Trung Quốc thừa nhận việc xây đảo để củng cố quốc phòng (RFA, 28/12/2017)
Mạng Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, vào ngày 24 tháng 12 tuyên bố rõ trong năm 2017 Bắc Kinh cho đẩy mạnh xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự trên những đảo ở Biển Đông. Thực tế đó diễn tiến khi mà căng thẳng về lãnh hải với các nước láng giềng có lắng xuống.
Tàu Trung Quốc trong cuộc diễn tập cấp cứu ở Biển Đông gần Tam Sa, tỉnh Hải Nam về phía nam của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 14 tháng bảy năm 2016. AFP PHOTO
Tổng diện tích của những dự án xây dựng mà Trung Quốc tiến hành trong năm 2017 tại Biển Đông là chừng 290 ngàn mét vuông. Con số thống kê này được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn từ báo cáo công khai trên trang mạng của hai đơn vị đồng điều hành gồm Cơ quan Thông Tin Và Dữ Liệu Hàng Hải Trung Quốc và Ấn bản Nước Ngoài của Nhân Dân Nhật Báo.
Theo từ trong báo cáo thì Trung Quốc ‘đã mở rộng một cách hợp lý’ tại khu vực Biển Đông. Mục đích nhằm tăng cường khả năng quốc phòng trong phạm vị chủ quyền và cải thiện cuộc sống cho cư dân trên các đảo.
Hoạt động xây dựng mở rộng còn gồm việc lập nên các kho trữ ngầm mới, các tòa nhà hành chánh, hệ thống radar lớn hơn. Một trong những điều được cho là thành tựu vượt bậc trong hoạt động xây dựng đảo tại Biển Đông được nêu lên là việc gia tăng các cơ sở dân sự trên các đảo. Mục đích là cải thiện năng lực dịch vụ công. Những người được đưa đến sống ở thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, thuộc Hoàng Sa sẽ có nguồn cung ứng điện ổn định hơn một khi hạ tầng điện hạt nhân nổi được đưa vào sử dụng trước năm 2020. Tại một số đảo, cơ quan chức năng còn lắp đặt phương tiện lọc nước biển thành nước ngọt để dùng.
Những đơn vị binh sĩ chuyên nghiệp được đưa đến đóng tại đảo nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.
***********************
Đài Loan ‘phòng thủ bên trong chuỗi đảo thứ hai’ (BBC, 28/12/2017)
Đài Loan thôi đưa tin 'tàu và máy bay Trung Quốc diễn tập hàng chục lần quanh đảo' để tập trung vào chiến lược phòng thủ mới.
Bộ quốc phòng Đài Loan đưa ra một bức ảnh chụp máy bay ném bom của Quân Giải phóng Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói họ sẽ ngưng việc đưa tin về các chuyến bay của phi cơ quân sự và các lần tàu chiến Trung Quốc lượn quanh đảo quốc bị Bắc Kinh coi là 'một tỉnh phản loạn'.
Trước đó, thông tin về những lần tàu chiến Trung Quốc lượn quanh đảo Đài Loan, và phi cơ quân sự của Quân Giải phóng bay quanh Đài Loan được thông báo liên tục.
Nhưng hôm 26/12/2017, Thiếu tướng Trần Trung Cát, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan nói nước này sẽ "không làm công việc tuyên truyền giúp cho Trung Quốc".
Đài Loan nay đưa ra chiến lược quốc phòng mới, thừa nhận khả năng phải đối mặt với 'chiến tranh bất cân xứng' với Trung Quốc.
Theo trang Taipei Times hôm 27/12, chiến lược mới về quốc phòng của Đài Loan nhấn mạnh đến đường lối toàn dân bảo vệ tổ quốc, và xác định Trung Quốc đang vươn sức mạnh quân sự ra bên ngoài của Chuỗi đảo thứ hai ở Thái Bình Dương.
Giới quân sự quốc tế nói Chuỗi đảo thứ nhất gồm Nhật Bản, đảo Đài Loan, và Chuỗi đảo thứ hai (second island chain), được tính từ đảo Bonin và đảo Volcano của Nhật Bản kéo xuống dãy đảo Mariana của Hoa Kỳ.
Vì Đài Loan nằm phía trong vành đai đảo này, như thế mặc nhiên bị coi là đã nằm ở phía sau của "tiền tuyến" mà Trung Quốc vươn ra, nên đảo quốc dân chủ phải tính đến cách phòng thủ mới.
Dữ liệu của quân đội Đài Loan cho thấy máy bay của Trung Quốc đã bay lượn tới 23 lần quanh đảo Đài Loan trong khoảng một năm qua.
Theo tài liệu vừa công bố, Đài Loan nay chấp nhận 'chiến tranh bất cân xứng' với Trung Quốc, và sẽ nhấn mạnh vào "phòng thủ mạnh và răn đe nhiều lớp" (strong defense and layered deterrence).
Học thuyết này không còn tính đến cách đối đầu toàn lực với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã "có khả năng mở các chiến dịch trên không và trên biển tầm xa".
Vì thế, Đài Loan cần "bảo toàn bộ chỉ huy, ngăn chặn tấn công mạng" và phát triển 'chiến lược cầm cự lâu dài'.
Về cơ bản, Đài Loan sẽ tìm mọi cách phát triển các biện pháp quân sự tự thân, và khiến kẻ thù gặp phải vô vàn vấn đề khi tấn công, theo tài liệu Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố.
Nói ngắn gọn thì, chiến lược chiến tranh bất cân xứng buộc Đài Loan tìm mọi cách để trong trường hợp sắp bị Trung Quốc tiến chiếm hoặc oanh kích, đảo quốc sẽ chứng tỏ khả năng gây thiệt hại lớn nhất có thể để kẻ thù e dè.
Về mặt kỹ thuật, Đài Loan sẽ tự phát triển 'phi đạn chính xác, hệ thống phản công điện tử, hỏa tiễn chống tăng tự tìm mục tiêu, tên lửa đất đối không cơ động xách tay, tàu chiến nhanh gọn đa chức năng, drone trên không và các đơn vị rải thủy lôi, theo báo cáo.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong một lần diễn tập tại Thái Bình Dương hồi 12/2016
Theo Taipei Times, từ tháng 8/2016 đến tháng 12 năm nay, Không quân và Hải quân Trung Quốc đã diễn tập, tuần tra 23 lần ngay sát lãnh hải Đài Loan, trong đó có hai lần dùng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Nay, Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ ngưng đưa tin về các vụ việc đó chừng nào chúng không gây đe dọa trực tiếp, Thiếu tướng Trần Trung Cát cho biết.
Vấn đề trước mắt và lâu dài với Đài Loan là triển khai nhanh chóng chiến lược phòng thủ mới được chính phủ Dân Tiến Đảng của Tổng thống Thái Anh Văn đề ra.