Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phật viện xuống cấp –Không thể "cứu" do quy hoạch chưa duyệt (RFA, 30/08/2019)

Từng là một trung tâm thiền viện Phật giáo lớn nhất nhì Đông Nam Á và được Thủ tướng Việt Nam công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016 nhưng đến nay Phật viện Đồng Dương (nằm ở thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trở nên hoang tàn, đổ nát…chỉ còn lại tháp Sáng nhưng cũng xiêu vẹo, ngã nghiêng.

vn1

Cổng tháp Sáng xuống cấp nghiêm trọng đang được chống đỡ bằng những thanh sắt thép rào xung quanh - Photo : RFA

Phật viện trước đây

Chúng tôi đến nơi đây vào một ngày cuối hè 2019. Ngay phía trước cổng vào Phật viện, có một tấm bảng do chính quyền tỉnh Quảng Nam dựng lên, sơ lược thông tin về di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Theo nội dung trên tấm bia, thì Phật viện được vua Indravarman II sáng lập vào năm 875, đây cũng là khu trung tâm của kinh đô Indrapura thuộc Vương quốc Chămpa. Theo một số nhà nghiên cứu thì điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ cùng với những biến động của lịch sử, kinh đô Indrapura và Phật viện Đồng Dương bị chìm vào quên lãng. Mãi đến năm 1901, L. Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm.

Một năm sau đó, một nhà nghiên cứu khác cũng là người Pháp ông H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và đã tìm thấy khu kiến trúc chính của thiền viện cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo mô tả của H. Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông dài hơn 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật.

Bộ Văn hóa Thông tin (tên gọi cũ) đã xếp hạng là di tích quốc gia vào ngày 21/9/2000 và đến ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia đặc biệt.

Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã từng cho biết : "Cứu vãn trùng tu Mỹ Sơn tưởng là công việc khó khăn, thách đố các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế nhưng với Đồng Dương, xem ra khó khăn gấp bội phần". Giáo sư Kính và các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 2011 đã đến Đồng Dương để tham gia hội thảo tìm giải pháp bảo tồn di tích Đồng Dương do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Tuy nhiên gần 10 năm qua, vẫn chưa có giải pháp nào được áp dụng trong việc trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương.

Và nay… chờ quy hoạch

Theo đánh giá sơ bộ của các nhà chuyên gia di tích thì Phật viện Đồng Dương giờ đã bị xuống cấp hơn 90%, duy chỉ còn sót lại một mảng tường của cổng tháp Sáng. Tuy vậy, thực tế ngay cả cổng tháp Sáng cũng đang xuống cấp, nằm trơ trọi trên một ngọn đồi và xung quanh cỏ cây mọc um tùm.

Theo cụ bà tên Hồng (87 tuổi, thôn Đồng Dương), lúc cụ bà sinh ra thì Phật viện này đã có nhưng do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên Phật viện ngày nay khác trước rất nhiều.

"Hồi trước thời Pháp thì vẫn còn y nguyên chứ chưa tan nát như bây giờ. Nhưng vì chiến tranh mới tan nát đây".

"Khác chứ sao không khác. Chừ với ngày trước khác đi mô, chừ tàn phá hư hết, có gì đâu".

Một cụ bà khác tên Gặp, là con dâu họ Trà, tức là họ tộc của con cháu người Chămpa hiện sinh sống khá nhiều xung quanh khu di tích Phật viện Đồng Dương, cho biết ngoài bị thiên nhiên, chiến tranh tàn phá thì sau năm 1975, nhiều người dân sinh sống tại điạ phương do hoàn cảnh nghèo khổ quá nên đã đào gạch tại Phật viện về xây dựng nhà cửa. Bà nói :

"Còn yếu tố sau ngày giải phóng về, dân về đây họ nghèo sẵn có gạch dưới ni thì họ đào gạch ấy về xây nhà, giờ hục hục vậy là do họ đào gạch xây nhà đó chứ nói đúng ra cũng không có phá phách gì".

Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm là di tích bị bôi bẩn bởi nhiều nét vẽ nguệch ngoạc, phản cảm.

Năm 2012 sau Hội thảo tìm giải pháp trùng tu di tích, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3 tỷ đồng để khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng Dương. Đồng thời để cổng tháp Sáng không bị sụp đổ, tỉnh cũng đã dựng một hệ thống sắt thép để chống đỡ. Đây là lần chống đỡ thứ hai, trước đó nhiều năm cổng tháp Sáng được chống đỡ bằng hệ thống gỗ nhưng qua thời gian thì hệ thống này hư hỏng.

"Sợ nó ngã cái Tháp, hồi trước họ chống Tháp bằng gỗ nhưng sau gỗ nó mục hư thì họ chống lại bằng sắt".-Lời của bà Gặp.

Chúng tôi liên lạc với ông Hồ Tấn Cường-Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam để hỏi thêm kế hoạch của tỉnh về di tích đặc biệt này. Ông Cường cho biết :

"Giải pháp cho tháp Sáng, anh em bọn tôi đã chống rồi, chống cả chục năm nay rồi nhưng mà cả ngàn năm từ thể kỷ thứ IX đến giờ cho nên nguy cơ sụp đổ là bình thường. Bây giờ mình phải giữ nó lại y nguyên trạng cái đã, cái gì còn thì mình giữ còn cái gì hắn không còn thì mình mới đào lên mình mới biết cái đó là cái chi".

vn2

Cổng vào Phật Viện Đồng Dương Photo : RFA

Việc trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương là công việc hết phức tạp, theo chia sẻ của ông Hồ Tấn Cường, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã từng có chủ trương trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương nhưng từ nhiều năm qua đã gặp khó khăn.

"Có. Nhưng bây giờ đang nhờ một đơn vị tư vấn. Người ta tập trung quy hoạch trở lại và người ta khảo cổ trước khi quy hoạch, trùng tu và phục chế".

"Việc ni là Ủy ban Tỉnh đã có chủ trương rồi nhưng chưa có người bởi vì họ thấy khó quá. Bởi vì nhà tư vấn họ phải tính toán việc lời lãi nữa chứ không phải mình yêu di sản là mình làm liền. Cái ông làm tư vấn bao giờ cũng tính toán quy hoạch xong rồi tính toán có lời lãi rồi ổng mới làm. Nhưng bây giờ chưa tìm ra nhà tư vấn nào".

Về phía người dân, thông tin Phật viện Đồng Dương sẽ được chính quyền các cấp vào cuộc trùng tu từ nhiều năm nay nhưng họ chẳng thấy gì ngoài những lời nói giống như hứa hẹn.

"Nghe nói trùng tu miết, có người thì nói trùng tu, có người nói giờ để làm nhà trưng bày rồi mới trùng tu mà có thấy gì đâu. Người dân ở đây cũng chờ mong, ngó mòn mỏi mà có thấy chi đâu" - lời của bà Gặp.

"Nói lâu rồi. Nói hồi năm 2000 rồi đến họ hứa năm 2005. Năm 2005 không làm rồi đến năm 2010, đến năm 2015 và giờ đến năm nay 2019 nói là năm 2020. Xã này họ cũng trông nhưng mà sao không làm cũng không biết.

Một phụ nữ ở thôn Đồng Dương tham gia chia sẻ thêm, nguyên do của những lời hứa hẹn mà chưa thấy thực hiện là do chính quyền địa phương không có kinh phí để làm.

"Không biết. Họ cứ hẹn. Họ không có kinh phí. Chưa có kinh phí với lại các nhà đầu tư họ chưa tài trợ về thành ra họ không làm".

Bà Nở, cư dân thôn Đồng Dương cũng chia sẻ tương tự.

"Dân thì kêu xã, xã thì nói chờ nhà tài trợ biết bao nhiêu năm rồi mà không được đó".

Tại sao di tích xuống cấp lâu như vậy nhưng Chính phủ, Cục di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL chưa có giải pháp hỗ trợ tỉnh để bảo tồn tổng thể, cứu di tích ? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, ông Hồ Tấn Cường, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam cho biết :

"Chưa. Chưa. Mình chưa có kế hoạch, chưa có quy hoạch thì làm răng họ hỗ trợ được".

Trong khi đó, vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục di sản văn hóa trả lời trên báo Thanh Niên về di tích Phật viện Đồng Dương rằng, nếu tỉnh Quảng Nam thấy khó khăn thì có ý kiến ra Cục để Cục tư vấn hướng dẫn chuyên môn.

Lại câu chuyện Tỉnh chờ Bộ, Bộ đợi kiến nghị, hết năm này qua năm khác di tích không chờ được đã trở nên hoang tàn nghiêm trọng. Còn người dân thôn Đồng Dương thì chỉ biết ngóng các cấp chính quyền hứa trùng tu di tích trong vô vọng.

"Mong muốn ở đâu cũng như ở quốc tế về làm lại cái Tháp cho nó trang hoàng, cho dân ở đây thấy chút chứ hồi nớ chừ không thấy cái Tháp mà cứ nói Tháp miết rứa đó". Một cụ bà tên Hồng cho biết".

Theo các chuyên gia bảo tồn di tích thì Phật viện là di tích quốc gia đặc biệt do đó muốn tu bổ phải dựa vào quy hoạch mà quy hoạch thì lại do Thủ tướng phê duyệt (theo Nghị định 70 về tu bổ di tích)… Nếu Thủ tướng chưa duyệt quy hoạch thì khó có đơn vị nào "đụng" vào được !

******************

Cảnh sát điều tra viết thêm vào biên bản hỏi cung : nguồn cơn án oan ? (RFA, 29/09/2019)

Khởi tố cảnh sát điều tra

Trong bản tin loan đi ngày 29/08/19, Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trung tá Nguyễn Việt Cường, 43 tuổi, cựu điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên theo khoản 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.

vn3

Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Ảnh minh họa.

Trung tá Nguyễn Việt Cường bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, do tự ý viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung một vụ án hình sự liên quan vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy hồi tháng 7 năm 2012.

Tại thời điểm đó, Trung tá Nguyễn Việt Cường, được giao trách nhiệm thụ lý điều tra vụ án trong vai trò là Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Tuy Hòa.

Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rõ rằng vụ án vừa nêu được đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 3 năm 2014 và phúc thẩm vào tháng 9 cùng năm.

Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên hủy bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh, một trong các bị cáo của vụ án để điều tra lại. Và trong quá trình điều tra lại vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đã phát hiện Trung tá Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm nhiều nội dung vào các bản cung có tính chất buộc tội đối với bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đề nghị giám định các biên bản hỏi cung này.

Kết quả, cảnh sát điều tra Nguyễn Việt Cường bị đình chỉ chức Trưởng Công an phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa và bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra trước khi nhận được quyết định khởi tố của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Không phải là trường hợp cá biệt

Vào tối ngày 29 tháng 8, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm vào bản cung không phải là trường hợp cá biệt :

"Theo kinh nghiệm, tôi thấy hiện tượng đó là nhiều. Thậm chí là rất nhiều. Việc (cảnh sát điều tra) viết thêm, điền thêm diễn ra rất nhiều bởi vì khi lấy lời khai của bị can hoặc của người bị tình nghi thì các bản cung không có khóa cái đuôi, tức là phần cuối cùng của bản cung thường để trống và cảnh sát điều tra kêu bị can, người bị tình nghi hay người bị tố giác ký tên vào. Những người bị điều tra thường lâm vào tình trạng mệt mỏi do làm việc mấy tiếng đồng hồ liên tục, mà đa số họ không để ý phần cuối cùng để trống còn lại là phải gạch chéo, phải khóa đuôi do đó sau khi ký tên rồi thì phía điều tra viên có thể thêm, bớt. Thậm chí có những bản cung không có chữ mà bị can vẫn phải ký tên vô vì người ta sợ hãi mà ký vào. Chúng tôi chứng kiến một số vụ án khi ra tòa, bị cáo nói là phần này họ không khai nhưng chữ ký thì đúng là chữ ký của bị cáo. Phần viết thêm đó gọi là là phần bất lợi nhất trong toàn bộ bản cung, dựa vào phần cuối của bản cung để kết tội".

Cựu tù nhân lương tâm, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cũng xác nhận tình trạng này với RFA :

"Ở Việt Nam, việc bức cung, dùng nhục hình và làm sai lệch hồ sơ điều tra thì xảy ra rất nhiều. Trong thời gian đi tù và nghe bạn tù nói về nhiều việc như bị tra tấn, bị bức cung nhục hình và bị bắt ký vào những tờ biên bản để trống. Gần đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị lập biên bản và bị bắt ký vào những biên bản vẫn còn khoảng trống. Hóa đã không chịu ký thì bị đánh".

vn4

Trung tá Cảnh sát Nguyễn Việt Cường ở tỉnh Phú Yên bị khởi tố theo khoảng 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015. Courtesy : Ảnh chụp màn hình plo.vn

Qua trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, chúng tôi được biết tình trạng cảnh sát điều tra tại Việt Nam thường tự ý viết vào bản cung là do phía nhân viên điều tra bị áp lực về thời hạn tố tụng, tức là thời gian điều tra bị giới hạn và họ phải nhanh chóng hoàn tất hồ sơ điều tra để đạt thành tích thi đua. Bên cạnh đó cũng không thể không bỏ sót vì mục đích tư lợi của nhân viên điều tra mà họ thay đổi thêm, bớt nội dung trong bản hỏi cung.

Một số luật sư còn nhấn mạnh với RFA rằng mặc dù tại các phiên tòa, bị cáo nói rằng họ không cung khai theo như trong bản cung và dù luật sư và hội đồng xét xử có thể nghi ngờ, thế nhưng hội đồng xét xử phó mặc số phận của bị cáo mà họ chỉ tuyên theo hồ sơ điều tra và do đó hậu quả là có rất nhiều oán oan tại Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề với Luật sư Phạm Công Út, rằng có phải trường hợp hiếm hoi của Trung tá Nguyễn Việt Cường bị phát hiện và bị khởi tố bởi vì hồ sơ vụ án được yêu cầu điều tra lại hay không, và được ông trả lời :

"Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì theo Luật Tố tụng quy định là điều tra viên không bị thay đổi trong trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc án bị hủy ; vẫn là điều tra viên đó. Cho dù đầu tiên do điều tra viên làm sau đó đưa ra xử sơ thẩm, rồi xong việc. Sau đó đưa ra xử phúc thẩm, xử xong rồi hủy và quay lại thì không thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên. Hai chủ thế đó không bị thay đổi. Chỉ có chủ thể hội đồng xét xử bị thay đổi, tức là đã tham gia xét xử rồi thì không được xét xử nữa. Tức là đã tiến hành tố tụng rồi thì không được tiến hành tố tụng nữa. Còn riêng điều tra viên, kiểm sát viên thì không bị rơi vào ‘vùng cấm’ đó do đó họ vẫn tiếp tục điều tra và họ phải bảo vệ cái sai trước đó của họ".

Kêu gọi minh bạch trong tư pháp

Đài RFA ghi nhận có thể nói vụ việc Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường là trường hợp lần đầu tiên được truyền thông nhà nước loan tin kể từ sau khi Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam cần thực hiện theo Công ước Chống tra tấn, sau phiên họp định kỳ lần thứ 65 của Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc diễn ra hồi trung tuần tháng 11 năm 2018 cũng như các tổ chức nhân quyền và chính phủ trên thế giới kêu gọi Việt Nam cải tổ hệ thống tư pháp minh bạch hơn.

Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải lưu ý mặc dù quy định pháp luật của Việt Nam ghi rõ phải có sự tham gia của luật sư trong quá trình điều tra, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các cuộc điều tra của cảnh sát điều tra đều không có mặt của luật sư cũng như không có sự giám sát nào để bảo vệ cho người bị điều tra. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải khẳng định rằng ở Việt Nam, công an luôn bắt người trước rồi mới điều tra sau với động cơ để buộc tội, chứ không phải điều tra để chứng minh người bị bắt vô tội. Và, theo nhận định của Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì giới luật sư và người dân phải vận dụng quy định của pháp luật cũng như có sự vào cuộc của truyền thông thì những vụ việc như của nhân viên điều tra-Trung tá Nguyễn Việt Cường mới bị phơi bày và mang ra ánh sáng.

Luật sư Phạm Công Út cho rằng trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra ở tỉnh Phú Yên bị phát hiện và bị khởi tố là vì đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của địa phương và do Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thụ lý. Luật sư Phạm Công Út lý giải ngày càng nhiều người dân được giới luật sư hỗ trợ về kiến thức pháp luật nên những trường hợp như thế bị phanh phui và tố cáo trực tiếp lên cấp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết.

Luật sư Phạm Công Út và một số luật sư mà Đài RFA tiếp xúc mong muốn truyền thông nhà nước tích cực hơn nữa trong việc phổ biến kiến thức pháp luật rộng rãi đến dân chúng để họ nhận biết thế nào là nhóm tội "xâm phạm hoạt động tư pháp", như trường hợp nhân viên điều tra tự ý viết thêm vào bản cung, để người dân có thể chủ động tố cáo theo đúng thủ tục và trình tự pháp lý đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhằm góp phần hạn chế những bản án oan sai tại Việt Nam.

*************************

Thành phố Hồ Chí Minh theo đuôi Trung Quốc lắp 10.000 camera để giám sát công dân ? (RFA, 29/08/2019)

Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình đề án "Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung". Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.

vn5

Hình minh họa. Một người khách chụp hình hệ thống an ninh nhận dạng khuôn mặt ở triển lãm quốc tế về an toàn và an ninh ở Bắc Kinh hôm 24/10/2018 - AFP

Theo Sở Thông tin và truyền thông, mạng lưới camera có mục đích giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…

Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Một dự án tùy tiện

Bình luận về dự án này, Đinh Thuỵ An là một thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc, cho rằng :

"Tôi nghĩ với số lượng 10.000 camera được lắp đặt trên toàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ để đọc được hình ảnh của người dân. Bởi vì theo kết quả thực tiễn, các hình ảnh lấy ra từ camera có chất lượng rất thấp. Nếu muốn nhận diện được thì camera đó phải cực kỳ tốt, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ rất cao.

Nhưng nếu như phải đầu tư với một số tiền rất lớn cho cho hệ thống camera đó thì cũng phải nên coi lại kỹ hơn bởi vì số tiền đó chắc chắn sẽ từ tiền thuế của người dân mà ra".

vn6

Hình minh họa. Giao thông ở Đà Nẵng nhân dịp Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. AFP

Ngoài ra, theo quan điểm của Thạc sỹ Thuỵ An thì việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn thành phố như vậy tốt hay xấu còn phụ thuộc vào mục đích của việc lắp đặt :

"Mặt tốt của nó là có thể chống trộm, móc túi, tệ nạn xã hội hoặc các vụ hiếp dâm…

Nhưng nếu mục đích là chống gây rối trật tự công cộng, hay nhìn ở góc độc chính trị thì người ta đang không muốn cho người dân thể hiện quyền cá nhân, không muốn người dân ra đường nói lên tiếng nói của mình"

Luật gia, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các lại khẳng định đây là một dự án mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một cách tùy tiện :

"Sở Thông tin và truyền thông đề xuất một dự án rồi trình lên cho chủ tịch thành phố. Chủ tịch thành phố chỉ việc ký vào đề án đó và người ta sẽ tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào để xem xét về tính hợp hiến.

Theo như tôi biết thì ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, người ta cấm các cơ quan hành pháp theo dõi công dân. Nếu muốn theo dõi một công dân thì cần phải có các thủ tục tư pháp.

Còn việc lắp đặt theo dõi hệ thống camera ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chính quyền tùy tiện tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào".

Ông Các cũng không cho rằng dự án lắp đặt hệ thống camera này có thể có tác động tích cực như chống trộm cướp hay giảm tệ nạn xã hội :

"Chính quyền thường hay viện dẫn lý do là quản lý xã hội nhằm phòng chống tội phạm để phía hành pháp tự tiến hành lắp đặt hệ thống camera này.

Hiện nay tôi chưa thấy một báo cáo hoặc một thống kê nào nêu lên tính hiệu quả của việc lắp đặt camera. Thực tế, việc lắp đặt camera tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng có ở nhiều nơi nhưng tỷ lệ tội phạm trộm cướp vẫn không có dấu hiệu cải thiện.

Chính vì vậy tôi hoài nghi về tính hiệu quả trong chức năng phòng chống tội phạm của các thiết bị camera ở nơi công cộng".

Học theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc ?

Cũng theo luật gia Phạm Lê Vương Các, dự án lắp đặt hệ thống camera có thể nhận diện khuôn mặt được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc :

"Việc quản lý xã hội bằng cách lắp đặt hệ thống camera thì trước đây Trung Quốc đã áp dụng rồi. Bây giờ Việt Nam cũng chỉ là bắt chước theo cách thức quản lý xã hội của Trung Quốc và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện kinh tế để thí điểm mô hình này.

Việc giám sát này chỉ thấy ở những quốc gia độc tài chẳng hạn như Trung Quốc. Từ việc muốn nhận diện khuôn mặt mỗi khi ra đường thì chính quyền đang gia tăng quản lý chặt chẽ người dân từ trong nhà ra tới ngoài đường. Ở trong nhà thì có những chính sách như hộ khẩu, phải đăng ký lưu trú cho tới khi ra đường thì sẽ bị nhận diện qua hệ thống camera nhận diện gương mặt".

vn7

Hình minh họa. Cờ Trung Quốc gần những camera trên cột đèn ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 15/3/2019 AP

Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho rằng chính quyền đang muốn kiểm soát người dân theo cách mà Trung Quốc đang làm :

"Có một quốc gia đi đầu trên thế giới về việc lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt người dân đó là Trung Quốc. Và chúng ta thấy rằng các hệ lụy của việc này đối với các quyền tự do riêng tư là rất lớn.

Người dân Trung Quốc hiện nay theo như các phương tiện truyền thông đại chúng thì hầu như không có bất cứ một quyền riêng tư nào cả.

Trên thực tế đã có rất nhiều quốc gia cấm chính quyền lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt một cách tự động ở những nơi công cộng bởi vì nó xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của người dân. Thay vào đó, họ chỉ được phép lắp đặt các hệ thống camera bình thường mà thôi".

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang là nước có số lượng camera có khả năng nhận diện khuôn mặt cũng như hành vi người dân được lắp đặt ở nơi công cộng nhiều nhất trên thế giới với gần 200 triệu camera giám sát. Đặc biệt nhiều tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Mỗi người dân Trung Quốc khi ra đường sẽ bị giám sát bởi 2 camera an ninh.

Hậu quả việc công dân bị nhận diện, giám sát

Từ mối lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nói chung hay là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay đang lợi dụng dự án "Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung" để tăng cường theo dõi, giám sát mọi hành vi của công dân, ông Trường Sơn và luật gia Phạm Lê Vương Các đã chỉ ra các hệ luỵ mà người dân có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục việc lắp đặt hàng loạt camera có chức năng tự động nhận diện khuôn mặt và hành vi :

Thứ nhất, người dân dễ dàng bị giải tán, đàn áp khi tham gia các hoạt động biểu tình hay thực hành quyền tự do hội họp của công dân. Ông Trường Sơn nói tiếp :

"Rõ ràng đây là một nguy cơ hiện hữu. Thông qua những bài báo trong nước thì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang thể hiện rất rõ mục đích của họ khi mà lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đó là phát hiện những công dân tham gia các hoạt động tụ tập đông người, mà có thể hiểu là người ta đang thực hành quyền biểu đạt cũng như tự do hội họp của họ.

Chính quyền muốn phát hiện những người tham gia các hoạt động đó và trừng phạt họ thì rõ ràng, đối với Ân xá Quốc tế đây là công cụ để giúp chính quyền thực hiện đàn áp quyền tự do biểu đạt của người dân, và nó rất là đáng lo ngại".

Thứ hai, khi người dân bị theo dõi, giám sát quá mức sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư cá nhân. Luật gia Phạm Lê Vương Các nhận định :

"Việc lắp đặt camera này với các chức năng phòng chống tội phạm chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta nhìn thấy rõ một điều rằng có dấu hiệu mang tính chất không đảm bảo được quyền riêng tư của công dân trong xã hội.

Chính sách quản lý người dân sẽ làm cho xã hội thiếu đi sự tự do, thiếu đi sự hồn nhiên của người dân khi ra đường, làm mất bớt đi sự tự do quyền riêng tư vốn có".

Thứ ba, chính phủ sẽ nhận diện, thu thập các hành vi cá nhân của người dân rồi thực hiện việc "xếp hạng công dân" hệt như những gì Trung Quốc đang thực hiện với người dân của mình, theo ông Trường Sơn :

"Chính quyền Trung Quốc đã triển khai hệ thống tính điểm cho công dân của mình. Tức là bất cứ việc làm nào của công dân ở nơi công cộng đều bị hệ thống camera phát hiện và danh tính của họ cũng bị lộ diện.

Chính quyền sẽ chấm điểm công dân đó và từ đó, công dân sẽ bị giới hạn một số lợi ích dựa theo các hành vi của họ. Nó khiến xã hội Trung Quốc trở thành nơi không còn bất cứ một tính riêng tư nào cả".

Hiện nay, Trung Quốc đang thử nghiệm việc sử dụng hệ thống carame giám sát dày đặc này để tính điểm, phân loại công dân với thang điểm từ 1 là yếu kém đến 5 là ưu tú.

Hệ thống này đánh giá này dựa trên mọi hành vi của công dân nơi công cộng như vượt đèn đỏ, sang đường sai luật, hút thuốc…

Những công dân bị đánh giá, xếp loại yếu kém sẽ mất một số quyền lợi như không được phép sử dụng "các dịch vụ chất lượng" hay bị nêu tên và gương mặt trên các màn hình lớn nơi công cộng.

Hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020.

Cao Nguyên

Published in Việt Nam