Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện : Philippines khẳng định "tiến trình tái lập dân chủ" cần đến Aung San Suu Kyi

Trọng Thành, RFI, 17/01/2022

Philippines lên án bản án tù của tập đoàn quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, và khẳng định nhà cựu lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc "tái lập dân chủ" tại Miến Điện.

asean1

Một cuộc biểu tình phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính tại Manila, Philippines, ngày 11/02/2021.  AP - Aaron Favila

Theo AFP, đa số lãnh đạo ASEAN vẫn im lặng trước bản án tù hôm 10/01/2022 của chính quyền quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, trong lúc nhiều nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Na Uy, đã có những chỉ trích. Hôm qua 16/01, chính quyền Philippines phá vỡ không khí im lặng này. 

Ngoại trưởng Phillipines, Teodoro Locsin, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Na Uy, quốc gia chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, chỉ trích mạnh mẽ bản án. Trong một thông điệp trên Twitter, ngoại trưởng Philippines, khẳng định : "Bà Suu Kyi là người không thể thiếu cho việc tái lập nền dân chủ, để nền dân chủ Miến Điện không bị đe dọa bởi tình trạng vô chính phủ, nguy cơ tan rã, nội chiến". Mặt khác, ngoại trưởng Teodoro Locsin cũng nhấn mạnh là, giới quân sự "không việc gì phải sợ hãi, họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ nền dân chủ" được tái lập. 

Chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Miến Điện hôm 07/01, chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài đến quốc gia này kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bị nhiều chỉ trích, bởi có thể mang lại cho giới tướng lĩnh tính chính đáng, làm xói mòn các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập tập đoàn quân sự Miến Điện.

Theo AFP, về chuyến đi này, ngoại trưởng Philippines một mặt hoan nghênh việc thủ tướng Cam Bốt – quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN - đã thúc đẩy "một số tiến bộ" và nỗ lực của ông Hun Sen đáng được "ủng hộ", nhưng đồng thời nhấn mạnh là Đồng thuận 5 điểm, được các lãnh đạo ASEAN đúc kết tại Jakarta, Indonesia, cuối tháng 4 năm 2021, là "lộ trình duy nhất" nhằm giải quyết khủng hoảng Miến Điện, trong đó việc đặc phái viên của chủ tịch ASEAN gặp gỡ tất cả các bên tranh chấp là một nội dung căn bản.

Theo The Diplomat, bất đồng giữa các nước ASEAN về khủng hoảng Miến Điện rất có thể là điều đã khiến tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi có chuyến công du Cam Bốt trong tuần này (từ 15/01 đến 19/01). 

Trước đó, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc nói chuyện trực tuyến với đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen hôm 14/01, khẳng định ASEAN nên tiếp tục loại đại diện chính quyền quân sự Miến Điện ra khỏi cuộc họp cho đến khi nước này hợp tác về Đồng thuận 5 điểm. Hôm 12/01, Bộ Ngoại giao Cam Bốt đã loan báo hoãn lại hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Cam Bốt vì nhiều ngoại trưởng không thể đến Phnom Penh.

Trọng Thành

***********************

Singapore : Cần tiếp tục loại Miến Điện ra khỏi các hội nghị ASEAN

Trọng Nghĩa, RFI, 16/01/2022

Theo một thông cáo được Bộ Ngoại giao Miến Điện công bố hôm 15/01/2022, trong cuộc nói chuyện trực tuyến với đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen hôm 14/01, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á nên tiếp tục loại đại diện chính quyền quân sự Miến Điện ra khỏi cuộc họp ASEAN cho đến khi nước này hợp tác về các kế hoạch hòa bình đã toàn khối thông qua. 

asean2

Người biểu tình Miến Điện phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự tại Rangoon, Miến Điện, ngày 23/04/2021.  AP

Theo Bộ Ngoại giao Singapore, thủ tướng Lý Hiển Long đã thúc giục chủ tịch luân phiên mới của ASEAN mở đối thoại với tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Miến Điện, kể cả với đại diện chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi bị quân đội đảo chánh lật đổ.

Về đại diện của Miến Điện tại các hội nghị của ASEAN, thủ tướng Singapore cho rằng khối Đông Nam Á nên tiếp tục mời một đại diện phi chính trị và bất kỳ quyết định thay đổi nào đều "phải dựa trên những thực tế mới". 

Tuyên bố của ông Lý Hiển Long đồng nghĩa với một phản ứng bất đồng tình với chủ trương của tân chủ tịch ASEAN là Cam Bốt được cho là sẵn sàng để đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện tham gia các cuộc họp của ASEAN, đi ngược lại ý kiến chung của toàn khối, vốn đã không cho tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính phủ quân sự tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh của khối vào năm ngoái. 

Trái với quyết định tẩy chay chế độ quân sự Naypyidaw của ASEAN, ông Hun Sen mới đây đã chính thức đi thăm Miến Điện, tiếp xúc với tướng Min Aung Hlaing mà ông không ngần ngại gọi là "thủ tướng" của Miến Điện. 

Đối với Singapore, tất cả các đề xuất về Miến Điện của Cam Bốt, với tư cách là chủ tịch ASEAN, cần được thảo luận thêm giữa các ngoại trưởng ASEAN. 

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu của thủ tướng Singapore được đưa ra vài ngày sau khi ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn khẳng định trên trang Facebook của mình rằng Singapore ủng hộ cách tiếp cận mới của Phnom Penh đối với cuộc khủng hoảng Miến Điện. 

Ngoài thủ tướng Singapore, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 13/01 cũng có phát biểu tương tự khi cho rằng một số thành viên ASEAN cảm thấy lẽ ra ông Hun Sen nên bàn bạc với các lãnh đạo khác của khối trước khi công du Miến Điện, vì điều đó có thể được coi là một hành động công nhận chính quyền quân sự. 

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á