Vào hôm 21/05/2018, ba chiếc tàu Hải Quân Ấn Độ đã ghé cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam để chuẩn bị tham gia một cuộc diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Báo chí Ấn Độ nêu bật : đây là một cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên giữa hai nước, được tiến hành tại cảng Tiên Sa.
Tàu chiến Ấn Độ INS Sahyadri đậu tại cảng Sydney. Ảnh chụp màn ngày 4/10/2013. AFP PHOTO / Saeed Khan
Theo báo Times of India, ba tàu quân sự Ấn Độ bao gồm hộ tống hạm tàng hình INS Sahyadri, khinh hạm trang bị tên lửa INS Kamorta và tàu tiếp liệu INS Shakti. Đội tàu được dặt dưới quyền chỉ huy của chuẩn đô đốc Dinesh Kumar Tripathi, tư lệnh Hạm Đội Miền Đông của Ấn Độ. Đợt diễn tập dự trù kéo dài cho đến ngày 25/05.
Theo báo Times of India, hoạt động diễn tập hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc, vốn không từ bỏ cơ hội nào để ghi dấu của họ tại khu vực Nam Á.
Báo Ấn Độ ghi nhận là cuộc diễn tập hải quân Việt-Ấn mở ra trong bối cảnh là trong tháng 6 tới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ có chuyến công du Việt Nam, và sau đó, vào cuối năm, đến lượt tổng tham mưu trưởng Quân Đội Việt Nam và tư lệnh Hải Quân Việt Nam đi thăm Ấn Độ.
Trong thời gian qua, Ấn Độ đã không ngừng tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam, đã nhiều lần tiếp đón quân đội Việt Nam cũng các quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam. Thậm chí Ấn Độ còn gợi ý Việt Nam trang bị cho mình loại tên lửa hành trình Brahmos, loại tên lửa phòng không Akash, và ngư lôi chống tàu ngầm do Ấn Độ chế tạo để bảo vệ không phận và hải phận Việt Nam chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong nỗ lực hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Ấn Độ còn giúp Việt Nam huấn luyện phi công trên Sukhoi-30MKI của không quân Ấn Độ, và giúp đỡ Việt Nam sửa chữa và bảo trì máy bay, do thực tế là Việt Nam cũng sử dụng máy bay Sukhoi Su-30 mua từ Nga.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã đào tạo thủy thủ hải quân Việt Nam trong việc vận hành tàu ngầm lớp Kilo. Ấn Độ cũng cấp tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la cho Việt Nam.
Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ luôn nhấn mạnh đến yêu cầu tất cả các bên cần tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trọng Nghĩa
******************
Tàu chiến Ấn cập cảng Tiên Sa, trên đường tới Guam dự diễn tập Malabar ('VOA, 21/05/2018)
Ba chiến hạm của Hải quân Ấn Độ vừa cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào trưa ngày 21/5, khởi đầu chuyến thăm hữu nghị 4 ngày do Chuẩn Đô đốc Dinesh Kumar Tripathi, Tư lệnh Hạm đội miền Đông của Ấn Độ, lãnh đạo.
Tư liệu- Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ trong vùng biển ngoài khơi cảng Chennai, Vịnh Bengal, của Ấn Độ.
Trang mạng PTI tường thuật rằng chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chương trình triển khai hoạt động của Hạm đội miền Đông của Hải quân Ấn Độ tới Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương.
Dẫn đầu đoàn tàu tác chiến Ấn Độ ghé cảng Tiên Sa là khu trục hạm INS Sahyadri, một trong ba tàu chiến đa nhiệm tàng hình thuộc lớp Shivalik của hải quân Ấn Độ. Được trang bị vũ khí tiên tiến, tàu INS Sahyadri có trọng tải hơn 6.000 tấn, dài 142,5 m, rộng 16,9.
Hai tàu còn lại trong đoàn gồm tàu hậu cần chở dầu INS Shakti, và tàu chống ngầm tàng hình Kamorta. Đi theo đoàn tàu có hơn 900 sĩ quan và thủy thủ.
Trên đường tới cảng Tiên Sa, đoàn tàu Ấn Độ đã ghé Singapore hôm 6/5, và hai nước Malaysia, Thái Lan hôm 13/5.
Được biết trong thời gian lưu lại Việt Nam, các sĩ quan và thủy thủ Ấn Độ sẽ thăm ủy ban Nhân dân tp. Đà Nẵng và Bộ Tư Lệnh Hải quân Việt Nam, tham quan các thắng cảnh của Đà Nẵng như Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An… Ngoài ra, lực lượng hải quân hai nước còn tổ chức một số hoạt động giao lưu, như tranh tài bóng chuyền với lực lượng Hải quân Vùng 3, sinh viên Đại học Đà Nẵng, và một chương trình hòa nhạc cho công chúng tại Công viên Biển Đông do các thủy thủ Ấn Độ biểu diễn.
Nhưng có lẽ gây chú ý nhiều nhất là cuộc diễn tập hàng hải giữa lực lượng Hải quân hai nước.Tư lệnh Hạm đội Miền Đông của Hải quân Ấn Độ cho biết mục đích của chuyến thăm là để tăng cường quan hệ hợp tác, tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đồng thời góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương thân thiết giữa hai nước.
Đây là lần thứ 3 hải quân Ấn Độ sang thăm Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh biển.
Trong một cuộc phỏng vấn qua email với VOA-Việt ngữ gần đây, chuyên gia Biển Đông, Tiến sĩ Joshua Kurlanzick, nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng của Ấn Độ bởi vì Ấn Độ tích cực tìm cách đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm chế hơn của Trung Quốc trong khu vực, và ngoài Hoa Kỳ ra, và ở một chừng mực nào đó, Nhật Bản- tuy rằng nước này còn gặp nhiều hạn chế vì hiến pháp chủ hòa hiện nay, Ấn Độ là đối tác "tự nhiên và hợp lý" của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm. Ông cho rằng trong khối ASEAN, chỉ có Singapore và Việt Nam là có lập trường mạnh mẽ nhất chống các hành động gây hấn, và chính sách bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông.
Trang Naval.com cho biết sau khi rời Việt Nam, đoàn tàu tác chiến của Ấn Độ sẽ hướng về đảo Guam của Mỹ, tại đây đoàn tàu sẽ tham gia cuộc diễn tập Malabar với hải quân Hoa Kỳ và hải quân của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JSMDF) tại vùng biển ngoài khơi đảo Guam. Cuộc tập trận Malabar đã khởi sự từ năm 1992 giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Từ năm 2015 trở đi, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động hung hăng hơn để khẳng định tuyên bố chủ quyền một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập này.
******************
Hải quân Việt Nam và Ấn Độ diễn tập chung (RFA, 20/05/2018)
Hải quân Việt Nam và Hải quân Ấn Độ sẽ tiến hành diễn tập sau khi nhóm ba tàu của Ấn Độ vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm 21 tháng 5.
Hình minh hoạ. Tàu Satpura F48 của Hải quân Ấn Độ ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm 4/6/2013. AFP
Mạng Thời Báo Ấn Độ (Times of India) loan tin vào ngày 20 tháng 5 dẫn lời phát ngôn nhân Hải Quân Ấn Độ, Đại tá D K Sharma cho biết hoạt động giữa hải quân hai nước được tiến hành kể từ ngày 21 đến 25 tháng 5.
Ba tàu của Hải Quân Ấn Độ đến Việt Nam tham gia diễn tập cùng hải quân Việt Nam lần này gồm chiến hạm tàng hình INS Sahyadri, hộ vệ hạm có trang bị tên lửa INS Kamorta và tàu hậu cần nhiên liệu INS Shakti.
Cả ba tàu này hiện trong thời gian được bố trí làm nhiệm vụ tại khu vực Nam Á và Bắc Tây Thái Bình Dương.
Hoạt động diễn tập hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam được tiến hành trong khuôn khổ chiến lược chung của New Dehli nhằm xây dựng mối quan hệ quân sự với các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương khi mà Trung Quốc đang ngày càng xác quyết và tỏ ra thách thức.
Tin còn cho biết trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ có chuyến công du Việt Nam. Theo kế hoạch vào cuối năm nay Tổng Tham Mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam cũng có chuyến thăm Ấn Độ.
Trong mấy năm qua, Việt Nam và Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự trước quan ngại về chiến thuật lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ; đặc biệt tại Biển Đông.
Vào tháng 9 năm 2016, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Việt Nam và công bố khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la Mỹ dành cho Hà Nội. Trong chuyến thăm này của người đứng đầu chính phủ New Dehli, quan hệ song phương Việt- Ấn được nâng lên mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Trước đó vào tháng 5 năm 2015, hai phía ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung quốc phòng giai đoạn 2015-2020.
Vào tháng giêng năm 2018, thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm Ấn Độ, trong tư cách khách đặc biệt nhân ngày Cộng Hòa Ấn Độ và tham gia thượng đỉnh Ấn Độ- ASEAN kỷ niệm 25 năm hai phía thiết lập quan hệ với nhau.
Đến tháng 3 năm 2018, chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, sang thăm Ấn Độ.
Trong thời gian tới, phía Ấn Độ sẽ tiến hành huấn luyện phi công Việt Nam lái chiến đấu cơ Sukhoi-30. Trong thời gian 4 năm qua, Ấn Độ cũng tham gia giúp Việt Nam trong công tác hướng dẫn điều khiển tàu ngầm lớp Kilo.
Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ luôn nhấn mạnh đến yêu cầu tất cả các bên cần tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982-UNCLOS.
***************
Hải quân Ấn - Việt 'sẽ diễn tập chung' (BBC, 20/05/2018)
Ba tàu hải quân Ấn Độ sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, diễn tập hàng hải chung với hải quân Việt Nam.
Cuộc họp báo ngắn được tổ chức ngay trên sân trực thăng của tàu khu trục Ins Sahyadry hải quân Ấn Độ cập cảng Tiên Sa
Tron chuyến thăm kéo dài từ 21 đến 25/5, ba tàu hải quân, Sahyadri, Shakti và Kamorta, có hoạt động hữu nghị như giao lưu bóng chuyền với hải quân Vùng 3, giao lưu thể thao với sinh viên...
Nhưng đáng chú ý nhất, dự kiến ngày 25/5, hải quân Ấn Độ sẽ diễn tập hàng hải chung với hải quân Việt Nam.
Chuẩn đô đốc Dinesh Kumar Tripathi, Tư lệnh Hạm đội Miền Đông của Ấn Độ làm trưởng đoàn.
Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện từ 2016.
Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ sẽ thăm Việt Nam vào tháng 6
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ thăm Ấn Độ vào cuối năm 2018.
Hai bên cho rằng hợp tác quốc phòng - an ninh là "trụ cột quan trọng, hiệu quả" của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Tháng Ba năm nay, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ, tuyên bố chung nói : "Hai bên nhất trí đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam và hối thúc sớm ký Hiệp định khung về sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng".
*******************
Việt Nam và Ấn Độ diễn tập hải quân (VOA, 20/05/2018)
Việt Nam và Ấn Độ ngày 21/5 bắt đầu cuộc thao dượt hải quân đầu tiên nhằm tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước.
Một tàu chiến của Ấn Độ.
Tờ Times of India đưa tin rằng ba tàu chiến của nước này sẽ cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng.
Báo này trích lời phát ngôn viên của hải quân Ấn Độ nói rằng cuộc thao dượt giữa hải quân hai nước diễn ra từ ngày 21 tới 25/5.
Tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman dự kiến sẽ thăm Hà Nội vào tháng tới.
Times of India nhận định rằng cuộc diễn tập giữa hai nước được tổ chức trong bối cảnh Hà Nội và New Delhi "lo ngại về chiến thuật hung hăng của Bắc Kinh ở Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông".
Báo điện tử VnExpress dẫn thông tin từ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết rằng có hơn 900 thủy thủ trên các tàu chiến của Ấn Độ.
Tờ báo nói rằng chuyến thăm Đà Nẵng lần này "là một phần của việc triển khai hoạt động liên tục của Hạm đội Miền Đông (hải quân Ấn Độ) đến Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương".
Ngoài việc diễn tập chung, trong 5 ngày ở Đà Nẵng, thủy thủ đoàn sẽ giao lưu bóng chuyền với hải quân Vùng 3 ; chào xã giao lãnh đạo thành phố ; thăm thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và các danh thắng ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, giao lưu thể thao với sinh viên, biểu diễn hòa nhạc, theo VnExpress.