Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tin tặc Trung Quốc xâm nhập các công ty quốc phòng Mỹ liên hệ với Biển Đông (RFI, 16/03/2018)

"Nhiều xí nghiệp trong lãnh vực kỹ thuật phòng thủ có liên quan đến Biển Đông, nhất là của Mỹ, đang bị tin tặc Trung Quốc tấn công trong thời gian gần đây". FireEye, công ty an ninh điện toán Mỹ thông báo vụ việc này vào hôm nay 16/03/2018.

bd1

Bắc Kinh được cho là đã đổ bộn tiền để đầu tư xây dựng lực lượng tin tặc hùng hậu - Ảnh : AFP

"Mục đích của nhóm tin tặc Trung Quốc có bí danh là TEMP Periscop dường như là tìm thông tin có lợi cho chính phủ Trung Quốc. Họ tấn công vào các công ty công nghiệp hàng hải Mỹ hoạt động tại Biển Đông hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác hoạt động trong khu vực này". Trên đây là tuyên bố của ông Fred Plan, chuyên gia của công ty bảo vệ an ninh mạng FireEye (Mắt lửa) ở Los Angeles, được báo chí Hồng Kông đăng tải.

Theo nhà phân tích này, nhóm tin tặc Trung Quốc tìm kiếm những dữ kiện có giá trị chiến lược phục vụ mục tiêu tình báo quốc gia như là tầm ra-đa hay làm thế nào để một hệ thống dò tìm có thể phát hiện ra một hoạt động trên biển.

Theo South China Morning Post, FireEye đã theo dõi nhóm tin tặc TEMP Periscop từ năm 2013 nhưng không xác nhận nhóm này có quan hệ với các cơ quan nào của chính quyền Trung Quốc cũng như danh tính các "thực thể" bị tấn công.

Phần lớn các công ty bị tấn công có cơ sở tại Mỹ nhưng trong danh sách nạn nhân cũng có một số xí nghiệp ở Châu Âu và ít nhất là một công ty ở Hồng Kông, theo chuyên gia Fred Plan.

Đợt tấn công bắt đầu tăng tốc trong tháng Hai và vẫn đang tiếp diễn cho dù giữa Washington và Bắc Kinh đã có một thỏa thuận "không tấn công vào công ty dân sự", ký kết vào năm 2015 để giảm bớt tệ nạn gián điệp kinh tế.

Một năm trước đó, Hoa Kỳ truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty Mỹ trong lĩnh vực điện và thép : Westinghouse Electric Co và United States Steel Corporation.

Tú Anh

********************

Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược (RFI, 15/03/2018)

Nhân dịp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Úc và tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Úc, vào hôm nay, 15/03/2018, tại Canberra, lãnh đạo hai nước đã chính thức ký kết bản tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược.

bd4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại trụ sở Quốc hội Úc, tại Canberra, ngày 15/03/2018. AAP/Mick Tsikas/via Reuters

Theo hãng tin Úc AAP, đến Canberra từ hôm qua 14/03, thủ tướng Việt Nam đã được tiếp đón long trọng vào sáng hôm nay tại thủ đô nước Úc, trước khi có cuộc hội đàm song phương với đồng nhiệm Úc Malcolm Turnbull. Với thỏa thuận thành lập quan hệ đối tác chiến lược được hai bên ký sau đó, Việt Nam và Úc sẽ tăng cường các mối quan hệ quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, phát triển và du lịch.

Phát biểu với báo giới, thủ tướng Úc Turnbull cho rằng việc nâng cấp quan hệ là "một cách thích hợp để đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao". Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là một bước tiến đáng kể tính từ năm 2009, khi hai nước bắt đầu thiết lập Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện.

Điều được giới quan sát chú ý là bản tuyên bố chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt-Úc có đoạn nói rõ mối quan tâm của cả hai nước về vấn đề Biển Đông :

"Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, bao gồm tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và thông qua các cơ chế thích hợp do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, hai bên tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tiếp tục phối hợp tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc giữa ASEAN và Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trong một bài nhận định hôm 13/03/2018 về chuyến công du New Zealand và Úc của Thủ tướng Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện quốc phòng Úc cho rằng sau khi thỏa thuận Đối Tác Chiến Lược được ký kết, hai bên cần nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cho những năm tới, và nên tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh.

Ông giải thích :

"Việt Nam đã được Úc chọn là một đối tác chiến lược quan trọng để đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Hợp tác quốc phòng và an ninh sẽ đứng thứ hai sau hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược.

Úc sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Rất có thể các bộ trưởng quốc phòng từ hai phía sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Úc sẽ tiếp tục gửi các tàu hải quân tới Việt Nam trong những chuyến thăm hữu nghị.

Điều quan trọng hơn là Úc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam để đạt được kết quả thực tế tại các diễn đàn khu vực đa phương, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á