Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson chưa đến bán đảo Triều Tiên (RFI, 19/04/2017)

Vào tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo sẽ điều động một đội tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm cảnh cáo Bình Nhưỡng, nhưng đội tàu chiến mà ông nói đến, cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson, trên thực tế đang đi về hướng ngược lại.

trieutien1

Tàu sân bay USS Carl Vinson trong cuộc tuần tra tại Biển Đông, ngày 03/03/2017. Trong ảnh, chiến đấu cơ F-18 đang chuẩn bị cất cánh. REUTERS/Erik De Castro

Trước đó, trong thông báo đưa ra ngày 10/04/2017, quân đội Mỹ cho biết là tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã ra lệnh cho cụm tàu này, sau khi rời Singapore, sẽ đi về hướng Bắc, tức là hướng bán đảo Triều Tiên. Trên nguyên tắc, cụm tàu Carl Vinson đã có mặt ở vùng Biển Nhật Bản vào tuần trước.

Nhưng theo hãng tin Reuters, vào cuối tuần qua, cụm tàu sân bay Carl Vinson đã băng ngang qua eo biển Sunda ( giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia ) rồi đi về hướng Ấn Độ Dương. Ngày 15/04, hải quân Mỹ thậm chí còn đăng một bức ảnh chụp tàu sân bay Carl Vinson đang đi ngang qua eo biển Sunda. Một quan chức quân sự Mỹ, xin miễn nêu tên, khẳng định là sau khi đi qua eo biển này, tàu Carl Vinson sẽ tiến hành các cuộc tập huấn tại vùng Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, tư lệnh của Carl Vinson lại thông báo với thủy thủ đoàn là việc triển khai cụm tàu sân bay tấn công được kéo dài thêm một tháng để có thể tiến hành các chiến dịch ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Những thông tin trái ngược nhau về sự di chuyển của cụm tàu sân bay Mỹ khiến các chuyên gia về Triều Tiên ngạc nhiên, tự hỏi là không biết điều này có sẽ làm sút giảm uy tín của chính quyền Trump hay không, vào lúc mà những lời lẽ cứng rắn của Washington về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên gây quan ngại về nguy cơ xung đột.

Trong khi đó, theo đài truyền hình Nhà nước của Bắc Triều Tiên, các lễ hội do chính quyền tổ chức cuối tuần qua đã bao gồm một màn trình diễn, trong đó có một video clip dựng cảnh các tên lửa bắn vào Hoa Kỳ, với hình ảnh cuối cùng là lá quốc kỳ Mỹ bốc cháy.

Thanh Phương

************************

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ - Nhật kiên quyết với Bình Nhưỡng (RFI, 18/04/2017)

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence rời Seoul bay sang Tokyo ngày 18/04/2017 sau hai ngày làm việc tại Hàn Quốc để khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng minh trước hiểm họa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để trấn an các đồng minh, phó tổng thống Hoa Kỳ cam kết sẽ bàn luận kỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi lấy bất cứ quyết định nào.

trieutien2

Mike Pence tại khu vực Bàn Môn Điếm, vùng phi quân sự giữa biên giới Hàn Quốc và BTT. Ảnh ngày 17/04/2017. REUTERS/Kim Hong-ji

Washington vừa trấn an các đồng minh Đông Bắc Á, vừa tiếp tục gia tăng áp lực buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Sau chặng dừng chân tại Hàn Quốc, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tới Nhật Bản. Hội kiến với thủ tướng Abe, đôi bên khẳng định chủ trương phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng cho mọi giải pháp, nhưng trước mắt ưu tiên con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. 

Washington và Tokyo kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn. Theo Reuters, trong cuộc họp báo trước bữa ăn trưa với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, phó tổng thống Mỹ nhắc lại : "Thời kỳ "kiên nhẫn chiến lược" đã qua và hiện tại mọi giải pháp đều đang được xem xét. Tổng thống (Donald) Trump kiên định trong lập trường phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với tất cả các đồng minh trong khu vực, và với Trung Quốc nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Ông Pence tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho Nhật Bản, thể theo các thỏa thuận quân sự giữa hai đồng minh. Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết : Phó tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật nhất trí về việc cần thuyết phục Trung Quốc "đóng một vai trò quan trọng hơn".

Thủ tướng Nhật nhấn mạnh : "Điều rất quan trọng là tiếp tục nỗ lực về mặt ngoại giao và tìm kiếm một giải pháp hòa bình… Nhưng cùng lúc đó (cần hiểu là) việc đối thoại thuần túy không có giá trị gì hết. Cần phải gia tăng áp lực".

Trả lời phỏng vấn báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Nhật Bản đang chuẩn bị gửi các binh sĩ đến bán đảo Triều Tiên để bảo vệ kiều dân nước mình, trong trường hợp khủng hoảng bùng phát, cần sơ tán.

Mỹ cam kết "hội ý" với Seoul trước khi xử lý Bình Nhưỡng.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tổng kết :

"Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thực hiện một loạt hành động biểu tượng. Lần lượt, ông đặt chân đến biên giới chia đôi bán đảo Triều Tiên và thăm viếng một căn cứ quân sự Mỹ để gặp gỡ một số binh sĩ trong lực lượng 28.500 quân Mỹ đồn trú thường trực tại Hàn Quốc.

Sau khi hội đàm với quyền tổng thống Hwang Kyo Han, phó tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ nhanh chóng bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm trung-cao THAAD, kế hoạch đang bị đối lập cánh tả phản đối mạnh.

Điểm nổi bật nhất là từ Seoul, ông Mike Pence gửi thông điệp mới cảnh cáo chính quyền Bình Nhưỡng không nên trắc nghiệm "quyết tâm" của tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Cuối cùng, phó tổng thống Mỹ cam kết với đồng minh là "Hoa Kỳ sẽ bàn tính kỹ với giới lãnh đạo Hàn Quốc trước khi lấy bất cứ quyết định gì liên quan đến Bắc Triều Tiên". Thông điệp này nhằm trấn an đồng minh Nam Hàn mà mối lo âu lớn nhất là Hoa Kỳ đơn phương tấn công Bắc Triều Tiên".

Tú Anh, Trọng Thành

***************************

Bình Nhưỡng dọa thử tên lửa "hàng tuần, hàng tháng, hàng năm" (RFI, 18/04/2017)

Vào lúc phó tổng thống Mỹ đến Tokyo với đối sách chống Bắc Triều Tiên là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự, tại Bình Nhưỡng, một thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên hôm nay, 18/04/2017 đã lên tiếng dọa rằng nước này sẽ thử nghiệm tên lửa "hàng tuần, hàng tháng, hàng năm".

trieutien3

Mô hình tên lửa Ngân Hà 3 (Unha) tại Tổ hợp Công nghệ - Khoa học, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 17/04/2017. REUTERS/Damir Sagolj

Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời phỏng vấn của báo chí phương Tây, thứ trưởng Han Song Ryol đã khẳng định rằng nước ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh các vụ thử nghiệm tên lửa, "với tần suất hàng tuần, hàng tháng và hàng năm". Theo nhà ngoại giao Bình Nhưỡng, nếu Mỹ có bất kỳ hành động quân sự nào nhắm vào Bắc Triều Tiên, nước ông sẽ chống lại bằng một "cuộc chiến tranh toàn diện".

Cùng một giọng điệu cứng rắn, vào hôm qua 17/04, trong một cuộc họp báo, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim In Ryong cũng dọa : "dùng những biện pháp phản kháng dữ dội nhất để đáp trả những kẻ gây hấn". Ông đồng thời cho biết là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân mới, sẽ diễn ra vào thời điểm mà giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên thấy là cần thiết.

Tại Hoa Kỳ, cũng hôm qua, khi được hỏi về khả năng Mỹ hành động quân sự đối với Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nói rằng ông không muốn thông báo trước về kế hoạch của mình nhưng cho rằng mọi người đã không còn kiên nhẫn trước Kim Jong-un nữa.

Khi được hỏi về thông điệp mà ông muốn gởi đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên là gì, tổng thống Mỹ nói ngắn gọn : "Hãy cư xử cho tử tế".

Về phần Trung Quốc, vào hôm nay, ngoại trưởng Vương Nghị đã nhắc lại khuyến cáo là chỉ nên giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao.

Phát biểu với nhà báo tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định rằng chính Hoa Kỳ cũng muốn dùng trước tiên hết là các phương tiện ngoại giao và chính trị để giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á