Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Châu Á cảm thấy ít liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine ?

Chiến tranh Ukraine tiếp tục chiếm trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Trong lúc chiến sự tại Ukraine ngày càng khốc liệt, chủ đề được các báo quan tâm trước hết giờ là số phận của những thường dân Ukraine đang ở trước một thảm họa nhân đạo.  

chaua1

Người dân băng qua một con đường tạm bợ dưới một cây cầu bị phá hủy ở thị trấn Irpin, gần Kiev, Ukraine. 07/03/2022.  AP - Efrem Lukatsky

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn : "Ukraine : Những thường dân bị rơi vào bẫy chiến tranh". Tờ báo ghi nhận, xung quanh thủ đô Kiev, quân Nga đang siết chặt vòng vây. Tại Kharkov, thành phố lớn thứ 2, các đợt oanh kích vẫn không ngừng nghỉ, ở Mariupol cũng tương tự. Người dân bị kẹt dưới làn bom đạn của quân Nga, không thể sơ tán khỏi vùng chiến sự mặc dù hai ngày qua đã có thỏa thuận ngừng bắn mở hành lang nhân đạo nhưng các đợt di tản dân khỏi vùng chiến sự vẫn liên tục thất bại. Tựa lớn của nhật báo công Giáo La Croix tố cáo : "Thường dân, con tin của Putin". Với bức ảnh lớn một bà mẹ Ukraine, nét mặt hoảng hốt bế đứa con trên tay, trang bìa của Libération nhận xét : "Ukraine : Cuộc di tản và nỗi kinh hãi".  

Tinh thần kháng cự của người Ukraine 

Trong khi đó Le Figaro chú ý tới khía cạnh : "Người Ukraine đoàn kết trong kháng cự", tựa chính của tờ báo. Le Figaro cho thấy, trong cuộc chiến tranh này, trước ưu thế vượt trội về quân sự của Nga, người dân Ukraine không hề sợ hãi, ồ ạt gia nhập các tổ chức tình nguyện bảo vệ tổ quốc, họ huy động ở mọi lầng lớp xã hội để thể hiện sự đoàn kết và lòng yêu nước trước cuộc xâm lược của Nga. Trong bài phóng sự "Người Ukraine đoàn kết bằng tình thần kháng chiến", Le Figaro ghi nhận tại thành phố Irpin, ngoại ô Kiev, bên cạnh những dòng người vội vã chạy khỏi thành phố dưới làn đạn pháo kích trong cảnh tượng của ngày tận thế, "ở các góc phố bị oanh kích, trong các nhà mẫu giáo hay các tòa nhà chung cư đã bị tàn phá, vẫn còn rất đông người dân cả nam và nữ, mọi lứa tuổi thề quyết tâm ngăn chặn kẻ thù".  

Nhật báo Libération, trong bài phóng sự có tiêu đề : Tại Odessa, giữa "nỗi sợ ở lại" và ý chí quyết tâm " cầm vũ khí", cho biết những ngày qua đã có gần 150 nghìn người dân rời khỏi thành phố cảng ở phá tây nam đất nước, dù đến giờ Odessa vẫn chưa bị Nga oanh kích, nhưng thành phố vẫn luôn trong tình trạng bị tấn công bất cứ lúc nào. Những người ở lại đang chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mà họ biết sẽ rất khốc liệt, một mất một còn.  

Bên cạnh ca ngợi tinh thần kháng cự phi thường của người dân Ukraine, các báo đều đồng thanh lên án cuộc chiến tranh do tổng thống Nga phát động là vô nhân đạo khi người dân vô tội trở thành nạn nhân của những mưu đồ chính trị. 

Xã luận của Libération nhấn mạnh : "Đã có hơn 1,7 triệu người tị nạn Ukraine, cuộc di tản có lẽ mới chỉ bắt đầu. Cuộc chiến tranh Ukraine là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên lục địa của chúng ta (Châu Âu) từ rất nhiều năm qua". Libération kết luận : "Ukraine, một nước dân chủ ở Châu Âu đang bị một kẻ độc tài bao vây. Kẻ độc tài đó đã chứng minh một điều là những quy tắc nhân đạo sơ đẳng nhất là hoàn toàn xa lạ với hắn".  

Chiến tranh Ukraine : Châu Á dè dặt chống Nga 

Dưới độ phản ứng của các nước đối với cuộc chiến tranh ở Châu Âu. Trên mục Ý kiến, báo Les Echos có bài phân tích lập trường của Châu Á với cuộc chiến tranh Ukraine : "Tại sao Châu Á không gia nhập mặt trận chống Putin". 

Les Echos ghi nhận, giữa cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay, các nước phương Tây, đi đầu là Châu Âu và Hoa Kỳ, muốn xây dựng một mặt trận thống nhất để cô lập nước Nga trên trường quốc tế. Nhưng có rất ít nước ở Châu Á dám liên minh với cuộc chiến này. Họ cảm thấy không liên quan và từ chối tham gia cuộc đấu tranh giữa "các nền dân chủ"  "các chế độ toàn trị".  

Dù cuộc xâm lược Ukraine ngay lập tức đã bị toàn thể các nước phương Tây lên án và nhanh chóng có những phản ứng mạnh mẽ, nhưng rất ít quốc gia ở Châu Á lên tiếng chỉ trích Moskva. Hơn chục ngày sau cuộc chiến tranh xâm lược, mới chỉ có năm sáu nước trên tổng số năm chục quốc gia trong khu vực Châu Á thông báo các biện pháp trừng phạt chế độ của Vladimir Putin. Các biện pháp của những nước này cũng không quyết liệt như của Châu Âu và Mỹ. Không một nước nào nhắc đến việc gửi vũ khí hay phương tiện kỹ thuật quân sự cho Ukraine. 

Chỉ có Nhật Bản - đồng minh của Mỹ là lên án Nga từ sớm và có những phản ứng mạnh mẽ hòa nhịp với phương Tây. Hàn Quốc cũng tỏ ra dè dặt với vài biện pháp trừng phạt Nga, quốc gia mà nhiều năm qua Seoul đang cố xích gần quan hệ. Đối với Đài Loan, hòn đảo có quan hệ ngoại giao với Ukraine nên đã thông báo viện trợ nhân đạo. Ở Đông Nam Á, duy nhất có Singapore tham gia cùng phương Tây đưa ra các trừng phạt kinh tế, tài chính Nga, và cũng bởi đất nước này có nhiều ràng buộc trong hệ thống tài chính quốc tế. 

Bài viết nhận thấy, "Hiệp hội ASEAN không đủ can đảm để nêu tên Nga trong thông cáo chung rất mơ hồ, kêu gọi đối thoại ở Ukraine". Lý giải cho việc này, theo Les Echos là vì ASEAN là một hiệp hội gồm các chế độ cả dân chủ cũng như chuyên quyền và độc tài cũng có. Mỗi nước trong khu vực chỉ phản ứng theo lợi ích riêng, không tính gì đến những nguyên tắc cao siêu. Tất cả đều tin rằng Nga không bao giờ là mối đe dọa trực tiếp đối với khu vực này.  

Cuộc chiến tranh Ukraine có thể gây hệ lụy lớn về kinh tế toàn cầu, tuy nhiên Châu Á là khu vực ít bị ràng buộc về kinh tế với Nga hay Ukraine.  

Theo Ngân hàng Thế giới, cả Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,5% xuất khẩu và 2,5 % nhập khẩu của Châu Á. Một số nước thì cố không để làm hỏng quan hệ lịch sử hoặc chiến lược với Moskva. Trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu mua vũ khí của Nga. Tương tự, Indonesia, Malaysia hay Miến Điện là những khách hàng mua vũ khí, thiết bị quân sự thường xuyên của Nga. Ấn Độ thì không muốn gây rắc rối quan hệ với Putin, ít nhiều cũng có ích trong việc ngăn chặn đối thủ Trung Quốc.  

Mặt khác nhiều nước Châu Á không muốn tham gia vào cuộc đấu mà theo phương Tây là giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài. Lý do là châu lục này có rất hiếm các nước dân chủ thực sự. Hình ảnh về một Putin "cứng rắn" vẫn cuốn hút không ít các lãnh đạo như ở Miến Điện Thái Lan hay  Philippines. 

Theo Les Echos, để lôi kéo các nước về phía mình, Châu Âu và Hoa Kỳ có thể nhấn mạnh cuộc xung đột Ukraine là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây là những thách thức lớn đối với nhiều nước Châu Á, vẫn thường phải chịu những sức ép của một cường quốc luôn tỏ hung hăng để áp đặt nước khác, đó là Trung Quốc.  

Trung Quốc : Quan hệ với Nga vững như bàn thạch 

Vẫn liên quan đến Châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Trang mục thế giới của nhật báo kinh tế Les Echos có bài  "Bắc Kinh khẳng định lại tình hữu nghị với Moskva". 

Ngay từ khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã tỏ thái độ không tán đồng nhưng vẫn tiếp tục nghiêng theo hướng ủng hộ Nga. Les Echos cho hay, trong cuộc họp báo thường niên hôm thứ Hai (07/03), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố tình hữu nghị giữa bắc Kinh và Moskva vẫn "vững như bàn thạch và viễn ảnh hợp tác trong tương lai giữa 2 nước vô cùng rộng lớn". Phát ngôn của của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc rất được chú ý vì dư luận đã thấy Trung Quốc rất bất ngờ vì cuộc xâm lược trên quy mô lớn do Vladimir Putin phát động và tỏ ra khó xử. Tờ báo nhắc lại, hôm 04/02 vừa rồi, đón tổng thống Putin tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ là quan hệ hữu nghị giữa hai nước là "không giới hạn". Giờ đây để giữ quan hệ đối tác, Bắc Kinh không lên án cuộc xâm lược của Nga cũng như tránh nói đến chữ "xâm lược".

Theo Les Echos, thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột này đã bị nhiều nước chỉ trích. Nhưng theo giới chuyên gia thuộc văn phòng tư vấn Mỹ Eurasia Group được Les Echos trích dẫn, Bắc Kinh muốn giữ quan hệ đối tác ngày càng gia tăng với Nga để có thể làm đối trọng kháng cự lại với Mỹ. Ông Vương Nghị còn cố gắng lý giải cuộc xung đột ở Ukraine không thể xảy ra trong ngày một ngày hai mà có nguyên nhân sâu xa từ lâu, ý muốn nói rằng nguồn gốc của cuộc chiến tranh này là việc NATO bành trướng về hướng đông, như lập luận của Moskva. Xa hơn nữa là ẩn ý so sánh với chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ gây áp lực với Trung Quốc. 

Trong nỗ lực chứng tỏ là một cường quốc, Bắc Kinh tỏ ý sẵn sàng đóng vai trò hòa giải trong cuộc chiến tranh này. Nhưng theo Les Echos, rất ít khả năng Bắc Kinh thúc đẩy hay có khả năng làm Moskva phải chấp nhận những thỏa hiệp quan trọng.   

Dân Đài Loan đồng cảm với Ukraine và lo cho mình 

Cũng là liên quan đến Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Le Figaro có bài phóng sự Le Figaro : Đài Loan : Viễn ảnh một cuộc xâm lược của Trung Quốc lớn dần. 

Ngay từ đầu cuộc chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, câu nói "hôm nay Ukraine, ngày mai Đài Loan" trở nên phổ biến trên truyền thông và các giới chức chính trị ở Đài Bắc, vốn đã quá quen với những đe dọa từ Trung Quốc.

Báo chí, dư luận ở Đài Loan những ngày qua tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ bắt chước Moskva ra tay hành động với Đài Loan. Mặc dù chính quyền Đài Bắc cố gắng xua tan suy nghĩ như vậy trên truyền thông để trấn an, nhưng người dân Đài Loan vẫn không thể không động lòng đồng cảm với người Ukraine và lo ngại cho số phận của mình. Hoàn cảnh của họ có cái gì đó gần nhau, ít nhất là cả hai đều ở sát cạnh một nước lớn, hung hăng có những tham vọng bành trướng giống nhau. 

Tờ báo nhắc lại các tuyên bố quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng mọi cách của lãnh đạo Trung Quốc và các hành động hăm dọa quân sự của Bắc Kinh thời gian gần đây với hòn đảo để cho thấy mối đe dọa Trung Quốc là có thực và những lo lắng của người Đài Loan không phải không có cơ sở.  

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Châu Á