Trung Quốc đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rohingya (RFI, 20/11/2017)
Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 19/11/2017 thông báo Bắc Kinh đề xuất một chương trình gồm ba giai đoạn để giải quyết cuộc khủng hoảng sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị Á-Âu (ASEM) thứ 13, tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 20/11/2017. Reuters/Stringer
Theo Reuters, trong chuyến thăm thủ đô Naypyidaw của Miến Điện, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã giải thích là sự nhất trí giữa Miến Điện và Bangladesh có thể cho phép hai quốc gia láng giềng tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Giai đoạn đầu tiên, theo đề xuất mà ngoại trưởng Vương Nghị viết trên website của bộ ngoại giao Trung Quốc, là lệnh hưu chiến giữa Miến Điện và Bangladesh. Sau đó, là các cuộc thảo luận song phương. Và cuối cùng, hai bên cần cùng làm việc để tháo gỡ xung đột về lâu dài.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng hy vọng hai quốc gia láng giềng Miến Điện và Bangladesh sẽ sớm triển khai việc đưa người Rohingya Miến Điện hồi hương.
Thùy Dương
**********************
Rohingya, tâm điểm hội nghị ngoại trưởng Á-Âu ASEM (RFI, 20/11/2017)
Hội nghị cấp ngoại trưởng giữa Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác Châu Á- ASEM lần thứ 13 mở ra trong hai ngày 20 và 21/11/2017 tại Naypyidaw, Miến Điện. Hồ sơ Rohingya là trọng tâm cuộc họp.
Người tị nạn Rohingya đến trại Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 19/11/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Federica Mogherini đánh giá "rất tích cực" về thiện chí của Naypidaw giải quyết khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á. Hơn 600.000 người tị nạn Rohingya đang sống trong những trại tạm cư ở Bangladesh.
Một cách chính thức, hồ sơ Rohingya không được nêu lên trong chương trình nghị sự, nhưng lại là tâm điểm của hội nghị ASEM. Trước khi khai mạc đối thoại Á- Âu, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini hội kiến ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi. Phát biểu với báo chí sau cuộc trao đổi với ngoại trưởng kiêm cố vấn Nhà nước Miến Điện, bà Federica Mogherini tỏ ra rất lạc quan về thiện chí của chính quyền Naypidaw để giải quyết khủng hoảng nhân đạo đã kéo dài từ cuối tháng 8/2017 :
"Đây là một cuộc trao đổi rất đáng khích lệ. Chúng tôi đã đề cập đến việc cần phải thực thi kế hoạch mang tên cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và tôi đánh giá rất tích cựu quyết tâm của cố vấn nhà nước Miến Điện bà Aung San Suu Kyi để nhanh chóng đi theo hướng hày. Sau chuyến công tác tại Bangladesh và cuộc thảo luận với thủ tướng Bangladesh, tôi cho rằng, thực sự có khả năng Miến Điện và Bangadesh đạt được một thỏa thuận để cho phép người tị nạn Miến Điện hồi hương một cách an toàn. Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ tiến trình này và trong những tuần lễ sắp tới, Châu Âu sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết khủng hoảng. Nói tóm lại, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và phấn khởi sau cuộc trao đổi sáng nay".
Ngày 13/10/2017, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, với tư cách chủ tịch ủy ban về quyền của người Rohingya, trình bày một kế hoạch cho phép hơn một nửa triệu người Rohingya tị nạn trở về Miến Điện. Kế hoạch nói trên đã vấp phải sự chống đối của Trung Quốc, một trong 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, và trong một chừng mực nào đó là của Nga.
Tới nay Liên Hiệp Châu Âu tránh gây sức ép lên chính quyền Miến Điện. Bruxelles lo ngại khủng hoảng Rohingya làm suy yếu tiến trình dân chủ hóa Miến Điện.
Pháp ủng hộ Aung San Suu Kyi
Làm việc với lãnh đạo ngành ngoại giao Miến Điện chiều nay, ngoại trưởng Pháp Jean- Yves Le Drian nhấn mạnh : trong "hoàn cảnh chính trị khó khăn" của đất nước, bà Aung San Suu Kyu "đã chấp nhận một cách rất can đảm các yêu cầu của Liên Hiệp Quốc" trên hồ sơ người Rohingya. Paris nhìn nhận : hồi hương người tị nạn Rohingya là công việc "dài hơi", là việc làm "khó khăn và có thể sẽ dẫn đến một số căng thẳng".
Ngoại trưởng Pháp cho biết thêm, bà Aung San Suu Kyu đã trình bày với các đối tác trong khuôn khổ hội nghị ASEM về một kế hoạch giải quyết khủng hoảng người Rohingya với ba cột mốc quan trọng : "chấm dứt bạo động, trợ giúp nhân đạo và viễn cảnh đưa người tị nạn hồi hương".
Ngoại trưởng Pháp đang có mặt tại Napyidaw dự hội nghị cấp ngoại trưởng ASEM, bao gồm Liên Hiệp Châu Âu, 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác Châu Á khác.
Về phía Bangladesh, ngoại trưởng nước này cho biết đang nỗ lực đàm phán với Naypyidaw về kế hoạch đưa hơn 600.000 người Rohingya trở về Miến Điện. Tới nay, quân đội Miến Điện luôn phủ nhận mọi cáo buộc "thanh lọc chủng tộc" nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi này.
Thanh Hà