Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan điểm về ‘bản sao Angkor Wat’ ở Đà Nẵng mà Campuchia đòi điều tra

RFA, 07/02/2022

Theo Báo Khmer Times của Campuchia hôm 7/2/2022, sau khi thông tin ‘bản sao’ Angkor Wat trong công viên giải trí ở Đà Nẵng của Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội ở Campuchia... người phát ngôn Bộ Văn hóa và Mỹ thuật nước này là Long Buna Sereivath cho biết đang điều tra vấn đề này và thu thập đủ thông tin trước khi bắt đầu thảo luận với Việt Nam.

miennam1

Phiên bản Angkor Wat ở Công viên giải trí Đà Nẵng - Huỳnh Hằng

Ông Long Buna cho Khmer Times biết thêm : "Chúng tôi đã yêu cầu Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam đi thực địa và điều tra xem ngôi đền có được xây dựng như bản sao chính xác của Angkor Wat hay không và sẽ đệ trình một báo cáo chi tiết về việc này".

Theo ông Long Buna, Việt Nam chưa bao giờ thông báo với Campuchia về ý định xây dựng một bản sao của đền Angkor Wat hoặc thảo luận với họ trước khi công trình bắt đầu xây dựng.

Trên mạng xã hội phổ biến tại xứ chùa tháp, ngoài một số ý kiến phản đối, cũng có nhiều người Campuchia cho rằng không nên phản ứng thái quá về việc này :

"Công viên chủ đề mang tên Asia Park ở thành phố Đà Nẵng nên họ sao chép các địa danh ở nhiều nước Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Campuchia ... nên đừng phản ứng thái quá về điều này. Không ai đánh cắp Angkor Wat của Campuchia. Mọi người đều biết nó là của Campuchia".

"Họ sao chép để thu hút khách du lịch có tiền xem Angkor Wat giả, khách du lịch muốn xem đền thật cho dù nó có bị hư hại... Đừng lo lắng, người dân Campuchia vẫn đến xem đền thật".

"Hãy truyền bá tình yêu văn hóa và di sản của chúng ta, tôi không thấy có gì sai cả. Giống như chúng tôi đang cố gắng mang những nền văn hóa khác nhau đến với xã hội của chúng ta ngày nay".

Khu ‘bản sao’ Angkor Wat mà báo chí Campuchia nói đến nằm trong khuôn viên của Sun World Danang Wonders tại số 01 Phan Đăng Lưu, Quận Hải Châu, Đà Nẵng. Nó được mô phỏng theo kiến trúc của đền Angkor Wat, khu di tích lịch sử - văn hóa ở Campuchia, một trong những kỳ quan của thế giới.

Toàn bộ quần thể kiến trúc mô phỏng đền Angkor Wat gồm tháp, những bức phù điêu, hành lang làm từ đá tảng, xếp chồng lên nhau với tượng Phật, vũ nữ, chiến binh và những hình hoa sen... Khu du lịch Sun World Danang Wonders đã hoạt động nhiều năm qua. Tuy nhiên đền Angkor Wat ‘phiên bản Việt Nam’ hiện đã bỏ hoang và bị rào lại.

Chị Huỳnh Hằng, một cư dân Đà Nẵng, người đã đến công trình mô phỏng Angkor Wat ở Đà Nẵng, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 7/2 :

"Việt Nam bây giờ rất lộn xộn về mọi thứ, họ không hề có kiến thức và ý thức về tác quyền, họ xây dựng để muốn khác lạ và thu tiền vé tham quan của người dân. Cái chính là cần giáo dục cho họ biết họ đã sai. Vụ này Campuchia làm mạnh tay cũng tốt, trả lại sự đàng hoàng khái niệm trong kiến trúc. Chị thì không ủng hộ bởi mỗi nước sẽ có những bản sắc riêng hoặc ý tưởng hay không cần vay mượn, hơn nữa các đền thờ Angkor vốn rất thiêng liêng với người dân Campuchia. Hiện công trình đã bị bỏ hoang, rào rất kỹ và người dân Đà Nẵng ít ai biết. Công trình được xây bằng đá rất đẹp và công phu".

miennam2

Đền Angkor Wat tại tỉnh Siem Reap, Campuchia hôm 29 tháng 11 năm 2020. AFP.

Ông Long Kosal, phát ngôn viên của Cơ quan Apsara, khi trả lời Khmer Times cho biết đang thu thập thông tin về cấu trúc được xây dựng tại Việt Nam và một khi họ có đủ bằng chứng, sẽ trình lên tất cả các bộ và cơ quan liên quan.

Ông Kosal nói thêm : "Theo video chúng tôi đã xem về Đà Nẵng ở Việt Nam, một số bộ phận trông giống với Đền Ta Prohm, cổng Angkor Wat và Đền Banteay Chhmar…"

Liệu có thể có tranh chấp pháp lý giữa Việt Nam và Campuchia liên quan vấn đề này ? Luật gia Phạm Công Út khi trả lời RFA hôm 7/2 cho biết về những quy định pháp luật liên quan vấn đề tranh chấp tác quyền khi xây dựng công trình Angkor Wat mô phỏng :

"Nó còn tùy kiện ai. Thứ nhất là Chính phủ Việt Nam, thứ hai là cơ quan tổ chức nằm trong Việt Nam, thứ ba là cá nhân của Việt Nam. Nhưng vậy tùy chủ thể nào bị kiện, ví dụ Chính phủ Việt Nam thì thông qua trọng tài quốc tế, còn cá nhân hay pháp nhân thì kiện tại VN. Theo luật thì bảo hộ quyền tác phẩm, tác giả có hiệu lực 50 năm, nhưng Angkor Wat đã có hàng ngàn năm nên không còn quyền tác giả, tác phẩm. Do thời hiệu không còn nên kiện thì bất kỳ tòa nào cũng sẽ từ chối. Vì dụ tháp Eiffel, một biểu tượng quốc gia của Pháp… thì nhiều nước cũng nhái theo làm trong các khu vui chơi nhưng Pháp không kiện vì hết thời thiệu. Cổng Khải Hoàn Môn của Pháp cũng vậy".

Do đó theo Luật gia Phạm Công Út, Angkor Wat mà bất kỳ quốc gia nào hay Việt Nam làm thì Campuchia cũng không thể kiện theo luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thạc sĩ Hoàng Việt – Giảng viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả RFA hôm 7/2 cũng cho rằng việc này đã có tiền lệ và có thể sẽ không ảnh hưởng gì :

"Thật ra trên thế giới có nhiều tiền lệ rồi, thứ nhất là Angkor Wat thì người ta nhái lại cũng không ảnh hưởng bản quyền đó. Vì chúng ta đã thấy tiền lệ ví dụ như Las Vegas họ có xây Kim Tự Tháp ở đó. Hay Trung Quốc có xây Trung Hoa Cẩm Tú… họ xây mô phỏng thu nhỏ tất cả di tích, kỳ quan trên thế giới… Tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì, có lẽ phải coi thêm nhưng trước đây nhiều quốc gia không có vấn đề gì trong chuyện này. Tôi sẽ nghiên cứu thêm nhưng Campuchia thì thường có những tuyên bố mang tính chính trị nhiều hơn".

Tại nhiều địa phương của Việt Nam, rất nhiều khu du lịch xây dựng các mô hình mô phỏng các kỳ qua thế giới như Angkor Wat, Tượng Nữ Thần Tự Do, Tháp Eiffel… Liệu việc xây dựng các công trình mô phỏng có hiệu quả trong việc thu hút du lịch ?

RFA hôm 7/2 liên lạc ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công Ty Lửa Việt Tour, và được ông cho biết ý kiến :

"Với quan điểm cá nhân thì theo tôi là không nên, vì cái gì mô phỏng thì không bao giờ bằng thật được. Vì nó không chỉ cần giống nhau đơn thuần về chất liệu, kiểu dáng mà còn phải là thời gian, đặc biệt là cái hồn của nó, nhất là các công trình tầm cỡ thế giới. Giờ mình ung kỹ thuật hiện đại tái tạo cho giống thì theo tôi bắt chước một cách máy móc không bao giờ đạt chuẩn về văn hóa và tôi không khuyến khích. Theo tôi, mình có thể học tập thiên hạ để sách tạo, văn hóa Việt Nam có kiến trúc rất riêng. Còn làm công trình kiến trúc đó để câu khách câu view thì cũng chỉ đáp ứng được một lượng khách nội địa nhất định thích selfie, thích hào nhoáng kiểu check-in… mới tìm đến cái giả, chứ khách nước ngoài họ tìm cái thật chứ rất ghét cái giả tạo và người ta đi tìm đến điểm thật chứ ai đi điểm giả như thế".

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, các nước văn minh không ai bắt chước như thế cả. Việt Nam dù không có công trình tầm cỡ, nhưng cũng có kiến trúc đặc thù riêng gắn với lịch sử, văn hóa, cốt cách của người Việt. Ông Mỹ cho rằng, du lịch là nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm, nhưng phải gắng với ngon, đẹp tùy theo khẩu vị, quan điểm của mỗi người nhưng phải lạ không đâu có... Vì theo ông Mỹ, nếu đi du lịch mà chỗ nào cũng giống nhau thì người ta ở nhà cho sướng.

******************

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm do thủy điện Trung Quốc hạn chế xả nước

RFA, 07/02/2022

Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm vào đầu mùa khô 2021-2022 do các đập thủy điện ở Trung Quốc hạn chế xả nước khiền dòng chảy về khu vực này bị giảm mạnh.

miennam3

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo mặn xâm nhập sớm vào mùa khô 2021-2022 - AFP

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Viện thủy lợi) đã thông báo tin trên trong bản tin dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long) và truyền thông Nhà nước đăng tải trong ngày 7/2.

Viện Thủy lợi cho rằng các hồ chứa ở Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện là một trong những nguyên nhân chính khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm.

Cụ thể, tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ ngày 23/1 đến nay chỉ trên dưới 700 m3/giây, tương đương một tổ máy phát điện.

Viện cũng đưa ra nhận định thời gian tới, các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó, dòng chảy còn giảm nhanh.

Với tình hình đó, theo Viện thủy lợi, trong mùa khô dòng chảy phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn và có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Do đó, Viện khoa học thủy lợi miền Nam dự báo tháng 2 và 3/2022, mặn với nồng độ 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu 50-65 km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước đối với vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, tức phần đất thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Đối với vùng ven biển, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập sâu 50-65 km, cho nên, cần tăng cường giám sát mặn.

Mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú-Tiếp Nhật.

Giáo sư Võ Tòng Xuân-Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định với truyền thông rằng xâm nhập mặn là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu và tác động từ phía thượng nguồn. Do đó, ông cho rằng nếu không có quyền bắt Trung Quốc phải xả nước thì Việt Nam phải biết sử dụng nước ngọt theo cách thông minh hơn để giảm nguy cơ bị hạn mặn xâm nhập.

Năm ngoái, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã thông báo mực nước sông Mekong đang thấp ở mức "đáng lo ngại", một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn.

Qua đó, MRC cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy.

Được biết, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Các chuyên gia môi trường từng nhận định, những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.

**************************

Lại ca điệp khúc : 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'

RFA, 04/02/2022

Lãnh đạo ngành nông nghiệp mới đây lại tiếp tục cho rằng : 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'... mới tránh việc ùn ứ nông sản ở biên giới Trung Quốc.

miennam4

Ảnh minh họa : Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình. AFP Photo

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu như vừa nêu khi trả lời báo chí nhà nước hôm 1/2/2022.

Theo ông Hoan, cần có một cuộc cách mạng trong từng địa phương, đồng ruộng, người nông dân. Phải xây dựng đề án chuẩn hóa vùng nguyên liệu để xuất khẩu qua từng thị trường, phải thành lập liên minh của những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường để cùng ngồi lại, thảo luận chiến lược xuất khẩu nông sản...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói như vậy khi bị chất vấn về việc những tháng trước Tết, hàng nghìn xe container chở nông sản đi Trung Quốc đã ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Có thời điềm, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma ở Lạng Sơn có đến hơn 4.500 xe chở hàng hóa, nông sản xếp hàng chờ qua biện giới Trung Quốc.

Cơ quan chức năng Việt Nam khi đó cho rằng, do phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý, kiểm soát dịch Covid-19 khiến hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra do phía Trung Quốc gây khó dễ, kéo dài thời gian kiểm soát... và đến nay ông Hoan lại nói : 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp'.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Trung Quốc hiện nay đang chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, đòi hỏi những thông tin khai báo chi tiết từ nguồn gốc, rồi điều kiện cây trồng và các thông tin khác. Xuất khẩu chính ngạch này thì giá cao hơn, và nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì có thể ký được những hợp đồng ổn định. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Nhưng tiếc rằng Việt Nam có những bước tiến nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc. Còn xuất khẩu tiểu ngạch, tức là xuất khẩu trên cơ sở các điều kiện dễ dàng hơn, thì hiện nay phía Trung Quốc đã có giảm bớt, vì vậy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện gặp khó khăn".

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Mặc dù lâu nay Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu sang nước này, các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam vẫn thường phải chấp nhận nhiều rủi ro, chưa kể giá bán cũng rẻ hơn khi xuất sang các quốc gia khác.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, trong một trả lời RFA gần đây nhận định :

"Chính là Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cứ để cho nông dân tự phát, họ muốn trồng gì họ trồng, họ muốn chặt gì họ chặt... Rất ít công ty Việt Nam qua Trung Quốc ký hợp đồng với các bạn hàng bên đó. Cho đến thời điểm này thì vẫn còn lệ thuộc thương lái bên mình và thương lái Trung Quốc, và bán qua ngả Lạng Sơn hoặc Cao Bằng... tức là mình giao thương với họ qua con đường tiểu ngạch, chứ có rất ít doanh nghiệp của mình xuất khẩu chính thức. Chính cái chỗ làm tiểu ngạch nên mình rất lệ thuộc vào Trung Quốc".

miennam5

Xe tải chở nông sản chờ thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn. AFP Photo.

Vào ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, về định hướng chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể... Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong nghị quyết này.

Vào tháng 5 năm 2020, các nhà báo, nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng ký bản kiến nghị có tên ‘Hãy Cứu Lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long’, yêu cầu chính phủ sớm có hành động cấp thiết đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi quá muộn. Trả lời RFA khi đó, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, nói :

"Năm 2017 ông thủ tướng đã có Nghị Quyết 120 về Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nó không toàn diện, không mang tầm chiến lược như kiến nghị anh em chúng tôi viết ra. Bản kiến nghị nêu tất cả mọi vấn đề mang tính giải pháp, tính chiến lược, những điều từ trước tới giờ không làm hoặc làm chưa tốt, thì bây giờ phải điều chỉnh lại".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ thì cho rằng bất cập của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là liên kết vùng còn kém do xung đột lợi ích, địa phương nào cũng muốn bức phá :

"Mặc dù có nhiều diễn đàn, các hội thảo, các địa phương cũng cam kết sẽ liên kết với nhau để thực hiện các vấn đề... bởi vì đây là vấn đề của cả đồng bằng chứ không phải là của một địa phương nào. Tuy nhiên, những cam kết liên kết đó đến bây giờ cũng chưa được rõ ràng lắm".

Hàng năm, lãnh đạo Việt Nam thường đưa ra con số mục tiêu sản lượng lương thực... Nhưng giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu 'chốt cứng' diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực, thì làm sao các cấp và người nông dân có thể thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nghị quyết 120 được đưa ra nhằm giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững", "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu". Trong đó yêu cầu giảm điện tích trồng lúa, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, có các giải pháp về công trình như xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế...

Trả lời RFA liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nói :

"Trước kia chúng ta chốt cứng 3,8 triệu hecta để sản xuất lúa. Còn bây giờ chốt cứng nó giảm đi 600 ngàn hecta rồi, tức là chốt cứng với mức độ diện tích lúa đã giảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, của các cơ quan nghiên cứu, là vẫn có thể giảm hơn nữa".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nông nghiệp Việt Nam hiện đối mặt nhiều khó khăn. Thứ nhất là nguồn đất canh tác nông nghiệp hạn hẹp trong khi khoảng 48% lao động của Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa được phát triển, ngay cả ở những vùng trọng điểm nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hệ thống giao thông, thủy lợi, tưới tiêu còn rất hạn chế.

Ngoài ra ông Sơn còn cho biết, hiện tại mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam rất thấp chỉ khoảng 5-6%. Với mức này, việc tiếp thu áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất là rất khó. Thêm vào đó, các biến động về giá cả, thị trường và biến đổi khí hậu cũng như những rủi ro về bệnh dịch, thiên tai, cháy rừng,… cũng là những nhân tố chính tác động mạnh đến nền nông nghiệp Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, trong một trả lời RFA gần đây cho biết thêm những vấn đề ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt :

"Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện rất là nhiều vấn đề, trong đó có hai nhóm. Một nhóm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, như xâm nhập mặn, hòa nhập đô thị, ô nhiễm... Nhưng có một loại khác là đe dọa đến sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long, đó là sạt lở, mất đất và sụt lún... Sụt lún thì tốc độ rất nhanh, trung bình 1cm/một năm, trong khi nước biển dâng có ba mm, sụt lún gấp ba bốn lần, có nơi mười mấy hai chục lần, 5,7cm là cao nhất".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, để chống sụt lún, Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì đã phát sinh nhiều vấn đề... Theo ông Thiện, nghị định 167 là nỗ lực tốt, nhưng cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai theo ông Thiện là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm... nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Châu Á