Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bầu cử Thái Lan : Có thể bất ngờ, nhưng quân đội ở thế thượng phong

Châu Âu tìm kiếm đoàn kết đối phó với Trung Quốc nhân chuyến công du của Tập Cận Bình, Bruxelles để ngỏ "cơ hội cuối cùng" cho nước Anh, khi triển hạn Brexit thêm hai tuần, là các chủ đề quốc tế lớn. Về thời sự Châu Á, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến bầu cử Quốc Hội Thái Lan Chủ Nhật 24/03/2019 tới. Tuy có thể có bất ngờ, nhưng quân đội và hoàng gia kiểm soát chặt tình hình.

thailan1

Thủ tướng quân sự Thái Lan Prayuth Chan-Ocha múa theo điệu cổ truyền để tranh thủ thiện cảm của cử tri, tỉnh Khon Kaen, 13/03/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Bài "Thái Lan chuẩn bị bỏ phiếu dưới sự khống chế nghiêm ngặt" của Les Echos cho biết, bất luận kết quả bỏ phiếu ra sao, đảng nào giành thắng lợi, thì thủ tướng tương lai cũng sẽ là một quân nhân.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi quân đội đảo chính, giờ đây 52 triệu cử tri Thái Lan mới có dịp đi bầu, để lựa chọn những người đại diện cho họ tại Hạ Viện. Bất ngờ có thể xảy ra, đặc biệt với gần 15% cử tri trẻ, lần đầu tiên đến phòng phiếu, có khả năng sẽ tham gia đông đảo. Đảng Pheu Thai (tức Đảng vì Người Thái) chịu ảnh hưởng của cựu thủ tướng Thaksin hiện đang sống lưu vong, rất có thể sẽ tiếp tục giành chiến thắng. Pheu Thai giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử dân chủ từ năm 2001 đến nay.

Đảng Pheu Thai được 43% cử tri ủng hộ

Trong cuộc bỏ phiếu lần này, Pheu Thai được sự ủng hộ của khoảng 43% cử tri, theo các thăm dò dư luận. Trong lúc đảng của tập đoàn quân sự chỉ được 12% ủng hộ. Giới trẻ có thể dồn phiếu cho Đảng Tương Lai, được khoảng 23% cử tri dự kiến bầu.

Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2016, do tập đoàn quân sự dựng lên đã dành cho quân đội quyền kiểm soát Nhà nước. Thủ tướng sẽ do Quốc Hội lưỡng viện chỉ định, trong lúc Thượng Viện do chính giới quân sự bổ nhiệm. Nói cách khác, theo Les Echos, cho dù chiến thắng áp đảo tại Hạ Viện, đảng Pheu Thai buộc phải tham gia vào "một liên minh" với giới quân sự, để điều hành đất nước.

Về triển vọng bầu cử Thái Lan, La Croix đưa ra cùng hướng đánh giá trong bài "Vua và quân đội kiểm soát nền dân chủ Thái Lan". Cho dù có đến hơn 77 đảng phái tham gia bầu cử, nhưng đối lập trên thực tế đã bị "bịt miệng". Chỉ mãi đến cuối năm 2018, các tập hợp, mít tinh chính trị mới một lần nữa được cho phép tại Thái Lan. Tập đoàn quân sự tìm cách mọi cách không để xảy ra những diễn biến vượt vòng kiểm soát : Thượng Viện hoàn toàn do người trung thành với giới quân sự nắm, Thai Raksa Chart một đảng đối lập lớn bị giải tán hồi tháng 2.

La Croix dẫn lời cựu đại sứ Pháp tại Thái Lan, Gilles Garachon, theo đó, về cơ bản Thái Lan không có gian lận trong quá trình bỏ phiếu, nhưng điều quyết định kết quả là các mặc cả chính trị trong hậu trường "trước và sau bỏ phiếu". "Nếu dân chúng bỏ phiếu đông đảo chống lại tập đoàn quân sự, giới tinh hoa (có quan hệ mật thiết với hoàng gia) với quyền lực kinh tế áp đảo của họ sẽ vào cuộc", sẽ tạo lập liên minh giữa nhiều đảng phái chính trị, để nắm quyền.

Kinh tế suy, thủ tướng lỗ mãng : Điểm yếu của giới quân sự

Cũng về bầu cử Thái Lan, Le Monde có hai bài phân tích đáng chú ý khác cho thấy các điểm yếu nghiêm trọng của tập đoàn quân sự Thái Lan. Trong 5 năm giới quân sự cầm quyền, bất bình đẳng gia tăng, tăng trưởng suy giảm, quản lý Nhà nước suy yếu. Thủ tướng Chan-Ocha muốn dân chúng tin tưởng vào viễn cảnh Thái Lan sẽ vươn lên để trở thành trung tâm của "hành lang kinh tế Đông Nam Á", nhưng có nhiều khả năng vương quốc Đông Nam Á này đang trở thành "quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới". Theo một điều tra của Credit Suisse, Thái Lan năm 2018 đứng "vô địch" về mặt này, vượt cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ : 1% dân số Thái sở hữu 66,9% tài sản đất nước. Chính quyền quân sự vừa tung ra 1,7 tỉ euro để tranh thủ thiện cảm của bộ phận dân chúng nghèo nhất và những người cao tuổi nhất.

Một điểm yếu nghiêm trọng thứ hai của tập đoàn quân sự chính là thủ tướng Chan-Ocha, một người nổi tiếng với những lời lẽ hết sức thô bạo. Một trong những phát biểu của thủ tướng Thái Lan bị rất nhiều lên án : Năm 2014, vào lúc xảy ra một vụ án mạng dã man, đê hèn, một khách du lịch Anh bị cưỡng hiếp và bị sát hại cùng chồng, ông Chan-Ocha đã lớn tiếng khuyên răn "phụ nữ không nên mặc áo tắm hai mảnh đi dạo trên các bãi biển, trừ phi họ không phải là phụ nữ đẹp".

Các phát biểu gây sốc của thủ tướng Thái liên tục bị người dân chế giễu và tỏ thái độ khinh bỉ trên mạng. Nỗ lực lấy lòng cử tri, thủ tướng Chan-Ocha tung ra một đoạn băng biểu diễn bài ca nổi tiếng "Đem lại hạnh phúc cho Thái Lan", với dàn nhạc của quân đội hoàng gia. Đoạn băng được nhiều người xem trên Youtube được coi là một thành công lớn. Tuy nhiên, thủ tướng Chan-Ocha sau đó đã thất bại với một thử nghiệm lần hai, trước thềm bầu cử, với bài hát "Wan Mai/Ngày Mới". Bài hát này thu hút đến 6,5 triệu ý kiến phản đối, và chỉ có 473 người like. Dù sao, trong các điều kiện quân đội kiểm soát chặt chính trường, khó có bất ngờ nào cản trở ông Chan-Ocha "đắc cử" thủ tướng.

Pháp huy động Châu Âu đối phó với Tập

Về chuyến công du Châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Les Echos chạy tựa trang nhất : "Tổng thống Pháp Macron chơi lá bài Châu Âu với Trung Quốc". Trong cuộc đối mặt với ông Tập Cận Bình tại Paris ngày thứ Ba 26/03, cùng với tổng thống Pháp, còn có chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguyên thủ Pháp muốn lập mặt trận chung toàn Châu Âu để đối phó với Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề.

Thông tin về việc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và thủ tướng Đức tham gia vào cuộc gặp mặt cùng với tổng thống Pháp, được đưa ra vào phút chót, đã gây bất ngờ cho phía Trung Quốc. Một tài liệu mới đây của Ủy Ban Châu Âu khẳng định Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" của Châu Âu, cho dù không chỉ đích danh.

Đón tiếp sơ sài

Bài nhận định của Les Echos về chuyến công du Pháp của chủ tịch Trung Quốc, nêu bật một thực tế với nhiều nét tương phản. Nếu như nguyên thủ Trung Quốc chọn đến Pháp vào đúng thời điểm tròn 5 năm chuyến công du lần đầu, thì ngược lại phía Pháp đã chọn cách tiếp sơ sài hơn nhiều. Sẽ không có buổi dạ tiệc sang trọng tại lâu đài Versailles với rất nhiều hợp đồng được ký kết. Buổi ăn tối giữa hai nguyên thủ, dự kiến diễn ra tại Nice, cũng với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Cho dù trong khuôn khổ năm kỉ niệm 55 năm thiết lập bang giao, Pháp – Trung sẽ tổ chức nhiều sự kiện long trọng, đặc biệt với việc tổng thống Pháp có kế hoạch công du Trung Quốc vào cuối năm nay. Tuy nhiên thái độ của Paris với Bắc Kinh đã thay đổi hẳn. Chính quyền Macron nhận lãnh vai trò người cảnh báo các thành viên Châu Âu cần "ít ngây thơ hơn" trước các tham vọng của Trung Quốc.

Dù sao, để bảo đảm duy trì quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, chính quyền Pháp chủ trương thảo luận về một số dự án hợp tác tại một số nước khác, ví dụ như dự án nước sạch ở Châu Phi, hay khả năng đóng góp của Trung Quốc vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở khu vực Sahel.

Trung Quốc hụt hơi : Những quốc gia chịu nhiều thiệt hại

Vẫn về Trung Quốc, Le Monde có bài phân tích "Kinh tế Trung Quốc hụt hơi, thế giới lo ngại". Tuy ảnh hưởng của Bắc Kinh đang vươn rộng ra thế giới, tình trạng kinh tế trong nước của Trung Quốc khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại. Theo OCDE, tốc độ tăng trưởng chững lại của Trung Quốc - quốc gia chiếm 15% GDP toàn cầu - có thể khiến tăng trưởng toàn cầu sụt năm nay khoảng 0,4%.

Tỉ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc gia tăng, giới đầu tư Nhật Bản rút khỏi khu kinh tế Thâm Quyến… là một trong vài ví dụ cho thấy những bất ổn của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới. Sự suy giảm của thị trường tiêu thụ xe hơi, điện thoại là điều được tất cả các nhà quan sát ghi nhận.

Tình trạng kinh tế Trung Quốc hụt hơi ảnh hưởng đến toàn cầu, nhưng trước hết là đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore. Các quốc gia Châu Á nói trên vốn hội nhập mật thiết với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt với các linh kiện, phụ tùng được dùng để chế tạo các mặt hàng "made in China". Các nước bán nhiều khoáng sản cho Trung Quốc, như Úc, Nga, các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh hay Brazil cũng trong nhóm chịu thiệt hại hàng đầu.

Brexit : Gia hạn 2 tuần, tương lai vẫn mù mịt

Về hồ sơ Brexit, đúng một tuần trước hạn chót 29/03, Hội Đồng Châu Âu đêm qua đã quyết định gia hạn 15 ngày để nước Anh chính thức quyết định rời khỏi hay không rời khỏi Liên Âu.

Tình hình tuy nhiên vẫn mờ mịt và có khả năng tiếp tục mờ mịt cho đến phút chót, trong bối cảnh Nghị Viện Anh Quốc không chấp nhận thông qua thỏa thuận ly dị với Liên Âu, bất chấp nhiều thay đổi liên tục được đưa ra trong những ngày gần đây. Libération trong bài "Brexit : Từ nín thở chờ đợi đến ngõ cụt, Liên Âu phát cáu", đưa ra nhận xét đầy vẻ hài hước : "Brexit chắc chắc sẽ không xảy ra ngày 29/03, mà là vào ngày 12/04, nếu như không phải là ngày 22/05".

22/05 chính là ngày hôm trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Mà nếu Anh Quốc vẫn chưa chia tay với Liên Âu, cũng có nghĩa là thành viên bất đắc dĩ này sẽ phải tham gia bầu cử Nghị Viện mới. Một viễn cảnh khiến tình hình vốn đã rối ren lại càng thêm rối ren.

Nhật báo Le Figaro dẫn lại nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron : "Châu Âu đã bảo vệ các lợi ích của mình, giờ đến lượt nước Anh quyết định". Tuyên bố được nguyên thủ Pháp đưa ra đêm qua, sau cuộc họp về Brexit tại Bruxelles. Tổng thống Pháp nhấn mạnh là phía Anh có nghĩa vụ làm sáng tỏ lập trường.

"Áo Vàng" : Tranh luận về triển khai quân đội

Trở lại với tình hình nước Pháp, chủ đề được các báo đề cập đến nhiều là tranh luận xung quanh việc điều động quân đội tham gia giữ trật tự vào ngày mai, nhân cuộc biểu tình Áo Vàng hồi thứ 19.

Theo Le Monde, đối mặt với các chỉ trích mạnh mẽ từ phía nhiều đảng phái đối lập, chính phủ giải thích là việc điều động quân đội chỉ để bảo vệ một số vị trí nhạy cảm, để cảnh sát có thêm lực lượng đối phó với những phần tử phá hoại trà trộn trong các cuộc biểu tình, tránh tái diễn nạn đập phá như hồi tuần trước. Bất luận thế nào, các đơn vị quân đội sẽ được lệnh tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người biểu tình.

Trọng Thành

Published in Châu Á