Cam Bốt ngưng tìm kiếm thi hài lính Mỹ (RFI, 15/09/2017)
Phnom Penh thông báo ngưng hợp tác tìm kiếm xác quân nhân Mỹ mất tích tại Cam Bốt trong chiến tranh Việt Nam để trả đũa việc Washington không cấp visa cho công chức cao cấp trong chính quyền Hun Sen.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khiêu khích Mỹ ?Reuters
Đích thân thủ tướng Hun Sen ngày 15/09/2017 thông báo Cam Bốt "tạm ngưng chương trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích" thời chiến tranh Việt Nam, gồm khoảng 90 người.
Tuy nhiên, theo AFP, sau lời tuyên bố "bài Mỹ" có tính biểu tượng này, ông Hun Sen cam kết với Washington là sẽ "có hành động thiện chí" trong hồ sơ nhận lại công dân Cam Bốt bị Mỹ trục xuất.
Khủng hoảng trong quan hệ Washington - Phnom Penh phát sinh từ tuần trước, khi Hoa Kỳ quyết định không cấp một số loại visa nhập cảnh cho công chức cao cấp Cam Bốt để trả đũa chính quyền này từ chối nhận lại công dân phạm pháp bị trục xuất về nước.
Khoảng 500 người Cam Bốt phạm tội hình sự đã bị trục xuất. Đây là con cái của những người tị nạn thời Khmer Đỏ định cư tại Hoa Kỳ nhưng không có quốc tịch Mỹ.
Cũng theo phân tích của AFP, gần đến bầu cử 2018, quan hệ Mỹ-Cam Bốt càng căng thẳng. Lo ngại bị một cuộc cách mạng "màu sắc" do Mỹ hậu thuẫn, thủ tướng Hun Sen đã bỏ tù lãnh đạo đối lập Kem Sokha với tội danh "làm gián điệp" cho Mỹ.
Tú Anh
***********************
Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt (RFI, 13/09/2017)
Vào lúc chính quyền Cam Bốt và thủ tướng Hun Sen càng lúc càng không ngần ngại lên tiếng đả kích Hoa Kỳ một cách dữ dội hơn, giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp của việc tiền bạc của Trung Quốc ngày càng đổ vào xứ Chùa Tháp nhiều hơn, trong những công trình được dễ dàng trông thấy, trong lúc viện trợ của Mỹ dù quan trọng nhưng lại không thấy đâu.
Sứ quán Mỹ tại Cam Bốt đăng trên trang web hình một con cá trích đỏ "red herring", ngụ ý phản đối cáo buộc ủng hộ tạo phản chính quyền Hun Sen. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. Reuters/Samrang Pring
Trong một bài phân tích ngày 13/09/2017, hãng tin Anh Reuters ghi nhận sự cố mới nhất trong quan hệ Mỹ-Cam Bốt, với việc Phnom Penh tố cáo sứ quán Mỹ tại Cam Bốt là đã âm mưu tạo phản cùng với một lãnh đạo đối lập bị chính quyền Hun Sen bắt giam.
Bị cáo buộc, đại sứ quán Mỹ đã cho công bố trên trang web của mình hình một con cá trích đỏ, tiếng Anh là "red herring", một từ ngữ hàm nghĩa hành động đánh lạc hướng dư luận.
Tiếp theo đó, từ thứ Hai 11/09, đã xuất hiện một số bài viết cụ thể, cho thấy rõ là viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Cam Bốt đã giúp nước này bảo vệ được đền đài và rừng cây của mình.
Các bài viết cũng cố nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa viện trợ từ Hoa Kỳ và viện trợ từ Trung Quốc, một khoản hỗ trợ mạnh mẽ đã góp phần giúp cho thủ tướng Hun Sen dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích ông về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông là Kem Sokha.
Theo hãng Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.
Các số liệu mới nhất về viện trợ cho phát triển tại Cam Bốt cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho Cam Bốt cho năm 2016 - gần gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch thậm chí còn cao hơn trong lãnh vực đầu tư. Trung Quốc đã cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Cam Bốt vào năm 2016, trong lúc đầu tư Mỹ chỉ khoảng hơn 3%.
Trái với Trung Quốc, viện trợ của Mỹ hướng nhiều hơn vào các dự án xã hội và cố gắng xây dựng một nền dân chủ - điều mà Hun Sen, nắm quyền tại Cam Bốt từ hơn 30 năm nay không hề mong muốn chút nào.
Một chi tiết cụ thể phản ánh thái độ coi thường Mỹ của chính quyền Phnom Penh : Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt ông Phay Siphan đã xác định với Reuters rằng "Nhận viện trợ Mỹ không có nghĩa là người Mỹ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của họ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ". Cùng lúc nhân vật này đã khen ngợi Bắc Kinh : "Trung Quốc luôn ủng hộ chúng tôi trong tăng trưởng kinh tế và họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi".
Nhân một chuyến viếng thăm Cam Bốt gần đây, Vương Gia Thụy, phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, một lãnh đạo có vai vế tại Bắc Kinh, đã khẳng định rằng : "Để đảm bảo an ninh cho Cam Bốt, Trung Quốc sẽ hợp tác với Cam Bốt trong mọi tình huống".
Theo Reuters, trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh không phải là hoàn toàn vô vị lợi. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dựa vào Cam Bốt trong các cuộc họp của khu vực Đông Nam Á để đáp lại các chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Còn ngay tại Cam Bốt, quân đội Trung Quốc cũng đã giành được được một chỗ đứng chiến lược.
Tóm lại, ảnh hưởng Trung Quốc đối với Cam Bốt gia tăng nhờ chi viện to lớn, đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ. Tương lai được cho là còn tệ hại hơn đối với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump lại muốn cắt giảm 70% hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cam Bốt kể từ năm 2018.
Trọng Nghĩa
Tân Hoa Xã hôm 13/9 đưa tin ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu thăm chính thức Việt Nam và Campuchia từ 18 đến 21/9.
Ông Lưu Vân Sơn, quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, ở Bắc Kinh (4/2017)
Tin cho hay chuyến thăm được thực hiện sau khi ông Lưu nhận lời mời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia. Bản tin Tân Hoa Xã không nói mục đích và nghị trình của chuyến thăm.
Theo thông tin trên báo chí Việt Nam, lần gần đây nhất ông Lưu chủ trì một cuộc gặp với các đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam là hồi tháng 4 năm nay.
Hôm 12/4, tại Bắc Kinh, ông Lưu tiếp một đoàn của báo Nhân Dân do ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu.
Tại buổi tiếp, ông Lưu nhấn mạnh với ông Thuận Hữu nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc và báo Nhân Dân của Việt Nam là "bộ phận quan trọng trong hợp tác hai đảng". Ông Lưu nói thêm hai bên cần thúc đẩy trao đổi đoàn và giao lưu sâu rộng giữa hai tờ báo nói riêng, báo chí hai nước nói chung "góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển".
Tường thuật của báo Nhân Dân cho hay ông Thuận Hữu bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác, tổ chức cho phóng viên hai nước tham quan, tìm hiểu các địa phương "nhằm tuyên truyền sâu rộng, tích cực về thành tựu phát triển của mỗi nước, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển".
Trước đó, hồi cuối năm 2016, ông Lưu Vân Sơn đã tiếp tại Bắc Kinh một đoàn đại biểu khác của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, ông Phạm Minh Chính khẳng định "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc".
Đáp lại, ông Lưu bày tỏ "mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối chiến lược, đẩy mạnh giao lưu nhân văn, kiểm soát tốt bất đồng, nhằm thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới".
Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong gần 3 thập niên trở lại đây. Hai nước gần đây gia tăng những phát biểu chính thức đối chọi nhau về vấn đề này, ít nhất ở cấp người phát ngôn bộ ngoại giao.