Google và trò chơi nguy hiểm với kiểm duyệt Trung Quốc
Washington bắt đầu khôi phục chế độ trừng phạt nặng Iran sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân. Venezuela, tổng thống Manduro bị ám sát hụt giữa lúc đất nước sa lầy trong cuộc khủng hoảng toàn diện ngày càng trầm trọng là những đề tài nổi bật của các báo Pháp ra ngày 06/08/2018.
Logo của Google tại Triển lãm và Hội thảo Giải trí Kỹ thuật số (ChinaJoy) ở Thượng Hải, ngày 03/08/2018. Reuters/Aly Song
Liên quan đến Châu Á, nhật báo Libération trở lại sự kiện nhà cung cấp dịch vụ internet hàng đầu thế giới Google sẵn sàng chấp nhận kiểm duyệt để trở lại thị trường Trung Quốc với bài : "Tại Trung Quốc, trò chơi nguy hiểm của Google với kiểm duyệt".
Dự án Dragonfly (Rồng bay) của Google chuẩn bị một phiên bản tìm kiếm thông tin trên mạng có sàng lọc thích ứng với kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh đã bị trang thông tin của Mỹ The Intercept tiết lộ. Ngay lập tức dự án đã gây phản ứng chỉ trích ở khắp nơi, đặc biệt tại Mỹ, các thượng nghị sĩ cũng đã lên tiếng đòi chất vấn tập đoàn.
Libération cho biết về phía các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, Amnesty Internatrional đã nhanh chóng tố cáo sẽ là "một ngày đen tối cho tự do internet nếu Google chịu khuất phục các quy định kiểm duyệt cực đoan của Trung Quốc để có được thị trường".
Theo tờ báo, tại Washington một nhóm 6 thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, dẫn đầu là thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio của bang Florida, đã gửi một bức thư ngỏ cho ông Sundar Pichai, chủ tịch - tổng giám đốc của Google. Bức thư nhấn mạnh "kế hoạch này gây lo ngại sâu sắc và có nguy cơ biến Google thành đồng lõa với các vi phạm nhân quyền vẫn gắn với chế độ kiểm duyệt hà khắc của Trung Quốc". Các nghị sĩ Mỹ còn tỏ lo ngại dự định của Google có thể trở thành một tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác muốn làm ăn với Trung Quốc nhưng không muốn làm tổn hại đến các giá trị cơ bản.
Libération nhắc lại là năm 2006, Google đã tung ra một phiên bản có kiểm duyệt của công cụ tìm kiếm của họ dành riêng cho Trung Quốc. Nhưng nhà mạng của Mỹ đã phải ngừng lại 4 năm sau đó vì nhận ra là phiên bản này đã giúp Trung Quốc ngăn chặn tự do ngôn luận và rồi họ phải rút khỏi thị trường lớn này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ giữa Bắc Kinh và nhà khổng lồ internet Mỹ dường như đã dịu xuống. Theo The Intercept, tháng 12/2017, chủ tịch Google ông Pinchai đã gặp một trong những lãnh đạo quan trọng của đảng cộng sản Trung Quốc, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), cố vấn đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng lúc đó, Google thông báo mở cửa tại Bắc Kinh một trung tâm nghiên cứu lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. tháng 06/2018, tập đoàn cho biết đã đầu tư 550 triệu đô la vào công ty thương mại trên mạng đứng hàng thứ 2 Trung Quốc JD.com. Theo hãng tin Bloomberg thì Google đang đàm phán với tập đoàn Internet Trung Quốc Tencent để cung cấp dịch vụ iCloud ở Trung Quốc.
Lần này, dự án Dragonfly còn gây phẫn nộ trong nội bộ tập đoàn, đến nỗi mà theo The Intercept, "ngay khi có thông tin lan truyền, các giám đốc của Google đã nhanh chóng chặn không để nhân viên truy cập mọi tài liệu liên quan". Chính điều đó lại càng gây lo lắng trong nội bộ của tập đoàn. Nhật báo Mỹ New York Times còn cho biết, những nhân viên được giao nhiệm vụ làm dự án Dragonfly muốn thay đổi công việc, thậm chí từ chức.
Hiện tại Google giữ im lặng về những thông tin về dự án trên, nhưng nhà khổng lồ internet này khó có thể lặng thinh được lâu trước sức ép của dư luận và các nhà chính trị ngày càng mạnh.
Iran dưới áp lực trừng phạt Mỹ
Trở lại với thời sự trong ngày, Donald Trump lập lại trừng phạt Iran. Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : "Trừng phạt : Donald Trump đặt Iran dưới áp lực".
Le Figaro ghi nhận khi Mỹ chính thức rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, thì cũng là thời điểm tại Iran nhiều cuộc biểu tình của dân chúng đã nổ ra để phản đối giá cả đời sống đắt đỏ. Việc tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, bắt đầu có hiệu lực từ đêm nay (07/08), sẽ còn khiến áp lực kinh tế đối với chính quyền Tehran thêm nặng nề. Iran sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận, sử dụng đồng đô la Mỹ vì bị phong tỏa các giao dịch tài chính với thế giới. Khủng hoảng kinh tế có nguy cơ thêm trầm trọng ở Iran.
Phóng viên của tờ báo tiếp xúc với những người buôn bán, nhà công nghiệp và các nhà doanh nghiệp tại Tehran ghi lại những khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt vì cấm vận của Mỹ qua bài phóng sự dài : "Đến giờ cấm vận, Iran sắp nghẹt thở".
Bài phóng sự cho thấy hàng loạt các hoạt động kinh tế đang ngày càng thêm khốn đốn kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Kinh tế Iran đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi các trừng phạt cũ của Mỹ được áp dụng chính thức. "Trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình đã làm khuấy động thủ đô và nhiều thành phố của đất nước. Các khẩu hiệu chống giá cả đời sống đắt đỏ nhanh chóng nhường chỗ cho những yêu sách mang màu sắc chính trị, chống tham nhũng và cả trực tiếp chống chế độ", Le Figaro cho biết.
Cùng chung với nhận định của Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tự lớn trang nhất : "Iran lại bị đẩy vào trong vô định của cấm vận".
Theo Les Echos, kể từ khi Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái lập lại các trừng phạt đến nay đã được 3 tháng. Đó là khoảng thời gian cũng đủ làm đồng rial của Iran mất giá hơn một nửa giá trị.
Đợt trừng phạt lần này chưa phải là nặng nề, đợt áp dụng trừng phạt thứ 2, dự kiến vào tháng 11 tới, đánh thẳng vào hoạt động dầu lửa và ngân hàng trung ương Iran sẽ có những tác động mạnh mẽ hơn nhiều đối với nền kinh tế và xã hội Iran. Làn sóng trừng phạt thứ 2 này còn có thể sẽ làm dấy lên sự chống đối ngay trong lòng chính quyền của tổng thống Hassan Rohani về chính sách kinh tế không hiệu quả.
Venezuela : Người dân chỉ còn đường lưu vong
Chuyển qua với một thời sự nóng khác tại đất nước Venezuela. Tổng thống Maduro vừa thoát khỏi vụ ám sát khi ông đang dự một cuộc diễu binh lớn giữa thủ đô Caracas hôm thứ Bảy 04/08. Vụ ám sát một lần nữa cho thấy Venezuela lâm vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.
Nhân sự kiện này, nhật báo Libération muốn đưa độc giả tìm hiểu về thực trạng cuộc sống ở đất nước đang trong hỗn loạn về mọi mặt.
Phóng sự của Libération mang tiêu đề : "Tại Caracas, lưu vong là mục đích sống", phác họa phần nào bức tranh toàn cảnh về tình hình chính trị xã hội của đất nước Trung Mỹ : Giá cả tăng chóng mặt, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân ngày thêm bần cùng, chính trị mất ổn định… đã đẩy hàng trăm nghìn người Venezuela, không còn con đường nào khác để sinh tồn, phải bỏ nước chạy sang Colombia hay Chile sống lưu vong.
Người Venezuela tìm đủ mọi con đường, để thoát khỏi đất nước dưới chế độ đang lụi bại của Manduro. Chính thức thì xếp hàng dài hàng giờ, thậm chí nhiều ngày trước các lãnh sự quán Colombia hay Chilê để có được visa ; không chính thức thì ồ ạt cả hàng nghìn vượt bộ qua biên giới.
Những người chạy khỏi đất nước đủ các tầng lớp khác từ người lao động phổ thông đến các sinh viên hay những trí thức, giáo sư đại học… Với họ, "lưu vong đã trở thành mục đích sống. Trước đây, mục đích đí là tìm được việc làm, tậu nhà, sắm xe hơi. Giờ đây mục đích là ra đi. Với các sinh viên, câu hỏi không còn là bạn muốn làm gì sau này ? mà là "bạn muốn đi đâu ?", một thanh niên ở Caracas cho phóng viên Libération như vậy.
Người dân Venezuela giờ đây xấu hổ cảm thấy mình bị nhìn nhận như là những người Syria của Mỹ Latinh.
Nhật Bản : Tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu
Chuyển qua với nhật báo công giáo La Croix, trang thế giới của tờ báo đề cập đến một hiện tượng xã hội đáng ngại ở Nhật Bản. Đó là định kiến trọng nam khi nữ vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ và hành động ở đất nước này. La Croix chạy tựa bài viết bằng ghi nhận sự phân công nam nữ : "Ở Nhật Bản, đàn ông đi làm, đàn bà chăm con".
Mới đây, xảy ra chuyện trường đại học Y khoa Tokyo trong kỳ tuyển sinh cố tình hạ điểm của các thí sinh nữ để bảo đảm chỉ tiêu tuyển nam nhiều hơn. Vụ bê bối này cho thấy tình trạng phân biệt kỳ thị giới tính vẫn ăn sâu trong xã hội Nhật cho dù thủ tướng Nhật cách đây 2 năm đã từng lên tiếng kêu gọi "phải đem lại cho phụ nữ chỗ đứng trong công việc để họ được tỏa sáng". Lời kêu gọi này ẩn chứa thực tế bất bình đẳng nam nữ ở Nhật.
Bà Muriel Jolivet, giáo sư đại học tại Tokyo được La Croix trích dẫn, cho biết một tài liệu xã hội học công bố ở Nhật cuối những năm 1970, đề cập đến phân chia công việc trong vợ chồng khẳng định : "Đàn ông làm việc, đàn bà trông con". Vai trò này đến nay không hề thay đổi. La Croix dẫn một thống kê chính thức mới đây ở Nhật : 70% phụ nữ Nhật thôi đi làm sau khi kết hôn và có con. Một số rất ít đi làm cả đời chủ yếu là những người không chồng con.
La Croix nhận định nguyên nhân một phần là vì "tâm lý coi thường vai trò của phụ nữ trong xã hội Nhật đã ăn sâu và chính sách gia đình của Nhật thì lại không tạo điều kiện để phụ nữ phát triển trong công việc. Hơn nữa, thái độ phân biệt giới tính đã làm thui chột các tài năng nữ trong xã hội".
Chuyên gia Muriel Jolivet cho biết thêm, ở Nhật khi phỏng vấn tuyển dụng lao động có những câu hỏi riêng tư mà người ta chỉ đặt ra cho nữ : "Bạn đã có bạn trai không ? Bạn sắp cưới chứ ? Bạn có muốn có con không, nếu có thì là bao nhiêu ?"
Anh Vũ
Tập đoàn Google của Mỹ hiện đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm đáp ứng những yêu cầu về kiểm duyệt của Bắc Kinh để có thể quay trở lại thị trường Trung Quốc, sau 8 năm bị gián đoạn. Một nhân viên của Google vừa thông báo tin trên với hãng tin AFP hôm nay, 02/08/2018.
Một nhân viên an ninh Trung Quốc đứng trước biểu hiệu Google tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 21/04/2016 Reuters
Do bị kiểm duyệt gắt gao và bị nhiều vụ tấn công tin tặc, vào năm 2010, Google đã rút công cụ tìm kiếm của họ ra khỏi Trung Quốc. Từ đó cho đến nay, nhiều dịch vụ của tập đoàn này vẫn bị chặn tại quốc gia hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nay để có thể quay trở lại thị trường béo bở này, Google đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm, có tên là "Dragonfly" (Chuồn Chuồn), được thiết kế đặc biệt để có thể sàng lọc những trang mạng và những từ khóa bị cấm ở Trung Quốc.
Theo nhân viên của Google, xin được giấu tên, mã nguồn của dự án này có thể được tham khảo và được thử nghiệm trên mạng tin học nội bộ của Google, xác nhận những thông tin của báo chí Mỹ. Nhưng Taj Meadows, phát ngôn viên của Google ở Châu Á, đã từ chối phủ nhận hay xác nhận sự tồn tại của dự án công cụ tìm kiếm Dragonfly.
The Intercept, trang mạng đầu tiên tiết lộ về dự án Dragonfly, cho biết công cụ tìm kiếm này là để sử dụng cho hệ điều hành Android trên các điện thoại thông minh smartphone. Theo trang mạng này, danh sách đen các từ bị cấm sẽ bao gồm các từ "nhân quyền", "dân chủ", "tôn giáo", "biểu tình". Công cụ tìm kiếm còn có khả năng phát hiện và ngăn chận những trang web bị chính quyền Bắc Kinh cấm truy cập.
Trung Quốc hiện có một hệ thống kiểm duyệt Internet rất chặt chẽ, chặn được các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter hay Google và Gmail, cũng như chặn nhiều cơ quan truyền thông của phương Tây. Các mạng của riêng Trung Quốc như Weibo hay WeChat thì phải tự kiểm duyệt những nội dung bị xem là nhạy cảm : chỉ trích chế độ, tôn giáo, tai tiếng về y tế,….
Trong bối cảnh như vậy, các tập đoàn công nghệ thông tin của nước ngoài luôn gặp tình thế khó xử : hoăc là nhân nhượng chính quyền Bắc Kinh, hoặc từ bỏ thị trường khổng lồ này.
Thông tin về dự án công cụ tìm kiếm mới của Google dĩ nhiên là khiến cho giới hoạt động nhân quyền rất thất vọng. AFP trích lời ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế : "Đấy sẽ là một ngày đen tối đối với quyền tự do Internet, nếu Google chấp nhận những quy định rất gắt gao về kiểm duyệt để có thể thâm nhập vào thị trường này, đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền". Rất lo ngại, Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Google không nên chấp nhận những nhân nhượng như vậy.
Thật ra thì Google chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Tuy đã rút đi công cụ tìm kiếm vào năm 2010, nhưng tập đoàn Mỹ vẫn còn 3 văn phòng và hơn 700 nhân viên ở Trung Quốc, đồng thời tiếp tục nhận các khoản thu từ quảng cáo ở nước này. Mùa đông vừa qua, Google đã thông báo sẽ mở một trung tâm nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo ở Bắc Kinh và sẽ hợp tác với tập đoàn Internet Tencent của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo AFP, việc thiết lập công cụ tìm kiếm đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc có thể gặp rắc rối, do thái độ bất bình của nhân viên Google. Gần đây, đã có hơn 4 ngàn nhân viên của tập đoàn này ký vào một kiến nghị yêu cầu Google không ký một hợp đồng khổng lồ với quân đội Mỹ, vì theo họ, sự hợp tác này là trái với những giá trị của tập đoàn.
Thanh Phương