Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngoại trưởng Mỹ công du Châu Á trong tháng 3 (RFI, 04/03/2017)

Theo báo chí Nhật Bản ngày 04/03/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự định sẽ công du ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng này để thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

hk1

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (P) đón tiếp đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, tại Washington, ngày 03/03/2017. Reuters

Đây sẽ là chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông Tillerson kể từ khi chính thức nhậm chức ngoại trưởng của chính quyền Donald Trump vào tháng 02/2017.

Theo nhật báo Nikkei, ngoại trưởng Mỹ dự trù là đầu tiên sẽ thăm Nhật Bản trong hai ngày 17 và 18/03, để hội đàm với đồng nhiệm Fumio Kishida và thủ tướng Shinzo Abe. Còn theo hãng tin Kyodo, sau đó, trong chặng Bắc Kinh, ông Tillerson sẽ gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và có thể hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình. Theo các nhà ngoại giao Mỹ, hai bên dự kiến sẽ thu xếp một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump, có thể là vào đầu tháng Tư.

Tuy còn bất đồng trên vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ có chung mối quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh chủ trương thương lượng với Bình Nhưỡng hơn là ban hành các biện pháp trừng phạt mới, vì sợ điều này sẽ làm mất ổn định chế độ Kim Jong-un.

Tại Seoul, chặng cuối của chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông, theo Kyodo, ngoại trưởng Tillerson dự kiến sẽ thảo luận với đồng nhiệm Hàn Quốc về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng như về vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un.

Thanh Phương

************************

Đô đốc Mỹ : "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông" (RFI, 04/03/2017)

hk2

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017. REUTERS/Mike Blake

Ngày 03/03/2017, một đô đốc của Mỹ tuyên bố là hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

Thiếu tướng hải quân James Kilby đã tuyên bố như trên với các phóng viên được mời lên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong một chuyến tuần tra ở Biển Đông.

Cụm tàu sân bây tấn công USS Carl Vinson đã bắt đầu đợt tuần tra "thường lệ" ở vùng biển này từ ngày 18/02 vừa qua. Hôm qua, các quan chức hải quân Mỹ cho biết là chiếc USS Carl Vinson đang tuần tra tại một nơi nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bãi cạn Scarborough ngoài khơi phía tây bắc của Philippines.

Đô đốc Kilby nói : "Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, chúng tôi sẽ hoạt động tại đây trong tương lai và sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của chúng tôi". Theo lời viên thiếu tướng hải quân Mỹ, Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục chứng tỏ rằng vùng biển quốc tế là vùng biển mà bất cứ ai cũng được quyền lưu thông, giao thương".

Theo hãng tin AP, tuyên bố của đô đốc Kilby được đưa ra sau khi có tin là Trung Quốc đang chuẩn bị đặt các hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông, vào lúc mà chưa ai rõ là chính quyền Donald Trump có sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện như hiện nay của Mỹ ở Châu Á hay không.

Thanh Phương

************************

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông (RFA, 03/03/2017)

hk3

Phó đô đốc James Kilby, chỉ huy trưởng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson. Ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy U.S. Navy

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông để bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực tranh chấp đó.

Phó đô đốc James Kilby, chỉ huy trưởng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson, phát biểu như vừa nêu vào ngày 3 tháng 3 ngay trên boong chiếc hàng không mẫu hạm này.

Theo lời phó đô đốc James Kilby thì Hoa Kỳ từng tuần tra tại khu vực này trong quá khứ, và sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuần tra ở Biển Đông trong tương lai. Điều này sẽ được tiếp tục đoan chắc với các đồng minh của Hoa Kỳ. Washington sẽ tiếp tục chứng tỏ vùng biển quốc tế là nơi mà bất cứ ai cũng có thể đi qua, cũng có thể tiến hành thông thương mậu dịch. Đó là thông điệp được gửi đến mọi người.

Tuyên bố của phó đô đốc James Kilby được đưa ra sau khi thông tin được loan đi về việc Trung Quốc sắp sửa hoàn tất xây dựng 20 công trình chứa tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.

Nhóm tàu tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson bắt đầu chuyến tuần tra thường lệ tại Biển Đông từ ngày 18 tháng 2. Theo các quan chức hải quân Hoa Kỳ thì đợt công tác được tiến hành trong vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và bãi cạn Scaborough ngoài khơi Philippines.

Lần trước đến vùng Tây Thái Bình Dương của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinsaon là vào năm 2015. Lúc đó nhóm tiến hành cuộc diễn tập với hải quân và không quân Malaysia.

******************

Mỹ sẽ "trả giá đắt" nếu liệt Bắc Triều Tiên vào danh sách yểm trợ khủng bố (RFI, 04/03/2017)

hk4

Công dân Bắc Triều Tiên Ri Jong-chol, bị tình nghi tham gia vụ ám sát Kim Jong-nam, đến sân bay Bắc Kinh, ngày 04/03/2017. REUTERS/Thomas Peter

Ngày 04/03/2017, chế độ của Kim Jong-un lên tiếng dọa Hoa Kỳ "sẽ phải trả giá đắt" nếu đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách hậu thuẫn khủng bố sau vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un. Trong khi đó, một trong số nghi phạm khẳng định là nạn nhân của một âm mưu của Malaysia nhằm xúc phạm Bắc Triều Tiên.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và Nhật Bản, trích nhiều nguồn tin ngoại giao, cho biết sau vụ ám sát trên, Hoa Kỳ đang cân nhắc đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách hậu thuẫn khủng bố, trong đó đã có Iran và Syria.

Hãng tin chính thức Bắc Triều Kiên KCNA khẳng định Hoa Kỳ sẽ ý thức rõ là họ phải "trả giá đắt" cho những lời cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Bắc Triều Tiên và nếu liệt quốc gia khép kín này vào danh sách đen của Mỹ. Vẫn theo KCNA, "Bình Nhưỡng phản đối mọi hình thức khủng bố" và cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách bêu xấu Bắc Triều Tiên.

Cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Malaysia cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam ngày 13/02 tại sân bay Kuala Lumpur. Tuy nhiên, Ri Jong-chol, một trong số người Bắc Triều Tiên bị tình nghi tham gia vụ ám sát và được thả do "thiếu chứng cứ", khẳng định là nạn nhân của một âm mưu của chính quyền Malaysia nhằm xúc phạm Bắc Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới ngày 04/03 tại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh, trạm dừng chân trước khi về nước, Ri Jong-chol cáo buộc chính quyền Malaysia đã gây áp lực để buộc người này thú nhận bằng cách làm giả bằng chứng, đe dọa gia đình ông.

Nghi phạm này khẳng định : "Tôi không có mặt ở sân bay và chẳng có lý do gì để đến đó. Tôi chỉ làm đúng công việc của mình". Ông tự nhận là một thương nhân chuyên thu mua các chất để sản xuất xà phòng.

Mối quan hệ giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên được duy trì từ nhiều thập niên bỗng trở nên căng thẳng từ sau vụ ám sát Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur.

Thu Hằng

Published in Châu Á