Kim Jong-un : 'Phải giáng đòn đáp trả lệnh trừng phạt' (BBC, 11/04/2019)
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cho biết nước của ông cần có "giáng một đòn đích đáng" với những kẻ trừng phạt bằng cách đảm bảo nền kinh tế của nước này tự chủ hơn, Thông tấn xã KCNA cho biết hôm 11/4.
Ông Kim thể hiện lập trường cứng rắn đối với Washington hơn so với gần đây
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên ông Kim tuyên bố quan điểm của Bắc Hàn về cuộc hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn lần hai vốn thất bại tại Hà Nội vào tháng 2/2019 và báo hiệu một sự tập trung vào phát triển kinh tế, chiến lược được công bố hồi tháng 4/2018.
Về sự kiện thượng đỉnh tháng 2/2019, ông Kim cho biết ông sẽ nhân đôi nỗ lực tạo ra một nền kinh tế quốc gia tự lực, "để giáng một đòn mạnh vào các thế lực thù địch, những người toan tính sai lầm rằng các biện pháp trừng phạt có thể đánh bại Bình Nhưỡng, theo KCNA.
Quan hệ Hoa Kỳ-Bắc Hàn dường như trở nên bấp bênh từ sau hội nghị thượng đỉnh ở tại Hà Nội.
Kim tiếp tục nhấn mạnh sự thúc đẩy kinh tế trong những tuần gần đây dù thiếu biện pháp hóa giải trừng phạt.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn công bố những hình ảnh và báo cáo về các chuyến thăm của ông Kim tại ít nhất bốn dự án kinh tế trong 5 ngày qua, gồm một cửa hàng, khu du lịch và trung tâm kinh tế gần biên giới với Trung Quốc.
Tại phiên họp toàn thể tương tự năm ngoái, ông Kim chính thức công bố "chiến lược mới" tập trung vào tiến bộ kinh tế và cải thiện đời sống người dân, thay vì mục tiêu phát triển kinh tế và hạt nhân trước đây.
Dù không nói rõ chi tiết về "thế lực thù địch", ông Kim thể hiện lập trường cứng rắn đối với Washington hơn so với gần đây, các nhà phân tích cho biết.
*******************
Bắc Hàn bàn cải cách đất nước trong 'tình hình căng thẳng' (BBC, 10/04/2019)
Ủy ban Trung ương đảng Lao động Bắc Hàn họp phiên toàn thể để bàn cách cải tiến đất nước trong 'tình hình căng thẳng' hiện tại, theo Reuters.
Chủ tịch Kim Jong-un trong buổi gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội - Ảnh minh họa
Phiên họp toàn thể diễn ra vào thứ Tư 10/4, một ngày sau khi lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp của Bộ chính trị để thảo luận đường hướng nhằm đạt được những tiến bộ trong tình hình căng thẳng hiện nay, theo Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA.
Phiên họp toàn thể, vốn thường xuyên được tổ chức, diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai vào tháng Hai tại Hà Nội, nơi hai nhà lãnh đạo không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc Bắc Hàn ngừng chương trình vũ khí hạt nhân hay Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Giới chức thuộc đảng Lao động cầm quyền Bắc Hàn sẽ thảo luận và quyết định định hướng và cách thức đấu tranh mới phù hợp với nhu cầu của đất nước trong tình hình hiện tại, KCNA cho biết hôm thứ Tư 10/4.
Trong một cuộc họp với Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm thứ Ba, ông Kim nói với các quan chức rằng họ cần phải làm việc có trách nhiệm hơn để thực hiện chiến lược của ông trước áp lực quốc tế.
Nhà lãnh đạo tối cao kêu gọi các quan chức thể hiện đầy đủ ý thức trách nhiệm và sáng tạo cao, cùng tinh thần cách mạng tự lực, kiên trì, kèm một thái độ phù hợp với các bậc thầy cách mạng và xây dựng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, và do đó thông qua đường lối chiến lược mới của đảng, KCNA cho biết.
Tại phiên họp toàn thể năm ngoái, ông Kim chính thức công bố một chiến lược mới, tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân Bắc Hàn, thay vì cách tiếp cận hai mục tiêu như trước đây là phát triển vũ khí hạt nhân và kinh tế.
Mặc dù thất bại trong việc dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, ông Kim vẫn tiếp tục nhấn mạnh những nỗ lực kinh tế của Bắc Hàn trong những tuần gần đây.
Trong tuần qua, truyền thông Bắc Hàn đã công bố những hình ảnh và báo cáo về chuyến thăm trong 5 ngày của ông Kim tới ít nhất bốn dự án kinh tế, bao gồm một cửa hàng bách hóa, khu du lịch và một trung tâm kinh tế gần biên giới với Trung Quốc.
Quốc hội Bắc Hàn dự kiến sẽ họp vào thứ Năm 11/4.
Phiên họp toàn thể của đảng cầm quyền Bắc Hàn diễn ra vào thứ Tư 10/4, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bay tới Washington để gặp ông Trump và cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
"Trong một tình huống khó khăn để đi một con đường hoàn toàn mới, Bắc Hàn nhấn mạnh sự tự lực để cho Hoa Kỳ thấy rằng họ có thể đi theo con đường của riêng mình", ông Lil Beom-chul, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul nói.
"Bắc Hàn đang nhắm mục tiêu đến Hoa Kỳ, gửi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ không lùi bước, vì vậy Hoa Kỳ phải thay đổi lập trường của mình".
**********************
Bắc Triều Tiên họp hội nghị trung ương Đảng do "tình hình căng thẳng" (RFI, 10/04/2019)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay 10/04/2019 triệu tập phiên họp toàn thể các ủy viên trung ương Đảng để thảo luận về "tình hình căng thẳng hiện nay".
Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng. (Ảnh do KCNA công bố ngày 09/04/2019) KCNA via Reuters
Hội nghị trung ương đảng Lao Động Triều Tiên được tổ chức sau thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai vào cuối tháng Hai tại Hà Nội, vào thời điểm tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Washington gặp tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên theo hãng tin Nhà nước KCNA thì hội nghị chỉ tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế.
Hôm qua khi gặp gỡ các cán bộ Đảng, ông Kim đã ra lệnh cho họ phải chứng tỏ "thái độ xứng đáng của người làm cách mạng và xây dựng đất nước trong tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời tuân thủ chiến lược mới của Đảng". Được biết tháng Tư năm ngoái, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã xác định chiến lược này là "xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa", và nói thêm việc phát triển chương trình nguyên tử đã hoàn tất.
Cũng theo KCNA, ông Kim Jong-un đã tiến hành "phân tích sâu sắc tình hình trong khi chờ đợi có giải pháp khẩn cấp trong Đảng và Nhà nước". Hội nghị trung ương Đảng hôm nay "sẽ quyết định những đường hướng mới và phương thức đấu tranh phù hợp với tình hình cách mạng hiện nay". Về phía Quốc Hội Bắc Triều Tiên sẽ họp lại ngày mai.
Theo nhà phân tích Cheong Seong Chang của Viện Sejong, hội nghị trung ương lần này sẽ quyết định những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo đảng. Đặc biệt là về ông Kim Yong Chol, đặc sứ Bắc Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Washington, bị quy trách nhiệm về thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội. Nếu ông Kim Yong Chol bị thay thế bằng một nhân vật mềm dẻo hơn, sẽ tạo điều kiện cho thương thuyết phi hạt nhân hóa, còn ngược lại sẽ không dễ dàng.
Sau cuộc gặp Trump-Kim lần hai, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên vẫn tăng cường hoạt động tại địa điểm thử hỏa tiễn Sohae.
Bình Nhưỡng tránh chỉ trích cá nhân tổng thống Mỹ, tuy vẫn tố cáo cấm vận là "hành động chống nhân loại". Trong khi ông Donald Trump gọi Kim Jong-un là "người bạn", thì hôm qua 9/4 ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố lãnh đạo Bắc Triều Tiên là "bạo chúa".
Trung-Triều mở thêm xa lộ xuyên biên giới
AFP hôm nay 10/04/2019 cho biết thành phố Cát An (Ji’an) thuộc tỉnh Giang Tây đã khánh thành một xa lộ nối với Bắc Triều Tiên trị giá 280 triệu nhân dân tệ (42 triệu đô la), có thiết bị dò phóng xạ, mỗi năm có thể vận chuyển nửa triệu tấn hàng hóa và 200.000 người qua biên giới. Đây là cửa ngõ biên giới thứ tư giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên AFP nhắc lại trong tình hình bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, xa lộ bốn làn xe trị giá 350 triệu đô la nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với Sinuiju của Bắc Triều Tiên đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Thụy My
****************
Hồng Kông sửa đổi luật, cho phép dẫn độ sang Trung Quốc (RFI, 10/04/2019)
Chính quyền Hồng Kông vừa đưa ra một dự luật, theo đó trưởng đặc khu có quyền ra lệnh cho dẫn độ các nghi phạm bị Trung Quốc, Macao, Đài Loan truy lùng, cũng như các quốc gia khác hiện chưa có hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Tuần trước hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường để phản đối.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối chính quyền sửa đổi luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 31/03/2019 Reuters/Tyrone Siu
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :
"Đối với chính quyền Hồng Kông, đây là việc lấp một lỗ hổng pháp luật, bởi vì quy định dẫn độ hiện nay không áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Macao. Nhưng ngược lại, những người phản đối việc sửa đổi giải thích, lỗ hổng pháp luật này là cố ý, đã được tính toán vì nhiều lý do, đặc biệt là do không bảo đảm có được một phiên tòa công bằng tại Trung Quốc.
Bà Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), luật sư nổi tiếng và là cựu dân biểu cho rằng dự luật này là nguy hiểm. Bà nói : Như quý vị đã biết, hệ thống pháp luật Hồng Kông rất khác biệt so với Trung Quốc. Chúng tôi rất tin tưởng vào pháp luật Hồng Kông nhưng không tin chút nào về hệ thống ở Hoa lục. Mọi người được an toàn tại Hồng Kông vì không có nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc. Nay bỗng nhiên chính quyền Hồng Kông muốn thay đổi luật, hủy bỏ sự an toàn này, theo đó bất kỳ ai - chứ không chỉ công dân Hồng Kông - đều có thể bị dẫn độ. Điều này sẽ làm thay đổi tất cả.
Để trấn an giới kinh doanh, chính quyền đã bỏ khỏi văn bản một số tội danh như trốn thuế. Những nghi can liên quan đến các tội danh về chính trị và tín ngưỡng cũng sẽ không bị dẫn độ. Một chủ nhà xuất bản bị mất tích năm 2015, bị giam giữ tại Hoa lục trong 8 tháng cho biết nếu dự luật này được thông qua, ông sẽ phải rời khỏi Hồng Kông".
Thụy My
*****************
Hồng Kông : 9 nhà hoạt động dân chủ bị kết tội gây rối (RFI, 09/04/2019)
Một tòa án Hồng Kông ngày 09/04/2019 đã xác định rằng 9 nhân vật kỳ cựu của phong trào dân chủ "Chiếm lĩnh Trung Hoàn" năm 2014 đã phạm tội "gây rối nơi công cộng" khi đứng lên lãnh đạo các cuộc biểu tình rầm rộ vào lúc bấy giờ. Với tội danh này, các nhà hoạt động dân chủ nói trên có thể bị kết án tù.
Ba sáng lập viên phong trào Occupy Central Hồng Kông, ảnh từ trái sang phải : Chu Diệu Minh, Trần Kiện Dân và Đới Diệu Bình. Ảnh ngày 09/04/2019. Reuters/Tyrone Siu
Phiên tòa xét xử được xem là một tiếng chuông cảnh báo về việc quyền tự do ở Hồng Kông ngày càng bị Trung Quốc siết chặt.
Trong số các gương mặt kỳ cựu này, có ba người đã bị xét là đã phạm vào ít nhất 9 tội danh do tham gia phong trào còn gọi là "cách mạng dù" vào mùa thu 2014, đòi cải cách chính trị và bầu cử ở Hồng Kông.
Đó là các ông Trần Kiện Dân (Chan Kin Man), 60 tuổi, giáo sư xã hội học, Đới Diệu Đình (Benny Tai), 54 tuổi, giáo sư luật và Chi Diệu Minh (Chu Yiu Minh), 75 tuổi, mục sư. Họ đã sáng lập phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn - Occupy Central vào năm 2013.
Theo tòa án, các bị cáo đã phạm tội âm mưu phá hoại trật tự công cộng, hai ông Đới và Trần còn bị khép vào tội xúi giục phá rối trật tự an ninh. Mỗi người có thể bị đến 7 năm tù, nhưng trước mắt chưa biết lúc nào tòa sẽ tuyên án.
Mục tiêu của phong trào Occupy Central năm 2014 là phong tỏa khu tài chính Hồng Kông để đòi quyền được chọn lãnh đạo Hồng Kông qua thể thức phổ thông đầu phiếu chứ không do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định như cho đến nay.
Phong trào đã bùng lên với sự tham gia nhiệt tình của thanh niên sinh viên, những cuộc biểu tình ngày càng rầm rộ hơn vào mùa thu 2014. Cảnh sát đã can thiệp, bắn lựu đạn cay để giải tán, người biểu tình bật ô lên để che chắn. Trong suốt hai tháng một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đã bị tê liệt.
Từ sau cuộc đấu tranh này đến nay nhiều thanh niên đi đầu trong phong trào đã bị truy tố, một số bị giam, một số bị cấm hoạt động chính trị, ứng cử vào các hội đồng đại biểu…
Trong phán quyết của mình, thẩm phán Trần Trọng Hành (Johnny Chan) cho rằng những cuộc biểu tình rầm rộ năm 2014 không nằm trong phạm vi quyền tự do ngôn luận của Hồng Kông, vì đã vi phạm quyền tự do của người khác, gây nên thiệt hại quá lớn để được luật về quyền tự do ngôn luận bảo vệ.
Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đi đầu là Amnesty International và Human Rights Watch, vụ xét xử mang tính chính trị và có nguy cơ là sẽ có thêm nhiều người bị truy tố vì đấu tranh ôn hòa. Giới bảo vệ nhân quyền cho rằng chính quyền Hồng Kông muốn bóp nghẹt tất cả tranh luận trên những chủ đề nhạy cảm như dân chủ, quyền tự trị ở Hồng Kông.
Mai Vân