Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Miến Điện, Đức giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc (RFI, 28/11/2017)

Hôm 28/11/2017, tại Naypyidaw, Đức giáo hoàng Francis tuyên bố tương lai của Miến Điện thông qua nền hòa bình, dựa trên "sự tôn trọng mọi nhóm sắc tộc thiểu số", hàm ý nói đến người Rohingya tuy ngài không nêu tên.

francis1

Giáo hoàng Francis đọc diễn văn tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 28/11/2017. Reuters/Soe Zeya Tun

Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự Miến Điện và các nhà ngoại giao, Đức giáo hoàng Francis kêu gọi tôn trọng tư pháp và nhân quyền. Ngài hoan nghênh "những nỗ lực của chính phủ", trong đó có giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, trong việc khởi động tiến trình đối thoại với nhiều sắc tộc khác nhau, để "cố gắng chấm dứt bạo động, tạo dựng lòng tin và bảo đảm tôn trọng quyền lợi của tất cả những ai coi mảnh đất này là ngôi nhà của mình".

Trái với thói quen, người đứng đầu Giáo hội Công giáo tránh đề cập trực tiếp nạn bạo động tại miền tây Miến Điện từ cuối tháng Tám, làm trên 620.000 người Rohingya theo đạo Hồi phải sang Bangladesh tị nạn. Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là trường hợp điển hình về "thanh lọc chủng tộc".

Đức giáo hoàng Francis đã có cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi, điểm nhấn trong chương trình tông du Châu Á lần này. Bà Suu Kyi tuyên bố : "Chính phủ chúng tôi có mục tiêu bộc lộ nét đẹp của sự đa dạng và củng cố, bảo vệ các quyền, khuyến khích sự dung thứ và bảo đảm an ninh cho tất cả mọi người".

Giáo hội Công giáo Miến Điện, vốn bênh vực giải Nobel Hòa bình, đang bị chỉ trích dữ dội vì im lặng trước thảm cảnh của người Rohingya, đã vận động Đức giáo hoàng không dùng từ "Rohingya", để tránh đụng chạm cộng đồng Phật giáo đông đảo ở Miến Điện. Trong khi trước đó, nhiều lần từ Roma, Đức giáo hoàng Francis bày tỏ nỗi xúc động trước số phận của những người thiểu số "bị tra tấn và sát hại chỉ vì truyền thống và tín ngưỡng của họ".

Một nhà hoạt động người Rohingya tại Rangun nói với AFP, họ vẫn hiểu rằng Đức giáo hoàng đang hướng về họ, và hy vọng ngài sẽ dùng từ "Rohingya" một khi đã sang Bangladesh.

Hôm qua, Đức giáo hoàng Francis đã gặp tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlaing. Nhân vật quyền lực nhất Miến Điện khẳng định "không hề phân biệt tín ngưỡng" và quân đội hành động chỉ vì "hòa bình và ổn định của đất nước".

Sáng nay, Đức giáo hoàng tiếp riêng các lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tại Rangun. Sau bốn ngày thăm Miến Điện, ngài sẽ đến Bangladesh, nước đang tiếp nhận 900 000 người Rohingya tị nạn.

Thụy My

******************

Giáo hoàng kêu gọi Myanmar tôn trọng nhân quyền và khác biệt sắc tộc (RFA, 28/11/2017)

Sáng 28/11, trong bài diễn văn đọc tại thủ đô Naypidaw để chào mừng Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô, bà Suu Kyi cho biết chính phủ do bà lãnh đạo nỗ lực bảo vệ nhân quyền, tôn trọng quyền con người cho tất cả những ai đang sinh sống trên đất Miến.

francis2

Đức Giáo hoàng Francis (trái) và lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw. Hình do văn phòng báo chí tòa thánh Vatican cung cấp AFP

Bà Suu Kyi nói thêm rằng mục tiêu mà chính phủ Miến nhắm tới là xây dựng hòa bình dựa theo các quy định về nhân quyền, cổ võ lòng vị tha và đảm bảo an ninh cho mọi người.

Bà Suu Kyi cũng không nói gì đến vấn đề Rohingya, nhưng cho rằng tình hình bất ổn ở bang Rakhine là một trong những thử thách mà chính phủ Miến đang phải tìm cách giải quyết.

Vẫn theo bà Suu Kyi, khó khăn ở Rakhine xảy ra vì các cộng đồng cư ngụ trong bang này không tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, do đó chưa thể xây dựng được một cộng đồng sống chung hòa hài như mọi người trông đợi.

Đáp từ, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô kêu gọi Miến Điện tôn trọng nhân quyền, luật pháp và khác biệt sắc tộc.

Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Ma nói rằng chỉ có hòa bình nếu luật pháp và quyền con người được tôn trọng, nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm phải tôn trọng các sắc tộc thiểu số cũng như mọi tôn giáo đều phải được kính trọng.

Mặc dù Đức Thánh Cha cũng không dùng từ Hồi Giáo Rohingya, nhưng mọi người đều hiểu Ngài muốn nói đến số phận của tập thể thiểu số đang bị đối xử không công bằng, vẫn bị xem là một tập thể di trú bất hợp pháp, cho dù đã sinh sống ở Miến suốt bao nhiêu năm qua.

Cũng cần nhắc lại chỉ trong 3 tháng qua, hơn 620,000 người Rohingya cư ngụ tại bang Rakhine của Miến Điện phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, tố cáo binh sĩ Miến lợi dụng danh nghĩa truy lùng khủng bố để đàn áp họ.

Những hình ảnh và các chứng cớ được đưa ra cho thấy người Rohingya bị đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, và cả chuyện bị quân đội Miến bắn giết vô cớ cũng đã xảy ra.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế gọi hành động đàn áp này là tội ác chống nhân loại, chính phủ Hoa Kỳ cũng cáo buộc Miến thực hiện chính sách diệt chủng đối với người Rohingya, đồng thời các quốc gia Tây Phương và những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền cùng lên tiếng chê trách lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi, nói rằng bà Suu Kyi không thể hiện quyết tâm bảo vệ người Rohingya và không lên án những hành động mà quân đội Miến đã làm với tập thể thiểu số này.

**********************

Tại Bangladesh, người tị nạn Rohingya mong ngóng giáo hoàng Francis (RFI, 28/11/2017)

Giáo hoàng Francis hiện thăm Miến Điện đến ngày thứ Năm 30/11/2017. Sau đó, ngài sẽ có chuyến tông du sang Bangladesh. Chuyến đi này mang tính biểu tượng rất lớn. Hiện tại, Bangladesh có hơn 620.000 người thiểu số Hồi Giáo Rohingya Miến Điện đang tị nạn. Nhiều người trong số đó đón nhận tin về chuyến thăm của Giáo hoàng với rất nhiều hy vọng.

francis3

Hai cha con người Rohingya ngồi nghỉ sau khi vượt sông Naf trên một chiếc bè tạm bợ để đến Bangladesh tị nạn. Teknaf, ngày 27/11/2017. Reuters/Susana Vera

Từ Kutupalong, miền đông nam Bangladesh, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường thuật :

"Tối nào cũng vậy, vào 18h30’, tại lán trại tạm thời, ông Noor Ahmed áp tai vào chiếc đài nhỏ chạy bằng pin để nghe các chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát bằng tiếng Miến Điện. Nhờ thế, người đàn ông Rohingya này, trước đây là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Maungdaw, bang Arakan, nghe được thông tin về chuyến thăm Miến Điện và Bangladesh của giáo hoàng Francis.

Ông vui sướng nói : "Tôi rất kính trọng giáo hoàng. Và tôi chắc chắn 100% là ngài sẽ ủng hộ chúng tôi. Ngài là đức giáo hoàng của các tín đồ Công Giáo, nhưng sâu thẳm trong tâm, ngài là một con người. Vấn đề duy nhất là các lãnh đạo Miến Điện. Đó là những người dối trá nhất trên thế giới".

Ở một khu lán trại cạnh đó, một người Rohingya có học vấn cũng tràn đầy hy vọng và nói : "Giáo hoàng Francis là một trong những người tốt nhất trên đời mà tôi từng biết. Ngài sẽ cầu nguyện cho chúng tôi. Và nếu giáo hoàng đến thăm chúng tôi, ngài sẽ có thể làm chứng với toàn thế giới về nỗi thống khổ của chúng tôi. Và vì ngài rất được kính nể, các nhà lãnh đạo khác sẽ nghe ngài".

Giáo hoàng sẽ không đến thăm các trại tị nạn, nhưng ngài sẽ gặp gỡ một nhóm người Rohingya ở Dacca vào cuối tuần này."

Thùy Dương

Published in Châu Á