Chiến thắng tuyệt đối của thủ tướng Hun Sen trong kỳ bầu cử Quốc hội ngày 29/07/2018 vừa qua tiếp tục được các nhật báo Le Monde, Le Figaro, Les Echos quan tâm trong số ra ngày 31/07. Với 82% cử tri đi bầu cử, tỉ lệ cao hơn so với năm 2013 (69%), khiến ông Hun Sen còn hài lòng hơn về "tính chính đáng".
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đi bầu Quốc hội tại tỉnh Kandal, ngày 29/07/2018. Reuters/Darren Whiteside
Chiến thắng "hoàn toàn", "không bất ngờ", "không rủi ro", "yếu tố Trung Quốc" là những cụm từ được cả ba nhật báo Pháp đồng loạt sử dụng. Les Echos cho biết trên đường phố Phnom Penh, nhiều người tỏ ra bất lực về kết quả mang tính hình thức này : "Lại là ông ta, thật thất vọng !", "Cuộc sống sẽ khó khăn trong vòng 5 năm tới".
Trong suốt thời cử tranh cử, ông Hun Sen đã biết cách vận dụng tuyệt vời chính sách "cây gậy và củ cà rốt". Vẫn theo Les Echos, tại quốc gia vẫn chưa xóa được dấu vết tàn khốc của thời Khmer Đỏ, thủ tướng Hun Sen có thói quen phân phát tiền vào cuối mỗi buổi mít-tinh, đồng thời để cử tri gọi "Bác" Hun Sen một cách thân mật. Bên cạnh đó, ông cảnh cáo mọi ý đồ làm cách mạng vì dưới quyền của ông, cảnh sát sẵn sàng "ngăn chặn mọi hành vì khủng bố và gây xáo trộn chính trị", theo tuyên bố của cảnh sát trưởng Phnom Penh.
Trung Quốc chống lưng cho thủ tướng Hun Sen
Dù là quốc gia nhỏ bé với 16 triệu dân, nhưng Cam Bốt trở thành đồng minh thân cận và là quân cờ chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á, bác mọi nỗ lực của ASEAN trong việc phản đối Bắc Kinh bành trướng trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Chiến thắng tuyệt đối 125 ghế trong Quốc hội của đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của ông Hun Sen mang lại những tác động nào là câu hỏi được nhật báo Le Monde nêu trong bài : "Chế độ Hun Sen dùng Trung Quốc chống lại Liên Hiệp Châu Âu".
Ảnh hưởng ngày càng lớn, theo hướng chuyên quyền, của thủ tướng Hun Sen đã khiến Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu bất bình. Le Monde nhắc lại phương Tây vẫn chưa nguôi được việc ông Hun Sen ngang nhiên giải thể đảng đối lập chính duy nhất, bỏ tù lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc, cho mua lại hoặc đóng cửa các tờ báo độc lập, bịt miệng những tiếng nói phản đối và gạt khỏi chính trường các nhà đối lập.
Trung Quốc thì khác. Không cần quan tâm đến dân chủ của nước đối tác vì "không can thiệp vào công việc nội bộ" đã tranh thủ cơ hội để đẩy chế độ Hun Sen thêm chuyên quyền. Từ 5 năm nay, Bắc Kinh đầu tư vào Cam Bốt khoảng 4,6 tỉ đô la.
Phương Tây buộc phải có những phản ứng tương xứng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Cam Bốt. Tuần trước, phòng đại diện Mỹ đã đề xuất liệt vào danh sách đen thủ tướng Hun Sen cùng với phần lớn thành viên trong chính phủ. Từ giờ, những người này bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Mỹ.
Phía Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định không cử quan sát viên đến cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật. Ngoài ra, Bruxelles cũng rút trợ cấp tài chính được thông qua trước đó để giúp Cam Bốt hiện đại hóa tiến trình bầu cử. Nhưng Phnom Penh không phải lo lắng lâu vì Trung Quốc quyết định tài trợ cho 20 triệu đô la để trang bị các phòng phiếu và thiết bị cần thiết.
Bruxelles dỡ bỏ quy chế miễn thuế hàng hóa Cam Bốt để trừng phạt ?
Một phái đoàn của Bruxelles đã đến Cam Bốt, nhưng vấn đề ở chỗ liệu Liên Hiệp Châu Âu sẽ phản ứng cứng rắn đến đâu, hay chí ít là một phần nào đó, ví dụ như xem xét lại việc không đánh thuế hàng nhập khẩu Cam Bốt. Là nước Châu Á thứ hai, cùng với Bangladesh được miễn thuế, Cam Bốt đã xuất sang Châu Âu 5 tỉ euro hàng hóa vào năm 2017, trong đó chỉ tính riêng ngành may mặc đã chiếm 3,76 tỉ euro. Khoản tiền này bỏ xa tổng đầu tư của Trung Quốc vào Cam Bốt.
Được Trung Quốc chống lưng, liệu ông Hun Sen đang coi thường phương Tây ? Câu trả lời được giải đáp một phần qua phát biểu của ông Sok Eysan, phát ngôn viên của đảng Nhân Dân Cam Bốt : "Chúng ta quá phụ thuộc vào Trung Quốc ư ? Châu Âu không đủ tư cách để chỉ trích điều này nếu nhìn vào quy mô trao đổi thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. Cam Bốt không để cho nước ngoài áp đặt mô hình dân chủ và lựa chọn địa chính trị. Ngoài ra, chúng ta vẫn có sự ủng hộ của Châu Âu, như Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc, Slovakia…".
Bỏ quy chế miễn thuế đối với hàng dệt may Cam Bốt, các doanh nghiệp Trung Quốc có xưởng may tại đây, sẽ bị tác động trước tiên. Với mức thuế mới, các nhà xuất khẩu ở Cam Bốt sẽ phải trả 676 triệu đô la mỗi năm. Đây là nội dung một ghi chép của bộ Thương Mại Cam Bốt, bị lộ vào tháng 12/2017, vài ngày trước khi thủ tướng Hun Sen quyết "đoạn tuyệt" với Châu Âu vì, theo phát biểu của ông, không muốn trở thành "một con chó chỉ thi hành vì mẩu xương hay miếng thịt". Vấn đề ở chỗ ngành dệt may Cam Bốt sử dụng 850.000 công nhân, 2/3 dân số dưới 30 tuổi, hậu quả xã hội có thể đáng lo ngại. Sau khi đã thu được sức mạnh chưa từng có, liệu từ giờ thủ tướng có thể nới lỏng một chút "bàn tay sắt" với đất nước ?
Trung Quốc đưa các nhà đấu tranh lên truyền hình thú tội
"Trung Quốc sử dụng hình thức "thú tội" trên truyền hình" là một chủ đề thời sự Châu Á khác được nhật báo Le Figaro quan tâm. Đây là báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders, trong đó, việc dàn dựng "thú tội" và sự đồng lõa của truyền thông Trung Quốc cũng bị lên án.
Le Figaro nhắc lại trường hợp của luật sư nhân quyền Vương Vũ (Wang Yu), từng lên truyền hình "lên án hành động" của những người bắt cóc con trai bà, trên thực tế là các nhà hoạt động giúp con trai bà trốn sang Miến Điện bằng xe máy, là "bất hợp pháp, nguy hiểm". Trong đoạn video thứ hai, bà tuyên bố bỏ nghề luật sư, từ chối một giải thưởng quốc tế và lên án các thế lực nước ngoài lạm dụng bà để làm mất tín nhiệm chính phủ Trung Quốc. Theo các nhà đấu tranh, đây không phải là những lời thật tâm của luật sư Vương Vũ. Bà bị ép để con trai có thể được thả và bà cũng nhanh được trả tự do.
Hiện tượng tự thú này tăng nhanh chóng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Tổ chức Safeguard Defenders thống kê 45 trường hợp từ tháng 07/2013 đến tháng 02/2018, trong đó đến 60% là những người làm trong các ngành truyền thông hoặc các nhà bảo vệ nhân quyền.
Đồng lõa với hành động này là đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và hai cơ quan truyền thông Hồng Kông là Phoenix TV và nhật báo South China Morning Post.
Các nhân chứng được Safeguard Defenders phỏng vấn cho biết bị ép đọc một văn bản được viết sẵn, không có luật sư bào chữa, thậm chí bị thẩm vấn thường xuyên vào nửa đêm, bị ngược đãi…
Vẫn theo báo cáo của Safeguard Defenders, những lời thú tội này được chính quyền Bắc Kinh sử dụng như công cụ tuyên truyền trên quy mô quốc gia và quốc tế và thường được tung ra vào thời điểm trấn áp, ngăn "tin đồn" lan tỏa…
Sông Mêkông : Cao tốc đường sông bị khai thác quá tải
Trở lại sự kiện vỡ đập thủy điện Xe-Namnoy tại Lào, nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét đây là một bằng chứng cho thấy những hậu quả tai hại của việc khai thác không ngừng nguồn tài nguyên nước.
Vài ngày sau thảm kịch, chính quyền Lào vẫn tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Lý do chính là các đập thủy điện là nguồn tài chính quan trọng của nước này với mục tiêu là khai thác lưu vực dòng sông chiếm đến 97% diện tích đất nước để cung cấp điện cho các nước ASEAN.
Vỡ đập thủy điện tại Lào, "Thêm một bài học nhắc lại với chúng ta rằng thủy điện vẫn là một lựa chọn đầy rủi ro", là lời cảnh báo trên Twitter của ông Marc Goichot, phụ trách các vấn đề môi trường quanh vùng Mê Kông của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).
Một số nhà quan sát cho rằng các dự án thủy điện, thường do các tập đoàn Trung Quốc và Hàn Quốc tài trợ, coi thường vấn đề an toàn và cách sống của người dân địa phương. Còn một số chuyên gia khác thì lấy làm tiếc về việc xây dựng thiếu thận trọng hàng loạt đập thủy điện dọc dòng sông, gây ra nhiều hệ lụy như thay đổi lưu lượng nước, làm sụt giảm nguồn cá, như vậy tác động đến nguồn sống của ngư dân Việt Nam sống ở đồng bằng sông Cửu Long (hạ lưu sông Mêkông), đe dọa nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ Pháp bị bỏ phiếu bất tín nhiệm vì vụ Benalla
Trở lại vụ Benalla, hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Pháp đồng loạt được cánh tả và cánh hữu đệ trình lên Quốc hội. Ngày 31/07/2018, cả hai kiến nghị này sẽ được thảo luận, để "trừng phạt chính phủ, nhưng không bị tác động vì chiếm đa số", theo thông tin của Libération.
Với Le Figaro, "đây là sự kiện chính trị gần như chưa từng có", kể từ năm 1980. Dù chính phủ sẽ không phải từ chức vì đảng LREM chiếm đa số ở Quốc hội, nhưng sự kiện này cho phép các phe đối lập, bị lép vế từ khi ông Macron đắc cử tổng thống, ngẩng cao đầu. Nhưng đây cũng là cơ hội để phe chiếm đa số tại Nghị Viện chỉnh đốn hàng ngũ, vững tâm hơn nhờ vào độ tín nhiệm được tăng thêm của tổng thống Pháp.
Nhật báo Le Monde cho rằng tổng thống "Macron muốn rút bài học từ cuộc khủng hoảng". Từ chính phủ đến Quốc hội, vụ Benalla cho thấy những yếu kém trong hệ thống được áp dụng từ một năm nay. Với Les Echos, "vụ Benalla là vòng đối đầu cuối cùng ở Quốc hội trước kỳ nghỉ hè".
"Nhiệm vụ bất khả thi : Sụp đổ" khởi chiếu ở Pháp
Trong "Nhiệm vụ bất khả thi, Tom Cruise vinh danh Paris" là chủ đề được Le Figaro đưa trên trang nhất vì một phần lớn của tập phim được quay tại Paris vào năm 2017, khi thủ đô của Pháp còn đề tang loạt khủng bố. Tập 6 của loạt phim ra mắt công chúng Pháp ngày 01/08/2018.
Paris hiện lên rõ nét trong phim của Tom Cruise. Với 8 tháng quay kể từ tháng 07/2017 tại Paris, tuyển 300 kỹ thuật viên người Pháp và chi 25 triệu euro tại chỗ, Nhiệm vụ bất khả thi : Sụp đổ là một bộ phim đặc biệt đối với Paris. "Với Tom Cruise, sau các vụ khủng bố, quay phim ở đây (Paris) là một hành động chính trị", theo giải thích của ông Raphael Benoliel, nhà sản xuất phim người Pháp tin tưởng của diễn viên nổi tiếng người Mỹ.
Tòa Đô chính và Sở Cảnh sát Paris đã tạo điều kiện cho các cảnh quay thật nhất có thể, như cho phép bay trên bầu trời Paris… Sau thành công của Nhiệm vụ bất khả thi, Paris cũng hy vọng thu hút được thêm các đạo diễn nước ngoài đến quay phim ở Kinh đô Ánh sáng.
Trang nhất các nhật báo
Thời sự Pháp chiếm phần lớn trên trang nhất của các nhật báo Pháp. Nổi bật vẫn là vụ Benalla với sự kiện liên minh đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. "Phe đối lập tổng phản công" là tựa lớn trên trang nhất của Le Figaro. Libération nhái phát biểu của tổng thống Pháp "Họ đến mà kiểm duyệt tôi" để nói về cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ ở Quốc hội.
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc "Các doanh nghiệp hào phóng hơn về mức lương trong năm 2018". Le Monde quan tâm đến vấn đề chăm sóc y tế "Bệnh viện : Sự lột xác của bộ phận cấp cứu".
"Airbnb, kẻ khuấy động ngành du lịch" là chủ đề trên trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Trong vòng 10 năm, Airbnb trở thành nhân tố mang quy mô toàn cầu của ngành du lịch.
Thu Hằng
Bốn hôm sau vụ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ, nhấn chìm các làng hạ lưu ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu trong biển nước, khiến hàng trăm người mất tích, cư dân những nơi bị nạn vào hôm nay 27/07/2018, đã phẫn nộ cáo buộc chính quyền Lào cố tình giảm thiểu số người bị chết do sự cố.
Lào : Một cảnh lụt ở Attapeu sau khi đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ. Ảnh 26/07/2018. Reuters/Soe Zeya Tu
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, một đoạn video cho thấy cảnh giải cứu một đứa trẻ và gia đình đang tránh lụt trên một ngọn cây, chung quanh toàn là nước bùn, đã khiến mạng internet dậy sóng.
Chính quyền vẫn duy trì con số 27 người chết vì lũ lụt, bất kể việc thoạt đầu đã chính thức loan báo sự kiện có « hàng trăm người mất tích » sau thảm họa vỡ đập Xe Namnoy. Thế nhưng, căn cứ vào khối lượng hàng tỷ tấn nước từ tối thứ hai 23/07 vừa qua đã tràn xuống vùng hạ lưu con đập, nhấn chìm nhiều ngôi làng đến tận nước Cam Bốt lân cận, với hàng nghìn cư dân phải sơ tán, các phát biểu nghi ngờ tính chính xác của số liệu nạn nhân do chính quyền đưa ra càng lúc càng nhiều.
Trả lời câu hỏi của hãng AFP, một người dân ở làng May, xin giấu tên, đã cho rằng : « Không thể chỉ có 27 người chết, chắc chắn là phải có ít nhất 100 người thiệt mạng. Riêng trong làng của chúng tôi, đã có rất nhiều người bị mất tích vì lũ lụt. Không thấy tăm hơi họ đâu cả ».
Một nhóm phóng viên AFP đã cố gắng đến ngôi làng bị lụt vào hôm nay, 27/07/2018, nhưng đã bị chính quyền ngăn chặn, với lý do là chỉ có quân đội được quyền vào khu vực bị nạn mà thôi.
Một cư dân khác đã cho biết là nước đã dâng lên nhanh chóng đến mức nhiều người bất ngờ bị nước cuốn đi khi đang ngủ : « Nước dâng lên quá nhanh, cuốn đi mọi thứ, và không phải ai cũng chạy kịp » để thoát thân. Trong khi đó thì chính quyền Lào lại loan báo một việc xả nước thông thường.
Trong nhiều ngày qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Lào đã liên tục giảm thiểu con số nạn nhân do các phương tiên truyền thông ngoại quốc đưa ra.
Lãnh đạo vùng bị nạn là ông Leth Xaiaphone, vào hôm nay khẳng định với báo chí rằng con số « khoảng một trăm người mất tích » cho thấy là chính quyền đã nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng chính quyền chỉ có vài tiếng đồng hồ để thông báo cho dân làng về nguy cơ lũ lụt, tức là vào buổi chiều khi đập bị vỡ, cho đến buổi tối, khi lũ bắt đầu.
Một người dân ở làng Man xác nhận với AFP rằng ông chỉ được trưởng làng thông báo về lũ lut một tiếng đồng hồ trước, và gia đình ông chỉ còn nước leo lên mái nhà để tránh lũ, và phải chờ năm ngày mới được thuyền của chính phủ đến sơ tán.
Trong các ngôi làng được AFP ghé thăm vào hôm nay, 27/07, có rất nhiều người bị đói phải xin ăn, trong khi hàng cứu trợ từ Việt Nam và Thái Lan đang được chuyển đến nay, nhưng một cách lộn xộn.
Trọng Nghĩa
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 27/07/2018, hoan nghênh nỗ lực của chính quyền để « tiêu diệt những kẻ phản bội », nhân một cuộc tập hợp cử tri quy mô, hai ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội bị đối lập kêu gọi tẩy chay.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (áo xanh) trong cuộc mít tinh tranh cử cuối cùng ngày 27/07/2018. Reuters/Darren Whiteside
Trước khoảng mấy chục ngàn người ủng hộ tại Phnom Penh sáng sớm hôm nay, ông Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, tuyên bố : « Mới đây chúng ta đã có những biện pháp theo luật định nhằm tiêu diệt những kẻ phản bội mưu toan lật đổ chính quyền, và một lần nữa đưa đất nước lâm vào cảnh chiến tranh ».
Không khí đang căng thẳng tại Cam Bốt trước cuộc bầu cử Chủ nhật tới. Trên 80.000 cảnh sát được huy động để sẵn sàng « chặn đứng các hành động khủng bố và gây hỗn loạn ». Đối lập hầu như không có tiếng nói : Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) đã bị giải thể cuối năm 2017 và chủ tịch đảng Kem Sokha bị bỏ tù, nhiều nhân vật đối lập phải lưu vong. Về mặt chính thức, có 20 chính đảng tranh cử, nhưng tất cả đều trung thành với chính quyền.
Các nhà đấu tranh nhân quyền cáo buộc thủ tướng Hun Sen muốn tại vị bằng mọi giá. Hoa Kỳ và Châu Âu hủy bỏ việc hỗ trợ tổ chức bầu cử, ngược lại Trung Quốc và Ấn Độ cử quan sát viên đến Cam Bốt.
Ông Hun Sen nhấn mạnh : « Những ai chống lại bầu cử là những kẻ phá hoại quốc gia và nền dân chủ, không thể tha thứ được. Ai không đi bầu là cố tình hủy hoại dân chủ, với sự hỗ trợ của một nhóm bất hợp pháp ở nước ngoài ». Ông so sánh Cam Bốt với Pakistan cũng vừa tổ chức bầu cử, nói rằng sự khác biệt là ở chỗ « ở đây chúng ta không có bạo động lẫn khủng bố ».
AFP ghi nhận, thủ tướng Hun Sen thường có những tuyên bố gây sốc, như hứa hẹn « địa ngục » cho phe đối lập, bảo họ « chuẩn bị quan tài » nếu chống đối. Ông cũng khẳng định muốn tiếp tục nắm quyền « thêm hai nhiệm kỳ nữa ».
Thụy My