Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo AFP, Hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc và 10 đảo quốc trong Thái Bình Dương tại Fidji hôm nay đánh dấu thất bại ngoại giao của Bắc Kinh. Các đảo quốc trong Thái Bình Dương đã bác bỏ đề xuất hiệp định an ninh chung với Bắc Kinh, trong cuộc họp tại Suva, thủ đô của quần đảo Fidji, hôm 30/05/2022 vì e ngại sẽ bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.

pacific1

Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, trong cuộc họp báo tại Hội nghị các Ngoại trưởng của 10 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương, ngày 30/05/2022, tại Suva, Fiji. Ảnh do chính phủ Fiji cung cấp.  AP - HOGP

Nhằm trực tiếp vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng biển chiến lược này, Trung Quốc đã đề nghị với các đảo quốc nhỏ trong vùng ký một thỏa thuận quy mô lớn, theo đó Bắc Kinh sẽ giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đào tạo lực lượng cảnh sát, hỗ trợ an ninh mạng, mở rộng các quan hệ chính trị, tiến hành lập bản đồ các vùng đáy biển giúp các nước tiếp cận tốt hơn nguồn tài nguyên biển cũng như trên đất liền.

Để thuyết phục các nước trong khu vực, Bắc Kinh đề nghị khoản viện trợ nhiều triệu đô la và viễn cảnh một hiệp định tự do mậu dịch để các quốc gia nhỏ bé này có thể tiếp cận thị trường 1,4 tỷ người Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong hậu trường của hội nghị, lãnh đạo các nước trong vùng Thái Bình Dương tỏ lo lắng về những đề nghị viện trợ của Bắc Kinh. Trong một thư gửi các đồng nhiệm trong vùng, tổng thống quần đảo Micronesie, ông David Panuelo đã cảnh báo sự giúp đỡ không hề thiện tâm của Bắc Kinh sẽ chỉ giúp cho Trung Quốc gây ảnh hưởng với chính phủ và kiểm soát kinh tế của các nước.

Tại hội nghị hôm nay, bên cạnh Micronesie, đại diện Papuasia-New Guinea và quần đảo Samoa cũng tỏ e ngại về những đề xuất thỏa thuận ở quy mô khu vực của Bắc Kinh.

Các quan chức Trung Quốc tham gia hội nghị cũng thừa nhận đã không thuyết phục được các nước ký một thỏa thuận chung.

Tuy nhiên tại Suva, ngoại trưởng Vương Nghị cũng vớt vát được thể diện với thông báo 10 quốc đảo đã nhất trí về một hiệp định khung cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở Trung Quốc trong khuôn khổ dự án "Một vành đai, một con đường". Nội dung của văn kiện này sẽ được công bố trong những tuần tới.

Gần đây, Bắc Kinh đã đi những nước cờ riêng với từng nước. Hồi tháng 04/2022, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon, nằm sát bên cạnh nước Úc. Canberra nhận thấy thỏa thuận với Salomon là cách để Bắc Kinh cắm chân về quân sự ở trong vùng.

Nhiều nước phương Tây cũng bày tỏ lo ngại. Bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh cáo các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương không nên có các thỏa thuận "mập mờ" với Trung Quốc.

Anh Vũ

Published in Châu Á