Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc gia tăng đòn hiểm để chống lá chắn THAAD ở Hàn Quốc (RFI, 16/03/2017)

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 13/03/2017, một viên tướng Trung Quốc hồi hưu vừa khẳng định rằng Quân Đội Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống phá sóng radar của Mỹ ngay trước lúc Hoa Kỳ thiết lập xong lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vế đáp trả về quân sự này được tiết lộ vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại gia tăng những thủ đoạn hiểm độc, đặc biệt là về kinh tế, nhằm ép Seoul hủy bỏ việc cho Mỹ bố trí tại Hàn Quốc hệ thống chống tên lửa Bắc Triều Tiên.

bk1

Sân Golf của Lotte ở Seongju, nơi mà lá chắn tên lửa THAAD sẽ được triển khai. Ảnh 01/03/2017. Reuters

Đối với Mỹ và Hàn Quốc, lá chắn chống tên lửa THAAD rất cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc chống mối đe dọa Bắc Triều Tiên, thế nhưng Bắc Kinh lại cho rằng hệ thống đó có thể nhìn thấu qua màng lưới phòng thủ của Trung Quốc.

Theo tiết lộ của tướng Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), nguyên phó tư lệnh Quân Khu Nam Kinh của Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc sẽ triển khai các thiết bị chống radar của mình trước khi mà Hàn Quốc triển khai xong lá chắn của Mỹ.

Với việc các linh kiện đầu tiên của hệ thống THAAD đã đến Hàn Quốc vào tuần qua, Trung Quốc phải "tiên hạ thủ vi cường" vì biết rõ là không thể ngăn được tiến trình lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và cũng không thể chờ đợi cơ may là tổng thống sắp tới đây ở Hàn Quốc thay đổi đường lối và ngưng việc triển khai THAAD.

Đối với tướng Vương Hồng Quang, Trung Quốc đã có những biện pháp để vô hiệu hóa radar của THAAD và sẽ hoàn tất việc triển khai các biện pháp này trước khi hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đi vào hoạt động.

Bên lề khóa họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, viên tướng này khẳng định : "Không cần phải đợi hai tháng nữa – tức trước khi bầu cử tổng thống mới Hàn Quốc - Trung Quốc đã có sẵn những thiết bị cần thiết, chỉ cần đưa đến đúng địa điểm mà thôi".

Nhạc Cương (Yue Gang), một cựu đại tá và bình luận gia quân sự cho là Trung Quốc có khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa hệ thống radar của màng lưới THAAD. Theo nhân vật này, việc phá hủy chỉ có thể xẩy ra khi hai bên có chiến tranh, do vậy hiện nay, lựa chọn của Trung Quốc là tác động đến hoạt động của lá chắn qua công nghệ điện từ. Và theo ông Nhạc Cương, nơi lý tưởng để đặt các thiết bị điện từ là bán đảo Sơn Đông đối diện với Hàn Quốc.

Theo Phó Tiền Tiêu (Fu Qianshao), một chuyên gia về thiết bị không quân, thì Trung Quốc có thể cho máy bay- có người lái hay không - bay sát nơi đặt hệ thống THAAD để làm nhiễu sóng radar. Tất cả các lực lượng quân sự Trung Quốc đều có thể làm việc này.

Về phần mình, tướng Vương Hồng Quang cho rằng mối quan ngại chủ yếu của Trung Quốc không phải chỉ có việc hệ thống THAAD được bố trí ở Hàn Quốc, mà còn là việc Mỹ mở rộng phạm vi, đặt khu vực trong một mạng lưới hệ thống lá chắn tên lửa tinh vi ở Nhật Bản, Singapore, Philippines và có thể cả ở Đài Loan.

Hệ thống THAAD bao gồm radar tinh vi và tên lửa đánh chặn hỏa tiễn có khả năng định vị và phá hủy hỏa tiễn đạn đạo được phóng đến.

Biện pháp bóp nghẹt Hàn Quốc bằng kinh tế

Cùng với biện pháp quân sự, Trung Quốc còn sử dụng biện pháp cố hữu : kinh tế.

Theo trang mạng Hàn Quốc Korea Bizwire, cũng vào ngày 13/03, việc trả đũa kinh tế liên quan đến THAAD không có dấu hiệu thuyên giảm, mà trái lại, còn tăng, với các thông tin cho biết là chính quyền Trung Quốc càng lúc càng đánh vào nhiều tập đoàn Hàn Quốc hơn, kể cả những cơ sở kinh doanh tư nhân.

Với tiến trình triển khai lá chắn tăng tốc, thì các hành vi trả đũa nhắm vào giới kinh doanh Hàn Quốc cũng tăng tốc theo. Một ví dụ điển hình là tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Vì là hãng đã cung cấp mặt bằng cho việc đặt lá chắn, Lotte đã phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề.

Thế nhưng không chỉ có Lotte, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị một môi trường thù nghịch bao trùm.

Vào tuần qua, một văn phòng của một hãng truyền thông Hàn Quốc đã bị Ủy Ban Quản Lý và Giám Sát Tài Sản của Trung Quốc bất ngờ thanh tra về mặt an toàn. Bình thường ra, cơ quan này không quản lý các công ty tư nhân.

Ngoài ra, còn có việc khuyến khích dân chúng tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Một chỉ thị đã được chính quyền gởi đến các trường học ở Bắc Kinh thúc giục học sinh không mua sản phẩm, dịch vụ Hàn Quốc.

Một quan chức tài chính Hàn Quốc cảnh báo là tình hình sẽ tệ hại hơn nữa. Theo ông, "đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu bằng việc đóng cửa các cửa hàng của một thương hiệu nhất định, nhưng giờ đây đang chuyển thành một cuộc tấn công toàn diện và có hệ thống hơn".

Tại Hàn Quốc, theo thông tin báo chí, nhiều quan chức chính phủ cho rằng cuộc trả đũa gần đây của Trung Quốc trong vấn đề THAAD có thể đã vi phạm luật thương mại quốc tế, và Seoul có thể kiện Bắc Kinh ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên tại bộ Ngoại Giao hôm 13/03, bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc Yo Yo-ho đã bác bỏ những lời kêu gọi kiện Trung Quốc, cho rằng hiện không có đủ bằng chứng.

Kích động tinh thần bài Hàn Quốc trong học sinh

Một khía cạnh thâm hiểm trong các biện pháp mà Bắc Kinh dùng để gây sức ép trên Seoul là việc khích động trẻ em tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc. Khía cạnh này đã được trang blog The Shangaiist vạch trần trong một bài viết ngày 13/03.

Tác giả bài viết trước hết ghi nhận tình trạng cực kỳ khó khăn mà tập đoàn Lotte của Hàn Quốc – rất mạnh với các siêu thị và cửa hàng ăn nhanh - đang trải qua tại Trung Quốc. Tệ hại hơn chính là việc Lotte đang trở thành đối tượng tấn công của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Trung Quốc.

Không những Lotte đã bị buộc phải đóng cửa hơn một nửa số cửa hiệu của mình trên toàn Trung Quốc, mà trước các cửa hiệu vẫn còn mở cửa, lúc nào cũng có những người Trung Quốc gọi là "yêu nước" đến biểu tình phản đối và cản trở kinh doanh. Và giờ đây, chính quyền Trung Quốc còn bắt đầu chiến dịch nhồi sọ các học sinh tiểu học về cái hại của các sản phẩm ăn nhanh của thương hiệu Lotte, vốn rất được các em yêu thích.

Một đoạn video mới đây đã ghi lại cảnh các em học sinh tiểu học biểu tình ngoài đường, với các biểu ngữ cũng như các tiếng hô bài Hàn Quốc và chống Lotte. Người ta thấy một giáo viên cùng các em hô những khẩu hiệu như "Lotte, hãy cút khỏi Trung Quốc !", "Hãy tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc !", "Phản đối THAAD !", "Hãy yêu đất nước Trung Quốc !".

Vương Đan, một trong những lãnh đạo sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, người đã công bố đoạn video trên trên Facebook đã nhận xét : "Đây quả là những hành vi điển hình của thời kỳ trước Cách Mạng Văn Hóa".

Trong một đoạn video khác, người ta thấy các học sinh tiểu học tập hợp trong một hội trường, thề quyết yêu nước Trung Quốc và tẩy chay hàng ăn nhanh của Lotte.

Còn trên Twitter, có người đã đăng một bức ảnh cho thấy các em học sinh đang được giới thiệu về các món ăn nhẹ Hàn Quốc mà các em không nên mua.

Ngoài Lotte, cơn thịnh nộ của Trung Quốc chống lại THAAD cũng giáng xuống đầu ngành du lịch Hàn Quốc. Hôm 11/03, một chiếc tàu du lịch với 3.400 du khách Trung Quốc đã từ chối đặt chân lên đất Hàn Quốc sau khi cập cảng tại hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Jeju.

******************

Khi siêu thị bị đóng cửa vì tên lửa (VOA, 15/03/2017)

Không chỉ hạn chế du khách sang Hàn Quốc, Trung Quốc còn ra các biện pháp buộc tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc đóng cửa để trả đũa vụ Seoul nhận hỏa tiễn Thaad từ Hoa Kỳ, theo truyền thông quốc tế.

bk2

Lotte Mart ở Cát Lâm, Trung Quốc đột nhiên bị đóng cửa

Theo CNN hôm 7/03/2017, ít nhất 23 cửa hàng của Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa.

Lý do là công ty này đã chấp nhận trao một sân golf ở Hàn Quốc làm địa điểm cho chính phủ triển khai giàn hỏa tiễn Thaad.

Nhưng theo trang Chosun của Hàn Quốc hôm 10/03, đã có ít nhất 55 trên tổng số 99 siêu thị của Lotte tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.

Lo sợ cả tin tặc

Tại một số siêu thị, ban quản lý lo ngại mảng kinh doanh trên mạng của Lotte ở Trung Quốc bị tin tặc tấn công và vì thế, họ phải đóng cửa cả kênh chuyển giao hàng qua bưu điện.

Tại Cát Lâm, vùng Đông Bắc Trung Quốc, một siêu thị Lotte Mart bị đóng cửa vì lý do "thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy", theo AFP.

Tuy thế, Lotte cho hay lý do chính là họ trở thành tâm điểm của cuộc chiến ngoại giao giữa Bắc Kinh và Seoul vì dàn hỏa tiễn Thaad.

Vẫn theo Chosun, đại diện của Lotte nói :

"Thật bất công khi chính quyền Trung Quốc áp đặt biện pháp trừng phạt chúng tôi, và hiện nay, công ty không thể làm gì khác là đợi cho tình hình dịu xuống".

bk3

Khách hàng Trung Quốc được thông báo siêu thị Lotte bị đóng vì 'thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy'

Lotte cũng nói không có ý định rút khỏi thị trường Trung Quốc, nơi họ đã đầu tư 10 nghìn tỷ won từ 1994.

Trong tháng 1/2017, đã có dấu hiệu xấu trong quan hệ Trung - Hàn liên quan đến Thaad.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc cho hay 13 loại mỹ phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc đột nhiên bị ngăn lại vì lý do thiếu các giấy tờ cần thiết.

Cả hai phía đề bác bỏ tin rằng lý do chính là tranh cãi về tên lửa Thaad nhưng báo chí Hàn Quốc vẫn cho rằng hàng hóa từ nước họ là nạn nhân của một chiến dịch trừng phạt từ Bắc Kinh.

Cũng trong tháng 1, tour công diễn của ca sĩ Hàn, Jo Su-mi đến ba thành phố Trung Quốc, dự kiến bắt đầu ngày 19/02, đột ngột bị hủy mà không có báo trước, theo trang Chosun.

Chính phủ Trung Quốc trước sau như một phê phán kế hoạch triển khai tên lửa Thaad của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, cho rằng nó chỉ làm mất cân bằng tình trạng an ninh hiện hữu ở Đông Bắc Á.

Nay, một số báo chí Trung Quốc công khai trích dẫn giới bình luận thân chính phủ nói Quân Giải phóng Nhân dân hoàn toàn có khả năng chặn phá hệ thống Thaad mà họ cho rằng nhắm vào Trung Quốc.

Published in Châu Á