi Myanmar quá lớn.

Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh, Robert Watkins, cho biết :

"Hiện tại chúng tôi cần khẩn cấp 60.000 chỗ trú ẩn cùng lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế, cùng các chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm lý để hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực tình dục".

'Làng mạc bị đốt cháy'

Những người dân bỏ trốn khỏi Rakhine miêu tả những ngôi làng đã bị đốt cháy, nhiều người bị đánh đập và bị giết bởi những lực lượng an ninh và thanh niên Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thực hư của sự việc này.

Cũng trong thứ bảy vừa rồi, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc cài mìn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Các quan chức Bangladesh cho rằng chính phủ Myanmar đã thực hiện hành động này nhằm ngăn chặn người Rohingya quay trở về.

Nguồn tin từ quân đội Myanmar đã phủ nhận cáo buộc này nhưng một đại diện từ chính phủ lại nói rằng thông tin vẫn chưa được làm rõ.

Cuộc khủng hoảng Rohingya đã gây lo ngại tại nhiều quốc gia.

Và người lãnh đạo thực quyền của Myanmar, bà Suu Kyi, khôi nguyên Nobel Hòa Bình, bị chỉ trích là đã không thể bảo vệ và giúp người Rohingya nói lên tiếng nói của mình.

********************

Malaysia quyết định cho người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya tạm trú (RFA, 08/09/2017)

Quyết định được đưa ra trong bản thông cáo của lực lượng tuần duyên Malaysia, ghi rõ sẽ đón nhận những thuyền nhân Rohingya từ Miến Điện chạy sang xin tỵ nạn.

rohingya1

Những người Hồi giáo Pakistan đốt cờ Myanmar với hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi trong một cuộc phản kháng chống lại chính phủ Myanmar ở Quetta vào ngày 8 tháng 9 năm 2017. AFP

Trước đó, Thủ Tướng Najib Razak của Malaysia còn cho hay sẽ gửi toán cứu trợ nhân đạo sang Bangladesh, để giúp những người Hồi giáo chạy từ Miến sang xin tá túc. Vẫn theo Thủ Tướng Malaysia, chính phủ nước ông sẵn sàng giúp Bangladesh xây một bệnh viện để chữa trị cho người tỵ nạn Rohingya.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng thông báo đang sửa soạn để đón người tỵ nạn từ Miến Điện vượt biên giới vào đất Thái.

Quyết định cho người Rohingya vượt biển tạm trú được chính phủ Malaysia đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Miến Điện nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi giáo và quân đội quốc gia.

Hai ngày trước đó, bà Suu Kyi có nói rằng khủng bố gây nên căng thẳng cho tình hình an ninh của bang Rakhine, đồng thời chỉ trích những lời đồn đãi vô căn cứ khiến mọi người nghĩ rằng chính phủ Miến làm ngơ, không giúp đỡ hay bảo vệ cho người Hồi giáo Rohingya.

Khi đưa ra tuyên bố này, bà Suu Kyi cũng không nói gì đến việc đã có 164.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần đông sang Bangladesh xin tạm trú.

Các phát biểu bà Suu Kyi đưa ra vào thời điểm những quốc gia trong khối Hồi giáo cùng gây áp lực đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp bảo vệ tập thể thiểu số Hồi giáo đang bị đàn áp bởi quân đội và lực lượng an ninh của Miến, là quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.

Đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo rằng bất ổn ở Miến Điện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt nếu chính phủ Miến không ngăn chận, tiếp tục để chuyện người theo đạo Hồi bị đàn áp hay chuyện diệt chủng xảy ra.

Có tin nói rằng các nước Hồi giáo muốn đưa vấn đề người Hồi giáo Rohingya bị đàn áp ra bàn thảo trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và chính phủ Miến đang vận động tìm sự ủng hộ Trung Quốc và Nga để Hội Đồng Bảo An không nhóm cuộc họp đặc biệt lên án Miến Điện.

Trong quá khứ, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần lên tiếng nói rằng Rakhine là chuyện nan giải kéo dài đã nhiều thập niên, do đó cần phải có thời gian để giải quyết. Phía quân đội Miến cũng thường lên tiếng nói phải mở những cuộc hành quân truy lùng bọn khủng bố Hồi giáo quá khích, bác bỏ tất cả những cáo buộc nói rằng binh sĩ hay an ninh Miến cố tình đàn áp, đe dọa tính mạng của người Rohingya.

*******************

Myanmar đang cố gắng bảo vệ tất cả người cư ngụ trong bang Rakhine (RFA, 07/09/2017)

Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng chính phủ do bà lãnh đạo đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ tất cả những người cư ngụ trong bang Rakhine, nơi chính phủ Miến nói là đang xảy ra giao tranh giữa khủng bố Hồi giáo và quân đội quốc gia.

rohingya2

Những người Hồi giáo Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar, ngày 5 tháng 9 năm 2017. AFP

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền Hinh Asian News International của Ấn hôm thứ Năm, mùng 7 tháng Chín 2017, bà Suu Kyi không nhắc đến tập thể hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya cư ngụ ở Rakhine, nhưng nói rằng trách nhiệm của chính phủ là phải bảo vệ mọi người, bất kể họ là công dân Miến hay không. Bà cũng xác nhận không có đủ điều kiện để làm thật tốt điều này, nhưng nhấn mạnh đang có gắng bằng mọi cách để bảo vệ mọi người, theo đúng với những gì luật pháp Miến Điện quy định.

Hai ngày trước đó, bà Suu Kyi có nói rằng khủng bố gây nên căng thẳng cho tình hình an ninh của bang Rakhine, đồng thời chỉ trích những lời đồn đãi vô căn cứ khiến mọi người nghĩ rằng chính phủ Miến làm ngơ, không giúp đỡ hay bảo vệ cho người Hồi giáo Rohingya. Khi đưa ra tuyên bố này, bà cũng không nói gì đến việc đã có 164,000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần đông sang Bangladesh xin tạm trú.

Các phát biểu bà Suu Kyi đưa ra vào thời điểm những quốc gia trong khối Hồi giáo cùng gây áp lực đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp bảo vệ tập thể thiểu số Hồi giáo đang bị đàn áp bởi quân đội và lực lượng an ninh của Miến, là quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo. Đầu tuần này, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo rằng bất ổn ở Miến Điện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực, đặc biệt nếu chính phủ Miến không ngăn chận, tiếp tục để chuyện người theo đạo Hồi bị đàn áp hay chuyện diệt chủng xảy ra.

Có tin nói rằng các nước Hồi giáo muốn đưa vấn đề người Hồi giáo Rohingya bị đàn áp ra bàn thảo trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tin cũng nói rằng chính phủ Miến đang vận động tìm sự ủng hộ Trung Quốc và Nga để Hội Đồng Bảo An không nhóm cuộc họp đặc biệt để lên án Miến Điện.

Trong quá khứ, bà Aung San Suu Kyi nhiều lần lên tiếng nói rằng Rakhine là chuyện nan giải kéo dài đã nhiều thập niên, do đó cần phải có thời gian để giải quyết. Phía quân đội Miến cũng thường lên tiếng nói phải mở những cuộc hành quân truy lùng bọn khủng bố Hồi giáo quá khích, bác bỏ tất cả những cáo buộc nói rằng binh sĩ hay an ninh Miến cố tình đàn áp, đe dọa tính mạng của người Rohingya.

*****************

Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì ? (BBC, 06/09/2017)

Hiện đang có các cuộc vận động ở Châu Á và trên thế giới phê phán chính quyền Myanmar vì cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine.

rohingya3

Thế giới đang chú ý nhiều đến cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya

Ngay tại một nước Asean là Indonesia, các nhóm biểu tình liên tiếp tới trước Đại sứ quán Myanmar ở Jakarta lên án bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi trừng phạt Myanmar.

Tuy nhiên, chính quyền Myanmar nói vụ việc "chỉ là một phần của tảng băng chìm" về "nhiễu loạn thông tin" và đổ cho các nhóm vũ trang của người Rohingya gây ra bạo động.

rohingya5

Những hình ảnh và lời kêu gọi cứu người Rohingya từ Myanmar đang lan tỏa trên các trang mạng xã hội

Vậy nhóm vũ trang của người Rohingya là gì ?

Lực lượng mang tên Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa-Arakan Rohingya Salvation Army) hoạt động trong bang Rakhine ở vùng Bắc Myanmar, nơi người Rohingya, đa số theo Hồi giáo, đang bị trấn áp.

rohingya4

Lực lượng Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) được ccbqg Hồi giáo hỗ trợ

Chính quyền Myanmar không công nhận quyền công dân của họ và coi họ chỉ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh.

Đôi lúc xung đột giữa các nhóm sắc tộc đã bùng lên nhưng từ năm 2016, một nhóm nổi dậy vũ trang người Rohinya hình thành và lớn mạnh.

Trước đó, tổ chức viết tắt là Arsa này từng có tên khác, như Harakah al-Yaqin, và họ đã giết 20 nhân viên cảnh sát và an ninh Myanmar.

Hôm 25/08, Arsa tấn công một số đồn công an tại Rakhine, giết 12 người trong vụ việc nghiêm trọng nhất cho tới thời điểm đó.

Vụ này cũng ngay lập tức khiến an ninh Myanmar tăng cường trấn áp bằng các biện pháp chống nổi dậy.

Chính quyền Myanmar gọi Arsa là tổ chức khủng bố, và nói các nhân vật lãnh đạo của nhóm này được huấn luyện ở nước ngoài.

rohingya6

Vì sao người Rohingya tràn qua biên giới Bangladesh ?

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (The International Crisis Group - ICG) cũng xác nhận nhóm vũ trang này có được huấn luyện ở bên ngoài và công bố một phúc trình năm 2016 nói nhóm này được lãnh đạo bởi người Rohingya sống ở Ả Rập Saudi.

ICG cũng nói lãnh đạo của Arsa là Ata Ullah, sinh ở Pakistan và trưởng thành tại Ả Rập Saudi.

Published in Châu Á