Trung Quốc và "ChatGPT xã hội chủ nghĩa"
Les Echos ngày 06/09/2023 cho biết Bắc Kinh phát triển trí thông minh nhân tạo để cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng công nghệ này phải tuân theo "các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản", không được đưa vào những nội dung chống đảng và nhà nước. Về tài chánh, Le Figaro nhận định "Đồng đô la vua chưa dễ dàng bị soán ngôi". Theo dự báo của Bloomberg công bố hôm qua, GDP Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt nổi Hoa Kỳ.
Khách tham quan thử nghiệm Ernie Bot trên máy tính xách tay tại một sự kiện ở Bắc Kinh ngày 16/08/2023. Sau khi Bách Độ (Baidu) cho công chúng sử dụng công cụ tương đương ChatGPT ngày 31/08/2023, cố phiếu tập đoàn đã tăng 3%. AP - Andy Wong
Gỡ mìn ở vùng giải phóng, dân Ukraine mới có thể hồi hương
Le Figaro nói về "Sự trở lại của những người dân Donbass di tản". Sau nhiều tháng lưu vong, một số gia đình đã hồi hương dù bom đạn vẫn hoành hành cách nhà vài chục kilomet. Việc gỡ mìn là hết sức quan trọng để thường dân có thể quay lại những vùng vừa được giải phóng. Theo thủ tướng Denys Chmyhal, khoảng 250.000 cây số vuông lãnh thổ Ukraine đã bị gài mìn.
Bài phóng sự nêu trường hợp của Sergey ở Kamianka, đã gỡ được 28 quả mìn quanh nhà, nhưng quả thứ 29 đã nổ tung khi ông tỉa cây trước cửa, làm hư một phần mắt trái. Người vợ cho biết khi họ trở về sau sáu tháng vùng này bị chiếm đóng, quân Nga đã để lại một núi rác và cướp đi những gì có thể lấy được, cả gia đình phải ngủ trong nhà bếp. Tuy vậy, nhờ gỡ mìn thủ công, khu vườn bên cạnh đã cho ra những quả cà chua và dưa leo. Nicolai, làm việc với 19 người khác trong nông trại ở Kamianka, cho biết, ngoài việc gài mìn căn nhà, lính Nga, chủ yếu là quân ly khai, còn phá hủy tất cả máy móc nông nghiệp.
Tsyrkuny gần Kharkiv cùng với năm thành phố khác được chọn để gỡ mìn trước, 95% đã được dọn sạch, có những người dân đã trở về. Nguy hiểm nhất là "booby trap", những vật dụng thường ngày bị biến thành mìn bẫy. Những người công binh không hiểu được vì sao quân Nga lại nhắm vào thường dân, không mang lại lợi ích quân sự nào.
Nạn quan liêu thời Liên Xô vẫn dai dẳng
Về phía các thương binh, họ vấp phải nạn quan liêu tồn tại từ thời Xô-viết khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Le Figaro mô tả chân dung của "Masi Nayyem, luật sư bảo vệ những người lính Ukraine". Khi bị thương nặng tháng 6/2022, Masi Nayyem ngỡ rằng cuộc chiến đấu đã chấm dứt ở bệnh viện. Nhưng sau hơn một chục cuộc giải phẫu, người chiến binh xuất thân là luật sư này kinh ngạc trước nạn bàn giấy.
Để có giấy chứng nhận thương binh khi vừa xuất viện, ông phải được chỉ huy cũ xác nhận, may thay lúc đó người này không ở ngoài mặt trận. Nhưng ủy ban phụ trách chỉ làm việc từ 13 đến 15 giờ, Masi xếp hàng ngoài trời lạnh âm 10°C với số thứ tự 72, xung quanh là những người lính yếu sức đang chống nạng… Bất nhẫn trước tình trạng này, ông đã cùng với các cộng sự tạo ra ứng dụng "Printzip" để giúp các thương binh thực hiện nhanh chóng những thủ tục hành chánh.
Chống tham nhũng : Kiev tiến gần đến EU
Đối phó với tham nhũng và quan liêu cũng là những tiêu chí để hội nhập Châu Âu. Les Echos giải thích "Ukraine có những tiến bộ trong hướng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu như thế nào". Trong vòng chưa đầy một tháng, nhiều quan chức bị nghi tham nhũng đã mất chức, bộ trưởng quốc phòng bị thay thế, nhà tài phiệt đầy quyền lực Ihor Kolomoisky bị bắt để điều tra vì cáo buộc gian lận và rửa tiền. Đó là những nỗ lực đáng kể của Kiev, vì chống tham nhũng là một trong những yêu cầu để được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Bốn tháng sau khi quân Nga tràn sang, EU đã đồng ý cho quốc gia bị xâm lăng tư cách ứng cử viên. Vào lúc đó, hai điều kiện tiên quyết là cải cách tư pháp và quyền của truyền thông. Tháng 6, Oliver Várhelyi, ủy viên Châu Âu phụ trách việc mở rộng hoan nghênh Kiev đã đáp ứng được 3 trong số 7 yêu cầu được đặt ra. Mới đây hôm 17/08, chính phủ Ukraine đã thông qua một luật cho phép các chuyên gia quốc tế tham gia việc chọn lựa các thẩm phán mới cho Tòa Bảo Hiến để bảo đảm tính độc lập.
Tuy vậy Olha Stefanishyna, phó thủ tướng phụ trách hội nhập Châu Âu, nhìn nhận Kiev còn phải cố gắng nhiều, vì những thay đổi căn bản liên quan đến nhân quyền, tiến trình "phi tài phiệt hóa" mất rất nhiều thời gian. Theo một nghiên cứu tháng 3/2022, có đến 91% dân số Ukraine ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Bắc Triều Tiên bán vũ khí cho Putin và nới được trừng phạt
Cũng liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Les Echos quan tâm đến sự kiện "Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến Nga để bán vũ khí cho Vladimir Putin". Theo tình báo Mỹ, cuộc gặp giữa hai nhà độc tài sẽ diễn ra ở thành phố cảng Vladivostok, nơi Kim Jong-un có thể đến được từ Bình Nhưỡng bằng đoàn xe lửa bọc thép. Bị ngưng hẳn trong đại dịch Covid, đường xe lửa giữa Nga và Bắc Triều Tiên đã được nối lại từ tháng 11/2022 với vài chuyến tàu hàng. Hiện Moskva không xác nhận tin này. Nhưng từ nhiều tháng qua, Washington và Seoul khẳng định Moskva đòi hỏi Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược và vũ khí cho cuộc xâm lăng Ukraine.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Adrienne Watson, hôm qua nói rằng có những thông tin cho biết việc thương lượng đang tiến triển, Kim Jong-un đang chờ cam kết về ngoại giao của lãnh đạo Nga. Cuộc gặp cấp cao này được sắp xếp sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng Bảy. Lần này Moskva tìm mua pháo, hỏa tiễn và nguyên vật liệu cho kỹ nghệ vũ khí. Theo Washington, năm ngoái Bắc Triều Tiên đã giao rốc-kết cho lính đánh thuê Wagner. Hoa Kỳ và các nước trong khu vực theo dõi chặt chẽ việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau, vì có nguy cơ thay đổi thăng bằng địa chính trị trong nhiều thập niên.
Cuộc xâm lăng Ukraine đã giúp nới lỏng gọng kềm ngoại giao xung quanh Bình Nhưỡng. Trung Quốc và Nga có thời gian đã chấp nhận cùng với cộng đồng quốc tế gây áp lực bằng cách trừng phạt để chế độ Bình Nhưỡng ngưng lại chương trình vũ khí nguyên tử. Nhưng nay hai nước này không còn hợp tác nữa, và Bắc Triều Tiên có thể lại buôn bán với hai nước láng giềng đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không phải sợ đối mặt với một liên minh quốc tế. Nhất là nay Bình Nhưỡng còn thu lợi với việc xuất khẩu vũ khí sang Nga và đòi hỏi Moskva phải chuyển giao công nghệ, vật liệu thiết yếu mà nhiều năm qua không có được vì quốc tế cấm vận.
Iran tranh thủ mua chiến đấu cơ Nga
Cuộc chiến ở Ukraine còn giúp một quốc gia độc tài khác thủ lợi : Nga vừa giao những chiếc Yakovlev Yak-130 cho Iran. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989 Tehran được Moskva chuyển giao chiến đấu cơ mới. Loại phi cơ này dùng để huấn luyện phi công cho máy bay "thế hệ thứ tư".
Le Monde nhắc lại, việc Iran bán các drone Shahed-136 cho Nga đã giúp Moskva duy trì được việc oanh kích cơ sở hạ tầng Ukraine với chi phí rẻ. Những chiếc Yak-130 như một sự đền bù các nỗ lực vừa qua, nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo còn muốn có cả Su-35. Trước đây dưới áp lực của Washington và Tel-Aviv, Moskva không dám bán hệ thống phòng không S-300 cho Tehran, đến 2015 mới chuyển giao. Theo nhà nghiên cứu Babak Taghvaee, Iran muốn mua 24 chiếc Yak-130 trong khuôn khổ kế hoạch mua Su-35 cách đây ba năm.
Không quân Iran chỉ có đội bay cổ lỗ sĩ thừa hưởng từ quân đội của hoàng gia đã bị lật đổ năm 1979. Lực lượng Vệ binh Cách mạng và chương trình hỏa tiễn đạn đạo luôn được ưu tiên, chiếm 20% ngân sách nhà nước. Cuộc chiến tranh Ukraine có thể mang lại cho Iran cơ hội đầu tư cho không quân.
Bắc Kinh lúng túng với "ChatGPT xã hội chủ nghĩa"
Les Echos đưa tít "Trí thông minh nhân tạo : Sự trả thù của Bắc Kinh". Tập đoàn Bách Độ (Baidu) vừa tung ra AI đầu tiên để cạnh tranh với ChatGPT, các tập đoàn công nghệ khác cũng đang chuẩn bị. Đây là thách thức cho một chế độ muốn kiểm soát những nội dung liên quan đến chính trị.
Bài viết "Trung Quốc ra mắt các ChatGPT đầu tiên ‘mang giá trị xã hội chủ nghĩa’" cho biết cư dân mạng Hoa lục háo hức tìm hiểu Ernie, chatbot (robot đối thoại) của Bách Độ. Chưa đầy 24 giờ sau khi trình làng, đã có dến 1 triệu lượt người tải về ứng dụng này, 33 triệu câu hỏi đã được đặt ra. Bị chặn tại Trung Quốc, ChatGPT tạo được thành công ngoạn mục trên khắp thế giới, đánh thức tham vọng của các tập đoàn công nghệ ở Hoa lục và khiến các nhà kiểm duyệt nâng cao cảnh giác.
Cùng ngày, bốn công ty khác, trong đó có SenseTime, một trong những đơn vị dẫn đầu về nhận diện khuôn mặt, đã đưa ra dịch vụ tương tự với Ernie, và thêm sáu công ty được chính quyền cấp phép. Bắc Kinh cho đẩy nhanh AI (trí thông minh nhân tạo) để cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng trước khi thương mại hóa sản phẩm, các ứng dụng này phải được an ninh thẩm định. Cơ quan quản lý Internet đòi hỏi các nhà cung cấp phải tuân theo "các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản". Không được đưa vào những nội dung bị cấm (chống đảng và nhà nước, gây hại đến trật tự và đoàn kết, bạo lực, dâm ô).
Les Echos cho biết ứng dụng Ernie bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, đưa ra những câu trả lời đã được nhà nước thông qua về những vấn đề nhạy cảm. Về Đài Loan, Ernie nói rằng "Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không thể bị vi phạm". Khi được hỏi chuyện gì đã xảy ra tại Trung Quốc năm 1989, Ernie trả lời không có "thông tin phù hợp", lờ đi vụ thảm sát Thiên An Môn. Những trắc nghiệm khác cho thấy chatbot này đôi khi ngưng luôn cuộc đối thoại.
Phổ biến Ernie Bot, Bách Độ muốn "thu thập một lượng lớn những lời bình quý báu của người sử dụng trong thế giới thực" để cải thiện công cụ này – theo tổng giám đốc Lý Ngạn Hoành (Robin Li). Tuy nhiên những hạn chế của chính quyền Biden trong việc bán những chip tân tiến cho Trung Quốc khiến tham vọng về trí thông minh nhân tạo của tập đoàn khó đạt được, vì hầu hết những con chip dùng để huấn luyện các chatbot Trung Quốc được sản xuất bên ngoài Hoa lục. Chưa kể khả năng robot học hỏi được những thông tin "nhạy cảm" từ người sử dụng.
Trung Quốc sẽ không bao giờ qua mặt được Hoa Kỳ
Về tài chánh, Le Figaro nhận định "Đồng đô la vua chưa dễ dàng bị soán ngôi". Khối BRICS muốn lật đổ trật tự quốc tế hiện có, chấm dứt việc ngự trị của đô la Mỹ. Vấn đề "phi đô la hóa" vẫn được tranh cãi từ khi hệ thống Bretton Woods ra đời năm 1944, nhưng chưa đồng tiền nào có thể thay thế.
Bắc Kinh hy vọng vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới về mọi mặt, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào 2049. Cuộc chiến tranh ở Ukraine cũng làm thay đổi thế trận : trừng phạt của phương Tây chủ yếu dựa vào sức mạnh của đồng đô la. Tuy đồng đô la xanh chỉ còn chiếm 58% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương so với 70% vào đầu thế kỷ, nhưng đồng nhân dân tệ chỉ chen vào được 1/4 trong số những vị trí được đô la bỏ lại. BRICS vô cùng chia rẽ, bằng chứng là Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 do Ấn Độ tổ chức, tạo ra một đồng tiền chung là ngoài tầm tay với.
New Development Bank (NDB) lập ra để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới, cũng dùng đồng đô la và áp dụng trừng phạt với Moskva. Hệ thống thanh toán quốc tế CIPS do Bắc Kinh lăng-xê dựa vào SWIFT. Ngoài ra sự thống trị của đô la còn do là đồng tiền tiết kiệm của cả thế giới, trái phiếu Mỹ được tin tưởng. Đồng đô la Mỹ chiếm 88% trên thị trường hối đoái, 40% tín dụng và thương mại. Một sự xoay chuyển thế giới đã không diễn ra. Phải chăng là chẳng bao giờ ? Theo dự báo của Bloomberg công bố hôm qua, GDP của Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt nổi Hoa Kỳ !
Nhà ở, vật giá : Mối quan tâm trên trang nhất báo Pháp
Thời sự nước Pháp tiếp tục chiếm trang nhất các báo hôm nay. Le Figaro chạy tựa "Khủng hoảng nhà ở đánh thẳng vào người Pháp" : Các gia đình ngày càng khó tìm được nơi ở phù hợp, dù giá nhà có giảm nhưng lãi suất tăng, số giao dịch trên thị trường địa ốc giảm hẳn. Libération chơi chữ "Khủng hoảng thực phẩm : Cái đói biện minh cho phương tiện". Với lạm phát, số người trong tình trạng bấp bênh gia tăng trong khi các hiệp hội cứu trợ thiếu hụt tài chánh. Sau nhiều tháng làm ngơ, nay chính phủ lo ngại một quả bom xã hội. Le Monde nói về "Ngoại ô : Chờ đợi lời đáp cho khủng hoảng xã hội". Hai tháng sau vụ nổi loạn, vẫn chưa có những "Afghanistan : Cuộc đời bị đánh cắp của các phụ nữ", bị Taliban loại ra khỏi không gian công cộng.
Thụy My