Dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng này ở Phnom Penh là lúc vai trò của Thủ tướng Hun Sen được truyền thông thế giới chú ý, nhất là quan điểm nhất quán ủng hộ Ukraine của ông.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia phát biểu trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 23/9/2022.
Tuy thế, không phải chỉ khi đăng cai các sự kiện quốc tế quan trọng, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen mới lên tiếng về vấn đề Ukraine.
Đầu tháng 11, ông Hun Sen đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bày tỏ nhu cầu chấm dứt chiến tranh, giúp "Ukraine giành lại hòa bình, ổn định, sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển", theo Phủ Thủ tướng Vương quốc Campuchia.
Ngay từ trong năm, ông Hun Sen đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine.
Một mặt, ông Hun Sen nói ông mong Nga "hiểu quyết định của Campuchia" khi nước này bỏ phiếu vào tháng 3/2022 lên án cuộc xâm lăng.
Mặt khác theo Văn phòng Báo chí Phủ Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen nói "Chúng tôi không ủng hộ việc dùng vũ lực, hoặc sẵn sàng dùng vũ lực" trong quan hệ quốc tế, và nói Campuchia "không thể im lặng" khi tình hình Ukraine xấu đi.
Sau đó, ông Hun Sen gọi đây là "cuộc chiến của Nga với toàn Châu Âu", thu hút sự chú ý của dư luận.
Việc Campuchia tháng này tuyên bố cử đội rà mìn sang giúp Ukraine vào quý I năm 2023 được Nhật Bản ca ngợi, theo các báo khu vực.
Cùng lúc, sự vắng mặt của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tại G20 ở Bali tuần này được giới bình luận cho là "trở thành cơ hội để Ukraine triển khai hoạt động ngoại giao, làm cô lập Nga hơn nữa" trên trường quốc tế, cụ thể là ở Châu Á.
Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay đã đóng một vai trò quan trọng để giúp Ukraine hiện diện ở Đông Nam Á, dù chỉ mang tính biểu tượng.
Tổng thống Vladimir Putin gặp Thủ tướng Hun Sen tại Dinh thự Bocharov Ruchey ở Sochi, Nga ngày 19/5/2016 khi các lãnh đạo các quốc gia ASEAN đến Nga tham dự hội nghị cấp cao Nga-ASEAN.
Việt Nam "là đồng minh thân của Nga" ?
Al Jazeera viết từ Phom Penh hôm 10/11/2022 về sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, khách mời đặc biệt của Thủ tướng Hun Sen tới dự Thượng đỉnh ASEAN, gọi Việt Nam và Lào "là đồng minh thân cận của Nga" (close Russian allies) trong ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên.
Hai nước này đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, còn tám nước còn lại trong khối ASEAN đã bỏ phiếu cùng cộng đồng quốc tế, tờ báo viết.
Theo trang Khmer Times, các lãnh đạo Campuchia và Ukraine còn bàn về sự hỗ trợ Phnom Penh dành cho Kyiv và ông Zelensky đã ngỏ lời mời ông Hun Sen sang thăm "đất nước bị chiến tranh tàn phá".
Thủ tướng Hun Sen tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 9/11/2022
Một bình luận mới nhất của Kavi Chongkittavorn viết trên trang Khmer Times, mục Ý kiến hôm 11/11/2022 nói Thủ tướng Hun Sen "nổi bật trên chính trị toàn cầu".
Cho đến nay, không có tin tức về lời mời tương tự của Ukraine gửi tới lãnh đạo Việt Nam.
Một số sự kiện liên quan đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội gần đây còn bị xóa đi trên truyền thông Việt Nam do Đảng cộng sản chỉ đạo.
Báo Hà Nội Mới đã xóa hết hình ảnh đoàn Ukraine trong bài viết về 'Giải chạy báo Hà Nội Mới', diễn ra hôm 02/10 ở thủ đô Việt Nam, gây phản ứng từ Đại sứ quán nước này.
Cùng thời gian, các kênh chính thống ở Việt Nam có giải thích cách bỏ phiếu trắng liên tiếp ở Liên Hiệp Quốc của nước này, khác với đa số các thành viên ASEAN.
Theo một bài trên báo Đảng Cộng sản, thì "trong chính sách đối ngoại đa phương đó, Việt Nam luôn khẳng định cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng, là bạn bè truyền thống, lâu đời và Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định".
"Đây cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc tháng 5/2022, đó là : Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng".
Trang web này tuy thế bỏ ngỏ vấn đề coi "tất cả cùng chiến thắng" là gì khi mà mục tiêu công khai của Kremlin là muốn xóa sổ nhà nước Ukraine, gọi họ là "phát xít" và Nga đã đơn phương sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine.
Putin không phải sẽ thắng mãi
Như các báo quốc tế bình luận về những cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về Nga và Ukraine, nhiều nước trên thế giới sẽ chẳng có cơ hội gì giúp Ukraine về kinh tế, vũ khí và chính trị.
Việc bỏ phiếu tuy thế, là thể hiện họ là ai chứ không phải họ có lợi ích gì trong quan hệ với Moscow hay Kyiv.
Ngoài ra, có vẻ như ở Việt Nam luồng tư tưởng hoài niệm Liên Xô và một lòng ủng hộ Moscow vẫn còn khá mạnh trên mạng xã hội và một phần báo chí.
Trong khi đó, ngay tại Nga, cuộc rút quân khỏi Kherson bị một số giới từng nhiệt thành ủng hộ ông Putin gọi là "vụ đầu hàng xấu hổ".
Lãnh tụ tinh thần của phe diều hâu Nga, Alexander Dugin vừa có lời ám chỉ uy tín "tan biến" của "thủ lĩnh cầu mưa", theo các báo Âu Mỹ.
Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội trước khi phái đoàn Đức hội đàm với phía Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ vào chiều Chủ nhật 13/11.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã kêu gọi chính phủ nước này làm rõ lập trường về cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine.
Ông Scholz nói rằng "Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm.
"Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn".
Vào tháng 10 vừa qua, phái đoàn Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi tổ chức này ra nghị quyết lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine.
Trong khi đó, đang có sự dịch chuyển nhãn quan chung ở Châu Á, kể cả của Trung Quốc về cuộc xâm lăng do Nga tiến hành, tàn phá nước láng giềng.
Chẳng hạn, theo Reuters hôm 14/11/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nói tại Phnom Penh vừa qua rằng việc "đe dọa dùng vũ khí hạt nhân là vô trách nhiệm".
Tuy ông Lý không nêu tên nước Nga nhưng ai cũng biết chỉ Nga có vũ khí nguyên tử, còn Ukraine đã bàn giao lại kho đầu đạn hạt nhân cho Liên bang Nga, hậu thân của Liên Xô, sau 1991.
Hồi tháng 5, chính phủ Việt Nam tuyên bố đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine, sau thông báo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1/5.
Nhưng tình hình nay có vẻ đã thay đổi khá nhiều và các nước trên thế giới ngày càng làm rõ hơn quan điểm của họ, lên án, hay ủng hộ Nga trong câu chuyện Ukraine.
Với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN sẽ bàn giao cho Indonesia năm 2023, xu thế chung tại khu vực là dù "quan điểm về Nga còn khác nhau trong ASEAN" đa số ngày càng "tìm thấy tiếng nói của mình về Ukraine", như một dự báo trong năm của thinktank Chatham House tại Anh.
Nguồn : BBC, 14/11/2022
Amnesty : Khủng hoảng Rohingya là hậu quả của nuôi dưỡng oán thù (RFI, 22/02/2018)
Theo nhận định của tổ chức Amnesty International công bố hôm nay 22/02/2018, cuộc khủng hoảng ở Miến Điện và các vụ thảm sát người Rohingya theo đạo Hồi, là hậu quả của một xã hội khuyến khích lòng thù hận, và sự thiếu vắng lãnh đạo toàn cầu về mặt nhân quyền.
Người tỵ nạn Rohingya chờ phát hàng trợ cấp ở trại Balukhali gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh 15/01/2018. Reuters/Tyrone Siu
Tổ chức bảo vệ quyền con người, trong báo cáo thường niên về 159 nước cho rằng "những luận điệu chất chứa thù hận" của một số nhà lãnh đạo đã làm cho nạn kỳ thị người thiểu số trở nên bình thường. Theo ông Salil Shetty, tổng thư ký Amnesty, tình trạng này được chứng minh qua "các chiến dịch quân sự tàn bạo nhằm thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya ở Miến Điện".
Amnesty nhận định, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc đáp trả thích đáng "các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh, từ Miến Điện cho đến Irak, Nam Sudan, Syria và Yemen". Lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc không quan tâm đến các quyền tự do dân sự, gây thiệt hại cho quyền lợi của hàng triệu con người.
Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những biện pháp thụt lùi về nhân quyền, mà theo ông Shetty đã gây nên tiền lệ nguy hiểm, chẳng hạn quyết định cấm công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An quy trách nhiệm cho quân đội Miến Điện trong các vụ đàn áp người Rohingya. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 690.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi bang Rakhine sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh, từ khi quân đội tung ra đợt tấn công vào nhóm nổi dậy cuối tháng 8/2017.
Thụy My
*****************
Úc phải đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc (RFI, 22/02/2018)
Một hôm trước ngày thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, một quan chức Úc ngày 22/02/2018 tiết lộ rằng một trong những hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ-Úc sẽ là Trung Quốc. Đối với nước Úc, đây là một hồ sơ đặc biệt quan trọng vào lúc Mỹ, đồng minh quân sự số một của Úc, lại đang có căng thẳng với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Canberra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại New York (Hoa Kỳ) ngày 04/05/2017 - Reuters
xTrong thời gian gần đây, thái độ của tổng thống Mỹ và chính quyền của ông đối với Trung Quốc càng lúc càng gay gắt, đặc biệt trong lãnh vực thương mại. Những lời lẽ của ông Trump hay các cộng sự viên của ông đe dọa trừng phạt thương mại Trung Quốc đã trở thành thường xuyên, mà gần đây nhất là việc thứ trưởng tài chánh Mỹ công khai đả kích Bắc Kinh không tôn trọng quy tắc của kinh tế thị trường.
Vào cuối năm ngoái, Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã nêu tên Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, mới đây tổng thống Donald Trump còn đề cử một viên tướng có quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc làm đại sứ Mỹ tại Úc. Đó là Đô Đốc Harry Haris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, một người đã nhiều lần công khai chỉ trích các hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Với một đại sứ Mỹ như vậy bên cạnh mình, chính quyền Úc tất nhiên sẽ phải thận trọng hơn trong quan hệ với bạn hàng số một là Trung Quốc.
Phải nói rằng đối với Úc, việc duy trì một mối quan hệ cực kỳ tốt Hoa Kỳ là một vấn đề thiết yếu vì lẽ Washington là đối tác an ninh quan trọng nhất của Canberra. Liên minh quân sự Mỹ Úc đã được thử thách trong hàng chục năm qua và đã trở thành nền tảng trong chính sách quốc phòng của Úc. Giới quan sát ghi nhận là Úc là nước duy nhất trên thế giới đã luôn luôn sát cánh cùng đồng minh Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến từ Thế Chiến I đến nay. Cả hai cũng cùng là thành viên của liên minh Five Eyes, liên kết ngành tình báo của 5 nước đồng minh.
Tuy nhiên, nếu Mỹ là đồng minh số một của Úc, thì Bắc Kinh lại là đối tác thương mại hàng đầu của Canberra. Thặng dư thương mại của Úc với Trung Quốc được cho là đã góp phần giúp Canberra có được một tăng trưởng kinh tế ổn định trong hơn một phần tư thế kỷ nay.
Tóm lại, Hoa Kỳ là đối tác an ninh quan trọng nhất của Úc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, việc hai nước này căng thẳng với nhau đã đẩy Úc vào một tình thế tế nhị, phải cố tìm cách không để bị lôi cuốn vào trường đấu Mỹ-Trung.
Trước ngày lên đường qua Mỹ gặp gỡ đồng minh chiến lược, cũng dễ hiểu là thủ tướng Úc Turnbull đã có thông điệp trấn an hướng về Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Sky News, ông Turnbull khẳng định rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với nước ông.
Khi bị chất vấn về kế hoạch của bộ tứ Úc-Mỹ-Ấn-Nhật muốn xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực, nhằm làm đối trọng với chương trình Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, kế hoạch mà hai lãnh đạo Mỹ-Úc chắc chắn sẽ thảo luận ngày 23/02, ông Turnbull không ngần ngại cho rằng chính giới truyền thông đã dựng lên sự đối đầu, chứ lãnh đạo 4 nước không hề có ý đó.
Trọng Nghĩa
*********************
Hun Sen dọa làm Úc bẽ mặt nếu gây sức ép về dân chủ Cam Bốt (RFI, 22/02/2018)
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen dọa sẽ làm Úc xấu hổ và ngăn công bố tuyên bố chung tại kỳ họp cấp cao đặc biệt ASEAN-Úc sẽ diễn ra vào tháng 03/2018 tại Sydney, nếu ông bị gây sức ép về việc trấn áp chính trị trong nước.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, lúc viếng New Delhi, Ấn Độ. Ảnh 24/01/2018. Reuters/Adnan Abidi
Thủ tướng Hun Sen bị một số nước phương Tây trừng phạt vì đàn áp nền dân chủ Cam Bốt do các quyết định giải thể đảng đối lập, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông độc lập và truy tố những người chỉ trích chính quyền.
Trong một bài diễn văn ngày 21/02/2018, được AFP trích dẫn, thủ tướng Cam Bốt nhấn mạnh ông sẽ không chấp nhận bị gây áp lực đối với chính trị trong nước khi tham dự hội nghị giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Úc, sẽ được tổ chức vào tháng Ba.
Ông khẳng định "có thể ngăn chặn mọi tuyên bố chung giữa ASEAN và Úc. Úc không thể gây sức ép với Cam Bốt. Đừng làm liều !". Ông Hun Sen tuyên bố sẵn sàng đáp trả và làm xấu hổ nước chủ nhà, nếu Úc đối xử không phải lẽ với ông.
Không chỉ đe dọa chính quyền Canberra, thủ tướng Hun Sen cũng lên tiếng cảnh báo những người có thể tổ chức biểu tình phản đối ở Sydney đừng có đốt ảnh ông. Úc là nước có đông người Cam Bốt sinh sống sau giai đoạn Khmer đỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên Cam Bốt ngăn cản việc ra tuyên bố chung của ASEAN, dựa trên sự nhất trí của 10 nước thành viên. Năm 2012, các ngoại trưởng ASEAN đã không ra được thông cáo chung, vì Cam Bốt đã chặn những lời cáo buộc hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, theo cáo buộc của Philippines. Tương tự, cuối một cuộc họp chung năm 2016, Cam Bốt cũng yêu cầu bỏ những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh.
Gần đây, chính quyền Đức đã âm thầm chấm dứt chính sách ưu đãi thị thực nhập cảnh đối với những chuyến thăm cá nhân của các quan chức chính quyền Phnom Penh, trong đó có cả thủ tướng Hun Sen và thân nhân. Biện pháp được đưa ra nhằm trừng phạt thủ tướng Hun Sen và chính phủ Cam Bốt vì đã trấn áp báo chí, các tổ chức phi chính phủ và phong trào đối lập chính trị trong nước trong thời gian qua.
Thu Hằng