Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Virus corona - Covid-19 : Mối lo mới từ Nhật Bản

Dịch Covid -19 vẫn chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay. Mặc dù dường như đã bắt đầu có dấu hiệu dịu xuống ở Trung Quốc nhưng bệnh dịch vẫn tiếp tục tiến triển khó lường. Ngoài Trung Quốc, đã bắt đầu xuất hiện những ổ dịch mới đáng lo ngại.

nb1

Hành khách trên tàu Diamond Princess neo tại Yokohama, Nhật Bản vẫy chào báo chí, ngày 12/02/2020. Reuters/Kim Kyung-hoon

Nhật Bản đang trở thành điểm nóng mới, cụ thể là thành phố công nghiệp Yokohama với 3,7 triệu dân nằm cách thủ đô Tokyo 30 km. Tại đó, con tàu du lịch Diamond Princess chứa 3.700 người đang bị cách ly trên bến cảng từ hôm 5/12 sau khi phát hiện có hành khách nhiễm virus.

Nhật báo La Croix chạy tựa : "Đến lượt Nhật Bản báo động virus corona". Sát ngày hết hạn cách ly con tàu (19/02), Bộ Y tế Nhật xác nhận trên con tàu du lịch này có hơn 500 ca nhiễm Covid-19, và số người dương tính với virus corona tăng thêm hàng chục mỗi ngày qua. Đó mới chỉ là số ca phát hiện nhiễm trên tổng số 1.723 người được xét nghiệm. Cộng thêm 65 trường hợp xác nhận đã bị nhiễm virus corona và một ca tử vong ở trong nước, Nhật Bản đang là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai sau Trung Quốc.

Theo La Croix, "người Nhật vẫn quen đối phó với những thảm họa thiên tai, giờ đang chuẩn bị đối mặt với sự lây lan của virus corona dài hơn, nghiêm trọng hơn như là họ dự tính lúc đầu".

Tờ báo cho biết : "Tại thành phố Yokohama, cuộc sống vẫn tiếp tục bình thường nhưng một nửa dân thành phố giờ đây ra đường đeo khẩu trang. Người ta đã thấy xuất hiện những hàng người xếp hàng trước các cửa hiệu dược phẩm dài thêm mỗi ngày. Trước các khách sạn, có những chai nước tẩy trùng để khách hàng rửa tay trước khi vào. Nỗi lo sợ bắt đầu tràn vào các nhà dưỡng lão, một trong những nơi nhạy cảm của bệnh dịch".

Chính phủ Nhật đã báo động về tình trạng dịch virus corona đồng thời kêu gọi ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi người. Hệ quả là một loạt các sự kiện thể thao, lễ hội bị hủy bỏ. Nhưng với Nhật Bản mối đe dọa lớn nhất ở phía xa hơn một chút, đó là đe dọa đối với Thế vận hội mùa hè Tokyo, sẽ khai cuộc vào giữa tháng 7 tới.

Chính phủ Nhật lo giữ hình ảnh đất nước, chậm xử lý khủng hoảng ?

Liên quan đến sự việc này, báo Le Monde có bài "Nhật Bản bị chỉ trích về quản lý dịch Covid-19". Các quyết định của cơ quan y tế Nhật trong vụ xử lý dịch trên con tàu Diamond Princess bị dư luận trong nước chỉ trích là đưa ra chậm trễ và thiếu thận trọng. Ví dụ Nhật đã đưa 206 kiều dân trở về từ Vũ Hán, nhưng chỉ yêu cầu họ tự cách ly trong nhà 2 tuần, trong khi mà ở những nước khác, những người từ vùng dịch trở về đều bị tập trung bắt buộc cách ly.

Theo Le Monde, "ngay từ đầu, chính quyền Abe có vẻ như chăm lo cho hình ảnh của nước Nhật nhiều hơn. Hôm 6/2, chính phủ Nhật kêu gọi truyền thông Nhật và Tổ chức Y tế Thế giới không tính gộp những trường hợp nhiễm trên tàu Diamond Princess vào số ca nhiễm ở trong nước. Chính phủ sợ người Nhật cũng bị xếp vào danh sách bị hạn chế nhập cảnh". Trong khi đó, theo tờ báo, ngày 5/2, đảo quốc nhỏ giữa Thái Bình Dương Micronesia đã ra lệnh cấm nhập cảnh những người đến từ Nhật.

Trung Quốc : Tiếp tục cuộc chiến với Covid-19, mở rộng phong tỏa

Tại Trung Quốc, sức tàn sát của virus corona dường như có dịu xuống vài ngày nay, nhưng chưa dấu hiệu nào cho thấy dịch đang bị đẩy lùi. Cuộc chiến của Trung Quốc với tử thần Covid-19 vẫn còn đầy căng thẳng.

Chính quyền thắt chặt các quy định cách ly phòng dịch, Le Monde cho biết. Từ hôm qua các biện pháp kiểm tra, cách ly đã mở rộng ra hàng loạt các địa phương. Thủ đô Bắc Kinh được đặt dưới sự giám sát tối đa. Bất kể ai vào thành phố giờ đây đều bị cách ly 14 ngày. Tại Thượng Hải, người dân ra vào thành phố phải có giấy phép. Có những khu phố người ta chỉ cho phép cư dân sở tại ra vào. Một số thành phố sống trong không khí như có chiến tranh. Người dân bị lệnh giới nghiêm cấm ra khỏi nhà kể cả để mua bán nhu yếu phẩm.

Le Monde cho biết, tình hình kiểm soát đi lại trong thành phố tại Thượng Hải trở nên hỗn loạn. Mỗi khu phố, mỗi khu dân cư làm theo cách của mình tùy theo tâm lý lo sợ ở từng nơi. Có những khu dân cư, chỉ cho phép những người sống trong đó được vào. Ở những khu khác, mỗi gia đình chỉ được ra ngoài 3 lần trong 1 tuần. Nhưng cũng có chỗ thì khách vẫn được ra vào tự do.

Còn tại Hồ Bắc, toàn tình như đặt trong tình trạng chiến tranh : Rất đông quân nhân được cử đến giúp các nhóm y tế địa phương để cưỡng chế cách ly những người có triệu chứng sốt nhỏ nhất.

Ngay từ thứ Sáu tuần trước, thành phố Thập Yến trong tỉnh Hồ Bắc chính thức đặt trong tình trạng chiến tranh. Không một ai được quyền ra khỏi nhà trong 2 tuần. Các huyện bên cạnh thành phố sẽ lo cung cấp thực phẩm cho các gia đình, nhưng chi phí dịch vụ do người dân trả. Nhiều thành phố trong tỉnh Vân Nam, tây nam đất nước, cũng được áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.

Như vậy có khoảng 760 triệu người, tức một nửa dân số Trung Quốc bị cô lập. Gần đây, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định lại là cuộc chiến đấu chống dịch "không được làm tê liệt đất nước". Nhưng đến giờ thì Trung Quốc không còn cách làm nào khác.

Khốn khổ khi là người Hồ Bắc

Không chỉ bị cách ly, hạn chế đi lại ngay tại địa phương mà ở khắp nơi trong đất nước Trung Quốc cuộc sống của hàng triệu người khác đang khốn đốn, chỉ vì họ là dân Hồ Bắc.

Phóng viên báo Le Figaro có bài phóng sự điều tra dài với tiêu đề "Những con bệnh "dịch hạch" của Hồ Bắc, những kẻ khốn khổ mới của Trung Quốc". Bài phóng sự cho thấy ngay từ đầu dịch Covid-19 bùng phát, 5 triệu người đã bỏ chạy khỏi thành phố Vũ Hán. Bị chính quyền truy tìm, đồng bào ruồng bỏ, những người Vũ Hán đó đang là những nạn nhân liên đới của virus corona. Ngay cả những người đã rời khỏi quê hương bản quán của mình từ lâu cũng vẫn không thoát được cuộc săn đuổi, hay thái độ khinh thị ở khắp nơi trên tổ quốc của chính mình.

Syria : Thảm cảnh ở cuối cuộc chiến

Chuyển sang thời sự quốc tế khác đang bị vụ dịch virus corona che lấp. Có một thảm cảnh nhân đạo mà cả triệu người khác đang phải hứng chịu những ngày tháng qua tại Syria.

Libération đưa độc giả đến vùng tây bắc Syria, tại đây đang diễn ra những trận chiến của quân chính phủ Damascus dưới sự yểm trợ của quân đội Nga, để giành lại phần đất cuối cùng nằm trong tay quân nổi dậy và các lực lượng thánh chiến khác nhau. Cuộc chiến đã gây ra một thảm cảnh nhân đạo khi gần một triệu người dân vô tội đang phải bỏ chạy khỏi vùng chiến sự từ tháng 12 vừa rồi.

Libération kể lại : "Hàng chục nghìn người, phần đông là phụ nữ và trẻ em, những ngày qua đang tiếp tục bỏ chạy khỏi thành phố và các làng mạc lên hướng bắc để tránh bom đạn của Nga và đà tiến của quân đội Syria. Họ ra đi, không nơi trú, giữa trời đêm nhiệt độ -5°C".

Một người làm công tác nhân đạo tại chỗ cho biết : "Những gì đang diễn ra tại đây thật kinh khủng, không gì có thể so sánh kể từ đầu cuộc chiến đến giờ. Chúng tôi hoàn toàn bị quá tải không biết làm gì. Chúng tôi chỉ có thể lo được cho 100 nghìn người chứ 800 nghìn thì không thể. Người ta ngủ trong xe, trong các lều dựng tạm. Họ đốt tất cả những gì có thể để sưởi. Nhiều trẻ em đã chết vì lạnh".

Le Figaro cũng đồng thanh gọi đây là một thảm kịch thực sự và đó là "trận đột phá đẫm máu của chế độ Syria ở tây Aleppo". Tờ báo nhắc lại là cuộc chiến tranh Syria kéo dài từ 9 năm qua đã làm hơn 380 ngàn người chết và 11 triệu người Syria bỏ nhà chạy nạn.

Bóng đá Champions League : PSG có bước qua lời nguyền ?

Một thời sự thể thao được người Pháp đang háo hức đón chờ, đó là giải cúp Châu Âu Champions League tối nay trở lại với trận đấu lượt đi vòng 1/8 giữa câu lạc bộ Pháp Paris Saint-Germain và Dormund của làng bóng Đức. Le Figaro chạy tựa "PSG muốn phá vỡ định mệnh".

Đó là định mệnh mà nhà vô địch bóng đá Pháp làm mưa làm gió ở các sân cỏ trong nước bao mùa bóng qua, thế nhưng mỗi khi bước ra đấu trường Châu lục thì chưa một lần thành công, và đã ba lần liên tiếp đội bóng thành Paris bị dừng bước ở ngay vòng 1/8. Người hâm mộ bóng đá Pháp đều phấp phỏng hy vọng đội bóng giàu có và hội tụ tài năng lớn nhất của làng bóng Pháp của họ lần này sẽ thoát được bóng ma quá khứ, chơi bóng tự tin hơn, đừng để thất bại trở thành như định mệnh hay lời nguyền không bước qua được.

Anh Vũ

Published in Châu Á