Với chuyến công du Indonesia của phó tổng thống Mỹ Mike Pence, chính quyền Donald Trump đã bắn đi một tín hiệu trấn an tới các nước Đông Nam Á : Chính sách Châu Á của Mỹ sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Bắc Á với hai hồ sơ nổi cộm là Bắc Triều Tiên và thâm thủng mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc. Liên tiếp trong hai ngày, 20 và 21/04/2017, đã có những loan báo dồn dập thể hiện mối quan tâm của Washington đối với khu vực.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (T) và bà Elizabeth Buensuceso, đại diện thường trực của Philippines tại ASEAN trong cuộc họp ở trụ sở Ban Thư Ký khối ASEAN, Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017. REUTERS/Mast Irham/Pool
Nổi bật nhất trong các thông báo là lời xác nhận vào hôm qua 20/04 của phó tổng thống Mike Pence tại Jakarta theo đó tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Philippines tham dự hội nghị thường niên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11/2017.
Vào thời điểm tháng 11, tổng thống Mỹ cũng sẽ ghé Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC. Và hôm nay, 21/04, Việt Nam chính thức xác nhận việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Mỹ theo lời mời của tổng thống Trump.
Các thông tin nói trên có thể khiến cho nhiều quốc gia Đông Nam Á phần nào nhẹ nhõm, đặc biệt là các nước đang mong muốn được Mỹ hỗ trợ để kháng lại sức ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Trong số này có thể kể đến Việt Nam, Malaysia, và cả Philippines, đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện tâm lý quan ngại rằng vùng Đông Nam Á có thể bị chính quyền Donald Trump lơ là trong bối cảnh Washington đang lộ rõ ưu tiên chống khủng bố ở vùng Cận Đông, quan tâm trở lại đến các đồng minh truyền thống ở Châu Âu, và tìm kế sách chống lại mối đe dọa tên lửa, hạt nhân đến từ Bắc Triều Tiên.
Chính trong bối cảnh lo âu đó mà theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã đi thăm Mỹ trong tuần này, và hôm qua, đã có buổi tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson. Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng loan báo sự kiện một hội nghị cấp ngoại trưởng giữa Mỹ và 10 nước ASEAN sẽ mở ra ngày 04/05 tới đây tại Washington để bàn về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Trước mắt, ông Pence đã tranh thủ chuyến thăm Indonesia để trấn an các nước Đông Nam Á về quyết tâm tiếp tục dấn thân của Mỹ vào khu vực. Chỉ riêng chuyến thăm này đã là một tín hiệu theo chiều hướng đó vì phó tổng thống Mỹ là lãnh đạo cao cấp Mỹ đầu tiên đến thăm một nước Đông Nam Á từ ngày ông Donald Trump nhậm chức.
Tại thủ đô Jakarta, ông Pence đã khẳng định rằng Hoa Kỳ "đang có các bước đi nhằm củng cố quan hệ đối tác với ASEAN và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa hai bên ". Theo phó tổng thống Mỹ, Washington quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh trong việc chiến đấu với khủng bố và vấn đề Biển Đông.
Thông điệp trấn an của ông Pence tại Jakarta đã được ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á nối tiếp tại Washington, khi nhân vật này xác định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Đây là những chiến dịch đã được chính quyền Obama tiến hành định kỳ trước đây, nhưng chưa thấy chính quyền Trump khởi động trở lại.
Việc trấn an các nước Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông đang trở nên cần thiết vào lúc mà chính sách Trung Quốc chưa rõ ràng của tổng thống Trump đã làm dấy lên câu hỏi : Liệu ông có bỏ rơi các cam kết dấn thân của Mỹ ở Biển Đông để tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong hồ sơ Triều Tiên hay không ?
Bà Amy Searight, chuyên gia Châu Á, một cựu quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ, đã tóm tắt như sau : "Khu vực này rất muốn biết Mỹ sẽ có lập trường như thế nào về Biển Đông, và rộng hơn là cách tiếp cận Trung Quốc của Mỹ sẽ như thế nào ".
Trọng Nghĩa
********************
Mỹ-Indonesia: Hợp đồng thương mại 10 tỷ đôla (RFI, 21/04/2017)
Tổng thống Joko Widodo (P) tiếp phó tổng thống Mỹ Mike Pence, tại phủ tổng thống, Jakarta, Indonesia, ngày 20/04/2017. REUTERS/Darren
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Indonesia để làm "sụp đổ" hàng rào quan thuế của cường quốc số một Đông Nam Á. Tổng cộng hai bên đã ký nhiều hợp đồng về năng lượng và vũ khí khoảng 10 tỷ đôla.
Theo tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày thứ Sáu 21/04/2017, tại Jakarta, qua các hợp đồng vừa ký, giới doanh nhân Mỹ cảm nhận được "cơ hội tốt" tại Indonesia. Trong số các thỏa thuận, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, trước đây do ngoại trưởng Rex Tillerson làm chủ tịch, sẽ bán khí đốt hóa lỏng cho Indonesia. Tập đoàn General Electric cung cấp trang thiết bị cho các nhà máy điện của quần đảo trong khi hãng hàng không quân sự Lookheed Martin canh tân các oanh tạc cơ F-16.
Cũng theo ông Mike Pence, trong cuộc hội kiến với tổng thống Joko Widodo, hai bên "bàn thảo một cách chân thành và tương kính" làm cách nào giúp doanh nghiệp Mỹ xâm nhập dễ dàng hơn thị trường Indonesia. Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, 255 triệu dân, có tiếng khó khăn cho giới đầu tư quốc tế vì nạn tham nhũng, hành chính nhiêu khê và nhất là chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp quốc gia.
Hôm qua, phó tổng thống Mỹ viếng ngôi đền Hồi giáo lớn nhất Indonesia và tham gia một cuộc thảo luận kín liên tôn giáo gồm Hồi giáo, đạo Phật, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa và đạo Khổng.
Trong dịp này, phó tổng thống Mỹ khen ngợi "tinh thần ôn hòa" của Hồi giáo Indonesia. Theo AFP, nhân vật số hai của hành pháp Mỹ muốn xoa dịu Indonesia sau những lời tuyên bố bốc lửa của tổng thống Donald Trump và sắc lệnh hạn chế nhập cư gây bất bình trong thế giới Hồi giáo.
Tú Anh