Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Cận Bình 'dẫn đầu và ở lại còn lâu' (BBC, 25/10/2017)

'Tư tưởng Tập Cận Bình' trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội 19 có gì mới mẻ, hay chỉ cách để ông Tập Cận Bình nhắm tới nhiệm kỳ ba, sau 2022 ?

timonier3

Ảnh chụp ông Tập Cận Bình thời đi thực tế lao động tại nông thôn

Theo BBC News, việc đề cao "Tư tưởng Tập Cận Bình" trong điều lệ Đảng có nghĩa là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Đồng hóa mình với Đảng khiến ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi.

Tuy thế, đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc chậm cải tổ và ít dám mạo hiểm trong những năm tới.

Vì mọi trách nhiệm, đúng sai sẽ dồn vào cá nhân ông Tập.

Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.

Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.

Vậy Trung Quốc đang bước vào một 'kỷ nguyên mới" hay lại quay về cách bố trí quyền lực cũ, tập trung vào một người như thời Mao ?

Ba vòng đai quyền lực

Báo Guardian ở Anh nhận định với cách sắp xếp được nêu ra, hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể coi như một khối ba lớp vành đai (three concentric rings) :

Vòng trong cùng là cá nhân Tập Cận Bình, chính thức đóng vai trò "hạt nhân".

Vòng thứ hai là Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản, hoàn toàn làm chủ quốc gia, bộ máy điều hành, quản trị (governance), và cả quân đội, các lực lượng vũ trang.

Vòng thứ ba là Trung Quốc và thế giới.

Bỏ lệ cũ nhưng không đặt 'thái tử'

Nhưng khác với chờ đợi từ trước, ông Tập Cận Bình trong chỉ định ra "người kế vị".

Ông Tập đã phá thông lệ từ thời Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư chỉ định người kế nhiệm sau một nhiệm kỳ : Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm sau khi Giang Trạch Dân nắm quyền một nhiệm kỳ, và Tập Cận Bình được chỉ định năm 2007 khi Hồ Cẩm Đào hết nhiệm kỳ đầu.

Lần này, không có ai được thăng tiến thần tốc để vào bị trí "thái tử".

Theo BBC News, ngoài hai người ở lại là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ quá tuổi quy định vào kỳ Đại hội 20 vào năm 2022, nên sẽ không thể cạnh tranh để lên chức vị cao nhất là Tổng bí thư.

tcb2

Dàn lãnh đạo mới : năm nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị bảy người với ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường từ khóa 19 ở lại

Hai nhân vật sáng giá, đủ tuổi để đến kỳ sau lên cao hơn, Trần Mẫn Nhĩ (57), và Hồ Xuân Hoa (54), thì vào Bộ Chính trị nhưng chưa được vào Ban Thường vụ, đặt ra khả năng người kế nhiệm ông Tập nếu ông rời vị trí năm 2022, vẫn còn bỏ ngỏ.

Điều này cho thấy ông Tập hoàn toàn có thể rời chức Chủ tịch nước mà theo luật chỉ có hai nhiệm kỳ, để ở lại chức Tổng Bí thư Đảng (không hạn chế nhiệm kỳ), và Chủ tịch Quân ủy trung ương, như một bình luận trên New York Times.

Nếu mọi việc diễn ra như vậy thì tuy là bỏ lệ cũ, không bổ nhiệm người kế vị sau một nhiệm kỳ, ông Tập lại phải quay về một lệ cũ như thời Giang Trạch Dân là ở lại quá hai nhiệm kỳ ở chức vụ mang tính "giám sát", nhằm đảm bảo di sản của ông được duy trì.

Bổn cũ soạn lại ?

Trong 14 điểm nêu ra để 'dùng Đảng trị quốc' của ban lãnh đạo cho năm năm tới mới tại Trung Quốc có mấy điểm đáng chú ý :

"Cải tổ toàn diện, phát triển các ý tưởng mới" : điều này không mới hơn các khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình nêu ra thời Khai phóng là cần dùng các ý tưởng mới mẻ để cải tổ bộ máy sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội luôn chuyển động.

"Sinh hoạt hài hòa giữa con người và thiên nhiên" : Vừa cũ vừa mới : Tuy thay đổi đôi chút về từ ngữ, đây là khẩu hiệu thời Hồ Cẩm Đào về xã hội phát triển "hài hòa".

Với Tập Cận Bình, kỷ nguyên mới của Trung Quốc gồm cả "môi trường sạch", điều ông đã nêu ra khi Trung Quốc hứa thực hiện các cam kết về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh "một quốc gia hai chế độ" và "thống nhất tổ quốc" để nhắc tới Hong Kong và Đài Loan : Đây là vấn đề không mới, đã có từ hàng chục năm qua.

********************

Trung Quốc : Tập Cận Bình biết dọn đường để cầm quyền lâu dài (RFI, 25/10/2017)

Theo thông lệ tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhiệm kỳ của người lãnh đạo tối cao là 5 năm, và từ thời Giang Trạch Dân đến nay, tên tuổi người kế nhiệm vào vị trí số một thường được biết trước, và người này luôn được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị. Với ông Tập Cận Bình, tình hình có dấu hiệu đổi khác, và trong thời gian qua, giới quan sát dự đoán rằng ông sẽ tìm cách ở lại lâu dài ở vị trí lãnh đạo tối cao. Kịch bản này đã được tiến hành theo hai bước nhân Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc, với hồi thứ hai vừa hoàn tất hôm nay, 25/10/2017 với việc bầu ra Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị khóa mới.

tcb3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc đến khai mạc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18/10/2017. Reuters/Jason Lee

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong số 7 ủy viên thường vụ của Bộ chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hầu như không có người nào có thể là mối đe dọa đối với ông Tập Cận Bình.

Điểm đáng chú ý nhất, là ngoại trừ hai người cũ là ông Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường, trong số 5 người mới được đưa vào cơ chế lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, không một ai có điều kiện tuổi tác để có thể thay thế ông Tập Cận Bình trong vòng 5 năm tới đây : Tất cả đều tuổi từ 60 trở lên, do đó sẽ quá già - hay nói đúng hơn là quá tuổi được quy định - để có thể được chọn lên kế nhiệm ông tại Đại hội Đảng vào năm 2022.

Một điểm đáng chú ý thứ hai, là hai nhân vật, cho đến nay được cho là có thể kế nhiệm ông Tập Cận Bình đều không được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị. Đó là trường hợp của ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) bí thư Quảng Đông, và Trần Mẫn Nhi (Chen Miner) cựu bí thư Trùng Khánh.

Hai người này thuộc diện "thế hệ thứ sáu", tức là ở độ tuổi 50, lớp hoàn toàn đủ điều kiện tuổi tác để kế nhiệm ông Tập Cận Bình trong năm năm tới đây. Có điều là dù được bầu vào Bộ chính trị gồm 25 thành viên, hai nhân vật này không vào được Ủy ban Thường vụ.

Cách nay 10 năm, nhân Đại hội Đảng lần thứ 17 năm 2007, việc đề cử hai "thanh niên" Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào Ủy ban Thường vụ là tín hiệu cho thấy họ sẽ trở thành hai lãnh đạo tối cao trong tương lại thế vào vị trí của hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, điều đã được xác nhận tại Đại hội thứ 18.

Tóm lại, trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị vừa được bầu lên hoàn toàn vắng bóng những người có thể kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình như vậy đã thành công trong việc chặn đường người kế nhiệm bằng tiêu chí tuổi tác. Còn bản thân ông, đã 64 tuổi, được cho là sẽ đương nhiên không bị giới hạn tuổi tác chi phối.

Với sự kiện "Tư tưởng Tập Cận Bình" được đưa vào điều lệ Đảng vào hôm qua, câu hỏi đặt ra là liệu có ai dám đặt ra vấn đề hạn tuổi đối với ông Tập Cận Bình vào năm năm, hay 10 năm tới đây nếu ông muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Có thể nói rằng việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc chính là bước một của tiến trình dọn đường cho đương kim lãnh đạo Trung Quốc trụ lại lâu dài ở thượng tầng quyền lực.

Đối với hãng tin Anh Reuters, các yếu tố trên đây đã làm dấy lên những suy đoán về dụng tâm của ông Tập Cận Bình là muốn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc sau nhiệm kỳ chính thức thứ hai sẽ kết thúc vào năm 2022.

Trọng Nghĩa

*********************

Ông Tập công bố dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc (BBC, 25/10/2017)

Trung Quốc vừa công bố danh sách dàn tân lãnh đạo, những người sẽ làm việc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian 5 năm tới.

tcb4

Ông Tập tham gia biểu quyết hôm thứ Ba

Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.

Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.

Tân Ủy ban Thường vụ đã ra mặt tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

tcb5

Phó thủ tướng Uông Dương nay trở thành Phó thủ tướng Thường trực của Trung Quốc, và Bí thư Thượng Hải Hàn Chính được thăng chức lên làm lãnh đạo Hội nghị Hiệp Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Các tân thành viên khác gồm các ông Triệu Lạc Tế, Lật Chiến Thư và Vương Hộ Ninh, bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vài thập kỷ qua luôn chỉ định một hoặc một vài người sẽ trở thành người kế cận tham gia Thường vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ cuối cùng của mình, để thể hiện rõ những ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của đất nước.

Đã có những đồn đoán rằng ông Tập sẽ cất nhắc 'đệ tử ruột' Trần Mẫn Nhĩ và Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, đều là những gương mặt đủ trẻ để trở thành người kế cận.

Tuy nhiên, việc hai người này không có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị sẽ làm dấy lên đồn đoán về việc ông Tập có ý ngồi lại lâu hơn cũng như ai cuối cùng sẽ là người thay thế ông.

Danh sách bảy ủy viên Thường vụ và 25 thành viên Bộ chính trị được công bố vào lúc bế mạc Đại hội Đảng, sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc.

Các đại biểu dự họp đã bầu chọn Ban Chấp hành trung ương Đảng, gồm khoảng 200 thành viên và sẽ nhóm họp mỗi năm hai lần.

Đã có những đồn đoán rằng ông Tập sẽ giảm bớt quy mô của Thường vụ từ bảy xuống còn năm người nhằm thắt chặt kiểm soát hơn nữa, tuy nhiên, tin này đến nay đã không chính xác.

Một số hãng tin tức quốc tế, trong đó có cả BBC, đã không được phép vào dự lễ công bố các tân thành viên tại Đại lễ đường Nhân dân.

Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc ra tuyên bố nói việc này "hoàn toàn vi phạm các nguyên tắc về tự do báo chí".

*****************

Đảng Cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư nhưng vắng người kế nhiệm (RFI, 25/10/2017)

Một điều gần như chắc chắn nhưng đến hôm 25/10/2017 mới là chính thức : Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã giao phó cho tổng bí thư Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nhưng bên cạnh ông Tập là một ê-kíp mới, cơ quan quyền lực cao nhất là Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị hầu như hoàn toàn sắp xếp lại.

tcb6

Ủy ban Thường vụ mới của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh tại Bắc Kinh, ngày 25/10/2017. Reuters/Jason Lee

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

"Chỉ có ông Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục ở lại trong Thường vụ. Trong số 7 ủy viên thường trực Bộ chính trị, có đến 5 khuôn mặt mới.

Như vậy ông Tập đã thành công trong công việc khó khăn là kết thúc ảnh hưởng của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình lợi dụng cơ hội này để đưa vào các đồng minh Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Uông Dương (Wang Yang), Vương Hộ Ninh (Wang Huning), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Hàn Chính (Han Zheng). Tất cả nay đều theo ông Tập Cận Bình.

Ê-kíp cũ ra đi. Ngược với những lời đồn đãi, người quyền lực nhất Trung Quốc đã tôn trọng giới hạn về tuổi tác, theo quy luật xưa nay là những ai quá 68 tuổi không được vào Bộ chính trị. Nhưng liệu Tập Cận Bình, đến năm 2022 sẽ ở tuổi 69, có tuân theo quy luật này, hay tiếp tục bám lấy quyền lực sau khi hết nhiệm kỳ thứ hai ?

Không có gì chắc chắn cả, bởi vì vẫn chưa có người kế nhiệm. Những người thông thạo chuyện hậu trường tin rằng ông Trần Mẫn Nhi (Chen Min'er), 57 tuổi sẽ đường hoàng trở thành ủy viên thường trực. Nhưng rốt cuộc, người được cho là kế vị đã không đốt được giai đoạn để bước vào cơ quan quyền lực tối cao này".

Cả bảy ủy viên thường trực Bộ chính trị đều trên 60 tuổi, và lần đầu tiên không có ai trong Thường vụ sinh ra trước cuộc cách mạng cộng sản năm 1949. Theo Reuters, cơ cấu Ủy ban Thường vụ lần này là một sự thỏa hiệp với các phe phái khác. Hãng tin Anh dẫn lời nhà nghiên cứu Damien Ma thuộc Viện Paulson cho rằng Tập Cận Bình đã nỗ lực rất nhiều để đạt được việc đưa tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng, và không cần thiết phải lãng phí thêm công sức để đưa hết những người mình muốn vào cơ cấu.

Lật Chiến Thư, chánh văn phòng của Tập Cận Bình, người luôn tháp tùng chủ tịch nước trong các chuyến công du ngoại quốc, nay là nhân vật số 3 trong Thường vụ, có nghĩa là sẽ trở thành chủ tịch Quốc Hội. Hai nhân vật thân cận khác của ông Tập là Triệu Lạc Tế, trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương và Vương Hộ Ninh, chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách trung ương. Hai ủy viên thường trực còn lại là phó thủ tướng Uông Dương, thuộc một phe khác ; và Hàn Chính, bí thư Thượng Hải. Nhân vật quyền lực Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đã quá tuổi phải rời ghế, nhường lại nhiệm vụ chống tham nhũng cho Triệu Lạc Tế.

Cả hai khuôn mặt thuộc "thế hệ thứ sáu", tức ở lứa tuổi 50, là bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhi và bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) chỉ nằm trong số 25 thành viên của Bộ chính trị, không vào được Thường vụ.

Báo chí phương Tây bị "sàng lọc" khi đưa tin Đại hội Đảng 19

Tờ The Guardian đã đăng bài phản đối khi lần đầu tiên kể từ hai thập niên qua, tờ báo Anh cùng với các phương tiện truyền thông tên tuổi khác như BBC, Financial Times, New York Times, The Economist bị cấm vào đưa tin về Ủy ban Thường vụ mới hôm nay. Riêng tờ Daily Telegraph, thường đăng các bài tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc qua một hợp đồng với China Daily trị giá 800.000 bảng Anh một năm thì nhận được giấy mời.

Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) trong một thông cáo cho biết hết sức quan ngại về tình trạng này, trong khi vào đầu tuần Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khoe rằng Đại hội Đảng 19 là mẫu mực cho sự cởi mở và tính minh bạch.

Thụy My

Published in Châu Á