Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Một trong những hồ sơ nóng tại Châu Á năm 2019 (RFI, 03/01/2019

Theo thông lệ, nhân dịp đầu năm mới, giới phân tích luôn đưa ra những đoán định, dự báo về những gì có thể xẩy ra trong năm ở từng quốc gia, trong từng khu vực hay trên toàn thế giới. Năm nay 2019, từ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, hãng tin Anh Reuters cho đến tạp chí Mỹ Foreign Affairs, tất cả đều dự báo rằng Biển Đông sẽ trở lại vị trí điểm nóng ở Châu Á, bên cạnh hai hồ sơ : tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và hạt nhân Bắc Triều Tiên.

20191

Phi đội trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra thường lệ trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP

Biển Đông dĩ nhiên đã được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post xem là một trong số 9 vấn đề nổi cộm ở Châu Á trong năm 2019 này. Trong bài dự báo đăng ngày 30/12/2018 mang tựa khá dài "Bắc Triều Tiên, hợp pháp hóa cần sa và Biển Đông – Đây là 9 vấn đề lớn cho Châu Á năm 2019", tác giả bài viết, Charles McDermid, đã nêu bật các vấn đề cần theo dõi trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến văn hóa, xã hội.

4 cuộc bầu cử, ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Úc

Trong 9 vấn đề và sự kiện quan trọng cần theo dõi, SCMP chú ý trước tiên đến 4 cuộc bầu cử, ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Úc mà con đường sẽ khá gập ghềnh

Về cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội ở Thái Lan được dự trù vào ngày 24/02, điểm cần theo dõi là việc giới lãnh đạo quân sự lên cầm quyền nhờ đảo chánh vào năm 2014 sẽ được cử tri tín nhiệm ra sao. Hiện nay, theo nhiều cuộc thăm dò, thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đang dẫn đầu trước đối thủSudarat Keyuraphan, thuộc phe thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Thế nhưng, mối lo ngại lớn vẫn là nguy cơ nổ ra bạo động, như vào lần bỏ phiếu trước đây, vào năm 2014. Tóm lại, theo South China Morning Post, Thái Lan đi bầu, nhưng con đường trước mắt khá gập ghềnh.

Còn tại Indonesia, ngày 17/04 sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Câu hỏi là liệu đương kim tổng thống Joko Widodo có trụ lại được hay không, hay là có nguy cơ bị thua trước đối thủ Prabowo Subianto ? Theo tờ báo Hồng Kông, người dân Indonesia hiện đang bất bình về đời sống kinh tế khó khăn, do đó "Giá đường có thể làm chao đảo cuộc bầu cử".

Sau Indonesia, đến lượt Ấn Độ bước vào cuộc bầu cử Quốc Hội, dự trù kết thúc vào trung tuần tháng Năm. Lần này, chưa chắc là đảng BJP của đương kim thủ tướng Narendra Modi sẽ thắng, vì đảng đối lập Quốc Đại đang trở lại mạnh mẽ.

Cuối cùng, cũng vào tháng 5, cụ thể là ngày 18/05, sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội Úc. Nhiều người đang chờ đợi là đảng Tự Do cầm quyền sẽ bị một vố đau.

Ngoài 4 cuộc bầu cử quan trọng nói trên, theo South China Morning Post, còn một cuộc bầu cử khác cũng vào tháng 5 (13/05), cũng đáng chú ý, dù không có tác động lớn như ở Ấn Độ hay Úc. Đó là cuộc bầu lại Hạ Viện, và một nửa Thượng Viện tại Philippines. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ là thước đo uy tín của chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte.

Tranh chấp thương mại Mỹ Trung

Tranh chấp thương mại Mỹ Trung dĩ nhiên cũng được tờ báo Hồng Kông đặt trong diện các thách thức đối với Châu Á, với câu hỏi là tình hình sẽ tệ hại đến mức nào ?

South China Morning Post ghi nhận là 90 ngày hưu chiến thương mại Mỹ Trung sẽ kết thúc vào cuối tháng Hai. Nếu đàm phán thất bại, Mỹ dự kiến áp thuế trên 200 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc, và đấy sẽ là một vố mà… các đối tác Châu Á của Trung Quốc phải hứng chịu !

Nhật báo Hồng Kông trích dẫn kinh tế gia Aiden Yao giải thích : Xuất khẩu Trung Quốc mà bị giảm sụt, thì phần Trung Quốc nhập khẩu từ các nước Châu Á cũng giảm. Bị tác động mạnh nhất là Singapore, sau đó là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều xấu. Nhật Bản và Hàn Quốc, cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ, sẽ được lợi, trong lúc cuộc đọ sức Mỹ-Trung càng kéo dài thì các nước Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Việt Nam, sẽ được hưởng đầu tư vào ngành công nghiệp của mình.

Biển Đông : đối đầu gay gắt thêm giữa Mỹ và Trung Quốc

Cùng với Bắc Triều Tiên, Biển Đông được nhật báo Hồng Kông nêu bật thành một trong hai vấn đề quan trọng về an ninh cần theo dõi trong năm 2019. Trong hai vấn đề này, vai trò của Mỹ được cho là rất quan trọng, với một ẩn số chưa có lời giải đáp : chính sách an ninh Châu Á của Washington sẽ ra sao, sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis bị bãi chức đột ngột vào cuối năm 2018.

Tình hình Biển Đông năm 2019 vẫn được South China Morning Post lồng vào trong bối cảnh cuộc đối đầu có thể gay gắt thêm giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và một vài nước khác.

Nhật báo Hồng Kông trích lời chuyên gia Carl O. Schuster, một sĩ quan Hải Quân Mỹ đã về hưu, hiện làm việc tại Đại học Hawaii Pacific University, nhận định : "Ngoài việc phô trương hệ thống vũ khí và tàu sân bay mới của họ, Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô các cuộc tập trận trên Biển Đông, gia tăng các hành vi sách nhiễu chiến hạm Mỹ thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trong vùng".

Theo South China Morning Post, các hoạt động quân sự của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Trong năm 2019, Nhật Bản và Đài Loan sẽ chứng kiến cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động dọc vùng nhận dạng phòng không của họ. Cả Tokyo lẫn Đài Bắc cũng sẽ phải chịu sức ép kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, đang tức tối về chính sách tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản và Đài Loan.

Theo tờ báo Hồng Kông, cách đáp trả của Mỹ và các nước trong khu vực trước các hành động của Trung Quốc sẽ định hình bối cảnh chiến lược của toàn khu vực.

Reuters : Biển Đông, một trong ‘những mối đe dọa lớn nhất về an ninh trên thế giới năm 2019’

Hãng tin Anh Reuters ngày 31/12/2018 cũng đã đăng một bài dự báo tình hình 2019 của Peter Apps, lãnh đạo trung tâm tham vấn PS21, liệt Biển Đông vào diện "Những mối đe dọa lớn nhất về an ninh trên thế giới năm 2019".

Theo Reuters, cho dù tranh chấp giữa Trung Quốc và phương Tây chủ yếu là trong lãnh vực thương mại và những vấn đề liên quan, nhưng tham vọng của Bắc Kinh được thấy rõ nhất ở Biển Đông.

Bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng Tài La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự và trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trên Biển Đông, trong lúc Mỹ và các đồng minh khu vực tiếp tục thách thức Bắc Kinh với những hoạt động gọi là "Chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải".

Một điểm nóng đặc biệt cần chú ý là tình hình bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc luôn hiện diện tại đấy và ngư dân Philippines than phiền là họ bị tàu Trung Quốc sách nhiễu.

Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục phô trương lực chung quanh khu vực eo biển Đài Loan, và Washington có thể đưa một hay hai hàng không mẫu hạm đến nơi, điều chưa từng xẩy ra từ những năm 1990.

Theo Reuters, những loại tàu trên mặt nước hay tàu ngầm không người lái sẽ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong những vụ đối đầu nói trên. Ngày 27/12 vừa qua, Bắc Kinh chẳng hạn đã thông báo sự kiện một chiếc "tàu lướt ngầm không người lái" đã đạt kỷ lục hoạt động liên tục trong vòng 141 ngày trong vùng biển khu vực.

Foreign Affairs : Biển Đông, một vùng tranh chấp tiềm tàng có nguy cơ bùng nổ vào năm 2019

Biển Đông cũng được nêu lên thành một vùng tranh chấp tiềm tàng có nguy cơ bùng nổ vào năm 2019 trong bảng dự báo "10 tranh chấp cần theo dõi trong năm 2019" được tạp chí Mỹ Foreign Affairs nêu bật trong số cuối năm ra ngày 28/12/2018.

Vấn đề Biển Đông được tạp chí Mỹ xem là một yếu tố của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra, với nhận thức thống nhất ở Hoa Kỳ theo đó Trung Quốc là một đối thủ đã lạm dụng các định chế quốc tế để đạt mục tiêu riêng. Trung Quốc đã tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng lại hành động không theo tinh thần của cả hai cơ chế này. Đối với nhiều người ở Mỹ, những chủ trương của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đã rẽ sang một khúc quanh nguy hiểm.

Đối với Foreign Affairs, trước mắt, Trung Quốc có vẻ như là chưa muốn làm đảo lộn về căn bản trật tự của thế giới. Vả lại Bắc Kinh chưa có đủ sức vươn ra toàn cầu như Washington… Nhưng riêng tại Châu Á, họ đang tìm cách xây dựng một vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, với các nước láng giềng có chủ quyền nhưng phải thần phục Bắc Kinh, điều mà giới hoach định chính sách tại Washington cho là đi ngược lại quyền lợi của Mỹ…

Rất ít có khả năng bùng lên xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Biển Đông là một điểm nóng đáng lo ngại. Hai thập kỷ qua đã chứng kiến một số những vụ va chạm giữa máy bay Mỹ và lực lượng Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông, áp sát vùng bờ biển Việt Nam, Malaysia và Philippines, đồng thời hung hăng xây dựng căn cứ trên các đảo chiến lược.

Theo Bắc Kinh, đó chỉ là những hoạt động bình thường của một "nước lớn". Trung Quốc muốn những gì mà Hoa Kỳ đang có : các láng giềng tốt, ảnh hưởng tại khu vực xung quanh mình và khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải và ngõ vào từ biển khơi. Những nước khác, tất nhiên, không cùng quan điểm, và các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn vẫn phản đối, với một số nước tìm kiếm sự bảo vệ từ Washington.

Mai Vân

*******************

Trung Quốc phản đối Mỹ ra luật mới hậu thuẫn Đài Loan (RFI, 03/01/2019)

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng ngay từ những ngày đầu năm mới 2019. Hôm 02/01/2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án Washington thông qua một đạo luật mới, cổ vũ cho việc siết chặt các quan hệ chính trị và an ninh với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là vùng lãnh thổ ly khai.

20192

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trả lời báo giới. Ảnh chụp ngày 28/03/2018.Greg Baker / AFP

Hôm 02/01/2018, theo báo chí Trung Quốc, sau bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc "không loại trừ việc sử dụng vũ lực" để chống lại các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đã mở họp báo. Phát ngôn viên Trung Quốc đã lên án Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á (Asia Reassurance Initiative Act - ARIA), vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn vào ngày cuối cùng của năm 2018.

Đối với Bắc Kinh, đạo luật này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một nước Trung Quốc", can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, xâm phạm đến "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, cũng như "tình cảm của nhân dân Trung Quốc". Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi Washington không áp dụng các nội dung liên quan đến Đài Loan trong đạo luật ARIA, và xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng, để không ảnh hưởng đến "quan hệ Mỹ-Trung nói chung, hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển Đài Loan".

Ngược lại, Đài Bắc ngay lập tức nhiệt liệt hoan ngênh Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á. Báo Đài Loan cho hay, trong bài diễn văn đầu năm mới, 01/01/2019, đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, ông Stanley Kao (Cao Thạc Thái), đã ca ngợi quan hệ Mỹ-Đài tốt đẹp chưa từng thấy từ 40 năm nay. Đại diện Đài Loan hoan nghênh các điều khoản trong đạo luật, tái khẳng định sẽ siết chặt quan hệ song phương đặc biệt Mỹ-Đài về mọi mặt, kinh tế - thương mại, công nghệ - khoa học, Hoa Kỳ cũng bảo đảm sẽ hỗ trợ Đài Bắc về an ninh, quốc phòng.

Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á đặc biệt nhấn mạnh đến việc thường xuyên bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan, để Đài Bắc có đủ phương tiện "đề kháng trước các đe dọa trong hiện tại và tương lai từ phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa". Mục "Cam kết với Đài Loan" của đạo luật ARIA cũng yêu cầu tổng thống Mỹ khuyến khích các quan chức cao cấp Hoa Kỳ tới Đài Loan, thể theo luật mang tên "Taiwan Travel Act", được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 2/2018.

Đài Loan chỉ là một phần nhỏ của Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á. Đạo luật ARIA có mục tiêu chung là xác lập rõ chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "mở và tự do", ngăn chặn các mưu toan của Trung Quốc phá vỡ sự ổn định của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Trong chiến lược này, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và khối ASEAN được coi là các đối tác trụ cột.

Trọng Thành

*********************

Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ : Trung Quốc là trọng tâm của Lầu năm góc (RFI, 03/01/2019)

Thay thế tướng James Mattis kể từ ngày 01/01/2019, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan khẳng định "Trung Quốc là hồ sơ số một" trong các ưu tiên của Mỹ. Theo báo chí Nhật, lần đầu tiên quân đội Mỹ dự trù mở một cuộc tập trận tên lửa chống hạm tại Okinawa.

20193

Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngồi cạnh tổng thống Trump trong một cuộc họp của nội các tại Nhà Trắng ngày 02/01/2019. Reuters/Jim Young/File Photo

Theo AFP, trong cuộc họp đầu tiên với các viên chức cao cấp của Lầu năm góc sáng 02/01/2019, quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan kêu gọi "tập trung nỗ lực thực thi chiến lược quốc phòng do bộ trưởng tiền nhiệm hoạch định". Đối tượng của chiến lược này là "Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc", theo tiết lộ của một viên chức xin ẩn danh. Chỉ đạo này được xem là "tiếp nối" chiến lược an ninh của tướng James Mattis, xem Nga-Trung là hai đối thủ của Mỹ. Nhưng khác với bộ trưởng tiền nhiệm, từ chức vì bất đồng với tổng thống Donald Trump, ông Patrick Shanahan chỉ nhấn mạnh đến Trung Quốc mà không nói gì đến nước Nga của Vladimir Putin, người mà chủ nhân Nhà Trắng không muốn làm mất lòng.

Tuy không có kinh nghiệm chiến trường, nhưng vị kỹ sư hoạt động trong ngành công nghệ hàng không suốt 30 năm đã đóng góp vào việc soạn thảo chiến lược quốc phòng trong hai năm làm phụ tá cho tướng Mattis. Patrick Shanahan còn có tiếng là một người trầm tỉnh, thận trọng, không bỏ sót chi tiết.

Đúng vào lúc thay đổi lãnh đạo tại Lầu năm góc, báo chí ở Tokyo cho biết quân đội Mỹ dự kiến tổ chức tập trận với hệ thống tên lửa cơ động chống hạm HIMARS gần Okinawa, cực nam Nhật Bản. Theo nhật báo Sankei, Washington đã thông báo ý định này với quân đội Nhật, trong mục đích tăng cường khả năng đối phó với những trường hợp "bất ngờ" do Trung Quốc gây ra tại Thái Bình Dương.

Nhận định về thông tin này, AFP cho biết thêm là trong thời gian gầy đây, hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động trong vùng biển gần Okinawa. Theo giới chuyên gia, mục tiêu về lâu về dài của Bắc Kinh là kiểm soát toàn bộ vùng biển đảo từ Okinawa, Đài Loan, cho đến tận Philippines.

Tú Anh

*******************

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra thông điệp đầu tiên về Trung Quốc (RFA, 03/01/2019)

Thông điệp đầu tiên của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong ngày nhận nhiệm vụ tại Bộ Quốc phòng được báo chí Mỹ cho biết là về Trung Quốc.

20194

Quyền Bộ trưởng Quôc phòng Mỹ Patrick Shanahan đến nhiệm sở ở Washington DC hôm 2/1/2019 - AFP

Phát biểu với các nhân viên tại Bộ Quốc phòng hôm thứ Ba, ngày 2/1, Bộ trưởng Patrick Shanahan nhấn mạnh đến trọng tâm của Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ trong đó chú trọng đến sự cạnh tranh với các cường quốc là Nga và Trung Quốc.

AFP trích lời của một giới chức quốc phòng giấu tên cho biết ông Shanahan nói với các nhân viên rằng trong khi Hoa Kỳ vẫn tập trung vào các hoạt động đang diễn ra, mọi người phải luôn nhớ Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc.

Trong chiến lược quốc phòng quốc gia được cựu Bộ trưởng quốc phòng James Mattis công bố vào tháng Một năm ngoái, Hoa Kỳ đã miêu tả Trung Quốc là một quốc gia cạnh tranh chiến lược của Mỹ và sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự nhằm tìm cách bành trướng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong thời gian tới, và trong tương lai sẽ tìm cách thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.

Nói với các nhân viên Bộ Quốc phòng, quyền Bộ trưởng Shanahan cho biết chiến lược của Mỹ sẽ là làm thế nào để tăng cường cạnh tranh và không có cái gọi là cạnh tranh lành mạnh mà chỉ có cạnh tranh.

Thời gian qua, Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã có các hành động quân sự hóa tại Biển Đông gây mất ổn định khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có các hoạt động gián điệp kinh tế đối với Mỹ và sử dụng sáng kiến Vành đai Con đường của mình như một hình thức xâm lược kinh tế.

Quyền Bộ trưởng Shanahan lên thay cựu Bộ trưởng James Mattis người vừa rời chức vụ hôm 1/1/2019. Ông Mattis nói lý do từ chức vì không có cùng cái nhìn với Tổng thống Mỹ về cách thức đối xử với các đồng minh và các quốc gia cạnh tranh chiến lược. Sự ra đi của tướng Mattis đã gây ra những lo ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng sức mạnh quân sự.

Published in Châu Á