Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam khiến Trung Quốc "phật lòng" ? (RFA, 02/03/2018)
Nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sắp tới đây tại Đà Nẵng, RFA có buổi nói chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Đại học Madison và là chuyên gia về chiến lược khu vực Đông Nam Á.
Ảnh chụp tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 14 tháng 02 năm 2018 tại Philippines AFP
RFA : Theo dự kiến, vào tháng 3 tới đây, Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ cập cảng Đà Nẵng thăm Việt Nam. Nhận định của giáo sư như thế nào về ý nghĩa của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trước chuyến viếng thăm này ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Chuyến thăm viếng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã được thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cuối năm ngoái khi tướng Lịch thăm Mỹ. Dự kiến chính xác chuyến thăm sẽ thực hiện vào tháng 3 năm nay được thông báo khi tương Mattis thăm Việt Nam cuối tháng 1 và gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở đây có hai điểm đặc biệt : Khi ông Mattis tuyên bố như vậy thì ông nói rằng Việt Nam và Mỹ là hai nước đồng quan điểm, ông gọi là "like-minded partner–đối tác đồng quan điểm" và có những quyền lợi chung về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hàng hải, tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tôn trọng chủ quyền quốc gia của nhau. Điểm đặc biệt thứ hai ông tuyên bố điều này sau khi ông thăm và cảm ơn ông Nguyễn Phú Trọng thì điều này cho thấy ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.
RFA : Việc Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thưa giáo sư ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Chắc chắn là Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến và điều này dĩ nhiên không thể làm Trung Quốc hài lòng, nhất là trong khung cảnh gần đây các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Thứ nhất, Sách lược quốc phòng Mỹ năm 2018 xác định Trung Quốc là "địch thủ chiến lược" của Mỹ, đồng thời tái xác định cam kết của Mỹ hợp tác với các đối tác trong đó có Việt Nam để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Thứ hai, cam kết này được Bộ trưởng Mattis nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua khi tuyên bố Việt Nam và Mỹ là hai đối tác cùng chung quan điểm (like-minded partners), cùng chia sẻ các giá trị dựa trên "quyền lơi chung, gồm cả quyền tự do lưu thông hàng hải, tôn trọng luật quốc tế, và tôn trọng chủ quyền của nhau".
Thứ ba, trong một hội nghị về an ninh ở New Delhi hồi tháng 1/ 2018 giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, Ấn, và Nhật, Đô đốc Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tố cáo Trung Quốc là một "lực lượng gây bất ổn" (disruptive force) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sau đó, trong cuộc điều trần trước Quôc hội khi được chỉ định là đại sứ Mỹ ở Úc, ông đã tuyên bố rằng "Điều rõ như ban ngày" là Trung Quốc muốn khống chế Biển Đông và trong những năm tháng rất gần quyền lực của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với quyền lực của Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực. Ông còn khuyến cáo Hoa Kỳ phải trù liệu ngay cả trường hơp có thể có chiến tranh với Trung Quôc.
Thứ tư, chỉ trong vòng bốn tuần từ 20/1 đến 17/2, hải quân Mỹ, qua hai sĩ quan cấp tá, cũng đã đưa ra những cảnh cáo trực tiếp đối với Trung Quốc. Trung tá Nicole Schwegman nói thẳng thừng rằng mục tiêu các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là để "thách thức" những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung tá Tim Hawkins khẳng định hải quân Mỹ sẽ không để Trung Quốc "bắt nạt" ở Biển Đông. Và ông này tuyên bố như thế khi đứng trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson dự kiến sẽ cấp bến Đà Nẵng trong tháng tới.
Trong khung cảnh này, sư hiện diện của một hàng không mẫu hạm của Mỹ ở một quôc gia sát nách với Trung Quốc chắc chắn phải làm họ quan tâm. Dù bực mình, Trung Quốc cũng không muốn đẩy Việt Nam vào vòng tay của Mỹ.
RFA : Với chuyến viếng thăm của Hàng không mẫu hạm này thì tương quan giữa Việt nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc sẽ như thế nào thưa giáo sư ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Chưa có thay đổi lớn. Vẫn là bài toán cũ. Hoa Kỳ vẫn phải gờm Trung Quốc và kéo Việt Nam làm đối tác của mình. Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông và ngăn cản việc hình thành một liên minh Mỹ-Việt trên thực tế (de facto). Việt Nam luôn phải cân bằng giữa hai đại cường và đề phòng họ có thể chia chác với nhau trên đầu mình.
RFA : Từ khi tổng thống Trump lên thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có những thay đổi gì, so với thời Tổng thống Obama thưa ông ? Ông đánh giá ntn về quan hệ này so với tương quan với quan hệ Việt Nam–Trung Quốc ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Có hai khác biệt chính.
Về chính sách thì thời Obama có chính sách xoay trục rõ rệt về Châu Á-Thái Bình Dương với những cam kêt cụ thể về kinh tế (Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương) và tái phối trí lực lượng quân sự. Với chính quyền Trump, chính sách gọi là "Sách lược Ân Độ-Thái Bình Dương chưa rõ nét. Còn trong hành động thì việc chính quyền Trump hủy bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương làm suy yếu môt cột trụ kinh tế của quyền lực Mỹ ở vùng này, chưa kể khuynh hướng thích mặc cả với Trung Quốc (making deals) và những tuyên bố bất nhất của Tổng thống Trump khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ phải nghi ngờ cam kết của Mỹ.
Thứ hai, dưới chính quyền Obama, những tuyên bố lớn về chính sách do các nhà lãnh đạo dân sự tối cao của Mỹ đưa ra như Tổng thống Obama hay Ngoại trưởng Clinton. Dưới thời Trump, phần lớn các tuyên bố cứng rắn và rõ rệt đối với Trung Quốc do các nhà lãnh đạo quân sự đưa ra như Bộ trướng Quốc phòng Mattis, Tư lệnh Thái Bình Dương Harris, trong khi ông Tổng tư lệnh tối cao của họ lại khen lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và khoe đươc tiếp đón linh đình ơ Trung Quốc. Điều này khiến cho người ta vô cùng thắc mắc. Do đó trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thì Việt Nam cố gắng để có quan hệ rất tốt với Trung Quốc và Mỹ cũng muốn như vậy.
Chúng ta thấy là những người thừa hành thì nói một đằng còn ông tổng thống nói một nẻo. Điểm son là những người mà ông tổng thống tin tưởng về mặt quân sự, nên đó là một điểm mà Việt Nam có thể lạc quan được. vì những người có quyền, có khả năng và có ảnh hưởng với ông tổng thống. Tuy nhiên họ vẫn phải đề phòng vì ông tổng thống thích "mặc cả" và có thể "mặc cả" trên đầu trên cổ mình. Dĩ nhiên là họ là những chiến lược gia nên họ phải biết và đề phòng chuyện đó.
Còn đối với Trung Quốc thì người Việt Nam vẫn phải cân bằng. Nếu mà họ muốn giữ chủ quyền thì bắt buộc họ phải cân bằng và trong số các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Âu Châu mà họ có thể lấy làm đối trọng thì nước quan trọng nhất và là đối trọng có khả tín với Trung Quốc là Mỹ. Việt Nam không thể nào bỏ chuyện đó được. Do đó, dù Trung Quốc có thích hay không thích thì Việt Nam cũng làm.
Nhưng có một điểm là trong một năm đầu tiên ông Trump lên làm tổng thống thì tạo ra tình hình bất ổn cố ở vùng đó vì người ta nghi ngờ chính sách của Mỹ. Và khi Mỹ bắt đầu lùi thì Trung Quốc "dấn" lên. Do đó, nhiều người sợ rằng ông Trump sẽ rút, nhất là chuyến đi vừa rồi của ông Trump sang Châu Á thì họ sợ Mỹ nhượng bộ Trung Quốc. Và nếu điều này xảy ra thì Việt Nam buộc phải thích ứng. Do đó, gần đây Mỹ mới cố gắng tăng cường để tạo ra cho mình uy tín và để người ta tin tưởng cam kết của mình. Đó là nguyên nhân mấy ông lãnh đạo quân sự đưa ra "lời tuyên bố cứng rắn" cũng như chuyến thăm của tàu Carl Vinson sang Việt Nam.
RFA : Xin cảm ơn giáo sư.
Mỹ Lan thực hiện
***********************
Chiến hạm Mỹ vào Biển Đông sẽ chọc giận Trung Quốc (VOA, 02/03/2018)
Các nhà quan sát nhận định rằng Trung Quốc sẽ giận dữ khi tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ USS Carl Vinson tiến vào vùng Biển Đông và thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam trong tuần sau.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng biển Manila, Philippines, ngày 17/2/2018.
Sau khi thăm cảng Manila của Philippines vào giữa tháng 2 vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Michael Murphy đang ở Biển Đông và sẽ cập cảng Đà Nẵng lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Trong một thông cáo, Hải quân Mỹ nói, nhóm tàu chiến do mẫu hạm Carl Vinson dẫn đầu cùng với 5.500 thành viên sẽ thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải và đảm bảo an ninh khu vực, cũng như thực hiện các hoạt động trao đổi khác với các đối tác đồng minh trong khu vực.
Một số nhà phân tích dự báo rằng Trung Quốc sẽ đáp lại chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ bằng cách tăng cường việc xây lắp các đảo nhân tạo và triển khai thêm máy bay chiến đấu.
Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể đưa thêm các máy bay chiến đấu đến quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Tamkang, Đài Loan, cho hay việc Trung Quốc duy trì máy bay chiến đấu sẽ ngốn rất nhiều chi phí.
Nhóm tàu hải quân do mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu sẽ thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia, cho biết USS
Tàu sân bay USS Carl Vinson là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ tới thăm cảng Việt Nam từ trước đến nay.
Việt Nam thường lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông. Trong một bình luận hôm 22/2, giáo sư Thayer nói thêm rằng Hà Nội ủng hộ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển này nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Các nước Đông Nam Á cũng như Đài Loan đều mong muốn Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện trong khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Giáo sư Huang nói thêm rằng : "Các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hầu như đều ủng hộ sự hiện diện của Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc".
Tuy nhiên, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đang hợp tác với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để gìn giữ hòa bình cũng như thắt chặt quan hệ kinh tế. Các nhà phân tích nói sự ủng hộ của các nước này đối với sự hiện diện của tàu USS Carl Vinson có thể không ồn ào, nhưng rất thú vị.
*********************
Việt Nam tham gia tập trận hải quân lớn có thể làm Trung Quốc bực bội (VOA, 02/03/2018)
Việt Nam sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân do Ấn Độ tổ chức vào tuần tới, một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc bực bội.
Tàu hải quân Ấn Độ trong một cuộc tập trận hồi 2010, gần cảng Chennai.
Ấn Độ sẽ tiếp đón lực lượng hải quân của ít nhất 16 quốc gia đến tham gia tập trận "trong bối cảnh thế quân sự của Trung Quốc đang ngày càng tăng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", hãng tin PTI của Ấn Độ cho hay.
Theo lời phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, Đại tá DK Sharma, 16 quốc gia bao gồm Việt Nam, Úc, Malaysia, Maldives, Mauritius, Myanmar, New Zealand, Oman, Thái Lan, Tanzania, Sri Lanka, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Kenya và Campuchia.
Tính cả các nước cử đại diện, cuộc tập trận có 23 nước tham gia.
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng cuộc tập trận lớn được tổ chức ở Ấn Độ Dương có nguy cơ "làm lan rộng căng thẳng Trung-Ấn từ trên bộ ra biển".
Cuộc tập trận dài 8 ngày mang tên "Milan" - được xem như là một bước đi vững chắc để thúc đẩy chiến lược phòng thủ chung mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - sẽ được tổ chức ở quần đảo Andaman và Nicobar ở đông Ấn Độ Dương từ ngày 6/3.
Cuộc tập trận hải quân hai năm một lần này đã được tiến hành 9 lần kể từ năm 1995.
Việc các lãnh đạo hải quân và đại diện các nước tham gia sẽ thảo luận các động thái quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông cũng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Các nhà phân tích cho rằng đây là sự kiện hiếm hoi, có lẽ là lần đầu tiên có nhiều lực lượng hải quân của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và những nơi xa xôi sẽ gặp nhau để cùng trau dồi kỹ năng ở Ấn Độ Dương ngày càng căng thẳng.
Sự kiện diễn ra giữa lúc có những suy đoán rằng vùng biển rộng lớn này có thể thay thế Biển Đông để trở thành điểm nóng tiếp theo khi Bắc Kinh ngày càng mạnh bạo và tìm cách thế hiện sức mạnh ở ngoài biên giới của Trung Quốc.
Một bài xã luận mới đây của Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc cho rằng trong năm 2018, lực lượng này nên tiến hành tập trận và tăng cường sự hiện diện của họ tại những nơi mà hải quân và không quân Trung Quốc hiếm khi có mặt trước đây.
Hải quân Trung Quốc lâu nay vẫn tổ chức tập trận ở Hoàng Hải và Đông Hải, nhưng theo bài xã luận, "dự kiến các tàu chiến Trung Quốc sẽ hiện diện nhiều hơn ở các nơi khác trên thế giới".
(Asia Times, Thời báo Ấn Độ)