Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Pháp Macron tố cáo "chủ nghĩa đế quốc mới" ở Châu Đại Dương

Phan Minh, RFI, 27/07/2023

Nhân chuyến công du Vanuatu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm 27/07/2023, đã tố cáo "chủ nghĩa đế quốc mới" đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Châu Đại Dương, ám chỉ đến những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc.

phap1

Tổng thống Pháp (giữa) và thủ tướng Vanuatu Ishmael Kalsakau (trái) tại Port-Vila. Ảnh ngày 27/07/2023. AFP – Ludovic Marin

Theo AFP, trong một bài phát biểu tại Port-Vila, thủ đô Vanuatu, chủ nhân điện Elysée đã trình bày chi tiết về "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" được công bố cách đây 5 năm, xoay quanh hai trục, quốc phòng và cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, cùng với "một chiếc la bàn về chủ quyền của các dân tộc và độc lập của các quốc gia" :

"Chủ quyền độc lập, đặc biệt của vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, và có lẽ nặng hơn là của Châu Đại Dương, đang bị thế giới ngày nay xô đẩy. Đầu tiên là sự thâu tóm của các cường quốc trong khu vực, nhiều khoản vay với điều kiện bắt chẹt đang hoàn toàn bóp nghẹt sự phát triển của các nước. Các trao đổi thương mại ngày càng đi ngược lại các cơ sở ban đầu. Các hành vi can thiệp vào nội bộ các nước càng lúc càng nhiều. Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đặc biệt ở Châu Đại Dương, chủ nghĩa đế quốc mới đang xuất hiện với logic kẻ mạnh, đe dọa chủ quyền của nhiều nước, thường là những nước nhỏ, dễ bị tổn thương nhất. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi nhằm bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của tất cả các nước trong khu vực khi họ sẵn sàng hợp tác với chúng tôi".

Tổng thống Macron, ngày 28/07, sẽ tới Sri Lanka hội đàm với đồng nhiệm Ranil Wickremesinghe nhân chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Sri Lanka. Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ "sẽ là cơ hội để làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương và thảo luận về những thách thức trong khu vực và quốc tế của hai nước".

Phan Minh

***********************

Nam Thái Bình Dương : Mỹ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea

RFI, 27/07/2023

Tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea hôm 27/07/2023, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, thông báo sẽ cho triển khai một tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. 

phap2

Bộ trưởng quốc phòng Papua New Guinea và đồng cấp Mỹ tướng Lloyd Austin (người thứ nhì bên trái) tại Port Moresby. Ảnh ngày 27/07/2023. AFP – Andrew Kutan

Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin là quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên tới thăm Papua New Guinea. 

Theo AFP, lãnh đạo bộ quốc phòng Mỹ đã tuyên bố "một tàu tuần duyên sẽ đến Papua New Guinea vào tháng 8" và ông nhấn mạnh sự hợp tác cần thiết trong việc áp dụng luật hàng hải, đấu tranh chống nạn đánh bắt hải sản trái phép và nạn buôn người. 

Bộ trưởng Austin cho biết Hoa Kỳ không có ý định thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở Papua New Guinea. Lời khẳng định này nhằm xoa dịu những lo ngại là Papua New Guinea có thể phụ thuộc vào Mỹ về quốc phòng và an ninh sau khi hai bên ký kết một hiệp ước an ninh, quốc phòng ngày 22/05/2023. 

Mỹ sẵn sàng đón nhận New Zealand tham gia hiệp ước AUKUS 

Trong khuôn khổ chuyến công du New Zealand, hôm nay, 27/07, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu ra khả năng Wellington và các đối tác khác tham gia hiệp ước phòng thủ AUKUS. Khả năng hợp tác này khiến Trung Quốc khó chịu. 

Hôm qua, 26/07, thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, được AFP trích dẫn, đã tuyên bố "sẵn sàng đối thoại" về khả năng tham gia AUKUS, vai trò của New Zealand trong liên minh này, miễn là việc hợp tác này không liên quan đến lĩnh vực phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

Giữa những năm 1980, New Zealand đã chính thức tuyên bố là lãnh thổ không phát triển năng lượng hạt nhân. 

Chính quyền Wellington sẽ xem xét hợp tác về công nghệ quốc phòng như điều khiển học, trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu thanh. Đây là những lĩnh vực hợp tác trong "trụ cột thứ hai" của hiệp ước AUKUS. 

Tuy nhiên, ngoại trưởng New Zealand, bà Nanaia Mahuta cho biết "chưa có gì được quyết định" và Wellington ​​s xem xét mi đề xuất. 

AUKUS là hiệp ước hợp tác quân sự ba bên, Mỹ, Anh và Úc. Văn bản này được công bố ngày 15/09/2021, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. 

Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ và tố cáo hiệp ước này gây bất ổn trong khu vực. 

Nguồn : RFI tiếng Việt, 27/07/2023

Published in Châu Á